Mở room là tất yếu

04/09/2007 16:59
04-09-2007 16:59:05+07:00

Mở room là tất yếu

Tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức gián tiếp là câu chuyện đã được đề cập từ 20 năm trước và việc mở room cho một số ngành, nghề trong giai đoạn hiện nay, theo các chuyên gia, là cần thiết để thúc đẩy đầu tư.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Tài, người từng chấp bút soạn thảo Luật Đầu tư, đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Khi chấp bút Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Ban soạn thảo nhìn nhận vấn đề room cho nhà đầu tư nước ngoài ra sao, thưa ông?

- Room là câu chuyện dai dẳng được đề cập đến trong Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 và sau này qua mấy lần sửa đổi rồi đến cả Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới. Trước đây, Luật Đầu tư nước ngoài quy định, khi tham gia đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư nước ngoài phải góp vốn từ 30% trở lên, rồi một số lĩnh vực cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Vậy nếu nhà đầu tư muốn góp vốn dưới 30% thì làm thế nào? Tôi đã tham gia chấp bút Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và để hứng phần vốn này, luật quy định, đầu tư dưới 30% thực hiện theo hình thức gián tiếp bằng cách mua cổ phần trong các doanh nghiệp, dần dần 30% biến thành tỷ lệ khống chế mặc định.

Về việc room cho đầu tư gián tiếp dừng ở 30%, khi tham gia soạn thảo Luật Đầu tư nước ngoài, tôi có đặt ra vấn đề là tại sao ta chỉ cho nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty TNHH mà không cho thành lập công ty cổ phần. Những người ủng hộ quan điểm này đưa ra 3 cơ sở: người nước ngoài vào đầu tư mà huy động được vốn đang ngủ yên trong dân phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng tốt, hơn nữa người dân Việt Nam được trở thành cổ đông của các công ty quốc tế, hết thời gian dự án họ rút về, cổ đông Việt Nam có thể tiếp quản. Tuy nhiên, những người phản đối thì lý luận rằng, người nước ngoài vào Việt Nam là phải góp vốn đầu tư.

- Theo quy định, việc mở room (nếu có) sẽ được thực hiện ra sao?

- Luật Đầu tư chỉ đưa ra 3 danh mục, cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và ưu đãi khuyến khích đầu tư. Song đây chỉ là những danh mục mang tính chất rất chung, từng lĩnh vực cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định. Danh mục này do từng bộ chủ quản của từng lĩnh vực thực hiện, chứ Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ban hành. Ngoài ra, danh mục này phải phù hợp với các cam kết WTO, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Nghị định về thực hiện cam kết WTO trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

- Về việc mở room, nhiều ý kiến lo ngại những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam sẽ bị thôn tính qua thị trường chứng khoán. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Thị trường chứng khoán mở ra, đầu tư nước ngoài vào càng nhiều càng lợi cho nền kinh tế và cũng cần nhìn nhận rằng, mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp là chuyện rất bình thường. Trong Luật Đầu tư có hẳn một phần quy định về M&A và được coi đây là hình thức đầu tư trực tiếp, chứ không phải gián tiếp. Hiện nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo cách đăng ký xin giấy phép, mở dự án chỉ chiếm 30% trên thế giới và chủ yếu ở các nước đang phát triển. Với các nước phát triển, FDI không theo quy trình trên mà họ thường “ngắm nghía” doanh nghiệp nào đó rồi quyết định mua đứt hoặc thâu tóm thông qua thị trường chứng khoán, hình thức đầu tư như vậy chiếm tới 70% tỷ trọng trên thế giới. Luật pháp Việt Nam cũng có quy định để hạn chế mua bán, thâu tóm doanh nghiệp theo hướng không lành mạnh. Cụ thể, Luật Cạnh tranh nghiêm cấm các vụ mua bán, sáp nhập tạo ra doanh nghiệp nắm trên 50% thị phần và ở ngưỡng 30% thị phần thì phải báo cáo.

- Có ý kiến cho rằng, nên tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không cho quyền biểu quyết. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

- Có 2 loại cổ phần không có quyền biểu quyết là nhà đầu tư nhận nhiều cổ tức hơn hoặc loại cổ phần nhà đầu tư có quyền yêu cầu công ty mua lại để hoàn vốn. Luật doanh nghiệp 1999 đã quy định về 2 loại cổ phần này nhưng chỉ dành cho cổ đông trong nước. Luật doanh nghiệp mới cho phép dành cho cả nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng chưa có thống kê nào về số lượng cổ phiếu đó đã được phát hành bao nhiêu. Với những nhà đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng, ưu đãi cổ tức chưa chắc đã hấp dẫn họ.

Chính phủ nào cũng phải quan tâm tới doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên vai trò của vốn đầu tư nước ngoài cũng rất quan trọng và được coi là một trong 6 thành phần kinh tế của đất nước. Trong giai đoạn này nên để cho doanh nghiệp cạnh tranh tự do, Nhà nước chỉ làm sao cho môi trường cạnh tranh lành mạnh, cứ che chắn là không nên.

Đtck





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98