Hốt bạc từ Brexit (Kỳ 8): Niềm tin sai lệch

Hốt bạc từ Brexit (Kỳ 8): Niềm tin sai lệch

Quá nhiều niềm tin sai lầm vào sự chiến thắng của phe Ở đã được hun đúc vào thị trường trong đêm bỏ phiếu Brexit, điều này đã khiến cho mức giá đồng Bảng bị trễ ít nhất phải 1 tiếng đồng hồ trong việc dò đáy, thậm chí còn chậm hơn cả cái máy tính lạc hậu nhất trong trí tưởng tượng của bạn.

Ngay trước nửa đêm, thị trường bắt đầu lo lắng và đồng Bảng rớt mốc 1.49 USD lần đầu tiên kể từ thời điểm 10h05 tối. Quá nửa đêm một chút, Newcastle công bố kết quả phe Ở giành chiến thắng, nhưng với các con số không cách biệt nhiều như mong đợi.

Ít phút sau, giá của các sản phẩm phái sinh theo vị thế bán (tức là người nắm giữ được lợi khi đồng Bảng giảm) đột nhiên cho thấy khả năng tăng mạnh, theo đánh giá của IG Fund, một sàn giao dịch tiền tệ trực tuyến. Ngay lập tức, băng tin dự đoán của IG giảm xác suất phe Ở giành chiến thắng xuống chỉ còn 69.5% từ mức 91.5%. Bất kỳ ai sở hữu các phái sinh kể trên, từ trước khi Newcastle – vốn đang ở vị thế bán đồng Bảng – đều đang lãi vị thế (in-the-money) vào lúc đó.

Khuya 12h16, thành phố Sunderland đã thả nguyên một “quả bom hạng nặng” – 61.3% phiếu bầu cho phe Đi, thay vì chỉ khoảng 53% như dự báo từ các mô hình tính toán kết quả thăm dò. Đồng Bảng rớt giá một phút sau đó, chạm mức 1.43 USD. Và những sự việc tương tự lặp đi lặp lại suốt 5 tiếng đồng hồ kế tiếp.

Bên trong văn phòng của quỹ phòng hộ khách hàng, 3 nhân viên YouGov túc trực suốt đêm. Những người này trao đổi trực tiếp với các chuyên viên phân tích của quỹ, theo một thông tin nội bộ đã được xác nhận bởi Shakespeare. Nhóm chuyên viên phân tích đứng ngồi không yên, họ cứ thấp thỏm bước vào rồi lại đi ra và liên tục yêu cầu đội của YouGov phải đưa ra những con số định lượng, theo thang từ 0 đến 100 để mô tả sự tự tin đối với các dự đoán mới nhất của phía YouGov, một nguồn tin thân cận với sự kiện cho biết.

Vào 5h28 sáng, đồng Bảng thủng đáy 1.32 USD, mức giá mà JPMorgan dự báo hồi tháng 1. Tuy nhiên, có gì đó đã mất đi tính logic, theo một báo cáo phân tích dữ liệu sau này được thực hiện bởi các nghiên cứu viên tại Viện Tài chính Thụy Sỹ (SFI). Họ kết luận rằng có quá nhiều niềm tin sai lầm vào sự chiến thắng của phe Ở đã được hun đúc vào thị trường đêm đó, điều này đã khiến cho mức giá đồng Bảng bị trễ ít nhất phải 1 tiếng đồng hồ trong việc dò đáy, thậm chí còn chậm hơn cả cái máy tính lạc hậu nhất mà bạn có thể tưởng tượng. Các chuyên viên Thụy Sỹ cho rằng chính tâm lý bầy đàn là nguyên do, đó là thứ tâm lý quen thuộc xuất hiện trong bất kỳ bong bóng tài chính nào. Tất cả những niềm tin sai lệch đó đã tạo nên một “bầy heo háu ăn”.

Nếu các cuộc thăm dò công khai (được tiến hành trước và trong ngày bỏ phiếu) đã thổi bùng một bong bóng, liệu rằng các cuộc thăm dò kín đã giúp ích cho giới giao dịch viên như thế nào? Ít nhất có thể theo hai cách, theo diễn giải từ các hãng thăm dò liên quan, những chuyên viên giao dịch của quỹ phòng hộ và các chuyên viên tư vấn.

Thứ nhất, việc đặt mua một cuộc thăm dò kín theo sát những kết quả mà sẽ được công bố ra công chúng, ví dụ như “Chiến dịch lựu đỏ”, giúp các chuyên viên giao dịch có lợi thế đi trước để đoán các bước dịch chuyển của thị trường.

Thứ hai, việc có được dữ liệu tốt hơn đại chúng, trao cho các chuyên viên giao dịch khả năng nhìn thấu được lòng tin sai lệch vào đồng Bảng (nếu nó xảy ra), hay nói một cách khác là nhìn thấu tình huống đồng Bảng bị định giá quá cao.

Cả hai chiến lược đều tiềm ẩn rủi ro, nhưng bởi vì các chuyên viên giao dịch đang đặt cược chống lại những niềm tin đang áp đảo trên thị trường, ván bài lúc đó chẳng thể nào ổn hơn khi thua thì mất ít mà thắng thì lại đầy vơi túi tiền – đúng kiểu yêu thích của những anh chàng quỹ phòng hộ. Đối với các giao dịch viên, cũng chả vấn đề gì nếu những dự đoán (rút ra từ dữ liệu của các cuộc thăm dò exit-poll kín) hoá ra lại sai (như một số đã sai thật trong đêm bỏ phiếu Brexit). Mô hình tính toán của các quỹ phòng hộ, một số còn tiên tiến hơn nhiều so với bất cứ thứ gì trong ngành công nghiệp thăm dò, chỉ cần có dữ liệu thô, chẳng hạn như dữ liệu về việc bỏ phiếu trong từng khu vực cụ thể cũng có thể giúp họ đặt cược một cách tinh tế hơn.

“Họ chỉ đang truy tìm một điểm lợi thế… Họ chẳng mong bạn phải chính xác 100%”, một anh chàng làm việc ở một trong số các hãng thăm dò liên quan cho biết.

Hốt bạc từ Brexit (Kỳ 1): Lời nhượng bộ 

Hốt bạc từ Brexit (Kỳ 2): Cái giá của thông tin

Hốt bạc từ Brexit (Kỳ 3): Tiếng chuông điện thoại

Hốt bạc từ Brexit (Kỳ 4): Những chướng ngại

Hốt bạc từ Brexit (Kỳ 5): Từ chương trình tài năng đến chính trị

Hốt bạc từ Brexit (Kỳ 6): Đó là chuyện thường!

Hốt bạc từ Brexit (Kỳ 7): "Bầy heo đói"

Vĩnh Thịnh (Theo Bloomberg)

FILI