Vinashin: Cuộc đại phẫu thuật bên bờ vực thẳm?

02/07/2010 12:04
02-07-2010 12:04:08+07:00

Vinashin: Cuộc đại phẫu thuật bên bờ vực thẳm?

Nhìn lại quá trình đầu tư phát triển của Vinashin đến nay những người quan tâm không khỏi băn khoăn về cách làm ăn của Tập đoàn này.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin) sẽ phải tái cơ cấu lại, theo hướng chia làm 3, một phần giữ lại là Vinashin, một phần nhập về Tập đoàn Dầu khí và phần còn lại nhập về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Chính phủ không nên đứng ra bảo lãnh cho các DNNN vay tiền, cả trong nước và nước ngoài. DN phải đi vay bằng uy tín của bản thân không phải bằng uy tín quốc gia. Tự mình đi vay, họ sẽ tính toán, suy nghĩ cẩn trọng hơn và sử dụng hiệu quả hơn.  (David Dapice, tiến sĩ chương trình Fullbright tại Việt Nam).

Thời gian qua Vinashin có những đóng góp nhất định cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu biển của Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và đặc biệt là do đầu tư dàn trải, quản lý công nợ; các dự án còn hạn chế; yếu kém nên tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của Vinashin lâm tình trạng hết sức khó khăn với khoản nợ các loại lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Nhìn lại quá trình đầu tư phát triển của Vinashin đến nay những người quan tâm không khỏi băn khoăn về cách làm ăn của Tập đoàn này.

Đầu tư dàn trải

Đầu tư dàn trải thể hiện ngay ở việc Vinashin tham gia vào quá nhiều dự án ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau từ đóng tàu đến vận tải biển, cảng biển, sản xuất thép, xi măng, bia, dịch vụ hàng không, bảo hiểm, ngân hàng, nhập khẩu ôtô xe máy và mới đây còn lấn sân sang lĩnh vực trồng trọt: trong Hội chợ Vietship do Vinashin tổ chức, tháng 3/2010 vừa qua, có cả gian bày thanh long và khóm thơm của một DN thành viên dự kiến sẽ trồng để đa dạng hóa ngành nghề.

Những nguyên nhân chủ quan: đầu tư dàn trải, quản lý dự án, công nợ, dòng tiền... còn hạn chế, hệ thống quản lý có nhiều khâu chưa theo kịp và thích ứng nhanh với tình hình biến động khủng hoảng nên họat động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của Tập đoàn rơi vào tình trạng rất khó khăn, phải khẩn trương, kiên quyết cơ cấu lại, cả về tổ chức sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính, với yêu cầu là: duy trì, phát triển ngành công nghiệp cơ khí đóng, sửa chữa tàu biển; khai thác sử dụng có hiệu quả các dự án, các năng lực sản xuất kinh doanh đã và đang đầu tư; không để ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng. (Trích thông cáo báo chí phát đi từ Bộ GTVT ngày 1/7)

Chính vì đầu tư dàn trải đã khiến cho hiệu quả đầu tư không cao. Nhiều dự án đến nay thiếu vốn, bị dở dang do không cho ra sản phẩm trong khi vốn đầu tư không thể thu hồi và các khoản nợ ngày càng lớn.

Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2008, Vinashin đã giải ngân xong 750 triệu USD huy động từ trái phiếu quốc tế do Chính phủ bảo lãnh. Tổng số dự án sử dụng nguồn vốn này lên tới 219 nên số lượng dự án dở dang nhiều và phần lớn chưa phát huy được hiệu quả.

Tính đến 31/12/2008, số lượng dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đồng bộ là 56 dự án, số còn lại là 163 dự án. Như vậy, có đến 75% số dự án chưa phát huy tác dụng.

Việc thu hồi nợ của các đơn vị thành viên đã được cho vay lại từ nguồn vốn trái phiếu thì 100% các đơn vị sử dụng vốn trái phiếu quốc tế đã không trả được khoản lãi tính đến 31/12/2008 là 57,20 triệu USD, tương đương với hai kỳ trả nợ lãi của trái phiếu quốc tế.

Kết quả thanh tra giữa năm 2008 cho thấy, tại 10 DN thành viên lớn thuộc Vinashin đã có 122 dự án được duyệt với tổng mức đầu tư 54.179 tỷ đồng. Đặc biệt theo chủ trương và phê duyệt dự án thì nhiều dự án cơ bản được hoàn thành trong năm 2007, tuy nhiên việc triển khai dự án đều chậm. Một trong các nguyên nhân quan trọng chính là do khả năng đáp ứng về vốn quá hạn chế.

Tại thời điểm thanh tra giữa năm 2008, hầu hết các doanh nghiệp đều báo cáo rất “đói” về vốn, chưa tìm được nguồn để cân đối vốn đầu tư như: Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Nha Trang 891 tỷ đồng; Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân 495 tỷ đồng; Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Bạch Đằng 2.400 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Nam Triệu 3.982 tỷ đồng, Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Phà Rừng 3.749 tỷ đồng.

Không hiệu quả

Nhiều dự án đầu tư của Vinashin đến nay được cho là không có hiệu quả. Đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất thép có khá nhiều dự án kiểu “đầu voi đuôi chuột”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Vinashin đầu tư sang khá nhiều dự án thép, lúc xin giấy phép dự án thì công bố “hoành tráng” nhưng triển khai thì… lại không thấy hiệu quả.

Cụ thể như, dự án nhà máy thép liên hợp sản xuất phôi thép tại Yên Bái, công suất 200.000 tấn/năm tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng . Nhà máy này tuy đã được làm lễ động thổ từ năm 2007, nhưng cho đến nay, sau 3 năm vẫn chưa đi vào hoạt động như kế hoạch đề ra.

Dự án Vinashin – Vinakansai (nhà máy thép Vinashin Cửu Long) sản xuất thép xây dựng cũng không mang lại kết quả, kể cả nhà máy cán tấm nóng 300.000 tấn/năm, dựa trên dây chuyền cũ ở Hải Phòng cũng chỉ sản xuất mang tính chất tượng trưng, không thể sản xuất liên tục.

Đặc biệt với dự án Nhà máy cán nóng thép tấm tại Quảng Ninh, dự án này đã được Vinashin có quyết định đầu tư vào năm 2002. Thông thường, với qui mô chỉ có 350.000 tấn/năm, là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì chỉ cần 2 năm là hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành.Song đến nay, sau 8 năm xây dựng, nhà máy vẫn chưa có gì.

Đấy là chưa kể, trong năm 2006, Vinashin cũng đã ký bản ghi nhớ với Công ty thép Posco xây dựng nhà máy thép liên hợp qui mô công suất 4,5 triệu tấn/năm tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Nhưng sau đó, đến năm 2008, Vinashin tuyên bố rút khỏi dự án trên mà không nêu rõ lý do. Về sau, Posco không được Chính phủ chấp nhận xây dựng tại Khánh Hòa nên dự án đã bị xóa bỏ.

Cũng trong năm 2008, Vinashin cùng tập đoàn Lion Group của Malaysia cũng đã hợp tác xây dựng nhà máy 8 triệu tấn/năm, tại tỉnh Ninh Thuận. Tháng 11/2007, hai bên đã làm lễ động thổ, song cho đến nay, dự án trên vẫn không triển khai được và UBND tỉnh Ninh Thuận đang tìm nhà đầu tư mới cho dự án này.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép của Vinashin có nhiều vấn đề cần phải làm rõ về hiệu quả đầu tư và đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra toàn diện việc đầu tư của Vinashin sang thép.

Ngay cả trong lĩnh vực đóng tàu thì nhiều ý kiến cho rằng nguyên tắc mang tính khoa học trong quản trị các tập đoàn là phải tổ chức sản xuất kinh doanh sao cho mỗi công ty trong Vinashin tham gia vào một hay một số công đoạn trong quá trình tạo ra sản phẩm dịch vụ mà Tập đoàn này cung cấp cho khách hàng; hoặc mỗi công ty trong Tập đoàn phải sản xuất ra một loại sản phẩm trong một phân khúc nào đó trong thị trường quốc tế nhằm tăng tính chuyên nghiệp trong các công đoạn sản xuất và cũng sử dụng hiệu quả các thiết bị máy móc thiết bị cũng như tránh được việc đầu tư thiết bị dàn trải và trùng lặp giữa các công ty con trong Tập đoàn.

Nhìn vào cơ cấu danh mục sản phẩm và việc tổ chức sản xuất và quản trị điều hành của Vinashin hiện nay thấy các công ty trực thuộc tập đoàn này sản xuất các sản phẩm đóng tàu giống nhau... cho thấy một sự lãng phí ghê gớm các nguồn lực do bị phân tán các nguồn lực trong việc đầu tư trang thiết bị, nguồn lực tài chính và con người trong việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ.

Mua sắm tràn lan, đầu tư tài chính mất vốn

Câu chuyện đau lòng nhất có lẽ là về con tàu mang tên Hoa Sen được đầu tư với số vốn lớn tới 60 triệu Euro (1.300 tỷ đồng) nhưng đến nay không thể khai thác được và đang neo đậu tại Khánh Hòa.

Giải thích về sự lãng phí này, lãnh đạo Vinashin cho biết Vinashin cho rằng đầu tư vận tải thủy Bắc - Nam mất ít thời gian hơn, suất đầu tư thấp hơn hàng chục lần so với phát triển đường sắt nhưng phải đầu tư ít nhất 3 - 4 cặp tàu, tốc độ 25-30 hải lý/giờ, cùng với 3 cảng hành khách và hàng hóa tại Hạ Long, Chân Mây và Tp.HCM mới phát huy được hiệu quả dự án.

Trong năm 2006 và 2007, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin ký các quyết định phê duyệt cho Cty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương mua tàu vận tải biển. Công ty này đã mua 9 tàu với giá trị 3.136 tỷ đồng (gần 200 triệu đô la) toàn bộ bằng tiền đi vay. Số tàu này đều có tuổi đời trên 15 năm. Đặc biệt có đến 6 con tàu có tuổi đời từ 22 đến 26 năm. Trong số đó có 2 tàu tuổi 26 năm (thời điểm mua), 4 tàu có tuổi từ 22 đến 24 năm.

Do toàn mua loại tàu già, cũ nên đã không được Đăng kiểm Việt Nam cấp đăng kiểm và phải treo cờ nước ngoài (Panama, Tuvalu, Liberia) để hoạt động. Theo xác định của cơ quan chức năng, hầu hết số tàu này được mua sắm bằng nguồn vốn vay. Trong đó có 2 tàu (tuổi 23 và 24 năm) được mua bằng nguồn trái phiếu quốc tế với giá trị 329 tỷ đồng.

Bên cạnh đó Vinashin cũng là "tay chơi" tham gia đầu tư cổ phần, cổ phiếu có hạng cho dù tiền phải đi vay. Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Vinashin đến hết tháng 12/2007 tổng số tiền đầu tư tài chính dài hạn là 4.103 tỷ đồng. Trong đó góp vốn liên doanh, liên kết 615 tỷ đồng; mua cổ phần, cổ phiếu 3.488 tỷ đồng.

Cụ thể Công ty mẹ đầu tư mua cổ phần của tập đoàn Bảo Việt là 1.462 tỷ đồng,mua với giá 71.918đồng/ cổ phần, sở hữu 3,56% vốn điều lệ của Bảo Việt, Nhưng vào thời điểm 7/9/2009, giá cổ phiếu của Bảo Việt trên sàn HOSE chỉ là 37.100 đồng. Tính ra thiệt hại của Vinashin vào vụ này khoảng gần 700 tỷ đồng và nhà đầu tư này đã phải chính thức thoái vốn và xin rút khỏi Hội đồng Quản trị, thay vào đó là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Nhiều công ty con cũng học tập "mẹ" trong đầu tư cổ phần cổ phiếu. Cụ thể, Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ Bạch Đằng dù nợ nần chồng chất nhưng cũng vay vốn ngắn hạn để mua cổ phần của các đơn vị trong Tập đoàn số tiền trên 58 tỷ đồng.

Công ty đóng tàu Phà Rừng góp vốn cổ phần và mua cổ phiếu số tiền 61 tỷ đồng. Công ty này còn góp 2 triệu đô la (40% vốn pháp định) thành lập liên doanh Baican nhưng Liên doanh này đã bị thua lỗ. Tính đến cuối năm 2007 số lỗ luỹ kế lên đến trên 5,1 triệu đô la tương đương trên 81 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2007, tổng giá trị tài sản của vinashin theo báo cáo là 77.322 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chỉ có 6.613 tỷ đồng chiếm 8,5%, còn lại là nợ chiếm tỷ lệ 91,4%, tương đương gần 71.000 tỷ đồng. Trong tổng số nợ đó, có 43.700 tỷ đồng nợ dài hạn, tương đương với gần 3 tỷ đô la (theo tỷ giá năm 2007). và 26.993 tỷ đồng nợ ngắn hạn 26.993, nợ quá hợn lên tới gần 4.000 tỷ đồng.

Chính vì sử dụng uy tín không phải của chính mình nên người ta sẵn sàng tiêu vô tội vạ. Ông David Dapice, tiến sĩ chương trình Fullbright tại Việt Nam lấy ví dụ: "Tập đoàn Vinashin của Việt Nam trong ba năm qua đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào các dự án và chỉ trong vòng có vài ba tháng đã có thể quyết định ngừng triển khai vài chục dự án với tổng mức đầu tư lên đến 6.500 tỷ đồng và thôi không tham gia một liên doanh với mức vốn góp dự tính lên đến 1 tỷ USD".

Theo David, điều này cho thấy "không có chỉ dấu chứng tỏ lãnh đạo Vinashin có khả năng quản lý kinh tế và kỹ thuật một tập đoàn như vậy". Vì thế, ông David cho rằng "Chính phủ không nên đứng ra bảo lãnh cho các DNNN vay tiền, cả trong nước và nước ngoài. DN phải đi vay bằng uy tín của bản thân không phải bằng uy tín quốc gia. Tự mình đi vay, họ sẽ tính toán, suy nghĩ cẩn trọng hơn và sử dụng hiệu quả hơn.

Nên tái cơ cấu từ mấy năm trước

Đó là ý kiến của bà Phan Thị Hòa, Ủy viên HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát Petrovietnam (PVN) chia sẻ với VietNamNet như vậy về chuyện tái cơ cấu Vinashin. Theo bà Hoà, ba tâp đoàn đều là của Nhà nước. Nếu không chia tách như vậy, Vinashin phá sản và sẽ mất vốn của Nhà nước tại Vinashin. Lẽ dĩ nhiên, Chính phủ không thể để chuyện đó xảy ra.

Do đó, điều chuyển dự án sang tập đoàn khác, tái cơ cấu Vinashin là để đảm bảo duy trì hiệu quả vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Khi khó khăn ở các Tập đoàn lớn, Chính phủ các nước nhảy vào xử lý là chuyện bình thường. Khi khủng hoảng thì động thái đầu tiên là phải tái cơ cấu lại.

Chẳng qua là, đáng lẽ việc này phải do chính Vinashin tự làm từ 2-3 năm trước. Một khi anh đã mất cân đối về mặt tài chính rồi thì phải chủ động cơ cấu lại, đó là chuyển nhượng bớt dự án đi, thu hẹp qui mô, thay đổi mức đầu tư, giãn tiến độ… Nhưng Vinashin không làm.

Trong khi, tái cơ cấu, cân đối nguồn vốn đầu tư là nguyên tắc quản trị tài chính mà Tập đoàn, doanh nghiệp nào cũng phải làm hàng năm. Giờ yếu kém quá, Chính phủ phải vào cuộc chỉ đạo thì câu chuyện tái cơ cấu này mới thành đặc biệt, ghê gớm.

Ở câu chuyện chia tách của Vinashin, tôi cho là khủng hoảng kinh tế thế giới là một phần thôi, cái chính là lý do công tác quản trị tài chính của Tập đoàn quá kém.

Trần Thuỷ

Vietnamnet





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chuyên gia dự báo về sự dịch chuyển của các dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đầu tư

Chuyên gia lạc quan khi cho rằng dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đầu tư chứng khoán sẽ sớm quay trở lại vào nửa cuối năm nay, đồng thời nhận định chưa...

Tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của tập đoàn EVN là 479 ngàn tỷ đồng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 26/4/2024 phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025...

Giá vé máy bay Hà Nội - TPHCM giảm mạnh

Sau khi các hãng hàng không tăng chuyến, giá vé chặng bay vàng Hà Nội - TPHCM bắt đầu hạ nhiệt, giảm một nửa so với đợt sau Tết Âm lịch.

Bắt cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương 

Ngày 26/04, nguồn tin từ Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Tiến...

Quý 1/2024, doanh thu của Viettel Global tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 22%, lợi nhuận sau thuế tăng 175%

Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VGI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm 2024. Theo đó, doanh thu của Viettel Global tiếp tục...

Đốn hơn 400 cây xanh để xây metro số 2: TPHCM trồng số lượng lớn cây thay thế

Thông tin về việc đốn hạ hơn 400 cây xanh làm Metro Bến Thành - Tham Lương, đại diện Sở Xây dựng khẳng định TPHCM sẽ trồng mới cây xanh sau khi hoàn tất việc thi...

Bộ trưởng Công Thương: Mua giá 0 đồng điện mặt trời mái nhà dư thừa để ngăn trục lợi chính sách

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giải thích về giải pháp giá 0 đồng đối với điện mặt trời mái nhà trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia. Bộ trưởng Công Thương...

Doanh nghiệp giảm được gần 15% tiền điện từ việc điều chỉnh phụ tải

Một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

Việt Nam chỉ có 18 tháng để tham gia cuộc đua bán dẫn

Đây là phát biểu của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn”, tổ chức vào chiều ngày...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Kết luận tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” tổ chức vào chiều ngày 24/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phải coi...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98