Hàng loạt giao dịch thoái vốn, chuyện gì đang xảy ra tại FDC?

Hàng loạt giao dịch thoái vốn, chuyện gì đang xảy ra tại FDC?

Kết quả kinh doanh có dấu hiệu đi xuống và sống nhờ lãi gửi ngân hàng, vốn huy động và dự án đầu tư nằm im nhiều năm, tiền từ bán “nồi cơm” Fideco Tower đang vơi dần, hàng loạt cổ đông nội bộ bán và đăng ký bán cổ phiếu, chuyện gì đang xảy ra tại FDC kể từ sau lần đổi chủ thứ hai từ đầu năm 2013?

* FDC: Quyền cổ đông lớn!

* Fideco: Hoàn tất quá trình chuyển giao thế hệ

* FDC: Quá trình “thay máu” đã hoàn tất?

* FDC: Cổ tức “khủng” – Được hay mất?

Khoảng hai tuần nay, tin tức về CTCP Ngoại thương & PT ĐT Tp.HCM (HOSE: FDC) xuất hiện nhiều, nhưng phần lớn đều là tin giao dịch thoái và đăng ký thoái vốn của thành viên HĐQT và cổ đông lớn.

Đáng chú ý là cổ đông lớn xuất hiện từ đợt thay Chủ tịch HĐQT lần thứ hai (đầu năm 2013) của FDC là CTCP Sao Phương Nam – đơn vị có liên quan với Thành viên HĐQT Nguyễn Thế Hưng công bố đã thoái hết 15.43% vốn từ đầu tháng 06/2015. Bản thân ông Hưng cũng đăng ký bán hết 185,000 cp (0.67% vốn) trong tháng 06/2015.

Bên cạnh đó, thêm một Thành viên HĐQT khác của FDC là ông Nguyễn Quốc Việt cũng đăng ký bán hết 92,134 cp (0.33%) trong cùng khoảng thời gian. Cả ông Hưng và ông Việt cũng tham gia vào HĐQT FDC từ năm 2013.

* ĐHĐCĐ FDC: “Nồi cơm” Fideco Tower!

Trước đó, cổ đông lớn khác là CTCP Dịch vụ Tài chính Đầu tư Long Thành (đại diện góp vốn là ông Phạm Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT) đã bán thỏa thuận 500,000 cp FDC vào giữa tháng 05/2015, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 11.38%.

Cơ cấu cổ đông lớn của FDC tính đến cuối năm 2014
CTCP Dịch vụ Tài chính Đầu tư Long Thành, Công ty TNHH Doanh Bảo An và ông Phạm Văn Hùng trở thành cổ đông lớn từ năm 2011, CTCP Sao Phương Nam là cổ đông lớn từ năm 2013.

Năm 2013 cũng là năm tạo điểm nhấn cho FDC về kết quả kinh doanh, lợi nhuận tăng vọt từ 30 tỷ (năm 2012) lên 242 tỷ đồng chủ yếu nhờ khoản doanh thu tài chính hơn 420 tỷ đồng (bán tòa nhà Fideco Tower).

Với nguồn tiền mặt lớn, FDC đã chọn cách chia lại cho cổ đông thông qua việc mạnh tay trả cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2013 và 48% cho năm 2014. Riêng với cổ tức năm 2014, FDC đã tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 36% vào tháng 11/2014. Theo đó, dòng tiền thực chi trả cổ tức của FDC trong năm 2014 là gần 168 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty đã giảm từ 216 tỷ (cuối năm 2014) xuống còn 67 tỷ đồng cuối quý 1/2015.

Sau khi bán tài sản chính và “chia chác”, lợi nhuận năm 2014 ghi nhận chưa đến 16 tỷ, thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi phần lớn lợi nhuận mang lại cho FDC trước đây là từ tòa nhà Fideco Tower với tỷ trọng khoảng 80% doanh thu cho thuê văn phòng.

Cũng phải lưu ý rằng, trong 37 tỷ đồng doanh thu năm 2014, lãi từ tiền gửi ngân hàng chiếm đến hơn 31 tỷ đồng.

Tỷ trọng doanh thu cho thuê văn phòng và đóng góp của Fideco Tower
ĐVT: tỷ đồng

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014, trả lời cổ đông về việc bán Fideco Tower, ông Trần Bảo Toàn - Tổng Giám đốc cho biết sẽ thu về nguồn tiền lớn và dự định sử dụng để đầu tư tài chính và các thương vụ M&A.  Tuy nhiên, lợi nhuận các quý gần đây chỉ ngày teo tóp, quý 4/2014 chỉ ghi nhận được 187 triệu đồng và quý 1/2015 là 581 triệu đồng. Trong khi thông tin về những thương vụ M&A mới không thấy đâu.

* ĐHĐCĐ 2014: Bán Fideco Tower, FDC trả cổ tức 30% bằng tiền

Kết quả kinh doanh qua các năm của FDC
ĐVT: triệu đồng
Bảng lưu chuyển tiền tệ qua các năm của FDC
ĐVT: triệu đồng

Các dự án đầu tư của FDC chưa có nhiều biến chuyển trong thời gian qua, khoản mục hàng tồn kho của công ty từ cuối năm 2012 đến quý 1/2015 vẫn nằm quanh ngưỡng 150 tỷ đồng. Khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn cuối năm 2014 tăng từ 103 tỷ lên 423 tỷ đồng nhưng chủ yếu lại là tiền gửi có kỳ hạn.

Thậm chí tiền huy động từ đợt phát hành giữa tháng 09/2013 với số vốn tăng thêm 122 tỷ đồng cho mục đích thực hiện dự án Khu đô thị Thương mại Dich vụ và Dân cư Đông Bình Dương và đầu tư khai thác mỏ cát và mỏ đá Dự án Khu công nghiệp Tân Đức sau đó đã được điều chỉnh dùng để đầu tư vào Dự án xây mới tòa nhà văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM.

Qua gần 1 năm, dự án xây mới tòa nhà này cũng chưa có nhiều biến chuyển, FDC sẽ trình cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 sắp tới tiếp tục chuẩn bị các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế và nộp hồ sơ xin phép xây dựng cho dự án này.

Tòa nhà văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM đang chờ được xây lại

Minh Hằng