Tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để duy trì tăng trưởng

21/05/2010 11:05
21-05-2010 11:05:00+07:00

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ từ 5-10 ngày so với VietstockTrader

Kinh tế Vĩ mô 4T/2010:

Tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để duy trì tăng trưởng

(Vietstock) - Quan sát những động thái gần đây chúng tôi cho rằng, Chính phủ đang hướng chính sách vào duy trì tăng trưởng để giảm thiểu tác động của tình hình thế giới đang diễn biến khá phức tạp. Nỗi lo về lạm phát được giải tỏa phần nào khi giá nguyên vật liệu, nhiên liệu cũng sẽ khó có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới.

* Báo Cáo Kinh Tế Vĩ Mô Tháng 04/2010

TÓM TẮT NHẬN ĐỊNH

• Tăng trưởng tín dụng đến tháng 4/2010 đã có dấu hiệu cải thiện và ước tăng 5.58% so với cuối năm 2009. Tuy vậy, tính theo chu kỳ 12 tháng thì tín dụng chỉ còn tăng 31.5% và tốc độ tăng cung tiền là 20.4%. Đây được xem là mức khá thấp so với trung bình trong những năm vừa qua.

• Chính sách tiền tệ trong những tháng tới sẽ được cởi mở hơn, vì mức tăng trưởng tín dụng vẫn còn xa mục tiêu 25% của cả năm. Chính phủ đang có những động thái hiện thực hóa chính sách tiền tệ nới lỏng để duy trì tăng trưởng. Mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng giảm, phù hợp với mức lạm phát kỳ vọng trong năm nay.

• Chúng tôi tin rằng sức ép của tiền tệ lên lạm phát sẽ không cao trong tháng 5 và 6/2010. Bên cạnh đó, diễn biến trên thế giới cũng làm cho giá nguyên vật liệu, nhiên liệu khó tăng mạnh trở lại. Điều này sẽ giúp lạm phát của năm 2010 không trở thành vấn đề quá lo ngại.

• Giá trị nhập siêu trong 4T/2010 ở mức 4.65 tỷ USD, bằng 23% kim ngạch xuất khẩu và vượt xa mục tiêu nhỏ hơn 20% xuất khẩu của Chính phủ. Dự báo tăng trưởng xuất nhập khẩu trong năm nay vào khoảng 15-16% và thâm hụt thương mại đạt 13-14 tỷ USD, nhưng sức ép lên tỷ giá sẽ không lớn như năm 2009. Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 4T/2010 được đóng góp từ việc tăng giá cũng như khối lượng. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước và thế giới đang hồi phục sau khủng hoảng, và là một tín hiệu lạc quan đối với nền kinh tế

• Vốn FDI giải ngân trong 4T/2010 lên đến 3.4 tỷ USD, tăng đến 36% so với cùng kỳ năm 2009, cho thấy Việt Nam tiếp tục là một địa điểm hấp dẫn của đầu tư quốc tế. Vốn FDI giải ngân cao giúp bù đắp thâm hụt thương mại và giảm sức ép lên tiền đồng. Chúng tôi cho rằng FDI giải ngân trong những tháng sắp tới tiếp tục khả quan và dự báo sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD trong năm 2010.

• Tăng trưởng sản xuất công nghiệp 4T/2010 chủ yếu nhờ khu vực sản xuất phục hồi khá mạnh. Tuy vậy, trong các tháng còn lại của năm tình trạng thiếu điện và cắt điện luân phiên có thể kìm hãm đà phục hồi của sản xuất công nghiệp.

• Sức ép tỷ giá hiện tại gần như không còn, và tỷ giá trên thị trường chợ đen đang thấp hơn tỷ giá niêm yết. Chúng tôi duy trì quan điểm cho rằng việc thiếu hụt ngoại tệ trong năm 2010 sẽ không đáng lo ngại. Tỷ giá tiền đồng có thể ổn định và NHNN có cơ hội để gia tăng lượng dự trữ ngoại hối.

Tăng trưởng tín dụng cải thiện, lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Chính phủ có động thái hướng chính sách vào duy trì tăng trưởng

Tổng phương tiện thanh toán (M2) tháng 4/2010 đã tăng 2.92% so với tháng 3. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tháng ước tăng 2.8% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 3.33%, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 0.78%. So với cuối năm 2009, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 5.93%.

Tín dụng đối với nền kinh tế tháng 4/2010 ước tăng 1.73% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VNĐ tăng 1.41%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3%. So với cuối năm 2009, tín dụng của nền kinh tế ước tăng 5.58%.

Tăng trưởng tín dụng và cung tiền theo tháng và năm

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Như vậy, so với cùng kỳ những năm trước tín dụng và cung tiền trong 4T/2010 tăng thấp hơn khá nhiều. Nếu tính theo chu kỳ 12 tháng thì đến tháng 4/2010, tín dụng chỉ còn tăng 31.5%, cung tiền là 20.4%. Đây được xem là mức khá thấp so với trung bình trong những năm vừa qua (quan sát biểu đồ).

Mức tăng trưởng tín dụng khá thấp trong những tháng vừa qua cũng là tín hiệu cho thấy sức ép về lạm phát sẽ không cao trong những tháng sắp tới. Ngoài ra, với mức tăng trưởng dụng trong 4 tháng đầu năm còn cách xa mức mục tiêu 25% của năm nay, chính sách tiền tệ trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ được cởi mở hơn.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất đang tiếp tục giảm, hiện tại, một số khoản vay đã được vay với lãi suất 12.5%, lãi suất phổ biến quanh mức 14%. Như những nhận định trước đây, chúng tôi cho rằng lãi suất trong thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng giảm, phù hợp với mức lạm phát kỳ vọng trong năm nay.

Quan sát những động thái gần đây chúng tôi cho rằng, Chính phủ đang hướng chính sách vào duy trì tăng trưởng để giảm thiểu tác động của tình hình thế giới đang diễn biến khá phức tạp. Nỗi lo về lạm phát được giải tỏa phần nào khi giá nguyên vật liệu, nhiên liệu cũng sẽ khó có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới.

Lạm phát đang được kiểm soát khá tốt. Sức ép lên lạm phát trong tháng 5 và 6/2010 là không cao

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau khi tăng mạnh 3 tháng đầu năm chỉ còn tăng 0.14% vào tháng 4, và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Tính trong 4 tháng đầu năm CPI tăng 4.27%, và đã tăng 9.23% so với cùng kỳ năm trước. Việc CPI chỉ còn tăng nhẹ so với tháng trước là phù hợp với quy luật và dự báo trước đây của chúng tôi.

CPI của lương thực thực phẩm và dịch vụ ăn uống trong tháng này đã giảm mạnh sau khi đã tăng mạnh trước đó. Các nhóm như vật liệu xây dựng, chất đốt, nhà ở, phương tiện đi lại tăng mạnh nhưng không ảnh hưởng nhiều đến CPI do tỷ trọng nhóm hàng hóa này khá thấp trong rổ hàng hóa tính CPI.

Chúng tôi đánh giá các nguyên nhân gây sức ép lên lạm phát như việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện nước, điều chỉnh tỷ giá, tăng lương thối thiểu và tăng lên của giá nhiều hàng hóa sẽ không gây sức ép mạnh lên lạm phát trong năm nay.

Trong tháng 5 và 6/2010, CPI tiếp tục chịu sức ép do độ trễ của tăng cung tiền và giá cả hàng hóa thế giới gia tăng. Tuy nhiên, sức ép này sẽ không quá mạnh do tín dụng và cung tiền trong những tháng vừa qua đều tăng ở mức rất thấp. Thêm vào đó, giá hàng hóa thế giới cũng sẽ không tăng, thậm chí tiếp tục giảm do tác động của khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Tăng trưởng CPI theo tháng (MoM) và năm (YoY)

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thâm hụt thương mại vẫn sẽ đứng ở mức cao, nhưng sức ép lên tỷ giá không lớn như năm 2009. Tăng trưởng xuất nhập khẩu cho thấy nhu cầu thị trường đang hồi phục

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2010 ước đạt 5.7 tỷ USD, tăng 1.9% so với tháng 3 và tăng 10.53% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 20.16 tỷ USD, tăng 8.9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu nhờ xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày da, đồ gỗ, cao su…. phục hồi mạnh.

Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm 55.8% tổng giá trị xuất khẩu và tăng 31.9% trong 4 tháng đầu năm. Khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm 44.2% và giảm 10.7% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước tính đạt tới 6.95 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước và tăng 15.7% so với cùng năm 2009. Tổng cộng 4 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu đạt 24.81 tỷ USD, tăng 35.6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh một phần do giá đầu vào của các nguyên vật liệu nhập khẩu tăng mạnh như xăng dầu, sắt thép và linh kiện máy tính…

Xuất nhập khẩu và Cán cân thương mại của Việt Nam

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thâm hụt thương mại tháng 4 đạt 1.25 tỷ USD, nâng giá trị nhập siêu trong 4 tháng lên 4.65 tỷ USD, bằng 23% kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ này vượt xa mục tiêu thâm hụt thương mại trong năm 2010 nhỏ hơn 20% xuất khẩu. Có không ít ý kiến bày tỏ sự quan ngại về tình trạng thâm hụt thương mại của Việt Nam. Chính phủ cũng dùng nhiều biện pháp để hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mức thâm hụt thương mại trong những tháng vừa qua có thể chấp nhận được.

Nguyên nhân làm cho thâm hụt thương mại luôn ở mức cao là do dòng vốn đầu tư và vay mượn từ nước ngoài đổ vào quá lớn. Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là những sản phẩm thô và các mặt hàng gia công, sơ chế có giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng phục vụ sản xuất kinh doanh như máy móc thiết bị và nguyên vật liệu. Do vậy, để có thể kiềm chế được nhập siêu, Chính phủ cần có những chính sách đồng bộ và dài hạn.

Chúng tôi dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu trong một vài tháng tới vẫn duy trì ở mức cao. Tăng trưởng xuất nhập khẩu trong năm nay vào khoảng 15-16%. Thâm hụt thương mại 13-14 tỷ USD. Tuy nhiên sức ép của thâm hụt thương mại lên tỷ giá sẽ không lớn như năm 2009.

Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm được đóng góp khá lớn của việc tăng giá các mặt hàng cũng như khối lượng. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước và thế giới đang tăng mạnh sau thời kỳ khủng hoảng, và rõ ràng đây là một tín hiệu lạc quan đối với nền kinh tế

FDI giải ngân 4T/2010 đạt 3.4 tỷ USD, dự báo đạt khoảng 11 tỷ USD năm 2010. Giúp bù đắp thâm hụt thương mại và giảm sức ép lên tiền đồng

Vốn FDI đăng ký trong tháng 4/2010 đạt 3.8 tỷ USD, tăng mạnh so với 3 tháng trước đó. Tổng vốn FDI đăng ký trong 4 tháng đầu năm là 5.92 tỷ USD, giảm 25.7% so với cùng kỳ năm trước. FDI đăng ký phần lớn đến từ những dự án cấp mới, trong khi những dự án tăng thêm vốn không đáng kể. Sự sút giảm của vốn FDI đăng ký chưa hẵn là một dấu hiệu tiêu cực đối với việc thu hút vốn FDI. Vấn đề cần được quan tâm hiện nay chính là chất lượng của những dòng vốn này khi đầu tư vào Việt Nam.

Giải ngân vốn FDI gây ấn tượng khi đạt khoảng 900 triệu USD trong tháng 4, nâng tổng số vốn FDI giải ngân trong 4T/2010 lên 3.4 tỷ USD, tăng đến 36% so với cùng kỳ năm 2009.

Việc FDI giải ngân mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm cho thấy Việt Nam tiếp tục là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Vốn FDI giải ngân cao giúp bù đắp thâm hụt thương mại và giảm sức ép lên tiền đồng. Chúng tôi cho rằng FDI giải ngân trong những tháng sắp tới tiếp tục khả quan và có thể đạt khoảng 11 tỷ USD trong năm 2010.

FDI đăng ký và giải ngân trong thời gian qua

Nguồn: Tổng cục Thống kê và Dự báo của Vietstock

Sản xuất công nghiệp đã phục hồi trở lại, nhưng gặp thách thức do việc thiếu điện trong mùa khô

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 13.5%, và trong 4T/2010 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn khá nhiều so với mức tăng 7.6% của năm 2009. Khu vực ngoài nhà nước tăng 12.7%, khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng 16.1%, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10.3%. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp này vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với trung bình trong giai đoạn từ năm 2008 về trước, nhưng lại khá cao so với năm 2009.

Bốn tháng đầu năm nay, khai thác dầu mỏ và khí đốt giảm 10.4%, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái ngành này lại tăng 15.8%. Đây là một tín hiệu nữa cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp năm nay chủ yếu là do khu vực sản xuất đã phục hồi khá mạnh. Điều này cho thấy tăng trưởng GDP năm 2010 sẽ có sự đóng góp khá lớn của tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Chúng tôi cho cho rằng, trong những tháng sắp tới tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì ở tốc độ cao.

Tuy nhiên, một vấn đề cũng đáng được lưu tâm là tình trạng thiếu điện và cắt điện luân phiên trong năm nay có thể kìm hãm đà phục hồi của sản xuất công nghiệp. Nếu tình trạng này không sớm được được khắc phục thì sản xuất công nghiệp khó đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng.

Tăng trưởng công nghiệp theo tháng

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tiền đồng có thể ổn định, NHNN có cơ hội gia tăng lượng dự trữ ngoại hối

Sức ép tỷ giá hiện tại gần như không còn, và tỷ giá trên thị trường chợ đen đang thấp hơn tỷ giá niêm yết. Đây là một bức tranh trái ngược hoàn thoàn so với chỉ hơn 1 tháng trước đây. Vào ngày 07/05, tỷ giá liên ngân hàng vẫn giữ nguyên 18,544 VND/USD trong gần 4 tháng qua. Tỷ giá giao dịch mua bán tại các ngân hàng ổn định quanh mốc 19,000 VND/USD. Tỷ giá giao dịch trên thị trường phi chính thức thấp hơn ngân hàng chút ít.

Tín dụng bằng ngoại tệ trong những tháng vừa qua cũng tăng khá mạnh. Chỉ riêng trong tháng 4, tín dụng cho vay bằng ngoại tệ đã tăng 3%, và nếu so với đầu năm tăng đến hơn 17%. Lãi suất ngoại tệ thấp hơn khá nhiều so với nội tệ đã khiến không ít doanh nghiệp vay ngoại tệ sau đó bán lấy bằng tiền đồng. Với chênh lệnh lãi suất 5-7% và kỳ vọng tỷ giá không vượt quá 20,000 VND/USD vào ngày đáo hạn (sau 1 năm) thì việc vay ngoại tệ vẫn có lợi hơn nội tệ.

Như những nhận định trước đây, chúng tôi cho rằng tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trong năm 2010 sẽ không đáng lo ngại. Thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao nhưng có thể được bù đắp bởi các dòng vốn đầu tư bên ngoài đổ vào. Do vậy, tiền đồng có thể giữ ổn định tỷ giá như hiện nay hoặc chỉ giảm nhẹ vào cuối năm và NHNN có thể tranh thủ cơ hội để tăng lượng dự trữ ngoại hối.

Hồ Bá Tình



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

POW - Tiếp tục mua nếu giá còn nằm dưới mức 10,700 đồng

Theo các mô hình định giá, nếu giá cổ phiếu của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) tiếp tục nằm dưới mức 10,700 đồng thì vẫn...

POW - Nhiệt điện khí còn nhiều triển vọng (Kỳ 1)

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) là doanh nghiệp nổi bật trong ngành điện. Việc tăng cường phát triển nhiệt điện khí sẽ giúp...

MSH - Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn

Ngành dệt may hứa hẹn sẽ phục hồi tốt trong năm 2024. Trong số các doanh nghiệp dệt may nổi bật, CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) được giới phân tích đánh giá cao...

IMP - Tiềm năng tăng trưởng tốt

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) vẫn đang tăng...

BFC - Ngành phân bón có thực sự hấp dẫn?

CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) là doanh nghiệp chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân hỗn hợp NPK. Tuy nhiên, kết quả kinh...

GMD - Ngành cảng biển và vận tải biển (Kỳ 1)

Trong năm 2024, ngành cảng biển và vận tải biển được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, những động thái nới lỏng của Trung Quốc và giá dầu...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Bán lẻ ICT - Ngắn hạn xấu, dài hạn tốt

Năm 2023, nền kinh tế trong nước suy yếu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành bán lẻ ICT. Tuy ngắn hạn khá xấu, các số liệu cho thấy triển vọng dài...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành đá xây dựng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành dầu khí

Ngành dầu khí là ngành mũi nhọn của nước ta, có vai trò cung cấp nguồn nhiên liệu quan trọng cho cả nền kinh tế. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đây là ngành sẽ nhận...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Công nghệ thông tin - Tiềm năng lớn, cạnh tranh cao

Ngành công nghệ thông tin tạm chững lại trong năm 2023, nhưng được dự đoán sẽ lấy lại phong độ trong năm 2024. Nhờ vào các chính sách của Chính...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98