Thị trường chờ room, room có mở?

01/03/2008 15:35
01-03-2008 15:35:58+07:00

Thị trường chờ room, room có mở?

Ý kiến của Ông Lê Bá Hoàng Quang, nhà nghiên cứu tài chính độc lập

Trong bối cảnh giá cổ phiếu suy giảm mạnh như hiện nay, việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) trong khối ngân hàng thương mại cổ phần và khối DN chưa niêm yết là một trong những giải pháp được cơ quan quản lý cho rằng, nên nghiên cứu thực hiện để tạo sự kích thích cho TTCK. Tuần qua, một số dư luận cũng đề cập đến khả năng này, nhưng theo tôi, khả năng mở thêm room  không khả thi lắm vào lúc này vì một số lý do sau:

Đây là một giải pháp rất nhạy cảm và có liên quan tới nhiều vấn đề khác. UBCK cũng đã đề xuất rất nhiều biện pháp (trong đó có nhiều biện pháp dễ thực hiện và ít nhạy cảm hơn), nhưng vẫn chưa được thông qua, do đó việc mở room theo tôi là khó được thực thi sớm.

Mở room sẽ đi kèm với nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ của khối nhà đầu tư ngoại để mua cổ phần, điều mà hiện nay chúng ta đang gặp khó. Năm 2007 cho thấy, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm trong điều hành vĩ mô, dòng vốn gián tiếp nước ngoài chảy vào ồ ạt khiến NHNN tung tiền đồng ra mua. Tuy nhiên, việc tăng cung tiền là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát cao. Nếu mở room thì dòng vốn ngoại có thể còn chảy vào mạnh hơn nữa và điều này có thể dẫn đến tình trạng đã khó lại càng khó hơn. Đặc biệt trong tình trạng nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu suy thoái, các nước khác không tránh khỏi ảnh hưởng như hiện nay thì theo tôi, khả năng Chính phủ khuyến khích bằng mọi giá để thu hút thêm vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam là khó xảy ra.

Tuy nhiên, nếu giải pháp này được thực hiện thì theo tôi, nó sẽ là liều thuốc phát huy tác dụng mạnh nhất vào lúc này. Từ trước tới nay, mỗi khi nhà đầu tư trong nước đồn đại với nhau rằng: "sắp mở room rồi đấy, "sẽ mở room"…  đều có tác động mạnh tới tâm lý chung trên thị trường. Thực tế cũng đã chỉ ra rằng, 2 lần Chính phủ nới room trên TTCK (từ 20% lên 30% và từ 30% lên 49%), TTCK có sự khởi sắc rõ rệt.

Để tìm biện pháp tức thời và lâu dài giúp TTCK phục hồi, lấy lại sự quan tâm của DN và nhà đầu tư, theo tôi, cần quay lại nguyên tắc cơ bản của kinh tế học, đó là cân bằng cung cầu. Chừng nào cung còn lớn hơn cầu thì giá còn xuống. Hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và thị trường vốn và chúng ta cùng hy vọng rằng, những biện pháp hữu hiệu để đạt được các mục tiêu trên sẽ sớm được ban hành.

đtck





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98