Nội tình giữa HAG và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế

Nội tình giữa HAG và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế

Trong thời gian tới sẽ không còn tổ chức xếp hạng tín nhiệm nào đưa ra đánh giá đối với HAG. Với hoạt động kinh doanh vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam cùng mong muốn vươn xa trên thị trường vốn quốc tế, liệu HAG có để lại “vết đen” trong việc huy động vốn từ nước ngoài trong tương lai? 

* HAG: Đến lượt Fitch rút sạch xếp hạng tín nhiệm

* Vì sao Hoàng Anh Gia Lai yêu cầu S&P rút lại tất cả các mức xếp hạng với Tập đoàn?

* S&P giữ nguyên xếp hạng và triển vọng tín nhiệm HAG trong lần đánh giá cuối cùng

* Thăng trầm xếp hạng tín nhiệm quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 23/10, Fitch đã công bố rút lại toàn bộ các mức xếp hạng tín nhiệm của HAG với lý do không có đủ thông tin. Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh cùng ông Võ Trường Sơn – Phó Tổng giám đốc CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG). Ông Sơn cho biết, do Tập đoàn không có nhu cầu nên đã không cung cấp thêm thông tin cho Fitch, đồng thời yêu cầu Fitch rút lại hết các kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với Hoàng Anh Gia Lai.

Ông Sơn cho rằng, tình hình kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang gặp nhiều khó khăn, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để huy động vốn trên thị trường. Vì vậy, Tập đoàn tạm thời chưa có kế hoạch huy động vốn trên thị trường quốc tế. Và Hoàng Anh Gia Lai đã yêu cầu hai tổ chức S&P và Fitch rút lại toàn bộ kết quả xếp hạng tín nhiệm.

Ngoài ra, ông Sơn cũng chia sẻ thêm, tùy theo diễn biến chung của thị trường, nếu tình hình kinh tế tốt hơn và điều hiện thu hút vốn có thể hấp dẫn nhà đầu tư hơn thì HAG sẽ xem xét lại việc huy động vốn trên thị trường quốc tế. Khi đó, đối với việc xếp hạng tín nhiệm, HAG có thể vẫn mời S&P, Fitch hoặc bất cứ tổ chức nào khác.

Được biết, trước đó, HAG cũng yêu cầu S&P rút lại tất cả các mức xếp hạng với Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể, trong lần cuối cùng xếp hạng về HAG vào ngày 01/10, S&P giữ nguyên xếp hạng và triển vọng tín nhiệm HAG ở mức “B-” với triển vọng “tiêu cực” và duy trì xếp hạng đối với số trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao đáo hạn năm 2016 ở mức “B-”. Với kết quả trên, HAG cho rằng cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề của các tổ chức đánh giá tín nhiệm thường mang tính chất quá thận trọng. “HAG và các nhà đầu tư cần một báo cáo đánh giá tín nhiệm phản ánh hợp lý hơn và sâu sát hơn nữa các hoạt động kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn. Một báo cáo quá chung chung thì không mang lại giá trị”. Do đó, Tập đoàn đã yêu cầu S&P rút lại tất cả các mức xếp hạng với Hoàng Anh Gia Lai.

Như vậy, trong thời gian tới sẽ không còn tổ chức xếp hạng tín nhiệm nào đưa ra đánh giá đối với HAG. Hành động này của HAG được xem là một hiện tượng “rất mới” và để lại những lo lắng trong giới đầu tư. Với hoạt động kinh doanh vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam cùng mong muốn vươn xa trên thị trường vốn quốc tế, liệu HAG có để lại “vết đen” trong việc huy động vốn từ nước ngoài trong tương lai?

Minh Hằng (Vietstock)

FFN