Tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc, nên hay không?

28/02/2015 09:19
28-02-2015 09:19:00+07:00

Tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc, nên hay không?

Trước tình trạng xe máy đi vào các tuyến đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng gợi ý có thể xem xét tịch thu phương tiện. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng việc tịch thu xe máy sẽ khó thực hiện.

Tình trạng xe máy đi vào đường cao tốc dành riêng cho ô tô khá phổ biến, gây nguy hiểm cho chính bản thân người điều khiển phương tiện.

Thu xe, bán đấu giá để ủng hộ người nghèo?

Tại cuộc họp về quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trên một số tuyến cao tốc dù đã tuyên truyền và có biển cấm xe máy lưu thông nhưng nhiều xe máy vẫn cố tình đi vào.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Ủy ban ATGT quốc gia sớm xây dựng một Nghị định trình Chính phủ để xử lý triệt để vấn đề này.

“Nếu cần thiết sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành một Nghị định cho phép tịch thu xe máy của những người cố tình đi vào đường cao tốc. Những xe thu được sẽ tiến hành bán đấu giá, toàn bộ số tiền thu được sẽ dành để ủng hộ người nghèo”, ông Đinh La Thăng đề xuất.

Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty vận hành và bảo trì đường cao tốc VEC O&M cho biết, trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đặc biệt ở khu vực tỉnh Lào Cai xuất hiện nhiều trường hợp người dân đi xe máy vào đường cao tốc. Thậm chí, khi nhân viên bảo trì đường cao tốc hướng dẫn người dân đi ra đúng tuyến đường còn bị chống đối. “Chúng tôi đã nhiều lần đưa một số anh em đi bệnh viện sau khi xảy ra xô xát với người dân đi xe máy vào đường cao tốc”, ông Bùi Đình Tuấn cho biết.

Trao đổi với phóng viên về chỉ đạo này, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho hay, đơn vị này đang soạn thảo Dự thảo trình các cơ quan liên quan để lấy ý kiến, trong đó việc xử phạt hành vi đi xe máy vào đường cao tốc chỉ là một trong những hành vi của dự thảo.

“Việc có thể tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc mới chỉ là ý tưởng ban đầu của Bộ trưởng Bộ GTVT. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét và lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, nhưng sẽ theo hướng tăng nặng xử phạt. Hành vi đi xe máy vào đường cấm đã được quy định trong luật, đã quy định mức xử phạt nhưng chưa đủ răn đe. Trong khi đó, hành vi đi xe máy vào đường cao tốc rất nguy hiểm bởi đường chỉ dành cho xe ô tô lưu thông với tốc độ cao”, ông Nguyễn Trọng Thái cho hay.

Vi phạm hành chính, xử lý hình sự?

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ, hành vi đi xe máy hay ô tô vào đường cấm đã được quy định tại Nghị định 171 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT. Hành vi này thuộc vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT. Nếu đặt vấn đề tịch thu phương tiện đi vào đường cấm sẽ sang một phạm trù khác là xử lý hình sự.

“Xe máy là tài sản thuộc sở hữu cá nhân, nếu chủ phương tiện chỉ vi phạm hành chính thì không thể tịch thu tài sản thuộc sở hữu cá nhân được”, ông Bùi Danh Liên nêu ý kiến. Còn việc, tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc bán đấu giá, lấy kinh phí làm từ thiện là một lĩnh vực khác, không liên quan đến quản lý ATGT.

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, nên tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi đi vào đường cấm và có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, như tạm giữ phương tiện có thời hạn. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về ATGT trên các tuyến đường cao tốc.

Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Đình Tuấn cũng cho rằng, cần xử phạt thật nghiêm hành vi đi xe máy vào đường cao tốc và có thể tạm giữ phương tiện 2-3 tháng. Song, việc có tịch thu xe máy hay không còn xem xét, căn cứ ở góc độ pháp luật.

Theo điểm e, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), từ 200.000-400.000 đồng nếu điều khiển xe đi vào đường cao tốc.

Phan Trang

Chính phủ





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98