Sotrans: Mảnh ghép còn thiếu của Indo Trần?

 

Ngay khi Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, HOSE: GEX) vừa rút vốn khỏi mảng logistics, CTCP Giao nhận và vận chuyển Indo Trần (ITL) - cổ đông lớn thứ 2 của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans, HOSE: STG) đã nhảy vào thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp này.

STG tiền thân là Công ty Kho vận Cấp 1 được thành lập ngày 14/10/1975 với hệ thống kho và vận chuyển chủ lực của ngành thương mại. Từ năm 2007, STG đã chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần. Trải qua 6 đợt tăng vốn, vốn điều lệ của STG đã gấp 19 lần so với số vốn ban đầu, tăng từ 51 tỷ đồng (năm 2007) lên 983 tỷ đồng (năm 2019).

Lĩnh vực hoạt động chính của STG là vận tải hàng hóa đường thủy nội địa, kinh doanh kho bãi, khai thác cảng, nhà xưởng, văn phòng làm việc, xếp dỡ, giao nhận hàng hóa, dịch vụ đại lý vận tải và dịch vụ logistics. STG có hệ thống đại lý tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Kinh doanh kho hiện là thế mạnh của STG với hệ thống kho ngoại quan và kho chứa hàng đa chức năng. Hệ thống kho của STG hiện có hơn 230,000 m2 với vị trí thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ lẫn đường sông. Ngoài ra, STG còn được các tập đoàn đa quốc gia như Cargil, Holcim, Uni-President, PepsiCo, Samsung, P&G, Colgate-Palmolive, FrieslandCampina, Texhong... lựa chọn là nhà cung ứng dịch vụ giao nhận tại thị trường Việt Nam.

 

Kết quả kinh doanh của STG nhìn chung tương đối ổn định và đa phần tăng trưởng đều qua các năm. Giai đoạn từ năm 2010 - 2015, lãi ròng của STG dường như chỉ dao động trong khoảng từ 24 - 34 tỷ đồng. Đến năm 2016, lãi ròng tăng vọt lên 86 tỷ đồng và năm 2017 ghi nhận mức lãi ròng kỷ lục 388 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lãi ròng kỷ lục năm 2017 là nhờ doanh thu hoạt động tài chính gấp 19 lần, đạt gần 590 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi thanh lý các khoản đầu tư và lãi đầu tư chứng khoán (năm 2016 không ghi nhận 2 khoản mục này).

Đến 2 năm 2018 và 2019, hiệu quả kinh doanh của STG sụt giảm mạnh mặc dù doanh thu vẫn tiếp tục gia tăng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, STG báo lỗ ròng gần 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 68 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty mẹ ghi nhận khoản lỗ từ thanh lý khoản đầu tư vào Công ty liên kết MHC với số tiền 56 tỷ đồng và các Công ty con ghi nhận khoản lỗ hơn 19 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của STG ghi nhận hơn 2,447 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với đầu năm. Nợ phải trả của STG cũng tăng mạnh 39%, lên mức 759 tỷ đồng. Trong đó, STG đang vay 139.7 tỷ đồng từ CTCP Dịch vụ và đầu tư Trustlink và phải trả Soreco 40 tỷ đồng tiền nhận tạm ứng hỗ trợ di dời.

Trong năm 2020, STG đề ra chỉ tiêu lãi trước và sau thuế tăng 28% so với kết quả năm trước, lần lượt ghi nhận 106 tỷ đồng và 88 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất năm 2020 của STG cũng dự kiến đạt gần 391 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019.

Từ ngày 21/07 - 19/08/2020, Công ty TNHH MTV Gelex Logistics đã chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu STG cho ITL qua Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Như vậy, sau khi nhận chuyển quyền sở hữu, ITL chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại STG lên 97%, tương đương hơn 95 triệu cp.

Còn nhớ trước đây, GEX và ITL từng là đối thủ của nhau trong việc cạnh tranh nâng tỷ lệ sở hữu tại STG.

ITL trở thành cổ đông lớn của STG từ tháng 9 - 10/2015 với tỷ lệ 14% và tăng lên 20% vào tháng 10/2016. Về phía GEX, ngày 21/04/2016, Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cũng chính thức trở thành Chủ tịch của STG. Liền sau đó, tháng 12/2016 GEX chính thức bước chân vào danh sách cổ đông lớn của STG với tỷ lệ sở hữu 25%. Đến đầu tháng 3/2017, GEX tiếp tục gom thành công 22 triệu cp STG, nâng tỷ lệ lên 51%. Ngày 12/04/2019, ông Nguyễn Văn Tuấn đã nhường lại chức danh Chủ tịch cho ông Trần Tuấn Anh - hiện đang là Chủ tịch ITL.

Sau nhiều lần tranh đua, GEX và ITL đã lần lượt tăng tỷ lệ sở hữu tại STG lên 55% thông qua Gelex Logistics (12/2017) và 42% (01/2019).

Từng tranh giành thị phần ở STG, thế nhưng GEX đã quyết định “dứt tình” với STG và chuyển nhượng toàn bộ vốn lại cho đối thủ trước đó của mình là ITL. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2020 của GEX, Ban lãnh đạo Công ty đã trả lời: “GEX thoái logistics theo chiến lược là thoái vốn mảng vận hành logistics và vẫn giữ lại sở hữu một số bất động sản theo tỷ lệ hiện tại. Như vậy, việc thoái vốn này là có lợi nhuận, và giá thoái cao hơn giá đã đầu tư, kế hoạch 2020 đã tính ước lợi nhuận này”.

 

Thương vụ sang tay từ GEX cho ITL hoàn tất cũng đồng nghĩa với việc ITL sẽ nắm giữ toàn bộ các khoản đầu tư vào Công ty con và Công ty liên kết của STG. Tính đến ngày 30/06/2020, STG đang đầu tư vào 8 Công ty con và 7 Công ty liên doanh, liên kết.

Được biết, Tập đoàn ITL đã xây dựng nền móng cho việc nâng sở hữu tại STG từ tháng 09/2015 và đã theo đuổi mục tiêu này trong suốt 5 năm qua.

ITL được thành lập vào năm 1999 nhằm cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp về vận chuyển, phân phối hàng hóa bằng đường biển, hàng không và đường bộ cũng như cung cấp các dịch vụ giao nhận kho bãi logistics.

Hiện ITL hoạt động như là đại diện các hãng hàng không và tổng đại lý hàng hóa cho hơn 22 hãng hàng không, khai thác hàng hóa hơn 200 chuyến bay mỗi tuần với năng suất khoảng 150,000 tấn hàng mỗi năm.

ITL  là một trong những công ty cung cấp các dịch vụ và giải pháp logistics trong khu vực Đông Nam Á với mạng lưới hơn 70 văn phòng tại Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Lào.

Tại Việt Nam, ITL sở hữu hơn 100,000 m2 diện tích kho bãi trải dài từ Bắc vô Nam với đội xe gồm 180 đầu kéo container và 250 rơ mooc được tập trung tại 3 trạm trung chuyển chính ở Bắc Trung Nam.

ITL hiện đang sở hữu các công ty con bao gồm Viet Air Consol, ITL Transport Agency, ITL Global Forwarding, Indochina Services, Worldwide Agency, ITL Railways Logistics, Viet Trans Link Forwarding, Logistics Techub Co. Ltd và Speedlink.

 

Tính đến ngày 31/03/2020, CTCP Đầu tư Sea đang là cổ đông lớn nhất của ITL với tỷ lệ sở hữu là 37%. Cơ cấu cổ đông nước ngoài của ITL bao gồm: Symphony Logistics Pte Ltd (25.12%), Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV LDC (12.07%), Veera Satchatipp Avarn (4.65%) và ông Zulkifli Bin Baharudin (5.58%).

Về kết quả kinh doanh 2019, doanh thu thuần của ITL đạt 3,720 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 210 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và  14% so với năm trước. Trong đó, riêng doanh thu đến từ mảng hàng không chiếm hơn 60% tổng doanh thu của ITL, ghi nhận 2,263 tỷ đồng.

 

Là doanh nghiệp nằm trong top đầu của ngành logistics, thế nhưng giá cổ phiếu STG không có nhiều biến động do cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường quá ít.

Kể từ khi niêm yết (02/03/2010) đến năm 2016, giá cổ phiếu STG dường như đi ngang. Từ khi có sự xuất hiện của các cuộc chạy đua nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại STG đã giúp cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng dựng đứng, tạo đỉnh tại mức 31,822 đồng/cp (ngày 19/05/2017).

Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Sotrans sẽ không còn đủ điều kiện niêm yết trên HOSE bởi 2 cổ đông lớn là GEX và Indo Trần đang chiếm tới 95% vốn góp, tương lai công ty sẽ chuyển sang giao dịch trên UPCoM và cũng không tiếp tục là công ty đại chúng. Công ty sẽ hoạt động chủ yếu để mang lợi ích cho 2 cổ đông lớn nêu trên”.

Thế nhưng, hiện tại chỉ còn mỗi cổ đông lớn nhất là ITL (nắm giữ 95% vốn), nên nếu ITL hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu tại STG lên 100% thì cổ phiếu này buộc phải rời khỏi sàn HOSE do không đủ điều kiện niêm yết. Trước đó, ITL đã nhiều lần muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại STG lên 100% nhưng bất thành do số cổ phiếu của các cổ đông nhỏ lẻ giao dịch số lượng quá ít nên chưa thực hiện mua hết được.

Trên thị trường, giá cổ phiếu STG hiện đang giao dịch quanh mức 14,800 đồng/cp (chốt phiên 23/09/2020), giảm nhẹ qua 1 tháng trở lại đây với khối lượng giao dịch bình quân hơn 17,000 cp/phiên.

Tiên Tiên

FILI

Tin cùng chuyên mục