360o CTCK: Margin và ác mộng giải chấp cổ phiếu

360o CTCK: Margin và ác mộng giải chấp cổ phiếu

Giải chấp - đó là nỗi ác mộng của người cầm cổ và mục tiêu chờ đợi của người cầm tiền (nếu họ đủ can đảm).

Giải chấp thật ra đã xảy ra từ năm 2007 khi các mã cổ phiếu được repo chạm ngưỡng xử lý và giải chấp cũng góp phần đưa thị trường chứng khoán (TTCK) từ thiên đường 1,170 về địa ngục 235.

Nhưng ác mộng giải chấp thật sự xuất hiện vào cuối 2009 trở đi khi việc áp dụng margin bùng nổ. Margin có thể giúp cho TTCK tăng rất nhanh cả về giá và thanh khoản, nhưng ở chiều ngược lại, margin cũng khiến cho TTCK giảm nhanh về giá và thanh khoản. Kể từ khi mọi người biết đến con số hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng được sử dụng cho margin thì bất cứ lúc nào thị trường giảm mối lo giải chấp lại chực chờ.

Tại sao việc giải chấp margin khiến cho nhà đầu tư (NĐT) lo sợ:

1. Margin hiện nay là đa phần margin trên toàn tài khoản, nên khi tổng tài khoản giảm về tỷ lệ xử lý thì bất kỳ một mã cổ phiếu nào cũng có thể bị yêu cầu bán ra để bảo đảm tài khoản và margin;

2. Nhiều khách sử dụng margin chéo, tức là lấy tài khoản này bảo lãnh cho tài khoản khác, lấy các khoản đầu tư dài hạn để bảo lãnh cho các khoản lướt sóng ngắn hạn. Và khi bị giải chấp thì đôi khi các mã cổ phiếu mạnh lại là đối tượng bị bán ra;

3. Vì cạnh tranh, các CTCK áp dụng ưu đãi cao đều như nhau, tỷ lệ margin lớn nên khi một CTCK tiến hành giải chấp sẽ dễ dàng tạo hiệu ứng tuyết lở kéo theo các CTCK khác.

Thế cho nên, đôi lúc chỉ cần một tín hiệu nhỏ như một hàng nóng gãy trend, một tin xấu vĩ mô đưa ra khiến cho một nhóm NĐT chạy, một số cổ phiếu có tỷ lệ margin cao bất thình lình giảm mạnh 1, 2 phiên về tỷ lệ cảnh báo. Thế là toàn thị trường lên cơn co giật.

Lúc đầu chỉ vì tôi sợ margin nên tôi chạy trước một phần, nhưng việc tôi chạy trước một phần lại làm giá cổ phiếu của bạn tôi giảm về tỷ lệ xử lý nên cổ phiếu của bạn tôi bị giải chấp, và cứ thế hiệu ứng đó lan rộng một cách nhanh chóng trên thị trường. Ác mộng giải chấp, tức là bán cổ phiếu bất kể giá nào nhằm thu hồi vốn, bắt đầu với năm bảy phiên cổ phiếu sàn liên tục bất kể tốt xấu.

Có thể hình dung việc sử dụng margin giống như xây lâu đài bằng quân cờ domino, xây rất nhanh, nhìn rất đẹp nhưng không ở được, và nếu có ai đó bị cảm, hắt xì hơi một nhát là toàn bộ sụp đổ ầm ầm.

--------------------------------------------------

Đọc thêm:

* Nhân sự và quy trình

* Tự doanh – Từ dễ như ăn kẹo đến mắc nạn

* Tự doanh - Con đường từ lướt sóng đến làm giá!

* Lâm nạn tập 2 và thoái trào của tự doanh chứng khoán

* Nghề môi giới chứng khoán

* Môi giới, đội lái và công nghệ làm hàng

* Khi tài khoản khách hàng trong tay môi giới

* Ma lực margin

* Margin - Rủi ro hàng nóng và hàng nguội

* Margin và kẹp tài khoản (Đón đọc lúc 20h ngày 04/06)

Nguyên Quân

(Nick Nguyên Quân đã có chuỗi bài viết về nhiều khía cạnh trong hoạt động của công ty chứng khoán, đăng trên Diễn đàn Vietstock từ quý 3/2011. Chuỗi bài viết hay và đầy ý nghĩa được dẫn lại trên Vietstock Blog với sự đồng ý của tác giả)

Infonet