Chặn bình thông nhau

08/07/2010 13:43
08-07-2010 13:43:50+07:00

Chặn bình thông nhau

Các bài học rút ra từ chuyện “tái cơ cấu” Vinashin, không chỉ cho tập đoàn này mà còn cho các doanh nghiệp nhà nước khác.

Bài học pháp lý

Vinashin là một doanh nghiệp có một chủ sở hữu là Nhà nước. Từ 30-6-2010 trở về trước, nó hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước. Do đó, tuy không thể hiện trên văn bản, nhưng trên thực tế, Vinashin là doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn.

Theo đó, ngân sách nhà nước và ngân sách doanh nghiệp là “hai bình thông nhau”. Điều đó có nghĩa khi doanh nghiệp thiếu vốn, ngân sách nhà nước “tự động” cung ứng, dưới dạng cấp vốn hay cho vay theo quyết định của chủ sở hữu, mà ở đây là Chính phủ hay người đứng đầu Chính phủ.

Trên thực tế, tình trạng tài chính của Vinashin đã diễn ra như vậy, cho nên dù hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ nặng, Vinashin vẫn chưa rơi vào tình trạng phá sản. Bởi theo Luật Phá sản, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì mới bị coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Nhưng ở trường hợp này, chủ nợ lớn nhất của Vinashin là Chính phủ, chứ không phải là nhà cung ứng vật tư, tín dụng cho Vinashin. Ở đây, Chính phủ cùng một lúc đóng ba vai trò: (i) Chính phủ quản lý doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng theo pháp luật, (ii) Chính phủ là chủ sở hữu vốn; (iii) Chính phủ là chủ nợ.

Chính phủ với tư cách là chủ nợ không những không đòi lại các khoản nợ đến hạn mà còn cấp thêm vốn hay bảo lãnh cho vay, cho vay tiếp thì đến bao giờ Vinashin mới lâm vào tình trạng phá sản theo luật định?

Do Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực vào ngày 1-7-2010, nên từ thời điểm này các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới dạng công ty TNHH một thành viên. Người ta hy vọng rằng, chuyển sang công ty TNHH một thành viên, “cái van” giữa “hai bình thông nhau” - ngân sách nhà nước và ngân sách doanh nghiệp, sẽ được lắp đặt và khóa lại. Và như thế chúng ta đã xóa bỏ tính trách nhiệm vô hạn của doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. Nhưng thực tế lại không diễn ra như Luật Doanh nghiệp mong muốn. Bởi Chính phủ hay Thủ tướng chính phủ cùng một lúc đóng ba vai trò như nêu ở trên, nên có đủ thẩm quyền ra quyết định chia Vinashin thành ba, như ta đã thấy.

Khi phần lớn các doanh nghiệp con của Vinashin được chuyển sang PetroVietNam và Vinalines, chắc chắn, hai tập đoàn doanh nghiệp này sẽ phải dùng ngân sách của mình để tiếp tục cung cấp vốn cho các doanh nghiệp con vừa tiếp nhận. Điều đó có nghĩa là, thay vì phần lợi nhuận của hai tập đoàn này (nhất là PetroVietNam do bán tài nguyên thô nên lợi nhuận rất nhiều) sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước, thì nay phải trích ra một khoản không nhỏ để cung ứng vốn cho các doanh nghiệp con vừa tiếp nhận từ Vinashin. Vì thế, về thực chất, ngân sách nhà nước vẫn tiếp tục cung ứng thêm vốn cho Vinashin, nhưng được “che đậy” bằng cách như nêu ở trên.

Cái “van” tuy được lắp đặt giữa “hai bình thông nhau” - ngân sách nhà nước và ngân sách doanh nghiệp, nhưng Chính phủ hay Thủ tướng chính phủ có quyền “mở van” bất kỳ lúc nào. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn là doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn, chứ không phải TNHH. Vì vậy, chắc mọi người đều rõ, xét về mặt pháp lý, để khắc phục tình trạng này, luật pháp cần được sửa đổi như thế nào, tư duy của những người làm luật và thi hành luật cần được thay đổi ra sao?

Bài học quản lý

Quy mô của Vinashin là quá lớn so với năng lực quản lý với hơn 200 doanh nghiệp thành viên, hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn kinh doanh, trải trên địa bàn rộng suốt từ Bắc đến Nam. Tình trạng “quá tải” trong quản lý như vậy sẽ dẫn đến thua lỗ là đương nhiên.

Nhưng tại sao Vinashin lại “to” lên đến mức như vậy chỉ trong vòng chưa đầy năm năm? Bởi Vinashin ra đời theo một quyết định hành chính của Thủ tướng Chính phủ, không theo quy luật tích tụ và tập trung tư bản của kinh tế thị trường.

Một tập đoàn kinh tế (tập đoàn doanh nghiệp) được hình thành trong một thời gian dài, là kết quả của quá trình tích tụ và tập trung tư bản, lớn dần theo năng lực quản lý của chính nó. Một doanh nghiệp ăn nên làm ra, thì lợi nhuận, sau khi đã dành một phần cho chủ sở hữu sử dụng, sẽ được chủ sở hữu quyết định tái đầu tư. Nhưng đầu tư vào đâu? Đầu tư vào chính nó thì sẽ gặp các nguy cơ: (i) quy mô kinh doanh quá lớn so với năng lực quản lý của một doanh nghiệp (quá tải trong quản lý) sẽ dẫn đến suy giảm hiệu quả kinh doanh; (ii) tăng khả năng rủi ro vì “tất cả các quả trứng đều được để vào trong một giỏ”; (iii) cung - cầu về mặt hàng mà doanh nghiệp đang kinh doanh sẽ bão hòa hay cung lớn hơn cầu, dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh hay thua lỗ.

Vì thế, để tránh ba nguy cơ trên, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được đầu tư vào những lĩnh vực khác, ở những vùng kinh tế khác, bằng cách lập các doanh nghiệp mới với tư cách là doanh nghiệp con, dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, nhiều thành viên, công ty cổ phần, hay bằng cách mua lại phần vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động, đến mức có thể chi phối, biến nó thành doanh nghiệp con. Doanh nghiệp đầu tư vốn đóng vai trò chi phối trở thành doanh nghiệp mẹ. Doanh nghiệp bị mua lại thường là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, buộc phải rao bán trên thị trường, hay công ty cổ phần đã niêm yết cổ phần (công ty đại chúng).

Như vậy, các doanh nghiệp con vẫn là một thực thể pháp lý, hoạt động tự chủ trên thương trường theo luật pháp và quyết định của chủ sở hữu vốn, không cần có sự “quan tâm” thường xuyên của công ty mẹ - chủ sở hữu phần lớn số vốn sở hữu chủ ở các doanh nghiệp con. Do vậy, cả công ty mẹ và công ty con cũng phát triển theo quá trình tăng vốn và năng lực quản lý của cả tập đoàn doanh nghiệp nên không rơi vào tình trạng “quá tải” trong quản lý. Và do đó, tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải là một thực thể pháp lý, không có ai ra quyết định thành lập, không có “ngày sinh tháng đẻ”.

Còn các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam, theo quy định của Chính phủ, đột nhiên phải thu gom hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp con. Các doanh nghiệp này từ trước đến giờ “không quen biết” gì nhau, nằm ở rải rác khắp nơi, nay cùng “chui” vào một “rọ quản lý” của tập đoàn. Chuỗi quản lý hành chính kéo dài vô lý với 5-6 cấp trung gian, nên tình trạng quan liêu, “quá tải” trong quản lý đương nhiên xảy ra phổ biến. Ví dụ, tập đoàn công nghiệp cao su có chuỗi quản lý dài tới 5-6 cấp: tập đoàn, tổng công ty, công ty, nông trường (hoặc nhà máy chế biến), đội (hay phân xưởng), tổ (hay ca, kíp).

Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp là đơn vị tự chủ kinh doanh theo pháp luật và ý chí của chủ sở hữu, thể hiện qua quyền quyết định kinh doanh mặt hàng gì, quy mô kinh doanh lớn, nhỏ thế nào, mua nguồn lực đầu vào của ai, bán sản phẩm (đầu ra) của doanh nghiệp cho ai, theo giá cả và phương thức thanh toán ra sao... Do đó, không có doanh nghiệp cấp trên - doanh nghiệp cấp dưới theo thứ bậc hành chính như trong các tổ chức khác mà ta thường thấy. Bởi vì, nếu tập đoàn hay tổng công ty với tư cách là doanh nghiệp có quyền quyết định những vấn đề nêu trên thì các thành viên của nó, tuy được gọi là doanh nghiệp con, sẽ không có những quyền đó nữa, nên không còn là doanh nghiệp trên thực tế và tập đoàn, tổng công ty trở thành cấp trên của các doanh nghiệp thành viên.

Trong các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, về mặt pháp lý, tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên đều là những pháp nhân có quyền tự chủ kinh doanh, nên mâu thuẫn, xung đột quyền lực, quyền lợi trong các tổ chức này mang tính cấu trúc, làm cho hiệu quả kinh tế chắc chắn không thể cao, nếu không muốn nói là thua lỗ. Do vậy, hiệu quả kinh doanh thấp của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cũng mang tính cấu trúc, do chúng được thành lập và hoạt động một cách phi thị trường.

Bài học tài chính

Đối với doanh nghiệp tư nhân nói chung, dù tồn tại dưới hình thức nào, doanh nghiệp TNHH hay doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn, lợi nhuận sau thuế thuộc quyền sở hữu và định đoạt của chủ sở hữu (hay các chủ sở hữu). Còn đối với doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam bấy lâu nay, lợi nhuận sau thuế do ai định đoạt? Lợi nhuận sau thuế đương nhiên là do chủ sở hữu là nhà nước định đoạt, nhưng chế độ tài chính hiện hành lại “giao quyền tự chủ” cho doanh nghiệp mà cụ thể là người đứng đầu doanh nghiệp như chủ tịch hội đồng quản trị và hội đồng quản trị, chủ tịch công ty hay tổng giám đốc (giám đốc).

Vì lẽ đó, các doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận cao - mà phần lớn nhờ những ưu đãi về chính sách tín dụng, thuế, đất đai, hay vị trí độc quyền kinh doanh, do lợi thế kinh doanh của các ngành khai thác tài nguyên như dầu khí, hay do thị trường như trồng cao su, chứ không phải do năng lực quản lý cao mang lại - đã “phát huy tính năng động, tự chủ” bằng cách sử dụng lợi nhuận sau thuế đem đi đầu tư sang cả những lĩnh vực “sở đoản”, nhiều rủi ro như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, mà ta đã thấy. Cũng trong khuôn khổ đó, PetroVietnam và Vinalines sẽ sử dụng lợi nhuận và có khi cả vốn của mình để nuôi “mấy đứa con ốm yếu” vừa tiếp nhận từ Vinashin.

Do vậy, nguồn thu của ngân sách nhà nước bị thiếu hụt, trong khi nợ công ngày càng tăng cao. Cuối cùng, nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ còn trông chờ chủ yếu từ thuế thu đối với doanh nghiệp dân doanh và thuế thu nhập cá nhân, tức là thu từ người dân (doanh nghiệp dân doanh cũng là của dân). Ấy vậy, ngân sách nhà nước lại phải cung ứng cho những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ như Vinashin dưới nhiều hình thức, cấp vốn, bảo lãnh tín dụng, cho vay bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ...

Tất cả những khiếm khuyết của doanh nghiệp nhà nước, mà Vinashin chỉ là một ví dụ điển hình, khiến người ta phải xem xét lại “vai trò chủ đạo” của doanh nghiệp nhà nước. Xét về lâu dài và toàn cục, không một nước nào có doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả hơn doanh nghiệp dân doanh.

Doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động tạm thời ở một không gian nhất định, trong một lĩnh vực nào đó mà tư nhân chưa đầu tư vì hiệu quả kinh doanh thấp, với quy mô hợp lý vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Khi điều kiện chín muồi, tư nhân sẵn sàng đầu tư vào những lĩnh vực và vùng lãnh thổ này thì nhà nước phải rút vốn đầu tư của mình ra để chuyển sang các lĩnh vực và vùng lãnh thổ cần thiết khác để phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, bằng các hình thức tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước.

PGS.TS. Vũ Trọng Khải

tbktsg





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đốn hơn 400 cây xanh để xây metro số 2: TPHCM trồng số lượng lớn cây thay thế

Thông tin về việc đốn hạ hơn 400 cây xanh làm Metro Bến Thành - Tham Lương, đại diện Sở Xây dựng khẳng định TPHCM sẽ trồng mới cây xanh sau khi hoàn tất việc thi...

Bộ trưởng Công Thương: Mua giá 0 đồng điện mặt trời mái nhà dư thừa để ngăn trục lợi chính sách

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giải thích về giải pháp giá 0 đồng đối với điện mặt trời mái nhà trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia. Bộ trưởng Công Thương...

Doanh nghiệp giảm được gần 15% tiền điện từ việc điều chỉnh phụ tải

Một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

Việt Nam chỉ có 18 tháng để tham gia cuộc đua bán dẫn

Đây là phát biểu của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn”, tổ chức vào chiều ngày...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Kết luận tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” tổ chức vào chiều ngày 24/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phải coi...

Đề xuất 'gói' giải pháp gỡ khó cho dự án BOT giao thông triển khai trước khi có Luật PPP

Đây là kiến nghị của một số bộ, ngành tại cuộc làm việc về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ...

Đối tượng nào được tham gia trao đổi trên thị trường carbon?

Ở Việt Nam, thị trường trao đổi tín chỉ carbon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà...

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: 'Các nhà thầu không lo thiếu tiền'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết các nhà thầu thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó, không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”.

Khởi tố và bắt tạm giam Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan tập đoàn Phúc Sơn.

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98