Điểm đến nào cho Eximbank?

22/09/2015 11:02
22-09-2015 11:02:33+07:00

Điểm đến nào cho Eximbank?

Vì sao những dự tính quan trọng mà Chủ tịch Eximbank (EIB) đưa ra đều vênh lớn so với thực tế sau đó?...

* Eximbank chưa động tĩnh tĩnh

Ngân hàng Nhà nước đã xuất hiện. Khách hàng và cổ đông hẳn đang kỳ vọng cơ quan này sẽ bảo vệ và hỗ trợ đưa Eximbank trở lại vị thế từng có.

Do đâu mà trong năm 2014 một ngân hàng vừa có quy mô lãi 2.000-3.000 tỷ đồng mỗi năm, bỗng nhiên đứt gãy và rơi rất sâu về mặt con số hạch toán lợi nhuận?

Câu hỏi này đến nay vẫn còn đó, vẫn nóng trong các dòng chảy bình luận gần đây, khi mà những diễn biến mới tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiếp tục được chú ý.

Bầu trời riêng

Thực ra, lợi nhuận của Eximbank đã được lý giải về mặt số liệu. Trực tiếp nhất và lát cắt sâu nhất là nợ xấu.

Năm 2014, nợ xấu Eximbank tăng đột biến, từ 1,98% cuối 2013 lên cao điểm 3,36% và chốt năm ở 2,46%. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng vọt lên 825,299 tỷ đồng, trong khi năm 2013 chỉ 300,269 tỷ đồng.

Những con số nguyên nhân rõ ràng, còn lại là quan điểm và mục đích của việc chọn cách tạo ra những con số đó mà thôi.

Xử lý nợ xấu là một quá trình, nhưng tại Eximbank lại không như vậy, qua những gì đã thể hiện. Họ bất ngờ dồn lại để xử lý chỉ trong thời gian ngắn.

Phải chăng Ngân hàng Nhà nước bất ngờ ép họ phải tuân thủ ngay một cơ chế phân loại nợ ngặt nghèo hơn, vì việc dồn đột ngột nợ xấu lại rất lớn như vậy không thấy ở các thành viên khác trong hệ thống, cả hệ thống cũng không làm được?

Dĩ nhiên là không có cơ chế ép buộc nào riêng cả, chỉ có một bầu trời riêng của sự lựa chọn.

Mức độ dồn nợ xấu là cực lớn, tỷ lệ 2,46% chỉ phản ánh một phần mà thôi. Riêng trong năm 2014, họ đã dồn bán tới hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Đây là điểm rất đáng được chú ý.

Cuối năm 2013, nợ xấu của Eximbank chỉ 1.652 tỷ đồng, nếu cộng cả nhóm nợ cần chú ý tổng cũng chưa đến 3.000 tỷ đồng. Vậy, vì sao và bằng cách nào để dồn được một lượng tới 4.000 tỷ đồng để bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ngay một năm sau đó mà vẫn còn dư lại 2.144 tỷ đồng?

Dĩ nhiên không phải bỗng nhiên nhiều khách hàng “hẹn” gặp rủi ro cùng một lúc và không trả được nợ.

Theo các cơ chế phân loại nợ hiện hành, cách duy nhất để dồn một lượng nợ xấu lớn đến như vậy chỉ trong thời gian ngắn là gỡ bỏ cơ chế được phép cơ cấu lại nợ.

Đó là sự chối bỏ cơ hội và cơ chế cho phép cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước (năm 2014 chuyển tiếp sang Thông tư 09) - cơ chế mà cả hệ thống ngân hàng và nhiều doanh nghiệp đã dựa vào đó để vượt qua khó khăn ba năm gần đây.

Một khoản nợ có nguy cơ xấu, dùng cơ chế 780 để cơ cấu lại và theo đó chưa xấu, để ngân hàng và doanh nghiệp cùng có cơ hội tốt lên thì mới khó. Còn đưa một khoản có nguy cơ nợ xấu và nhấn mạnh thêm mức độ rủi ro để không áp 780 thì dễ hơn, vì nó tùy thuộc vào đánh giá chủ quan của ngân hàng.

Như trên, xử lý nợ xấu cần một quá trình và thời gian, thậm chí thời gian dài. Hơn nữa, trong hoạt động ngân hàng, tăng khả năng hạch toán lãi bằng thu hồi lãi khê đọng trong nợ xấu là yêu cầu tiên quyết, để bớt hạch toán lỗ. Còn Eximbank nhanh chóng dồn ghi nhận nợ xấu và bán ngay cho VAMC, dĩ nhiên là tăng hạch toán lỗ.

Dồn nợ xấu và gạt bỏ gần hết lợi nhuận như vậy để làm gì? Thông điệp họ đưa ra thời gian qua là để minh bạch và lành mạnh.

Nhưng, có những điểm đến khác đến nay đã và đang định hình ngoài thông điệp đó.

Tự hạ thấp mình?

Sau khi dồn nợ xấu, cắt bán một lượng lớn cho VAMC, trích lập dự phòng tăng vọt và lợi nhuận từ ngàn tỷ xuống còn 57 tỷ đồng, “bồ thóc” tạo lãi của Eximbank cũng đột ngột bé lại.

Trên báo cáo tài chính, khoản mục “Các khoản lãi, phí phải thu” những kỳ báo cáo từ cuối 2014 đến nay của Eximbank sụt giảm rất mạnh. Như trong kỳ có biến động nói trên, tại 31/12/2014 chỉ còn hơn 1.407 tỷ đồng.

Nhìn sang các ngân hàng khác có tương quan tương đối như MB, ACB, Sacombank, Techcombank, hay SHB…, cùng có tổng dư nợ cỡ 80.000 - 110.000 tỷ đồng, chênh lệch nợ xấu cũng không phải quá lớn, nhưng các khoản lãi và phí phải thu của họ cao hơn rất nhiều, từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng.

Ở đây, không có chuyện Eximbank cùng cho vay quy mô gần với các ngân hàng trên nhưng do áp lãi suất rẻ hơn nhiều nên lãi dự thu rất thấp; nợ xấu Eximbank sau khi bán lại cho VAMC cũng không phải là quá lớn và cách quá xa để khiến lãi dự thu thấp.

Dĩ nhiên phải so sánh chi tiết hơn nữa về cơ cấu và chất lượng tài sản. Nhưng điểm lạ là trên cùng một cánh đồng, các thửa ruộng khá tương đồng, cùng diện tích trên dưới 10 ha, cùng khí hậu và thời tiết, chung hệ thống thủy lợi…, trong khi các hộ khác dự tính thu hoạch được 10 tấn, còn Eximbank chỉ dự thu khoảng 5 tấn. Và không thể cho rằng hơn 6.000 cán bộ nhân viên bỏ bê việc chăm sóc.

Như vậy có phải tự hạ thấp giá trị của mình hay không? Hay phải chăng Eximbank có khuynh hướng đưa lãi dự thu về sát với lãi thực thu theo ý chí chủ quan của người quản trị điều hành?

Định hình điểm đến

Những biến đổi nhanh chóng nói trên diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Quản trị và ban điều hành Eximbank chuẩn bị bước sang một nhiệm kỳ mới.

Và điểm đến đầu tiên ngoài thông điệp tăng cường minh bạch và lành mạnh, mà Eximbank đưa ra lý giải, là ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đã phải xin thôi nhiệm tại đại hội đồng cổ đông vừa qua.

Nếu để ý thì thấy, vài năm gần đây có những dự tính quan trọng, những con số quan trọng của ông Dũng đưa ra về kế hoạch kinh doanh của Eximbank đều vênh lớn so với thực tế sau đó…

Một điểm đến khác cũng đang định hình. Cùng với việc thanh tra về sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ cử người trực tiếp vào tham gia quản trị điều hành Eximbank.

Ngân hàng Nhà nước đã xuất hiện. Khách hàng và cổ đông hẳn đang kỳ vọng cơ quan này sẽ bảo vệ và hỗ trợ đưa Eximbank trở lại vị thế từng có. Vì dù có những diễn biến tạo sự kém đi trong số liệu báo cáo kinh doanh, nhưng Eximbank vẫn là thương hiệu lớn, sở hữu nền tảng khách hàng và sản phẩm dịch vụ tốt, cùng những nguồn lực mà nhiều ngân hàng khác chưa đạt tới.

Minh Đức

vneconomy





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (3)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

OCB tham gia sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) đã mang đến sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 những trải nghiệm số ưu việt nhất từ phiên bản OCB OMNI 4.0 và...

Đề xuất điều kiện cấp phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị định quy định điều kiện cấp phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trong đó, dự thảo dành 1 chương...

TP HCM yêu cầu ngân hàng kiểm tra các đại lý thu đổi ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tổ chức thực hiện kiểm tra các đại lý đổi ngoại tệ được ủy quyền; kiểm tra, kiểm soát hoạt động...

Lãi suất hạ nhiệt, người dân bắt cơ hội vay mua nhà, đầu tư kinh doanh

Lãi suất hạ nhiệt, dòng tín dụng được khơi thông cùng chính sách cho vay hấp dẫn từ các ngân hàng đang giúp người dân có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn...

Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật. Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt...

Tăng lãi suất sẽ là xu hướng trong dài hạn?

Đầu tháng 5, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng bắt đầu tăng trên diện rộng và ở tất cả các kỳ hạn.

Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số

Nhiều nghiệp vụ ngân hàng cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví...

Một mã cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng tăng

Mới đây, Công ty chứng khoán DNSE đưa ra dự báo giá cổ phiếu của một ngân hàng vừa “chào sàn” HOSE trong quý 1 năm 2024 sẽ tăng trong thời gian tới.

174 nghìn tỷ đã giải ngân theo chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp tại TPHCM

Sau 4 tháng triển khai kể từ đầu năm 2024 đến nay, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo cụm, khu vực trên địa bàn TPHCM đã phát huy hiệu quả và có...

Shinhan Bank: Cắt giảm lãi suất có thể gây ra áp lực tăng giá cả và biến động tỷ giá hối đoái

Bước sang giai đoạn tiếp theo của năm 2024, nền kinh tế và tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng thích ứng với...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98