Giá điện và mãi mãi giấc mơ giảm giá

05/12/2012 14:34
05-12-2012 14:34:04+07:00

Giá điện và mãi mãi giấc mơ giảm giá

Người phát ngôn bộ Công thương, thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, từng nói, điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, theo thông số đầu vào thì “có thể cả tăng lẫn giảm chứ không chỉ có một chiều tăng”. Thế nhưng, sự thật thì… như một thứ trưởng khác của bộ này, ông Lê Dương Quang, đã nói toẹt ra trong cuộc họp báo thường kỳ hàng tháng cách đây hai ngày (3.12): “Giá điện chắc chắn tăng chứ làm gì có giảm”

Đủ điều kiện vẫn không giảm giá

Thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang: “Giá điện chắc chắn tăng chứ làm gì có giảm”

Trong năm nay đã có ít nhất ba lần, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nhận định, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thể giảm giá điện.

Lần gần đây nhất là vào cuối tháng 10.2012, khi rà soát chi phí phát điện của EVN theo định kỳ 3 tháng/lần để (có thể) điều chỉnh giá bán điện (theo quyết định 24/QĐ-TTg của Thủ tướng), ông Đặng Huy Cường, cục trưởng cục Điều tiết điện lực của bộ Công thương, cho biết chi phí phát điện trong các tháng 7, 8, 9 của EVN đã thấp hơn kế hoạch. Điều này đồng nghĩa với việc cơ cấu giá phát điện đã thay đổi (giảm). Chiếu theo quyết định nói trên, như vậy là đã có điều kiện để giảm giá điện. Tuy nhiên, theo ông Cường, “Do tính lỗ của EVN năm 2010 cộng với việc giá than bán cho điện tăng trong những tháng cuối năm, bộ Công thương đã có ý kiến là EVN chưa điều chỉnh (giảm) giá bán điện trong tháng 10, 11”.

Lần thứ hai là trước đó, khi EVN bất ngờ tăng giá bán điện thêm 5% từ 1.7.2012. Lúc ấy, không chỉ dư luận phản đối mà chính người đã kinh qua vị trí lãnh đạo của EVN – chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi – cũng đã lên tiếng phản bác, đòi “điều tra việc tăng giá điện” vì “đáng ra phải giảm giá điện” nếu căn cứ vào các điều kiện lúc bấy giờ. Và ngày 18.7, báo chí tiếp tục dẫn lời phó tổng Kiểm toán nhà nước nói rằng: “Nếu EVN hạch toán đầy đủ các khoản liên quan đến sản xuất kinh doanh điện thì giá thành điện năm 2010 có thể giảm 34 đồng/kWh”.

Tuy nhiên, như đã biết, tất cả đều chỉ là sự đã rồi...

Lỗ thì không thể giảm, lãi thì phải đem trả nợ

Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri: “EVN đang lỗ thì không thể giảm giá điện được”.

Thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Nam Hải từng trấn an: Điều chỉnh giá điện trên cơ sở thông số đầu vào là bao hàm cả việc có thể giảm giá điện chứ không chỉ có một chiều duy nhất là tăng giá. Thế nhưng, khi bác bỏ quan điểm cho rằng giá điện năm 2010 đã có thể giảm 34 đồng/kWh, ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc EVN, khẳng định: “EVN đang lỗ thì không thể giảm giá điện được”. Thậm chí ngay cả khi EVN lãi hàng ngàn tỉ đồng như trong năm nay thì giá điện cũng không thể giảm, bởi số tiền đó còn phải lo... đem trả nợ. “EVN dự kiến dành ra 3.500 – 4.000 tỉ đồng từ phần lãi của năm nay để bù lỗ cho các năm 2010, 2011”, ông Tri cho biết như vậy vào chiều 3.12.

Điều đáng chú ý là khi giải thích cho lý do tăng giá điện 5% hồi đầu tháng 7, chính ông Tri từng nói, phần lớn số tiền có được nhờ tăng giá điện (khoảng 3.000 tỉ đồng) là để bù vào lỗ tỉ giá còn treo lại (theo quyết định của Thủ tướng, khoản lỗ tỷ giá hơn 26.600 tỉ đồng tính đến 31.12.2011 sẽ được bù vào giá điện trong các năm từ 2012 – 2015, trung bình mỗi năm 6.600 tỉ đồng). Thế nhưng cũng chính ông Tri, tại buổi họp báo ngày 3.12 vừa qua, lại nói rằng 3.000 tỉ đồng nói trên đã được dùng “để trả các khoản nợ quá hạn chứ chưa hề được bù vào phần lỗ tỷ giá”. Như vậy, khoản 6.600 tỉ đồng bù lỗ tỷ giá cho các năm trước được “phân bổ” vào giá điện của năm 2012 đến giờ chưa hoàn tất. Và, có thể hiểu số tiền lỗ này sẽ được đẩy sang những năm còn lại trong “kế hoạch bù lỗ bốn năm”, nghĩa là các năm từ 2013 – 2015, giá điện không chỉ phải gánh thêm trung bình 6.600 tỉ đồng/năm như dự kiến mà đã tăng lên khoảng 9.000 tỉ đồng/năm!

Chính ông Tri, trong giải thích của mình, đã thừa nhận rằng, “Nếu gánh thêm 6.600 tỉ đồng lỗ tỷ giá (sau khi đã phải cõng 3.000 tỉ đồng trả nợ quá hạn – PV) thì giá điện năm 2012 sẽ nhảy vọt”, vậy thì thử hỏi giá điện 2013 và các năm 2014, 2015 có nhảy vọt không khi phải cõng thêm vào giá thành ngót nghét 9.000 tỉ đồng mỗi năm nữa? Không khó để hình dung điều này, song, có vẻ việc hình dung đó chỉ quá dễ với người tiêu dùng điện, còn với EVN, dường như không (hoặc không muốn) hình dung ra!

Những phân tích trên chưa loại trừ khả năng tới đây EVN sẽ còn những khoản nợ đến hạn phải trả khác (dẫu biết rằng riêng khoản nợ EVN đã được Chính phủ cho khoanh lại, chờ phát hành 9.000 tỉ trái phiếu để trả).

Càng đáng nói hơn khi cũng ở buổi họp báo chiều 3.12, chính ông Lê Dương Quang, thứ trưởng bộ Công thương, đã nói thẳng: Giá điện thì chắc chắn tăng chứ làm gì có giảm! Lý do, theo ông Quang, một là vì nhu cầu năng lượng càng ngày càng tăng mà các nguồn năng lượng sơ cấp càng ngày càng giảm; hai là vì giá điện của ta hiện vẫn còn... thấp!

Lý do thứ nhất thì khỏi cần bàn, còn “giá điện của ta vẫn còn thấp” không hiểu ông Quang so với cái gì, bởi theo xác minh của hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện nay, giá bán buôn điện EVN mua chỉ có 900 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân (cộng thêm thuế VAT) đã lên tới 1.506 đồng/kWh, tương đương 7,2 cent/kWh. “Giá như vậy đâu hề thấp, nhất là không hề thấp với đời sống nhân dân hiện nay. Chưa kể, đó mới là giá điện bình quân. Còn giá điện sinh hoạt tính theo bậc thang, càng dùng nhiều càng phải trả giá cao thì giá bán bình quân thực sự cho dân còn cao hơn nữa”, chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết.

Tăng giá điện: EVN chưa dám nhưng bộ thì... sẵn sàng!

Theo ông Tri, năm 2013, EVN có khả năng tiếp tục có lãi. Không rõ lãi này đã tính đến việc nhờ điều chỉnh giá điện trong năm 2013 hay chưa bởi như ông thú nhận thì “lộ trình tăng giá điện, đến thời điểm này chúng tôi chưa dám trình”. Trong khi lãnh đạo EVN đang “chưa dám” trình phương án – lộ trình tăng giá thì tại buổi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011 cũng diễn ra trong ngày 3.12, cục trưởng cục Điều tiết điện lực cho hay: tháng 12 này bộ sẽ trình Thủ tướng lộ trình tăng giá điện!

Theo ông Cường, đây đã là lần thứ hai ngành điện tổ chức công khai giá thành sản xuất điện, dựa trên kết quả của kiểm toán độc lập và lần này có thêm sự tham gia của tổ liên ngành gồm đại diện của bộ Lao động – thương binh và xã hội, uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khác với những lần trước chỉ có đại diện của hai bộ Tài chính – Công thương. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Cường cho hay chưa có quy định nào bắt buộc về thành phần tổ giám sát mà thành phần tổ được cục này mời “trên nguyên tắc là cơ quan có thẩm quyền”.

Trước câu hỏi: liệu có chấp nhận để các chuyên gia độc lập hay các tổ chức phản biện như hiệp hội Khoa học kỹ thuật tham gia vào quá trình rà soát, minh bạch giá điện, ông Cường cho biết phải “chờ xin ý kiến của lãnh đạo”. Đến khi được yêu cầu công bố công khai cơ cấu nguồn phát – một yếu tố hàng đầu để minh bạch giá thành điện – đến lượt lãnh đạo cục Điều tiết điện lực viện dẫn lý do có “quá nhiều nguồn phát, quá nhiều giá thành” để đẩy câu trả lời cho lãnh đạo EVN. Hình như ông Cường quên là nếu để EVN tính toán rồi tự công bố thì dư luận còn biết đòi hỏi, chờ đợi gì nữa về vai trò của tổ giám sát mà chính ông Cường vừa nhắc tới một cách mạnh mẽ ở trên?

Chí Hiếu

Sài Gòn Tiếp Thị





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ Công Thương thông tin về chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà

Chiều 04/05, phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có những chia sẻ về chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà.

Lập Tổ công tác giúp việc đôn đốc tiến độ triển khai đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải vừa ký quyết định...

Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn

Trong ngành bán dẫn, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ đầu tư...

Lý do loạt địa phương giải ngân đầu tư công thấp dưới mức bình quân

Tỉnh Bình Thuận, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh... nằm trong số các địa phương có mức giải ngân đầu tư công năm 2024...

Cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị khởi tố

Ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bị khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam với cáo buộc có sai phạm liên quan một dự án tại Lâm Đồng.

Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt...

'Nhiều tập đoàn công nghệ lớn muốn đầu tư ngành bán dẫn tại Việt Nam'

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu muốn đầu tư vào ngành điện tử, chip, bán dẫn tại Việt Nam.

Xây dựng Luật khu công nghiệp: Đón dòng đầu tư chất lượng cao

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết khu công nghiệp là khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy gửi đơn tố cáo hành vi thông thầu ở Ninh Thuận

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận có đơn tố cáo hành vi thông thầu trong đấu giá đất công, gây thất thoát tài sản nhà nước

Doanh nghiệp liên quan vụ bán dự án điện mặt trời cho Trung Quốc, đề xuất làm 2 nhà máy điện gió ở Lâm Đồng

Mới đây, CTCP Đầu tư HLP đề xuất đầu tư xây dựng 2 dự án nhà máy điện gió Tà Năng 1 và Tà Năng 2 tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98