Máy bay AirAsia mất tích bí ẩn cùng 162 người

29/12/2014 13:43
29-12-2014 13:43:56+07:00

Máy bay AirAsia mất tích bí ẩn cùng 162 người

Hôm qua, thêm một thảm họa hàng không nữa lại xảy ra khi chiếc máy bay Airbus A320 số hiệu QZ8501 thuộc Hãng hàng không AirAsia (Malaysia) mất tích trên hành trình từ Surabaya (Indonesia) tới Singapore. 

Mất tích sau khi cất cánh 42 phút

Máy bay QZ8501 biến mất khỏi màn hình radar 42 phút sau khi cất cánh từ sân bay Surabaya, ông Hadi Mustofa, đại diện Bộ Giao thông Indonesia cho biết. Liên lạc bị ngắt khi máy bay đang bay trên vùng biển Java nằm giữa Surabaya và Singapore.

Theo danh sách AirAsia công bố cuối ngày hôm qua (28/12): Trên máy bay có 162 người gồm 155 hành khách (138 người lớn, 16 trẻ em và một trẻ sơ sinh) và 7 thành viên phi hành đoàn. Trên chuyến bay không có người Việt Nam nào. Trong số 155 hành khách, có một người Singapore, một Malaysia, ba Hàn Quốc, một Anh, 149 Indonesia. Trong số 7 thành viên phi hành đoàn, có một người Pháp,  sáu Indonesia. Cơ trưởng là người có kinh nghiệm với 6.100 giờ bay, phi công phụ có hơn 2 nghìn giờ bay. Chiếc Airbus A320 này vừa được bảo dưỡng ngày 16/11 vừa qua.

Ngay lập tức, AirAsia đã thiết lập một đường dây nóng và Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình và thân nhân những hành khách trên chuyến bay có thể liên lạc. Thân nhân những hành khách trên chuyến bay xấu số được tiếp đón tại Trung tâm cứu hộ Indonesia và Singapore. 

Thân nhân những hành khách trên chuyến bay mất tích đang lo lắng chờ đợi

Tránh mây, gặp sét?

Ông Joko Muryo Atmodjo, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Indonesia cho AFP biết, các nỗ lực cứu hộ đang tập trung vào khu vực giữa đảo Belitung và Kalimantan nằm ở phía Tây đảo Borneo. Ông Joko cũng nói với Reuters, trước khi xảy ra sự cố, chiếc máy bay đang ở độ cao 32 nghìn feet (9.700 m), phi công đề nghị rẽ sang trái và yêu cầu bay ở độ cao 38 nghìn feet (11.500 m) để tránh những đám mây và đã đi được một nửa hành trình. Vị trí cuối cùng phát hiện được tín hiệu của chiếc QZ8051 tại vùng biển nằm giữa đảo Belitung và Kalimantan, cách thị trấn Tanjung Pandan của Belitung khoảng 100 hải lý. Trước khi mất tích, chiếc máy bay không gửi đi tín hiệu cầu cứu.

* Tờ China Press dẫn lời cảnh sát cho biết, không có thông tin hay bằng chứng rằng vụ việc có liên quan đến hoạt động khủng bố.

* AirAsia của Malaysia thành lập năm 2001, là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới năm 2009 do Skytrax bình chọn. AirAsia có chi nhánh ở: Indonesia, Thái Lan, Philippines và Ấn Độ, sở hữu 49% cổ phần AirAsia Indonesia. Mỗi ngày, AirAsia khai thác hơn 500 chuyến bay quốc tế và nội địa, tới 66 thành phố tại: Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Brunei, Myanmar, Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, Đài Loan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Australia, Philippines, Ấn Độ, Bangladesh và Vương quốc Anh.

* Hãng sản xuất máy bay Airbus cho biết, chiếc A320 -200 gặp nạn được giao cho AirAsia từ tháng 10/2008, sử dụng hai động cơ CFM 56-5B, đã thực hiện 13.600 chuyến bay, gần 23 nghìn giờ bay.

* Đây là vụ việc thứ ba liên quan đến Malaysia trong năm nay sau hai bi kịch hàng không tồi tệ nhất của Malaysia Airlines là chuyến bay MH 370 biến mất trên đường từ Jakarta (Indonesia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng với 239 người và chuyến bay MH17 bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine khiến 298 người thiệt mạng.

Weather Bug, trang thông tin thời tiết toàn cầu cho biết, có sét đánh gần tuyến đường bay của QZ8501 từ lúc 6h-6h20; trong khi đó, Cơ quan hàng không dân dụng Singapore cho biết, QZ8501 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu vào lúc 6h17.

Malaysia đã triển khai 3 tàu tìm kiếm và máy bay C130 hỗ trợ Indonesia tìm kiếm máy bay mất tích QZ8051. Bộ trưởng Giao thông Malaysia khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Singapore và Indonesia bất cứ khi nào hai nước này kêu gọi. Singapore đã điều hai máy bay C-130 tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn. Australia cùng với hãng sản xuất Airbus cam kết trợ giúp chính phủ Indonesia điều tra.

Liên quan đến nghi vấn máy bay gặp thời tiết xấu bất thường, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Việt Thắng, TGĐ Tổng công ty Quản lý bay VN cho biết: Máy bay chỉ gặp thời tiết bất thường ở sân bay đến hoặc sân bay đi, tức là khi ở mực bay thấp gần mặt đất. Còn khi ở mực bay cao, những thông tin thời tiết được cập nhật khá chính xác thông qua việc chụp ảnh vệ tinh, những thông báo thời tiết từ Trung tâm dự báo thời tiết toàn cầu và có phương án đối phó.

“Về nguyên tắc máy bay hoạt động trong vùng thời tiết bất thường như nhiễu động, giông bão, mưa to gió lớn đều bị ảnh hưởng. Song, chúng ta có hệ thống theo dõi thời tiết trên mặt đất. Trên máy bay cũng có radar để theo dõi những đám mây có mật độ mây cao, có tích điện lớn thì phi công đều phải tránh cả. Những việc này trong hoạt động bay là hết sức bình thường. Nhiều khi, trên đường bay cũng có những tình huống bất thường hoặc phương án tránh của tổ lái không chuẩn thì cũng có trường hợp máy bay bị sét đánh. Tuy nhiên, khả năng này rất ít xảy ra bởi trên máy bay có hệ thống triệt tiêu sét”, ông Thắng nói.

Đến 18h30 hôm qua, đại diện Hải quân Indonesia cho biết, họ vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ nào được cho là của máy bay QZ8501. Do thời tiết xấu, tầm nhìn trong khu vực tìm kiếm chỉ còn 7 - 9 km. Đến 19h15, công tác tìm kiếm tạm dừng. Sáng nay, cuộc tìm kiếm bắt đầu vào lúc 7h, tuy nhiên có thể sớm hơn nếu thời tiết tốt, theo AFP.

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm nếu có yêu cầu

Chiều 28/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc điện đàm thăm hỏi với người đồng cấp Indonesia Retno - L.P. Marsudi và chia sẻ sâu sắc sự lo lắng với các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay nếu có yêu cầu.

Trước đó, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN xác nhận với PV Báo Giao thông, chiếc máy bay mất tích của hãng Air Asia chưa bay vào vùng FIR (Flight Information Region - vùng thông báo bay) của VN. Ông Thanh cũng khẳng định, hiện chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ nào từ phía Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Indonesia và Singapore. Tuy nhiên, phía Hàng không Việt Nam sẽ sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào có yêu cầu.

Cả gia đình chồng sắp cưới mất tích

Câu chuyện của Louise Sidharta, 25 tuổi có thân nhân là hành khách trên chuyến bay mất tích QZ8501 đã khiến mọi người xúc động, bởi đó chính là cả gia đình chồng sắp cưới của cô.

Cô Louise Sidharta trong vòng vây báo chí

Anh Alain Oktavianus Siaun, vị hôn phu của Sidharta cùng gia đình gồm năm người (bố mẹ và ba anh em trai) trên chuyến bay tới Singapore để hưởng chuyến du lịch cùng Sidharta trước lễ cưới sẽ diễn ra vào tháng 5 năm sau. Sidharta biết tin dữ khi đang trên đường tới sân bay Surabaya để lên một chuyến bay khác vào lúc 13h25 theo giờ địa phương, hẹn gặp chồng sắp cưới cùng gia đình nhà chồng tại Singapore.

Sidharta cho biết: “Tôi nghe thấy tin tức qua đài phát thanh và ngay lập tức lên mạng để tìm hiểu”. Cô biết chắc chắn chồng sắp cưới của mình có mặt trên chuyến bay đó, nhưng vẫn gọi điện cho người thân của anh tại Indonesia để hỏi lại. Họ xác nhận, anh Siaun cùng năm thành viên khác trong gia đình đã lên chuyến bay đó.

Mặc dù đang phải đối mặt với tin dữ, Sidharta cùng chị gái và một số người thân khác có mặt tại nhà ga số 2, Sân bay Changi (Singapore) vẫn nén sự lo lắng và động viên thân nhân của các hành khách khác hãy mạnh mẽ và suy nghĩ tích cực. Cô nói, điều cần làm lúc này là “chúng tôi phải suy nghĩ tích cực và hy vọng những người thân yêu của chúng tôi sẽ sớm được tìm thấy”. 

Q. Minh - T. Bình - T. Trang

giao thông vận tải





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98