Nhật Bản cố thoát ‘vòng kim cô’ của Mỹ?

20/04/2015 11:47
20-04-2015 11:47:17+07:00

Nhật Bản cố thoát ‘vòng kim cô’ của Mỹ?

Thay vì Mỹ bảo vệ Nhật Bản như trước đây, sẽ là thế “phản khách vi chủ” khi Nhật Bản tham gia bảo vệ Mỹ trên quy mô toàn cầu.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một buổi duyệt binh. Ảnh: Xinhua-Yonhap News

Những tưởng việc Nhật Bản và Mỹ tăng cường quan hệ bao gồm cả hợp tác quân sự chỉ là những động thái bình thường trong bang giao như các nước khác thường làm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi mức độ gia tăng sức mạnh quân sự của các cường quốc đang trở thành những con sóng ngầm dữ dội, nhất là khi Nhật Bản đang “trở lại” với một loạt các bước đi nhằm tăng cường khả năng răn đe, việc sửa đổi theo hướng nâng cấp “bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng” Nhật – Mỹ gần đây đang thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới.

Giới truyền thông cho rằng, việc sửa đổi lần này sẽ nâng quan hệ quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản lên một tầm cao mới, cho phép quân đội hai nước "hợp tác không giới hạn" trước những thách thức toàn cầu. Nhưng, thực tế có phải như vậy, hay đang hàm chứa một ẩn ý sâu xa của Nhật Bản nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Mỹ về mặt quân sự như hiện nay, theo đó sẽ có một sự biến đổi về chất của mối quan hệ này?

Thỏa thuận 2015

Ngày 8/4 vừa qua tại Tokyo, Bộ trưởng phòng vệ Nhật Bản Ghen Nakatani đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter. Tại đây, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi “bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng” song phương trong đó sẽ nêu rõ: “hợp tác quân sự Nhật – Mỹ là không giới hạn” và “có tính chất toàn cầu”.

Đây là những điểm mới mang lại sự thay đổi có tính bước ngoặt so với bản hướng dẫn năm 1997. Theo đó, Nhật – Mỹ sẽ tiến hành nhiều bước như: tăng cường khả năng răn đe trên biển Đông và biển Hoa Đông, tăng cường chi viện cho các chiến hạm tham gia phòng thủ tên lửa, hợp tác “vùng xanh” (hợp tác tiền tấn công quân sự), sử dụng quyền tự vệ tập thể để bảo vệ các chiến hạm của Mỹ trong trường hợp bị tấn công… Bản hướng dẫn sửa đổi này dự định sẽ được chính thức thông qua tại cuộc gặp cấp Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật - Mỹ tại Washington ngày 27/4.

Phía Mỹ tỏ ra rất kỳ vọng vào văn bản sửa đổi nêu trên và còn mong muốn Nhật Bản “tự lập về mặt quân sự”. Bộ trưởng Carter, trong cuộc họp báo sau hội đàm đã nhấn mạnh: “Cơ hội hợp tác quốc phòng Nhật – Mỹ sẽ tăng lên. Hai bên có thể đối phó một cách linh hoạt với các thách thức trên toàn thế giới ở tất cả các lĩnh vực”.

Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, có thể thấy bản hướng dẫn sửa đổi này sẽ trở thành một trong những tiền đề giúp Chính phủ Nhật Bản khôi phục lại quyền lực quân sự - thứ đang bị coi là cấm kỵ trong Hiến pháp của nước này. Theo đó, ảnh hưởng gần như tuyệt đối của Mỹ về mặt quân sự đối với Nhật Bản sẽ giảm dần, thay vì Mỹ bảo vệ Nhật Bản như trước đây, sẽ là thế “phản khách vi chủ” khi Nhật Bản tham gia bảo vệ Mỹ trên quy mô toàn cầu, mà đặc biệt là tại khu vực Đông Bắc Á đầy nhạy cảm hiện nay với sự “trỗi dậy” bị gọi là “hung hăng” của Trung Quốc.

Bởi, để Nhật Bản “tự lập” và “bảo vệ Mỹ”, việc nước này nâng cao năng lực quốc phòng là đương nhiên. Điều này rất phù hợp với kế hoạch “trở lại” đầy tham vọng mà Nhật Bản đang thực hiện một cách rất bài bản trong suốt gần một thập kỷ qua.

Sự lệ thuộc…

Để mô tả về mối quan hệ quân sự Nhật - Mỹ, xin được nhắc lại câu nói nổi tiếng của Cựu thủ tướng Yasuhiro Nakasone vào những năm 80 của thế kỷ trước, tức là giai đoạn cuối của Chiến tranh lạnh: “Nhật Bản là tầu sâu bay không thể đánh chìm của Mỹ”. Phát ngôn này lúc đó bị coi là “hớ hênh” nhưng nó gói trọn một thực tế là Nhật Bản bắt buộc phải lệ thuộc vào Mỹ để tự vệ vì Hiến pháp nước này không chấp nhận quyền giao chiến.

Năm 1960, Nhật – Mỹ ký kết Hiệp ước Hợp tác và An ninh cho phép sự hiện diện liên tục của các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ ngoại giao Nhật Bản, có thời điểm số lượng quân Mỹ đồn trú tại nước này lên tới trên 50.000 người. Nếu cộng cả con số các nhân viên quân sự được Lầu năm góc thuê làm việc tại Nhật Bản và thân nhân sỹ quan, binh lính con số này vượt quá 100.000 người. Đây là những con số đáng ngại. Bởi, nếu Mỹ có ý đồ thôn tính thì chỉ trong một đêm Nhật Bản sẽ trở thành… một bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Có ý kiến chỉ ra rằng sự có mặt của Mỹ là nhằm kiềm chế sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Đây là vấn đề lớn đẩy Nhật Bản vào cái “vòng luẩn quẩn” khi vừa muốn Mỹ bảo vệ mình trước các mối đe dọa về an ninh - quốc phòng, lại vừa muốn rộng đường để mở rộng quyền lực quân sự. Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn tận dụng mọi yếu tố có thể để thoát khỏi vòng kiềm tỏa.

…và kế hoạch bẻ “vòng kim cô”

Đầu tiên là yếu tố: “ở trong nước lòng dân oán giận” mà bằng chứng là sự phản đối mạnh mẽ của các địa phương nơi quân Mỹ đồn trú đối với các gánh nặng tài chính cùng các ảnh hưởng tiêu cực của “không khí trại lính”. Dựa vào đó, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu phía Mỹ giảm bớt hoặc hoán đổi, thu nhỏ quy mô các căn cứ quân sự trên đất Nhật. 

Đồng thời, trong những năm gần đây, Tokyo liên tục thực hiện các bước để “trở lại” về mặt quân sự, trong đó, bước được coi là yếu tố “cần và đủ” đã được tiến hành từ tháng 1/2007 khi nước này nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Phòng vệ. Tiếp theo là việc tạo khung pháp lý cho quá trình thực hiện chính sách này mà mốc quan trọng là ngày 1/7/2014 khi Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định: “Thay đổi cách giải thích Hiến pháp theo hướng công nhận việc sử dụng quyền tự vệ tập thể”.

Với quyết định trên, việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (điều luật cấm Nhật Bản tham gia chiến tranh và tổ chức chiến tranh) chỉ còn là vấn đề thời gian và thủ tục. Lại nữa, gần đây nhất là động thái nhằm tạo cơ sở vất chất cho quân đội thông qua việc nâng ngân sách quốc phòng lên 4980,1 tỷ Yên (khoảng 42 tỉ USD), tăng 2% so với năm trước và vượt qua kỷ lục 4.960 tỷ Yên của năm 2002, cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi “bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng”, mà theo đó Nhật Bản sẽ gia tăng quân bị là một hệ quả tất yếu và chiếc “vòng kim cô” của Mỹ tự nhiên sẽ phải nới lỏng.

Tuy nhiên, giới phân tích lại đưa ra nhận định đầy thận trọng khi dự báo: mặc dù Nhật Bản vẫn tuyên bố duy trì đường lối hòa bình và trong ngắn hạn việc nước này gia tăng sức mạnh quân sự này sẽ đưa đến những thay đổi tích cực cho quá trình giải quyết các thách thức tại khu vực. Nhưng trong dài hạn, với khả năng kinh tế, khoa học vào bậc nhất thế giới của Nhật Bản, nếu sức mạnh này không được kiềm chế đúng mức sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ mới tại châu Á – Thái bình Dương.

Tuấn Nhật

vietnamnet





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Microsoft cam kết đầu tư 1,7 tỷ USD phát triển hạ tầng AI cho Indonesia

Giám đốc Điều hành Microsoft cho biết hãng sẽ sớm xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Indonesia, cũng như giúp quốc gia này đào tạo hàng trăm nghìn lao động trong lĩnh...

Hơn 100 cửa hàng KFC tại Malaysia phải đóng cửa

QSR đã thay đổi chiến lược xây dựng thương hiệu theo hướng mang tính Hồi giáo hơn trên trang web của mình, nhưng nhiều người Malaysia vẫn tiếp tục quay lưng với...

Bất động sản Trung Quốc vẫn gặp khó dù tăng cho vay, nới lỏng hạn chế

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã phải cắt giảm mạnh mẽ lực lượng lao động khi họ phải gánh chịu các nghĩa vụ nợ ngày càng tăng và doanh số bán hàng sụt...

Nhật Bản: Đồng yen tiếp tục trượt dốc, giảm xuống mức thấp kỷ lục mới

Đồng yen tiếp tục trượt dốc xuống mức thấp kỷ lục khi Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ngày 26/4 duy trì lãi suất hiện nay sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày.

Thêm một ngân hàng Mỹ phá sản

Trong ngày 26/04, Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã thông báo về việc đóng cửa ngân hàng Republic First Bank, đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng đầu tiên tại...

Đồng yen của Nhật Bản trượt giá xuống mức thấp nhất trong 34 năm

Giá đồng yen giảm sau khi Mỹ công bố các dữ liệu lạm phát mới cao hơn dự tính, đẩy giá đồng USD lên mức cao nhất trong 5 tháng và càng củng cố niềm tin rằng Fed sẽ...

Indonesia bất ngờ nâng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Indonesia bất ngờ nâng lãi suất trong ngày 24/04 nhằm hỗ trợ đồng Rupiah, sau khi đồng tiền này rơi xuống đáy 4 năm.

Nhiều nước bày tỏ lo ngại trước việc đồng USD tăng giá mạnh

Đồng USD ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 so với các đồng tiền mạnh khác và trên đà tăng tháng thứ tư liên tiếp khiến các nhà hoạch định chính sách từ Nhật Bản...

IEA dự báo 50% xe điện bán ra trong năm 2024 sẽ đến từ Trung Quốc

Trong báo cáo vừa công bố, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo doanh số xe điện sẽ tăng mạnh trong năm 2024 và ngày càng gây áp lực lên nhu cầu dầu. Họ cho rằng...

Apple thất thế trước Huawei ở Trung Quốc

Doanh số iPhone rớt mạnh ở Trung Quốc trong quý đầu năm khi công ty đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các dòng điện thoại của Huawei.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98