Siết thương mại tiểu ngạch: tác động thế nào?

31/01/2015 15:49
31-01-2015 15:49:00+07:00

Siết thương mại tiểu ngạch: tác động thế nào?

Gần đây, một số cơ quan ban ngành đề xuất siết thương mại tiểu ngạch, thu hẹp định mức giá trị hàng hóa mà cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng vì những mặt trái của chúng.

Xóa bỏ mua bán tiểu ngạch sẽ giúp giảm nhập siêu ngày càng tăng mạnh với Trung Quốc. Ảnh: Huỳnh Công Bá

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (Trung tâm WTO) đã thực hiện Báo cáo kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường tính chủ động của một số ngành kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc để trình Chính phủ. Trong đó, có đề xuất xem xét lại chính sách xuất nhập khẩu tiểu ngạch, với việc điều chỉnh cơ chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch theo hướng hạn chế dần (thắt chặt các điều kiện được phép sử dụng cơ chế tiểu ngạch); tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế tiểu ngạch, chỉ còn duy nhất và thống nhất cơ chế xuất nhập khẩu thông thường.

Bộ Tài chính cũng vừa hoàn thành việc lấy ý kiến cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung điều 5 Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. Theo dự thảo, hộ cư dân biên giới được miễn thuế trị giá không quá 2 triệu đồng/hộ và không quá 4 lần/tháng đối với những loại hàng hóa phục vụ trực tiếp đời sống, sản xuất của hộ cư dân biên giới. Tức mỗi tháng, mỗi hộ chỉ được miễn thuế hàng hóa trao đổi qua biên giới trị giá không quá 8 triệu đồng/hộ, thay vì 60 triệu đồng/người/tháng (tức 2 triệu đồng/người/ngày) như hiện nay.

Siết hay không siết, vì sao?

Hiện buôn bán qua biên giới bao gồm hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới (hàng tiểu ngạch), hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, hàng hóa đưa vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

Số liệu hải quan trong 11 tháng đầu năm 2014 của Trung Quốc và Việt Nam chênh nhau đến 16,7 tỉ đô la Mỹ, phần nào phản ánh thương mại tiểu ngạch giữa hai nước trong khi số liệu chính thức không có.

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới (hàng tiểu ngạch) do doanh nghiệp, cá nhân thực hiện đều phải đóng thuế, phí theo quy định, và được quản lý theo các quy định, chính sách xuất khẩu thông thường. Theo đó, nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật, thương nhân xuất khẩu qua tiểu ngạch, nhìn chung, không được hưởng chính sách miễn thuế riêng biệt.

Tuy nhiên, bên phía Trung Quốc có chính sách cho phép cư dân biên giới nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam được miễn thuế trong hạn mức trị giá  không quá 8.000 nhân dân tệ/người/ngày (tức khoảng 24 triệu đồng), do đó hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc theo con đường này có giá cả cạnh tranh hơn.

Về phía Việt Nam, hàng hóa do cư dân biên giới nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc (và các nước lân cận khác) được ưu đãi miễn thuế trong giới hạn trị giá 2 triệu đồng/người/ngày với điều kiện phù hợp danh mục hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Công Thương công bố trong từng thời kỳ sau khi đã bàn thống nhất với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Chính sách miễn thuế cho hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới nhằm tạo điều kiện để cư dân biên giới tiêu thụ sản phẩm do mình sản xuất ra, cũng như mua được vật tư cần thiết phục vụ sản xuất và tiêu dùng hàng ngày, thúc đẩy sản xuất... Tuy nhiên, trên thực tế, cư dân biên giới ở Việt Nam không dùng hết định mức 2 triệu đồng/ngày/người, và có tình trạng thương nhân lợi dụng chính sách miễn thuế này bằng cách khai thấp giá trị, chia nhỏ hàng (để đảm bảo mức 2 triệu đồng) và thuê người dân sống ở vùng biên giới vận chuyển nhiều lần qua biên giới để tránh thuế.

Đây là lý do Bộ Tài chính muốn siết lại hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Nếu dự thảo quyết định này được phê duyệt, tất nhiên sẽ tác động đến nhập khẩu từ các nước giáp biên giới Việt Nam, như Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Hiện không có số liệu cụ thể được công bố rộng rãi về thương mại tiểu ngạch giữa Việt Nam và các nước giáp biên giới. Tuy nhiên, số liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Việt Nam tới 56,2 tỉ đô la Mỹ, còn số liệu hải quan của Việt Nam là 39,5 tỉ đô la Mỹ, tức thấp hơn số liệu của Trung Quốc 16,7 tỉ đô la Mỹ.

Theo một số chuyên gia, con số chênh lệch này phản ánh phần nào thương mại tiểu ngạch giữa hai nước, với hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam tầm 16,7 tỉ đô la Mỹ. Việc siết lại quy định về miễn thuế ở trên, về lý thuyết, sẽ tác động đến số nhập khẩu này.

Một người thuộc cơ quan nhà nước và có hiểu biết về thương mại biên giới cho biết, dự thảo quyết định trên (do Bộ Tài chính soạn thảo) chưa được Thủ tướng phê duyệt và hiện cũng có một số ý kiến không đồng tình. Bởi lẽ, việc siết lại này sẽ gây khó khăn cho cư dân tại vùng biên giới. Trên thực tế, cư dân không dùng hết định mức 2 triệu đồng, nhưng nhờ việc này họ có được cơ hội việc làm để phục vụ hoạt động lưu thông hàng hóa qua biên giới. Và nhìn chung, về thương mại, đây có thể xem là chính sách duy nhất để hỗ trợ cư dân biên giới, nếu siết lại sẽ gần như không còn chính sách nào khác.

Theo vị này, vấn đề không phải là siết định mức, mà cơ quan quản lý cần quản lý, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu phải thuộc trong danh mục hàng hóa cho phép. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, nếu siết lại như vậy thì có thể thương lái vẫn có cách lách, chẳng hạn như thuê thêm cư dân để vận chuyển.

Còn theo đề xuất của VCCI thì ngoài việc xây dựng khẩn cấp cơ chế kiểm soát buôn lậu hiệu quả, tăng cường lực lượng và nguồn lực cho việc kiểm soát tình trạng buôn lậu, thì cũng cần tạo điều kiện giải quyết việc làm cho một bộ phận cư dân biên giới hiện đang bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng để “buôn lậu” hợp pháp bằng việc sử dụng thẻ cư dân biên giới để vận chuyển hàng thuê qua biên giới.

Doanh nhân nói gì?

Một  thành viên Ban giám đốc tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho rằng, việc siết chặt biên mậu về lâu dài là tốt, nhưng có thể, đây là tin không vui đối với những công ty kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng vì lâu nay họ thường dựa vào ưu đãi thuế đối với cư dân biên giới để “đánh” hàng từ Trung Quốc về.

Vị này cho biết thêm, nếu cơ quan nhà nước siết chặt giao dịch tiểu ngạch ở biên giới (cả xuất và nhập khẩu - PV), về lâu dài, sẽ tốt cho chính các công ty kinh doanh và xuất nhập khẩu cao su.

Lâu nay, các công ty nông sản bán hàng theo dạng tiểu ngạch đều tiềm ẩn những rủi ro vì phải mang hàng đến cửa khẩu thì bên mua mới xem hàng rồi mới thống nhất giá mua. Điều này khác với việc buôn bán chính ngạch là bên bán đã biết giá trước. Nếu có số lượng lớn hàng của các công ty Việt Nam cùng chở ra biên giới, phía Trung Quốc sẽ ép giá.

“Trong mấy năm qua, chuyện Trung Quốc đóng cửa cửa khẩu cũng thường xảy ra nên bán cao su theo tiểu ngạch còn tiềm ẩn rủi ro này nữa”, ông nói.

Cũng theo vị này, trước đây, xuất khẩu cao su theo chính ngạch phải chịu thuế 5% nên nhiều công ty chọn xuất tiểu ngạch, nay thuế đã giảm xuống còn 0%, nhiều nơi đã chọn cách xuất chính ngạch. Ngoài ra, lâu nay, xuất tiểu ngạch có thể đi qua nhiều cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc nhưng giờ Việt Nam chỉ cho xuất qua các cửa khẩu ở Lào Cai nên số lượng xuất dạng này cũng giảm đi nhiều.

Về phía Trung Quốc, sở dĩ doanh nghiệp nhập khẩu của nước này chọn nhập tiểu ngạch vì cách này không phải chịu thuế, nếu nhập chính ngạch họ phải chịu thuế suất tới 25%. Tuy nhiên, nếu họ nhập cao su thiên nhiên từ Việt Nam về rồi sản xuất ruột, vỏ lốp xe để xuất khẩu sang nước khác, họ sẽ được hoàn thuế, thành viên Ban giám đốc VRG nói.

Ông Hoàng Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lâm, An Giang - công ty thường xuyên xuất khẩu gạo qua Trung Quốc bằng tiểu ngạch - cho biết, việc Bộ Tài chính muốn siết chặt ưu đãi thuế đối với cư dân biên giới chỉ ảnh hưởng đến những mặt hàng tiêu dùng, chứ không ảnh hưởng nhiều đến những mặt hàng có số lượng giao dịch lớn lên đến vài chục, có khi cả trăm tấn như gạo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2014, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,3 triệu tấn, trị giá gần 3 tỉ đô la Mỹ, trong đó, 30% xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ngoài ra, còn có hơn 2 triệu tấn gạo được xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng tiểu ngạch.

Ông Lâm cũng nêu thực tế, lâu nay, các mặt hàng nông sản như cao su, gạo, đường xuất dưới dạng tiểu ngạch có cách thức mua bán như ở một chợ nông sản: người bán đem hàng đến biên giới, bên mua xem hàng rồi thỏa thuận giá cả, sau đó mới tiến hành giao hàng, dù trị giá mỗi đơn hàng lên đến vài tỉ đồng.

Hùng Nguyệt

tbktsg





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giá vé máy bay Hà Nội - TPHCM giảm mạnh

Sau khi các hãng hàng không tăng chuyến, giá vé chặng bay vàng Hà Nội - TPHCM bắt đầu hạ nhiệt, giảm một nửa so với đợt sau Tết Âm lịch.

Bắt cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương 

Ngày 26/04, nguồn tin từ Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Tiến...

Quý 1/2024, doanh thu của Viettel Global tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 22%, lợi nhuận sau thuế tăng 175%

Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VGI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm 2024. Theo đó, doanh thu của Viettel Global tiếp tục...

Đốn hơn 400 cây xanh để xây metro số 2: TPHCM trồng số lượng lớn cây thay thế

Thông tin về việc đốn hạ hơn 400 cây xanh làm Metro Bến Thành - Tham Lương, đại diện Sở Xây dựng khẳng định TPHCM sẽ trồng mới cây xanh sau khi hoàn tất việc thi...

Bộ trưởng Công Thương: Mua giá 0 đồng điện mặt trời mái nhà dư thừa để ngăn trục lợi chính sách

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giải thích về giải pháp giá 0 đồng đối với điện mặt trời mái nhà trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia. Bộ trưởng Công Thương...

Doanh nghiệp giảm được gần 15% tiền điện từ việc điều chỉnh phụ tải

Một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

Việt Nam chỉ có 18 tháng để tham gia cuộc đua bán dẫn

Đây là phát biểu của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn”, tổ chức vào chiều ngày...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Kết luận tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” tổ chức vào chiều ngày 24/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phải coi...

Đề xuất 'gói' giải pháp gỡ khó cho dự án BOT giao thông triển khai trước khi có Luật PPP

Đây là kiến nghị của một số bộ, ngành tại cuộc làm việc về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ...

Đối tượng nào được tham gia trao đổi trên thị trường carbon?

Ở Việt Nam, thị trường trao đổi tín chỉ carbon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98