Vụ lừa đảo hơn 1.000 tỉ đồng: “Rót” vốn ưu đãi cho doanh nghiệp lừa

19/06/2013 14:16
19-06-2013 14:16:24+07:00

Vụ lừa đảo hơn 1.000 tỉ đồng: “Rót” vốn ưu đãi cho doanh nghiệp lừa

Vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Phát triển (VDB) chi nhánh Đắc Lắc - Đắc Nông (VDB Đắc Lắc - Đắc Nông) và các ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Nam Á (NamABank) vừa mới được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắc Nông kết luận. Những thủ đoạn chiếm đoạt nối tiếp nhau. Sau khi “rót” vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi của Chính phủ cho các DN lừa, lãnh đạo VDB Đắc Lắc - Đắc Nông đã cùng với các DN này đi lừa ngân hàng thương mại khác để có tiền... khắc phục hậu quả.

* Nhân viên ngân hàng NamABank, OCB, VDB nhận hối lộ, chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng

Trụ sở Ngân hàng Phát triển chi nhánh Đắc Lắc - Đắc Nông.

Trong đó, nhóm tội lừa đảo gồm Cao Bạch Mai - GĐ Cty TNHH Minh Nhật, Trần Thị Xuân - GĐ Cty TNHH Nhật Tân, Đặng Thị Ngân - GĐ Cty TNHH Thủy Ngân, Nguyễn Thị Vân - Chủ nhiệm HTX Sông Cầu (đều ở tỉnh Đắc Nông) và Nguyễn Thị Kim Loan - GĐ Cty Phát Long ở tỉnh Đắc Lắc, Nguyễn Văn Khánh - “cò” tín dụng ở TPHCM. Nhóm tội vi phạm các quy định về cho vay tại VDB Đắc Lắc - Đắc Nông có Vũ Việt Hùng - nguyên GĐ, Trần Xuân Lộc - nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu, Nguyễn Thị Hồng Liên - nguyên cán bộ tín dụng. Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông có Lâm Hữu Hạnh - Phó TGĐ kiêm GĐ Sở Giao dịch TPHCM, Vũ Tiến Đạt - GĐ Sở Giao dịch TPHCM, Tạ Thị Xuân Ý - cán bộ tín dụng. Cũng tội danh này, tại Ngân hàng TMCP Nam Á có Trương Đình Hải - GĐ chi nhánh Hà Nội.

Hàng nghìn tỉ đồng vay bằng... hồ sơ giả

Theo quy định của Nhà nước, vốn tín dụng xuất khẩu tại Ngân hàng Phát triển là nguồn vốn ưu đãi có lãi suất thấp hơn các NHTM từ 4 - 5%, tài sản đảm bảo chỉ bằng 15% tổng dư nợ. Biết được chính sách này, Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Kim Loan... đã thực hiện nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo.

Để vay được tín dụng xuất khẩu thì phải có hoạt động xuất khẩu với Cty nước ngoài, Cao Bạch Mai đã thông qua Nguyễn Thị Kim Loan đưa cho Từ Đại Hùng (cháu gọi Loan bằng dì, đang ở Trung Quốc) 100 triệu đồng để Hùng thành lập Cty Quan Heng tại TP.Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Sau đó Hùng ký khống, đóng dấu khống vào hàng trăm tờ giấy trắng khổ A4 chuyển cho Mai để Mai làm hợp đồng xuất khẩu nông sản cho Cty Minh Nhật. Một số khác, Mai bán lại cho Trần Thị Xuân với giá 20 triệu đồng/tờ để Xuân làm hợp đồng xuất khẩu cho Cty Nhật Tân.

Sau khi có hợp đồng xuất khẩu, các đối tượng đã lập khống bảng kê thu mua nông sản của dân, làm giả hóa đơn GTGT bằng thủ đoạn photocoppy, dán số liệu. Về thủ tục hải quan, các đối tượng đã chi hàng tỉ đồng để một đối tượng ở Móng Cái làm giả tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu. Tất cả các giấy tờ giả này đều được nộp cho VDB Đắc Lắc - Đắc Nông để vay tín dụng xuất khẩu với lãi suất thấp.

Với các thủ đoạn trên, Cao Bạch Mai đã ký 70 hợp đồng xuất khẩu vay được 1.005 tỉ đồng (đến khi bị bắt đã chiếm đoạt trên 155 tỉ đồng), Trần Thị Xuân ký 64 hợp đồng xuất khẩu vay được 938,5 tỉ đồng (đến khi bị bắt đã chiếm đoạt hơn 202 tỉ đồng). Phần lớn vốn vay được sử dụng để mua sắm tài sản, đứng tên các đối tượng và nhiều người thân, dẫn đến mất khả năng trả nợ.

Ngoài Cty Minh Nhật và Cty Nhật Tân, cơ quan điều tra còn phát hiện nhiều DN khác có dư nợ tín dụng xuất khẩu rất lớn tại VDB Đắc Lắc - Đắc Nông nhưng không còn tài sản để đảm bảo trả nợ như Cty TNHH Thủy Ngân do Đặng Thị Ngân làm giám đốc, HTX Sông Cầu do Nguyễn Thị Vân làm chủ nhiệm.

Lãnh đạo ngân hàng bị mua chuộc

Để có tài sản thế chấp (bằng 15% tổng dư nợ), Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân thông đồng với lãnh đạo VDB Đắc Lắc - Đắc Nông để giải ngân tiền vay trước vào tài khoản của DN tại một ngân hàng thương mại. Sau khi rút tiền, Mai và Xuân lại mang nộp vào VDB Đắc Lắc - Đắc Nông, “hóa giải” được tài sản thế chấp tương đương 15% tổng dư nợ.

Do việc rút tiền sau giải ngân, nộp tiền vào tài khoản thế chấp diễn ra cùng một ngày, cán bộ ngân hàng đã để trống phần ghi thời gian trên các chứng từ. Khi cán bộ tín dụng kiểm tra kho hàng, những lần đầu các đối tượng này chỉ vào hàng hóa của đơn vị khác gửi, hoặc tự nhận hàng hóa trong kho các DN nghiệp khác là của mình. Đối với những hợp đồng vay sau, cán bộ tín dụng của VDB Đắc Lắc - Đắc Nông không đến kiểm tra mà lập khống biên bản, xác nhận các DN này có hàng hóa trong kho.

Ngoài ra, các DN này còn nhờ một số cán bộ VDB Đắc Lắc - Đắc Nông làm giúp báo cáo tài chính sai sự thật nhằm che giấu việc làm ăn thua lỗ, tiếp tục vay vốn đáo hạn. Để “cảm ơn”, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân đã hối lộ Giám đốc VDB Đắc Lắc - Đắc Nông Vũ Việt Hùng một ôtô BMW trị giá 3,2 tỉ đồng. Chiếc xe này được các đối tượng nhờ người khác đăng ký ở TPHCM, sau đó viết giấy tặng cho con trai của Vũ Việt Hùng.

(Còn tiếp)

Đặng Trung Kiên

Lao động



MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98