Cỗ máy CII đang vận hành thế nào?

24/11/2015 09:44
24-11-2015 09:44:36+07:00

Cỗ máy CII đang vận hành thế nào?

Cỗ máy CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh (HOSE: CII) đang hoạt động với nguồn tài trợ chủ yếu từ vay nợ, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1.82 lần. Đồng thời quyền thu phí và hoạt động tài chính là hai nguồn đem lại lợi nhuận chính cho Công ty.

Tỷ lệ nợ 65%, dòng tiền được tài trợ bằng vốn vay

CII đang có một mô hình khá cồng kềnh với 20 công ty con và 11 công ty liên kết, liên doanh, bao gồm các công ty đầu tư trực tiếp và gián tiếp thông qua công ty con. Lĩnh vực kinh doanh tập trung vào 5 mảng chính gồm cầu đường, nước, thi công xây dựng, bất động sản và dịch vụ với 5 công ty con, liên kết quan trọng lần lượt CII Bridge & Road (LGC), CII Water (SII), CII E & C, CII Land và CII Service.

Mô hình CII sau tái cấu trúc

Tổng tài sản Công ty tại ngày 30/09/2015 là 13,144 tỷ đồng, phân bổ chủ yếu tại khoản mục tài sản cố định vô hình (quyền thu phí giao thông); đầu tư công ty con, liên kết và phải thu dài hạn.

Để tài trợ cho hoạt động kinh doanh, CII sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao. Tính đến cuối quý 3/2015, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của CII là 1.82, tăng nhẹ so với con số 1.79 của thời điểm đầu năm. Trong tổng nợ phải trả, vay và nợ thuê tài chính chiếm 78% với 6,671 tỷ đồng gồm vay Ngân hàng TMCP Công thương – VietinBank chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2,637 tỷ đồng và trái phiếu phát hành là 2,248 tỷ đồng.

Tuy vay nợ lớn nhưng áp lực ngắn hạn của CII không cao khi mà chỉ có gần 220 tỷ phải trả trong một năm, 834 tỷ trả trong năm thứ hai và đến 4,825 tỷ trả từ năm thứ ba đến năm thứ năm.

Đồng thời, hầu hết nợ của Công ty được đảm bảo bằng tài sản vô hình là quyền thu phí tại các tuyến đường và tài sản hữu hình khác (không đáng kể). Tính đến cuối quý 3/2015, CII có khoản tài sản cố định vô hình 1,904 tỷ đồng, chủ yếu là quyền thu phí giao thông tại 4 trạm gồm trạm Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu, trạm Cam Thịnh và đường ĐT 741. Tuy nhiên, CII đã sử dụng quyền thu phí tại ¾ trạm là trạm Xa lộ Hà Nội, trạm Cam Thịnh, ĐT 741 cùng với các lợi ích kinh tế khác tại đây để đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng và trái phiếu phát hành. Tổng giá trị của quyền thu phí giao thông đã được cầm cố, thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay tại ngày 30/06/2015 là 2,085.3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty cũng đã thế chấp quyền sử dụng đất tại đường số 25C, khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với nguyên giá tại ngày 30/06/2015 là 8 tỷ để đảm bảo khoản vay tại các ngân hàng.

Xét đến dòng tiền, tuy lãi lớn trong 3 quý đầu năm nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 186.6 tỷ (do chi trước cho người cung cấp hàng hóa và dịch vụ 1,360 tỷ), dòng tiền đầu tư âm 2,698 tỷ và dòng tiền tài chính dương 2,407 tỷ (riêng tiền thu từ đi vay là 5,488 tỷ).

Bóc tách lợi nhuận CII

9 tháng đầu năm 2015, CII thực hiện được 824.7 tỷ đồng lãi ròng, tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thu đem lại lợi nhuận cho CII chính là doanh thu thu phí và doanh thu hoạt động tài chính.

Các trạm thu phí vừa là tài sản thế chấp vừa là cỗ máy tạo tiền cho CII, trong 651 tỷ đồng lãi gộp tạo ra ở 9 tháng đầu năm 2015, riêng hoạt động thu phí giao thông đã đóng góp 406 tỷ đồng. Phần còn lại 244 tỷ đồng lãi gộp đến từ hoạt động xây dựng, ngành nước, dịch vụ hạ tầng và bất động sản.

Về hoạt động tài chính, 9 tháng đầu năm 2015, CII ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính 894 tỷ đồng. Trong đó, 331 tỷ từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty con. Đó là khoản lãi phát sinh từ đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư ban đầu trước khi LGC nắm quyền kiểm soát CTCP Cầu đường Hiền An Bình với giá trị 50 tỷ đồng và Sài Gòn Water (HOSE: SII) tại ngày mua đạt quyền kiểm soát với giá trị 281.7 tỷ đồng (giá mua là 25,000 đồng/cp).

Đình đám hơn cả là thương vụ làm trung gian chuyển nhượng 30 cp CII Bridge & Road (LGC) và phát hành trái phiếu hoán đổi cổ phiếu LGC cho Metro Pacific Tollways Corporation (MPTC). Theo đó, giá trị thặng dư từ trái phiếu hoán đổi cổ phiếu LGC phát hành cho MPTC được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính là 220 tỷ đồng. Phần chuyển nhượng 30 triệu cp LGC lại được ghi nhận trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý 3 (khoảng 295 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm CII còn được nhận 99 tỷ cổ tức lợi nhuận được chia, 114 tỷ từ lãi chậm thanh toán dự án B.T đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn và 97 tỷ từ lãi bảo toàn vốn chủ sở hữu theo hợp đồng B.O.T.

Trong khi đó, chi phí tài chính của CII chủ yếu là chi phí lãi vay, 9 tháng đầu năm 2015 chi phí lãi vay đã tăng 77% từ 155 tỷ lên 275 tỷ đồng.

Ngoài ra, đóng góp vào tổng lợi nhuận ròng của Công ty còn một khoản lợi nhuận khác phát sinh từ giao dịch mua “rẻ”, là phần chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản thuần trong Công ty TNHH Đầu tư Hạ tầng VRG và giá phí của khoản đầu tư tại ngày CII B&R kiểm soát công ty con này.

Nhìn vào nguồn gốc lợi nhuận của CII có thể dễ dàng nhận biết được đâu là tiền tươi thóc thật và đâu là bút toán ghi sổ.

Kỳ vọng gì trong tương lai?

Có hai dự án khá lớn mà CII đang theo đuổi là dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và dự án BT đổi đất lấy hạ tầng Thủ Thiêm. Phát biểu tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư đầu tháng 7/2015, lãnh đạo CII đã tự tin khẳng định rằng với việc có được hai dự án này, 3 năm nữa nhà đầu tư sẽ thấy CII đổi đời thế nào.

Cụ thể, dự án Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng đầu tư 14,678 tỷ đồng, chủ đầu tư là CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. CII Bridge & Road (công ty con của CII) sở hữu 10% vốn điều lệ của CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. Công trình được khởi công đầu năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Phương thức hoàn vốn của dự án là thu phí giao thông.

Đối với dự án hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, CII đầu tư theo hình thức BT, tổng vốn đầu tư 2,641 tỷ đồng. Giá trị nhận được từ dự án này là quỹ đất trong khu đô thị. Tổng diện tích đất (đất xây dựng nhà ở kết hợp với một tỷ trọng nhỏ phục vụ cho hoạt động thương mại) mà CII được nhận dự kiến là 84,255 m2 với tổng giá trị 2,343 tỷ đồng.

Được biết, để thực hiện dự án này, CII đã ký với Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hạn mức tín dụng 2,000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, CII cũng cho biết đã đạt được thỏa thuận bước đầu với nhà đầu tư nước ngoài (đến từ Malaysia) để khai thác quỹ đất tại Thủ Thiêm, kỳ vọng việc ký kết hợp đồng chính thức sẽ được thực hiện trước cuối năm 2015.

Theo công bố thông tin mới đây, CII nhận được thông báo của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi tiến độ đầu tư, thu phí của một trong số các dự án BOT. Việc này gây ảnh hưởng đến doanh thu, dòng tiền cũng như cam kết của CII đối với các đối tác. Để đảm bảo an toàn tài chính, CII sẽ phải trích lập dự phòng tài chính (hoặc tương tự) trong quý 4/2015.

Bên cạnh đó, Goldman Sachs chắc chắn sẽ chuyển đổi 25 triệu USD trái phiếu đang nắm giữ nhưng thời gian chuyển đổi sẽ có thể lùi sau 31/12/2015. Trong trường hợp GS lùi thời gian chuyển đổi và với biến động tỷ giá USD/VNĐ theo chiều hướng tăng cao như hiện nay, CII cũng sẽ phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá vào quý 4/2015.

Tổng lại, Công ty cần phải trích lập dự phòng tài chính (hoặc tương tự) trên 110 tỷ đồng trong quý 4/2015, dẫn đến có thể lỗ lớn trong quý cuối năm 2015.







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (4)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chủ tịch TTC Hospitality: Nâng cấp khách sạn từ 4 lên 5 sao để tập trung vào phân khúc cao cấp

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality, HOSE: VNG) tổ chức chiều 24/04, lãnh đạo Công ty chia sẻ về chiến lược phát triển các...

Cổ đông đề xuất chia cổ tức tiền mặt, "zero fee", lãnh đạo Chứng khoán BSC trải lòng ưu tư

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC, HOSE: BSI) tổ chức ngày 23/04, cổ đông BSC dành nhiều sự quan tâm đến xu thế "zero fee" (miễn phí giao...

Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn báo lãi tăng 26% trong quý 1, biên lãi gộp hơn 50%

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024, với lãi ròng tăng 26% so với cùng kỳ.

Quý 1 bứt tốc, KTC sáng cửa về đích lợi nhuận năm

CTCP Thương mại Kiên Giang (UPCoM: KTC) lãi ròng hơn 14 tỷ đồng trong quý 1/2024, hơn gấp đôi cùng kỳ. Đồng nghĩa, việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 16 tỷ đồng năm...

ĐHĐCĐ Chứng khoán Tiên Phong: Kế hoạch lãi tăng 26%, muốn tăng vốn gần gấp đôi

Tại ĐHĐCĐ thường niên CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HOSE: ORS) sáng ngày 24/04, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024, phương án phát hành thêm cổ...

Ưu đãi lãi suất vay, chuyển đổi ngân hàng “xanh” và đẩy mạnh số hóa, OCB ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 1,214 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng cùng kỳ năm trước...

Trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách vay, PGBank giảm 24% lãi trước thuế quý 1

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) báo lãi trước thuế hơn 116 tỷ đồng trong quý 1/2024, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, dù đã giảm...

ĐHĐCĐ Intresco: "Nóng" dự án 6A

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo Intresco khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào mảng khách sạn sau khi ghi nhận kết quả tốt trong thời gian gần đây. Đại hội lần...

Không có khoản bồi thường tại VSIP III, lãi ròng PHR giảm mạnh

Quý 1/2024, CTCP Cao su Phước Hòa (Phuruco, HOSE: PHR) không ghi nhận khoản bồi thường thực hiện dự án VSIP III, do đó chỉ lãi ròng hơn 73 tỷ đồng, giảm mạnh 68% so...

ĐHĐCĐ TVS: Phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

Chiều ngày 24/04/2024, CTCP Chứng khoán Thiên Việt tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 đã thông qua kế hoạch kinh doanh, bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2028.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98