Vì sao vốn đầu tư tuyến metro số 1 đội thêm 30.000 tỉ đồng?

05/11/2012 10:43
05-11-2012 10:43:01+07:00

Vì sao vốn đầu tư tuyến metro số 1 đội thêm 30.000 tỉ đồng?

Thông tin mới đây của UBND TPHCM cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên (gọi tắt tuyến metro số 1) đã điều chỉnh tăng từ 17.400 tỉ ban đầu lên 47.325 tỉ đồng – tức tăng thêm khoảng 30.000 tỉ đồng.

Mô hình tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Dự án tuyến metro số 1 được UBND TPHCM phê duyệt năm 2007 có tổng vốn đầu tư 17.400 tỉ đồng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng Việt Nam. Tuy nhiên, theo giải thích của UBND TPHCM, do dự án được nghiên cứu lập vào năm 2006, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị. Vì vậy, việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ dựa trên cơ sở đầu tư của các công trình tương tự được xây dựng ở các nước (Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ...).

Việc thiếu kinh nghiệm thực tế, nên các tính toán cũng chỉ dừng lại ở mức bình quân của một tuyến xe điện, mà chưa chú trọng đầy đủ đến vấn đề an toàn cao hay xây dựng trung tâm điều khiển chung cho cả hệ thống đường sắt đô thị, tổ chức một Cty vận hành, bảo dưỡng...

Mặt khác, mục tiêu thiết kế ban đầu của dự án chỉ tính đến năm 2020 cũng đã cho thấy tầm nhìn hạn chế của việc nghiên cứu trước đây. Bởi những lẽ trên, thành phố đã tính toán và điều chỉnh lại quy mô dự án cho phù hợp, nên vốn đầu tư thay đổi thành 47.325 tỉ đồng.

UBND thành phố cũng cho rằng, vốn đầu tư tăng chủ yếu do sự biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu, tăng lương tối thiểu trong 3 năm qua (2006 – 2009), làm vốn đầu tư các gói thầu tăng khoảng 40%. Thêm vào đó, việc tăng khối lượng xây dựng dự án theo yêu cầu của thành phố (tăng lưu lượng hành khách, thay đổi năm mục tiêu thiết kế đến 2040 thay vì năm 2020) cũng tác động đến vốn đầu tư các gói thầu tăng thêm khoảng 43%.

Đặc biệt, việc thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư (tỉ giá, các chi phí dự phòng, rủi ro, trượt giá đến năm 2019) khi điều chỉnh dự án đã đẩy tổng vốn đầu tư cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, riêng chi phí dự phòng do thay đổi từ 10% lên 15% (theo quy định mới) khiến phần này tăng 123%; lãi vay tăng 117%; do chi phí xây lắp tăng hay phần trượt giá tăng đến 574%...

Tuyến metro số 1, dài 19,7km (đi qua các quận 1, Bình Thạnh, 2, 9, Thủ Đức – TPHCM và huyện Dĩ An – Bình Dương). Một số gói thầu hiện đang triển khai thi công, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác từ đầu năm 2018.

Trần Phan

Lao động





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98