Không cần sửa luật vẫn có thể mở room cho nhà ĐTNN

17/01/2005 15:45
17-01-2005 15:45:25+07:00

Không cần sửa luật vẫn có thể mở room cho nhà ĐTNN

Trong bối cảnh TTCK liên tục thiếu sức cầu, rất nhiều nhà đầu tư và tổ chức trung gian trên TTCK kỳ vọng và chờ đợi Chính phủ sẽ sớm cho phép nới rộng tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, công ty niêm yết nói riêng...

Trong bối cảnh TTCK liên tục thiếu sức cầu, rất nhiều nhà đầu tư và tổ chức trung gian trên TTCK kỳ vọng và chờ đợi Chính phủ sẽ sớm cho phép nới rộng tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, công ty niêm yết nói riêng. Liệu kỳ vọng của nhà đầu tư có thành hiện thực? Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

 

Xin ông cho biết, tỷ lệ tham gia góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN vào doanh nghiệp Việt Nam hiện được điều chỉnh bằng những quy định pháp lý nào?


Theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Quyết định số 36/2003/QĐ - TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ, nhà ĐTNN được góp vốn, mua cổ phần của DN Việt Nam với mức tối đa là 30% vốn điều lệ đối với DN hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề do Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trong từng thời kỳ. Đối với các DN có cổ phiếu niêm yết trên TTCK tập trung, tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài đang được quy định tối đa là 30% tổng số cổ phiếu niêm yết của tổ chức phát hành (Quyết định 146/2003/QĐ - TTg ngày 17/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ).

Vậy Bộ Tài chính căn cứ vào cơ sở nào để đề xuất với Chính phủ mở rộng tỷ lệ góp vốn của nhà ĐTNN?


Quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khoá IX và Nghị quyết số 01/2004/NĐ-CP của Chính phủ phát sinh một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cần sớm giải quyết.
Thứ nhất, chính sách về thu hút ĐTNN hiện nay chưa đồng bộ: Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/1999, Quyết định 36/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ năm 2003, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản xác định rõ các ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước cho phép nhà ĐTNN được phép đầu tư tới mức 30% vốn điều lệ. Điều này, một mặt làm cho môi trường đầu tư có vẻ như thiếu công khai, minh bạch, mặt khác, làm hạn chế hiệu lực quản lý của Nhà nước.


Thứ hai, trong khi Chính phủ đang đẩy mạnh việc cổ phần hóa DNNN, trong đó có cả các tổng công ty, các doanh nghiệp lớn và Nghị định 187/2004/NĐ-CP mới đây đã cho phép rộng rãi nhà đầu tư trong nước, nhà ĐTNN tham gia đấu giá mua cổ phần của các DNNN cổ phần hóa, thì việc giới hạn tỷ lệ tham gia của nhà ĐTNN tối đa là 30% sẽ không tạo điều kiện cho nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến tham gia vào quá trình cổ phần hóa. Chính quy định này làm hạn chế hiệu quả cổ phần hóa, làm cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài dưới hình thức đầu tư cổ phiếu tại các DN Việt Nam bị hạn chế. Trong khi nhiều lĩnh vực đầu tư trực tiếp, Nhà nước đã cho phép phía đối tác nước ngoài đầu tư đến 100% vốn hoặc thành lập liên doanh với mức vốn tham gia tối thiểu là 30%, thì việc quy định nhà ĐTNN chỉ được đầu tư cổ phiếu tối đa 30% vốn vào các DN hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.


Thứ ba, hiện nay, trên TTCK tập trung, một số nhà ĐTNN đã mua tới giới hạn được phép đầu tư (30% cổ phiếu lưu hành). Nhiều nhà đầu tư muốn tăng thêm lượng vốn đầu tư của mình, nhưng không thực hiện được do bị giới hạn về tỷ lệ theo quy định của Nhà nước. Chính điều này chưa thúc đẩy việc đa dạng hóa các kênh huy động vốn trong nước, chưa tạo điều kiện khuyến khích thị trường vốn phát triển.
Thứ tư, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và việc ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang đến gần, đòi hỏi Việt Nam phải khẩn trương rà soát các chính sách liên quan, nhằm tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp đầu tư trong nước và nước ngoài về hình thức đầu tư, tỷ lệ tham gia góp vốn, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế...

Hướng đề xuất của Bộ Tài chính được cụ thể hoá ra sao, thưa ông?


Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở rộng tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN trong DN Việt Nam theo hướng đối với các DNNN thực hiện chuyển đổi sở hữu theo tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg (ngày
24/8/2004) của Thủ tướng Chính phủ thì cho phép nhà ĐTNN được tham gia góp vốn, mua cổ phần bán ra với tỷ lệ không hạn chế theo nguyên tắc đấu giá công khai. Đối với cổ đông chiến lược là nhà ĐTNN, cho phép cơ quan quyết định cổ phần hóa được chủ động lựa chọn và quyết định tỷ lệ cổ phần bán cho cổ đông chiến lược theo quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các doanh nghiệp khác, cho phép nhà ĐTNN được tham gia góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ không hạn chế.


Vậy làm thế nào để có cơ sở pháp lý thực hiện đề xuất của Bộ Tài chính?


Để giải quyết cơ bản các vấn đề nêu trên, trong khi chưa sửa đổi Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (Điều 5), Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngay trong đầu năm 2005 danh mục ngành nghề, lĩnh vực cụ thể cho phép nhà ĐTNN tham gia tối đa 30% vốn đầu tư theo quy định tại Điều 5 của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 36/2003/QĐ-TTg (ngày 11/3/2003) về việc ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN trong DN Việt Nam và Quyết định 146/2003/QĐ - TTg ngày 17/7/2003 về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam theo hướng cho phép nhà ĐTNN được tham gia mua cổ phần không hạn chế và tham gia cổ đông chiến lược đối với các DN không thuộc danh mục hạn chế tối đa 30% mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

Rất nhiều nhà đầu tư chờ đợi việc mở rộng tỷ lệ góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN trong DN Việt
Nam sẽ được thực hiện ngay trong quý I/2005?


Tôi xin nói rõ rằng, việc mở rộng tỷ lệ góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN trong DN Việt
Nam là đề xuất của Bộ Tài chính gửi Chính phủ. Nhiều khả năng Chính phủ sẽ đưa đề xuất này vào Nghị quyết năm 2005, nhưng đến nay chưa có văn bản cụ thể. Do đó, việc kỳ vọng sẽ mở rộng tỷ lệ góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN trong DN Việt Nam ngay trong quý I/2005 là chưa có cơ sở chắc chắn.

ĐTCK





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98