KLS: Tiền mặt “khủng”, nhưng phải đối diện 3 rủi ro trong quý 4/2012

29/10/2012 13:21
29-10-2012 13:21:45+07:00

KLS: Tiền mặt “khủng”, nhưng phải đối diện 3 rủi ro trong quý 4/2012

KLS đã giải ngân thêm 766 tỷ đồng vào chứng khoán kể từ đầu năm 2012, bất chấp thị trường có độ rủi ro cao. Danh mục dàn trải hơn 58 mã và tập trung vào cổ phiếu đầu cơ càng khiến rủi ro tăng lên gấp bội vào cuối năm.

Trong một năm mà chứng khoán suy giảm liên tục, tâm lý nhà đầu tư bi quan, CTCP Chứng khoán Kim Long (HNX: KLS) vừa công bố BCTC quý 3 lỗ 91.5 tỷ đồng, và lỗ 41.5 tỷ đồng lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2012.

Quý 3/2012, hoạt động môi giới chứng khoán vẫn chưa cải thiện

Doanh thu hoạt động môi giới 9 tháng đầu năm 2012 của KLS đạt gần 5 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng trưởng hoạt động môi giới có được chủ yếu nhờ TTCK khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì đến từ việc KLS đẩy mạnh hoạt động ở mảng này.

Thật vậy, hoạt động môi giới của KLS trong quý 3/2012 có sự đi xuống rõ rệt khi chỉ đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng, trong khi doanh thu môi giới đạt đến 2 tỷ đồng mỗi quý trong hai quý đầu năm nay.

Xem xét các chỉ tiêu ngoại bảng, có thể thấy quy mô của khoản mục chứng khoán lưu ký cuối quý 3/2012 là 2,082 tỷ đồng, dù có tăng nhẹ so với quý 2 nhưng đã sụt giảm đáng kể so với cuối năm 2011 là 3,170 tỷ đồng và cuối quý 1/2102 là 3,136 tỷ đồng.

Trong đó, giá trị của khoản mục chứng khoán giao dịch cuối quý 3 đạt 1,776 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý 2, nhưng lại giảm khá mạnh so với quý 1 và không có nhiều thay đổi so với cuối năm 2011. Như vậy, có thể thấy quy mô khách hàng của KLS chưa có nhiều chuyển biến đáng kể trong 3 quý vừa qua.

Trong khi đó, khoản mục chứng khoán cầm cố có xu hướng giảm mạnh qua thời gian, cho thấy KLS đang chủ trương thu hẹp dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư.


Tương tự, các khoản mục liên quan đến hoạt động môi giới, cho vay margin… điển hình như khoản phải thu khác bị thu hồi rất mạnh và không được mở rộng thêm.


Đã đầu tư thêm 766 tỷ đồng vào chứng khoán kể từ đầu năm 2012, bất chấp rủi ro cao

KLS vẫn đang tiếp tục theo đuổi chiến lược chủ đạo là tập trung vào mảng đầu tư chứng khoán, bất chấp thị trường suy giảm và hàm chứa rủi ro cao.

Khoản mục đầu tư ngắn hạn của KLS đã liên tục gia tăng từ đầu năm đến nay. Tính đến cuối quý 3/2012, khoản đầu tư ngắn hạn của KLS là 958 tỷ đồng, tăng 311 tỷ đồng so với quý 2 và tăng đến 766 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2011. Trong quý 3, khoản mục đầu tư ngắn hạn của KLS tăng mạnh chủ yếu do gia tăng đầu tư vào chứng khoán thương mại.

Danh mục đầu tư ngắn hạn 958 tỷ đồng tại cuối quý 3 của KLS bao gồm:

• Chứng khoán thương mại với 647.1 tỷ đồng, trong đó có 644.6 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu và 2.5 tỷ đồng đầu tư trái phiếu. Dự phòng cho khoản đầu tư chứng khoán thương mại vào cuối quý 3 là 233.4 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 36%. 

• Chứng khoán đầu tư với 251.6 tỷ đồng. Hiện danh mục chi tiết không được KLS công bố và KLS cũng chưa trích lập dự phòng cho khoản mục này.

• Đầu tư tài chính khác với 311 tỷ đồng. Danh mục chi tiết không được KLS công bố và KLS cũng chưa trích lập dự phòng cho khoản mục này.

Khoản mục đầu tư dài hạn của KLS không có thay đổi trong quý 3/2012, giữ ở mức 252 tỷ đồng. Danh mục chi tiết không được KLS công bố, bên cạnh đó KLS cũng chưa trích lập dự phòng cho khoản mục này.

Với việc chỉ trích lập dự phòng cho khoản mục đầu tư chứng khoán thương mại, tỷ lệ dự phòng trên tổng giá trị đầu tư của KLS tại cuối quý 3/2012 chỉ là 19%, tăng nhẹ từ mức 13% cuối tháng 6/2012 và 15% vào cuối năm 2011.


Chiến thuật đầu tư lướt sóng hàm chứa rủi ro cao, tốn nhân lực

KLS đang tiếp tục áp dụng chiến thuật đầu tư lướt sóng đối với khoản đầu tư chứng khoán thương mại vào cổ phiếu 644.6 tỷ đồng (như đề cập ở trên), được thể hiện qua:

• Danh mục đầu tư cổ phiếu của KLS khá dàn trải. Theo BCTC quý 3, danh mục đầu tư của KLS đang có hơn 58 cổ phiếu, giá trị đầu tư mỗi cổ phiếu từ mức cao nhất là hơn 38 tỷ đồng (PVX) và thấp nhất là 1.5 tỷ đồng (BGM).

• Danh mục tập trung khá nhiều vào các cổ phiếu đầu cơ hay có biến động lớn, chẳng hạn như cổ phiếu trong ngành Khai khoáng , Chứng khoán, cổ phiếu có thị giá nhỏ trong “họ” Dầu khí…

Việc tập trung đầu tư lướt sóng có thể mang lại những khoản lợi nhuận đột biến nhưng cũng hàm chứa rủi ro cao. Điều này phản ánh khá rõ trong BCTC quý 3/2012 của KLS, khi dự phòng cho khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng thêm 120 tỷ đồng so với quý 2 lên 233 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến KLS phát sinh khoản lỗ 91.5 tỷ đồng trong quý 3.

Từ đầu tháng 10 đến nay, VS-Mid Cap là nhóm duy nhất có sinh lời với mức tăng nhẹ 0.52%. Trong khi đó, VS-Small Cap giảm khá mạnh 0.71% và VS-Micro Cap giảm đến 1.16%. Với danh mục đầu tư chủ yếu là các cổ phiếu đầu cơ (thường nằm trong nhóm Mid Cap, Small Cap và Micro Cap), KLS sẽ bị tác động rất mạnh từ thị trường; và một diễn biến xấu có thể khiến KLS phải trích lập thêm dự phòng trong quý 4/2012.

Lượng tiền mặt hấp dẫn 1,359 tỷ đồng (6,700 đồng/cp), liệu có tận dụng thành công?

Khoản mục tiền và tương đương tiền của KLS tại thời điểm cuối quý 3/2012 là 1,413 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền này sụt giảm 300 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 2, chủ yếu do việc KLS gia tăng đầu tư ngắn hạn trong kỳ.

Khoản mục tiền và tương đương tiền bao gồm:

• Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng 135 tỷ đồng, trong đó có 54 tỷ đồng tiền gửi của nhà đầu tư.

• Các khoản tương đương tiền 1,278 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi loại trừ khoản tiền của nhà đầu tư thì khoản tiền mặt của chính KLS là gần 1,359 tỷ đồng, tương ứng với hơn 6,700 đồng/cp. Đây là con số khá hấp dẫn nếu so với thị giá của KLS vào ngày 25/10/2012 là 7,700 đồng.

Trong bối cảnh thị trường sụt giảm, nguồn tiền dồi dào sẽ giúp KLS gia tăng cơ hội trong hoạt động đầu tư. Trong thời gian chờ đơi cơ hội, nguồn tiền này cũng có thể giúp KLS có thêm lợi nhuận từ việc gửi ngân hàng để duy trì hoạt động hiện tại.

3 rủi ro phải đương đầu trong quý 4/2012

• Phụ thuộc quá nhiều vào diễn biến của TTCK: Đây là điều không thể tránh khỏi đối với hoạt động của các CTCK, đặc biệt là những công ty có hoạt động tự doanh chiếm tỷ trọng lớn như KLS. Dự báo thị trường khó khởi sắc trở lại trong ngắn hạn khiến rủi ro này tiếp tục đè nặng lên hoạt động của KLS trong quý 4.

• Rủi ro từ chiến lược đầu tư lướt sóng: Danh mục đầu tư chứng khoán của KLS chủ yếu là các cổ phiếu đầu cơ, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. Bên cạnh đó, danh mục dàn trải ở nhiều cổ phiếu cũng có thể khiến KLS gặp khó khăn trong việc quản lý. KLS sẽ cần phải chuẩn bị một lượng nhân lực đủ lớn để có thể theo dõi, thu thập thông tin, phân tích kết quả kinh doanh, hay diễn biến các cổ phiếu trong danh mục. Hoạt động theo dõi này sẽ càng cấp thiết hơn khi danh mục chủ yếu gồm các cổ phiếu lướt sóng.

• Rủi ro tăng dự phòng đầu tư chứng khoán: Hiện tại, KLS vẫn chưa trích lập dự phòng đối với một số khoản mục đầu tư ngắn hạn và cả dài hạn (tỷ lệ dự phòng cho tất cả các khoản đầu tư chỉ là 19%). Do đó, nhiều khả năng KLS sẽ phải trích lập thêm dự phòng nếu đánh giá lại các khoản đầu tư này vào cuối kỳ năm 2012.

Nguyễn Đức Cường, Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

POW - Tiếp tục mua nếu giá còn nằm dưới mức 10,700 đồng

Theo các mô hình định giá, nếu giá cổ phiếu của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) tiếp tục nằm dưới mức 10,700 đồng thì vẫn...

POW - Nhiệt điện khí còn nhiều triển vọng (Kỳ 1)

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) là doanh nghiệp nổi bật trong ngành điện. Việc tăng cường phát triển nhiệt điện khí sẽ giúp...

MSH - Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn

Ngành dệt may hứa hẹn sẽ phục hồi tốt trong năm 2024. Trong số các doanh nghiệp dệt may nổi bật, CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) được giới phân tích đánh giá cao...

IMP - Tiềm năng tăng trưởng tốt

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) vẫn đang tăng...

BFC - Ngành phân bón có thực sự hấp dẫn?

CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) là doanh nghiệp chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân hỗn hợp NPK. Tuy nhiên, kết quả kinh...

GMD - Ngành cảng biển và vận tải biển (Kỳ 1)

Trong năm 2024, ngành cảng biển và vận tải biển được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, những động thái nới lỏng của Trung Quốc và giá dầu...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Bán lẻ ICT - Ngắn hạn xấu, dài hạn tốt

Năm 2023, nền kinh tế trong nước suy yếu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành bán lẻ ICT. Tuy ngắn hạn khá xấu, các số liệu cho thấy triển vọng dài...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành đá xây dựng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành dầu khí

Ngành dầu khí là ngành mũi nhọn của nước ta, có vai trò cung cấp nguồn nhiên liệu quan trọng cho cả nền kinh tế. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đây là ngành sẽ nhận...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Công nghệ thông tin - Tiềm năng lớn, cạnh tranh cao

Ngành công nghệ thông tin tạm chững lại trong năm 2023, nhưng được dự đoán sẽ lấy lại phong độ trong năm 2024. Nhờ vào các chính sách của Chính...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98