Thị trường bán lẻ Việt Nam: Tụt dốc hay đã được đặt lên quá cao?

11/07/2012 09:09
11-07-2012 09:09:22+07:00

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Tụt dốc hay đã được đặt lên quá cao?

Đứng vị trí số 1 trên thị trường bán lẻ toàn cầu (năm 2008) rồi liên tiếp tụt hạng, “văng” ra khỏi nhóm 30, để rồi xếp hạng 32 vào năm nay theo công bố “chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2012” của Công ty tư vấn A.T.Kearney (Mỹ), thị trường bán lẻ Việt Nam - nhìn vào thực lực - đang cần những cân chỉnh nào?

Ông Phạm Thành Công, đại diện Nielsen Việt Nam, nơi đưa ra một báo cáo đánh giá khác về thị trường bán lẻ Việt Nam với bốn lý do khiến Việt Nam tụt hạng dần các năm qua là: thủ tục cấp giấy phép còn nhiêu khê, khó tìm mặt bằng, chất lượng chuỗi cung ứng kém, chất lượng nguồn nhân lực còn ở mức sơ khai.

Ngoài những lý do trên, các chuyên gia còn cho rằng giá thuê mặt bằng quá cao so với các nước trong khu vực cũng như những rào cản thương mại và phi thương mại cũng làm thị trường bán lẻ của chúng ta mất dần sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Không thể phủ nhận rằng thị trường bán lẻ cũng chỉ là một thành phần (dù hết sức quan trọng) trong toàn bộ nền kinh tế, và vì thế nó không có cơ may nào để một mình phát triển bất chấp khó khăn chung.

Những năm 2007, 2008, ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã đi vào lịch sử đất nước chúng ta với những cột mốc không thể quên: chỉ số VN Index đạt con số trong mơ: 1.170 điểm (cao gần gấp ba lần so với hiện nay) vào tháng 3-2007, và cơn sốt giá bất động sản hai miền Nam - Bắc kéo dài vài năm liên tiếp đã kéo giá nhà, giá đất Việt Nam lên những đỉnh cao khó tưởng tượng ngay cả với con cháu chúng ta.

Trong tâm lý hứng khởi chung đó, việc A.T.Kearney đánh giá thị trường bán lẻ của Việt Nam chiếm vị trí hấp dẫn nhất thế giới phần nào bị ảnh hưởng từ kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế vào tiềm năng của một đất nước đông dân, trẻ trung, năng động, khát khao phát triển, có nhiều năm phải nằm bên ngoài hệ thống kinh tế toàn cầu.

Ngon nhưng không dễ

Tuy nhiên, thực tế thị trường bán lẻ nói riêng và các mảng thị trường khác của Việt Nam nói chung có những góc khuất mà có thể các nhà đầu tư nước ngoài không thấy hết, nếu chỉ nhìn từ cửa sổ cao ốc hoặc báo cáo trên màn hình máy tính. Người Việt quen sống trong các đô thị - chợ, nơi mà mọi ngôi nhà có thể là cửa hàng, và mỗi người dân cũng là một giám đốc kiêm nhân viên bán hàng, kiêm kế toán, kiêm mua hàng, kiêm giao nhận và cả dịch vụ hậu mãi!

Trong hệ thống bán lẻ nhân dân chằng chịt như thế, những lý thuyết kinh doanh được truyền dạy ở Boston hay London nhiều khi cũng mất phương hướng. Khách hàng Việt Nam chọn nơi mua hàng đôi khi chẳng cần quan tâm đến giá cả, chất lượng dịch vụ, mẫu mã sản phẩm, mà nhiều khi chỉ vì tiện đường đi, có thể dừng xe máy gọi với vào để lấy hàng, hay đơn giản chỉ vì tình làng nghĩa xóm.

Hệ thống bán lẻ này đã ăn sâu vào văn hóa Việt, đến mức người dân ở các thành phố lớn được gọi là thị dân, là người kẻ chợ, thậm chí quy hoạch, kiến trúc, giao thông, hạ tầng,... của các đô thị Việt cũng mang những nét điển hình của một khu chợ khổng lồ chứ không phải là các trung tâm công nghiệp, văn hóa, tài chính... như các đô thị châu Âu.

Những đặc thù của thị trường bán lẻ truyền thống của Việt Nam đương nhiên tạo rào cản không dễ vượt qua với các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng triệu hộ gia đình đang sống hằng ngày bằng cách bán lẻ hàng hóa cho khách vãng lai và cho nhau sẽ không dễ từ bỏ miếng cơm manh áo của mình trong một sớm một chiều. Thói quen mua hàng khi ngồi trên xe máy, nơi gần nhà cũng làm các siêu thị hiện đại rộng lớn như những ốc đảo tràn ngập hàng hóa mất vẻ thân thiện như nó cố gắng tạo ra.

WalMart và triết lý bán rẻ

Trong khi người Việt vẫn quen với việc hàng hóa định kỳ tăng giá thì bên kia bờ đại dương, WalMart - một trong những tập đoàn giàu có nhất thế giới - đã thành công nhanh chóng chỉ nhờ một triết lý đơn giản: luôn tìm cách bán rẻ nhất cho khách hàng. Thậm chí WalMart quan niệm giá chỉ có thể giảm chứ không bao giờ được tăng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Sam Walton - nhà sáng lập WalMart - phát biểu: “Những doanh nhân vẫn đang cố gắng đẩy giá lên cao ở bất cứ mặt hàng nào sẽ nhanh chóng chuốc lấy thất bại. Bởi họ đã không hề quan tâm đến khách hàng và không đặt lợi ích của khách hàng lên trên. Họ là những kẻ tham lam và rồi chắc chắn sẽ bị đào thải. Chiến lược buôn bán của chúng tôi là thu hút khách hàng bằng cách bán cho họ hàng hóa có chất lượng cao nhất với giá thấp nhất có thể. Nó đã có hiệu quả. Thậm chí rất ít người trong số chúng tôi tin tưởng vào ý tưởng này ngay khi mới khởi nghiệp. Vậy mà họ đã đầu tư vào nó và trở nên nổi tiếng”.

Quan điểm kinh doanh của WalMart thật sự đặt quyền lợi khách mua hàng lên trên hết, và giá bán luôn là yếu tố quan trọng nhất trong gói dịch vụ tổng thể của họ. Các nhà cung ứng vừa căm ghét vừa cần WalMart, vì doanh số mua hàng của họ đủ để đảm bảo hoạt động cho nhà cung ứng, nhưng sự kiên định của WalMart trong chuyện đàm phán mua hàng phải “luôn luôn giá thấp” khiến các hãng cung cấp phải tìm mọi cách tối ưu hóa quá trình sản xuất và cung ứng, phải do dự, không dám đề cập đến chuyện tăng giá bán cho WalMart ngay cả khi có những lý do hoàn toàn chính đáng.

Chưa thể khẳng định mô hình hoạt động của WalMart có thành công ở Việt Nam hay không, ngay cả khi WalMart chưa bước chân vào thị trường chúng ta, thì các doanh nghiệp khác cũng khó bắt chước được phương thức kinh doanh của họ, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ nội địa vì những nhà cung ứng chắc chắn sẽ không chịu thua nhà bán lẻ địa phương như đã chịu chiều theo những đơn hàng khổng lồ của WalMart.

Tuy nhiên triết lý kinh doanh của WalMart là một điều đáng suy ngẫm với tất cả doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong ngành hàng bán lẻ. Dù có dùng những mỹ từ lấp lánh đến thế nào khi tiếp thị hàng hóa thì nói cho đến tận cùng, giá cả vẫn là yếu tố quan trọng nhất, đôi khi là yếu tố duy nhất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Mô hình nào sẽ chiến thắng?

Ví dụ về WalMart cho thấy sự tụt hậu trong bảng xếp hạng thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Thói quen tiêu dùng và hệ thống bán lẻ truyền thống của chúng ta vừa là trở ngại, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ. Nếu không hút được khách mua hàng từ các chợ truyền thống, từ hệ thống cửa hàng khắp mặt tiền đường lớn cho đến hang cùng ngõ hẻm, thì dù tổng doanh thu thị trường bán lẻ có tăng cao đến đâu cũng không có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư vào thị trường này.

Nhưng nếu họ tạo được thói quen mua hàng mới thì thị trường gần 90 triệu người dân đang khát khao tăng trưởng, chắc chắn sẽ lại một lần nữa bước vào danh sách hấp dẫn nhất với nhà đầu tư toàn cầu. Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam cho thấy dù nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trong năm 2012, đặc biệt là chi cho giáo dục, y tế và thực phẩm.

Chuyển qua mô hình bán lẻ theo tiêu chuẩn hiện đại, tập trung dường như là một tất yếu của nền kinh tế. Vấn đề có lẽ chỉ còn là thời gian mà thôi. Tuy nhiên, sự thay đổi nào cũng có giá của nó. Kinh nghiệm cho thấy khi WalMart mở cửa hàng ở đâu thì trong vòng bán kính quanh họ vài cây số khó có cửa hàng bán lẻ nào tồn tại được.

Không thể phủ nhận mặt tích cực của việc này với người tiêu dùng, nhưng trong những đô thị - chợ như ở Việt Nam thì việc hàng loạt cửa hàng bán lẻ, từ thực phẩm cho đến quần áo, đồ dùng gia đình, và hàng ngàn mặt hàng thiết yếu khác phải đóng cửa hoặc dở sống dở chết vì không thể cạnh tranh nổi về giá cả với những con khủng long của ngành bán lẻ, chắc chắn cũng mang lại những đổi thay không dễ chịu với khá nhiều người dân.

Có rất nhiều việc cần phải lo lắng và hoạch định, hơn là lo lắng cho một bảng xếp hạng thị trường từ một công ty nước ngoài xa lạ. Dù họ có xếp hạng nhất hay hạng 30 thì cũng chỉ thể hiện kỳ vọng của họ, chứ không hẳn là chúng ta đang tồi tệ đi hay đã từng tốt lên nhanh chóng đến như vậy.

Từ Phong

tuổi trẻ





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ Công Thương thông tin về chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà

Chiều 04/05, phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có những chia sẻ về chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà.

Lập Tổ công tác giúp việc đôn đốc tiến độ triển khai đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải vừa ký quyết định...

Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn

Trong ngành bán dẫn, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ đầu tư...

Lý do loạt địa phương giải ngân đầu tư công thấp dưới mức bình quân

Tỉnh Bình Thuận, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh... nằm trong số các địa phương có mức giải ngân đầu tư công năm 2024...

Cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị khởi tố

Ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bị khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam với cáo buộc có sai phạm liên quan một dự án tại Lâm Đồng.

Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt...

'Nhiều tập đoàn công nghệ lớn muốn đầu tư ngành bán dẫn tại Việt Nam'

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu muốn đầu tư vào ngành điện tử, chip, bán dẫn tại Việt Nam.

Xây dựng Luật khu công nghiệp: Đón dòng đầu tư chất lượng cao

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết khu công nghiệp là khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy gửi đơn tố cáo hành vi thông thầu ở Ninh Thuận

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận có đơn tố cáo hành vi thông thầu trong đấu giá đất công, gây thất thoát tài sản nhà nước

Doanh nghiệp liên quan vụ bán dự án điện mặt trời cho Trung Quốc, đề xuất làm 2 nhà máy điện gió ở Lâm Đồng

Mới đây, CTCP Đầu tư HLP đề xuất đầu tư xây dựng 2 dự án nhà máy điện gió Tà Năng 1 và Tà Năng 2 tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98