ĐHĐCĐ Eximbank: Không có được kết quả biểu quyết các tờ trình vào phút chót

24/05/2016 09:20
24-05-2016 09:20:26+07:00

[Bài cập nhật]

ĐHĐCĐ Eximbank: Không có được kết quả biểu quyết các tờ trình vào phút chót

Sáng 24/05, ĐHĐCĐ thường niên lần 2 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (HOSE: EIB) diễn ra trong suốt 6 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa thể đi đến sự thống nhất của các cổ đông.

Đại hội khởi đầu với nhiều mâu thuẫn, tranh cãi từ 1 số nhóm cổ đông lớn. Không khí đại hội không còn là một hội nghị chuyên nghiệp. 1 số cổ đông muốn phát biểu ngay từ đầu đại hội nhưng không được Ban chủ tọa đồng ý. Tuy vậy, nhóm cổ đông này vẫn đứng lên phát biểu, quay xuống khu vực đại biểu kêu gọi phản đối Ban chủ tọa. Các thành viên trong nhóm cổ đông này còn kéo thẳng lên khu vực gần Ban chủ tọa "đôi co" trực tiếp. Một số cổ đông bức xúc và bày tỏ thái độ thiếu ôn hòa xuyên suốt đại hội. Ngược lại, ban tổ chức cũng nhiều lần tắt tiếng micro dành cho khu vực dưới khán đài, có lúc thì tắt tiếng cắt ngang khi cổ đông đang phát biểu. Tuy vậy, Ban chủ tọa lại ưu ái dành 1 phần chương trình để đọc "tâm thư" của một cổ đông được xem là đang ủng hộ HĐQT.

Cho đến kết thúc, không khí đầy căng thẳng vẫn bao trùm. Đại hội lần này đã không giải quyết được bất cứ vấn đề chính yếu nào do đã hết thời gian được phép tổ chức tại khách sạn. Các tờ trình tại đại hội đều chưa tiến hành kiểm phiếu xong.

Chờ đại hội bất thường

13h52: Việc di chuyển sang một địa điểm khác để tiếp tục đại hội phải bị hủy vì một số tuyến đường trung tâm TP.HCM có khả năng không được phép lưu thông.

Như vậy, đại hội buộc phải dừng lại và EIB sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với nội dung các tờ trình sẽ tương tự như hôm nay và thùng phiếu sẽ được niêm phong.

Thế nhưng ý kiến này của Ban chủ tọa đã bị 51.86% cổ đông không đồng ý.

Ban chủ tọa không đưa thêm ý kiến nào khác, đại hội kết thúc và đại hội bất thường sẽ được diễn ra trong thời gian tới.

Cổ đông không đồng ý dừng đại hội

13h45: Kết quả biểu quyết về việc thông qua biên bản họp và đồng ý cho Ban kiểm phiếu báo cáo lại kết quả kiểm phiếu sau.

Kết quả, tỷ lệ đồng ý của cổ đông là 47.87%, không đồng ý là 52%, không ý kiến là 0.13%.

Với tỷ lệ không đồng ý áp đảo, Ban chủ tọa đưa ra phương án mới: Sẽ di dời sang địa điểm mới để tiếp tục đại hội tại khách sạn Nikko Sài Gòn (235 Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP.HCM).

Không kiểm phiếu kịp, chủ tọa đoàn đề xuất dừng đại hội và báo cáo kết quả kiểm phiếu sau

13h30: Vì lý do bất khả kháng phải trả hội trường cho việc tiếp đón Tổng thống Obama, trong khi đó, kết quả kiểm phiếu vẫn chưa xong nên Ban chủ tọa đề xuất thùng phiếu sẽ được khóa lại để chuyển đến một nơi khác và tiếp tục kiểm phiếu. Ban kiểm phiếu sẽ ra biên bản báo cáo kết quả biểu quyết cho cổ đông. Đồng thời đề xuất ĐHĐCĐ thông qua biên bản họp đến thời điểm hiện tại và đồng ý với kết quả kiểm phiếu mà Ban kiểm phiếu sẽ báo cáo sau.

Đại diện Ban kiểm phiếu đọc biên bản tạm dừng kiểm phiếu, cho biết hiện chỉ mới xong phiếu số 2, còn phiếu số 3 và 4 cần thêm ít nhất 30 phút nữa mới có kết quả.

Theo đó, Đại hội tiến hành lấy ý kiến thông qua biên bản họp, dừng cuộc họp ĐHĐCĐ tại đây và sẽ công bố kết quả kiểm phiếu sau đó.

12h30: Đại hội chờ kết quả kiểm phiếu thông qua các tờ trình.

12h10: Do áp lực phải trả phòng theo chương trình đón tiếp Tổng thống Obama, Ban chủ tọa yêu cầu đại hội dừng thảo luận để tiến hành bỏ phiếu các tờ trình.

Dẫu vậy, cổ đông vẫn tiếp tục hỏi và đưa ra ý kiến.

Ông Đặng Phước Dừa - Nguyên phó Chủ tịch EIB ý kiến: “Tại đại hội bất thường tháng 12/2015, cổ đông đã thông qua số lượng thành viên HĐQT là 11 người, nhưng sau đó HĐQT lại trình cổ đông thường niên 2016 tờ trình số lượng thành viên tối đa là 9 hoặc 11 người, điều này là coi thường cổ đông, tôi đề nghị các cổ đông bãi nhiệm toàn bộ 9 thành viên HĐQT hiện tại vì sự coi thường này”.

Ý kiến luật sư đại diện cho nhóm cổ đông bà Loan và ông Phương: Theo Điều lệ, số lượng thành viên HĐQT tối đa là 11 người. Vậy mục đích gì mà HĐQT lại đưa ra tờ trình số lượng thành viên HĐQT tối đa là 9 người. Thủ tục không phù hợp với Điều lệ thì Nghị quyết của đại hội lần này sẽ bị coi là không hợp lệ.

Luật sư đại diện cho nhóm cổ đông bà Loan và ông Phương mổ xẻ vấn đề. Ông nêu, trong chương trình ĐHĐCĐ thường niên 2016 có 2 tờ trình của 2 nhóm cổ đông (bà Loan và ông Phương) về bổ sung 2 thành viên HĐQT đưa ra để xin biểu quyết. HĐQT đã đưa 2 tờ trình này vào Chương trình lúc đầu để cổ đông biểu quyết dưới dạng tờ trình “Về việc chấp thuận bổ sung kiến nghị của nhóm cổ đông vào chương trình và nội dung họp ĐHĐCĐ”. Nếu như tờ trình đó đã được biểu quyết hợp lệ rồi thì mới đưa vào Chương trình để bỏ phiếu thông qua tờ trình đó.

Một tờ trình thứ 2 là chọn số lượng thành viên HĐQT là 9 hay 11 người, tờ trình đó xuất phát từ nhóm cổ đông nước ngoài. Theo ông luật sư,  quy định Điều lệ của EIB thì ĐHĐCĐ phải xem xét tờ trình đó trong Chương trình ĐHĐCĐ hay không, nhưng hoàn toàn không. Qua đó, ông luật sư cho rằng, bất kỳ phiếu nào bầu cho 2 tờ trình về việc lựa chọn nhân sự 9 hay 11 người theo ý kiến nhóm cổ đông nước ngoài là không hợp lệ. Và Nghị quyết của ĐHĐCĐ nếu như chấp thuận ý kiến của cổ đông nước ngoài mà không được đưa ra xem xét để bỏ phiếu thông qua Chương trình từ đầu thì sẽ không có hiệu lực pháp lý.

Tuy nhiên, ông luật sư cũng chỉ ra một điểm nữa là, theo Điều lệ của EIB và Luật Doanh nghiệp thì bất kỳ nhóm cổ đông nào có tỷ lệ sở hữu cp trên 10% đều có quyền đề cử, bổ sung nhân sự vào HĐQT. Quyền này không cần bỏ phiếu, ĐHĐCĐ sẽ bỏ phiếu để có chấp nhận ứng cử viên đó hay không. Nhưng trong đại hội này thì đã không hề có việc đề cử hay ứng cử và cổ đông không bỏ phiếu cho ai cả. Như vậy, luật sư cho rằng ĐHĐCĐ và HĐQT đã đánh giá mập mờ việc bỏ phiếu cho một việc không cần bỏ phiếu.

Trong khi đó, HĐQT lại chấp nhận kiến nghị của cổ đông nước ngoài để xem xét số lượng thành viên HĐQT không phải là 9 người mà tối đa là 9 người. Điều này đồng nghĩa với việc nếu cổ đông bỏ phiếu chấp thuận ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm thành viên HĐQT, khi đó 8 người cũng là dưới 9 người và sẽ không cần bầu bổ sung, luật sư nói thêm.

Đối chiếu với Điều lệ của EIB, quy định số lượng thành viên HĐQT tối đa là 11 người và Nghị quyết đang có hiệu lực của ĐHĐCĐ bất thường ngày 15/12/2015 đều quy định là 11 người. Vậy mục đích gì mà HĐQT cố gắng thuyết phục cổ đông bầu tối đa số lượng 9 người để sau đại hội này, 8 người trong HĐQT sẽ không cần bầu bổ sung thêm.

Bên cạnh đó, 8 thành viên HĐQT này chỉ đại diện cho 40% cổ đông, còn lại 60% cổ đông không có tiếng nói. Đấy là lý do vì sao có khiếu nại, kiến nghị và bất đồng, ông luật sư nhận xét.

Ông Tùng, đại diện HĐQT EIB cho biết, vấn đề pháp lý, việc yêu cầu đánh giá hồ sơ của bà Loan là chính đáng. Tuy nhiên, HĐQT xem xét đây là giai đoạn Ngân hàng phải tiến hành nhiều việc, thực tế việc kinh doanh phải giải quyết nhiều vấn đề từ thanh tra đến tái cơ cấu. Muốn hoạt động hiệu quả thì có số lượng thành viên HĐQT là 9, điều này đúng hay sai thì HĐQT phải có nghĩa vụ trình ra cho cổ đông xem xét. Việc số lượng 9 hay 11 là do ĐHĐCĐ quyết định.

Ngày 17/05, HĐQT thông qua Nghị quyết giải quyết các yêu cầu ứng cử và tự ứng cử của cổ đông.

EIB dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT.

Mặt khác, HĐQT hiện tại đại diện cho 40% vốn của cổ đông là nhận xét không công bằng, với kết quả Đại hội bất thường tháng 12/2015 thì HĐQT hiện tại đang là những người đại diện cho 70% vốn EIB, mong các cổ đông hiểu rõ điều này.

Vấn đề Eximland đã gây ra lỗ lũy kế dến cuối năm 2015 là hơn 800 tỷ đồng, khiến cổ đông EIB không được chia cổ tức, đề nghị Ban chủ tọa làm rõ trách nhiệm của người nào đã gây ra thiệt hại cho Ngân hàng. Thời gian xảy ra lỗ lũy kế từ 2010-2013 thì HĐQT hiện tại đã truy cứu trách nhiệm cũ hay chưa? Ngoài ra, nếu ĐHĐCĐ không quyết định phân chia thù lao của HĐQT thì HĐQT có tận tâm làm việc cho Ngân hàng hay không?

HĐQT EIB cho hay, phương án khắc phục là lợi nhuận sau thuế 2016 dự kiến đạt 580 tỷ, cùng các khoản thuế, quỹ thu hồi lại thì EIB sẽ khắc phục được lỗ lũy kế trong năm nay.

Quá nhiều khúc mắc bị bỏ ngỏ

11h40: Đại hội chính thức tiếp nhận ý kiến phát biểu của cổ đông

Năm qua, có kết hợp với cổ đông nước ngoài nhưng kết quả không như mong đợi. Cổ đông cảm thấy quyền lợi cổ đông bị coi thường. Báo cáo viết quá nhiều và mang tính khẩu hiệu. Yêu cầu làm rõ thù lao của HĐQT và BKS năm 2015 là 19.9 tỷ đồng và chi phí hoạt động là 600 triệu đồng. Nội bộ EIB có vấn đề, cổ đông chưa tin tưởng vào ban lãnh đạo, đặc biệt là muốn liên doanh với đối tác Nhật thì phải có chiến lược hoạt động như thế nào cho phù hợp.

"Về lãi của EIB, thành thật không biết ăn nói như thế nào khi mà cổ đông đầu tư nhưng Ngân hàng lại kinh doanh không có lãi", ông Tùng thành thật xin lỗi cổ đông vì năm qua đã không chia cổ tức.

Cổ đông chưa tin tưởng HĐQT, ông Tùng hoàn toàn đồng ý về điều này. Nhưng HĐQT mới cần thời gian, bởi trong 4-5 tháng vừa qua, HĐQT mới phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Ông Tùng khuyến nghị cổ đông không nên quá tin tưởng vào HĐQT hiện tại mà cần có thời gian cảm nhận và chứng minh.

Tình hình nợ xấu của EIB đã giải quyết như thế nào? Trách nhiệm cá nhân của HĐQT cũ với tình hình nợ đã gây ra?

Ban điều hành EIB đã báo cáo tình hình kinh doanh và nợ xấu đến 31/12/2015 là 2,800 tỷ, trong đó, 2,200 tỷ là nợ bán cho VAMC. Đến nay số dư nợ xấu đã bán cho VAMC còn 5,600 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tốc độ xử lý nợ xấu khá tốt, tính đến 31/03/2016 đã xử lý được 650 tỷ, trong đó 300 tỷ đồng là bán cho VAMC.

HĐQT vẫn tích cực họp hàng tuần để giải quyết vấn đề nợ cho khách hàng. Kế hoạch xử lý nợ xấu bán cho VAMC năm nay là 2,000 tỷ đồng.

Tài trợ cho bóng đá hàng trăm tỷ những năm qua là tiền của ai, tiền của cổ đông hay ngân hàng? Những vấn đề HĐQT cũ và mới cần được làm rõ?

Vấn đề HĐQT cũ và mới sẽ có cơ quan phát luật giám sát, chuyện quá khứ không quan trọng bằng chuyện trong tương lai.

Ngân hàng cần kết hợp hài hòa nhiều lợi ích và quyết định của HĐQT đều dựa trên những gì ĐHĐCĐ thông qua.

Theo thông tin báo chí, bà Nguyễn Thị Xuân Loan, từng làm Chủ tịch NamABank đại diện cho nhóm cổ đông lớn và muốn ứng cử vào HĐQT thì EIB có kiểm tra tư cách của bà Loan chưa, việc ứng cử này có ảnh hưởng đến HĐQT EIB hay không?

Không nhận được câu trả lời từ HĐQT.

Hàng năm duyệt tỷ lệ thù lao HĐQT và BKS là 1.5% lợi nhuận sau thuế nhưng rốt cuộc HĐQT muốn chi như thế nào thì chi, rồi đến đại hội cho cổ đông thông qua? HĐQT làm được nhiều thì hưởng nhiều, ít thì hưởng ít, không làm được thì nên từ chức?

Chúng tôi vừa được an ninh Hoa Kỳ nhắc nhở tiến hành nhanh đại hội.

Nhất bên trọng, nhất bên khinh?

11h35: Xuất hiện một lá thư của cổ đông Đặng Hoàng Nam, cư trú tại huyện Nhà Bè, TPHCM gửi HĐQT vào ngày 24/05/2016. Ban chủ tọa cho phép đọc giữa đại hội.

“Cổ đông nhận thấy có những thành phần phá hoại ĐHĐCĐ thường niên 2016 lần 1 của EIB vào ngày 25/04 vừa qua, cổ đông đề nghị ban quản trị vững vàng, bình tĩnh điều hành đại hội và chèo lái EIB thành một ngân hàng vững mạnh”.

Tuy nhiên, sau khi lá thư được đọc lên, một cổ đông bất ngờ nêu ý kiến: “Lá thư trên của một cổ đông dự đại hội sáng nay, tại sao không trực tiếp phát biểu mà đoàn chủ tọa thông qua việc đọc thư trước đại hội? Tại sao nhiều cổ đông muốn phát biểu trực tiếp nhưng Ban chủ tọa không cho phép trong khi đó lại đọc lá thư này? Cổ đông đặt nghi vấn Ban chủ tọa thiếu công bằng, chỉ cho những ai cùng "phe" phát biểu.

Một số cổ đông khác cũng đứng lên phát biểu nhưng micro dành cho khu vực phía dưới sân khấu đã bị tắt tiếng. Nhiều ý kiến đề nghị mở micro nhưng không có kết quả.

10h53: Lãnh đạo EIB đọc các tờ trình

  1. Tờ trình về bổ sung nghiệp vụ, ngành nghề kinh doanh và Giấy phép hoạt động của EIB
  2. Tờ trình chấp thuận bổ sung kiến nghị của nhóm cổ đông vào chương trình vào nội dung họp
  3. Tờ trình thông qua kết quả kinh doanh 2015, phương hướng hoạt động 2016
  4. Tờ trình thông qua báo cáo hoạt động của BKS
  5. Tờ trình thông qua BCTC kiểm toán 2015 của EIB
  6. Tờ trình về KQKD và phân phối lợi nhuận 2015
  7. Tờ trình về bổ sung nghiệp vụ, ngành nghề kinh doanh và Giấy phép hoạt động của EIB
  8. Tờ trình phương án khắc phục chỉnh sửa sau thanh tra
  9. Tờ tình về tình hình triển khai dự án trụ sở EIB tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM
  10. Tờ trình miễn nhiệm chức danh HĐQT nhiệm kỳ 6 đối với ông Cao Xuân Ninh
  11. Tờ trình về số lượng các thành viên HĐQT tối đa là 9 người
  12. Tờ trình về số lượng các thành viên HĐQT tối đa là 11 người
  13. Tờ trình bầu bổ sung thành viên HĐQT 
  14. Tờ trình xử lý thù lao HĐQT và BKS 2014 và 2015
  15. Tờ trình thông qua báo cáo chi phí hoạt động 2015 và dự trù kinh phí hoạt động năm 2016 của BKS

Kế hoạch lãi 720 tỷ trong năm 2016

10h50: Phó TGĐ Nguyễn Hồ Hoàng Vũ báo cáo kết quả kinh doanh 2015 và kế hoạch 2016.

Năm 2015, EIB ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh đạt 1,907 tỷ đồng, song do phải xử lý chi phí các khoản nợ xấu và chi phí tồn đọng những năm trước với tổng cộng là 1,864 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế 2015 còn 61 tỷ đồng.

Năm 2016, mục tiêu kinh doanh gồm tổng tài sản đạt 142,500 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Các chỉ tiêu huy động vốn và tổng dư nợ cấp tín dụng lần lượt tăng 15% và 10% lên 113,500 tỷ và 105,805 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng dự kiến đạt 720 tỷ đồng trong năm 2016.

10h40: Chủ tịch Lê Minh Quốc trình bày báo cáo HĐQT trong năm 2015 và phương hướng 2016

10h37: Đại hội tiến hành bỏ phiếu kín biểu thông qua chấp thuận bổ sung tờ trình kiến nghị của 2 nhóm cổ đông lớn.

Cụ thể, HĐQT nhận được thư đề ngày 14/03/2016 của bà Nguyễn Thị Xuân Loan đại diện nhóm cổ đông nắm 11.82% vốn EIB và thư đề ngày 28/03/2016 của ông Phạm Hữu Phương đại diện nhóm cổ đông nắm 10.42% vốn EIB, yêu cầu đưa vào chương trình ĐHĐCĐ thường niên 2016 nội dung bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT.

Với tinh thần trách nhiệm cao, HĐQT cân nhắc thống nhất đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên mới. Tuy nhiên vì tôn trọng quyền của nhóm cổ đông và nhận thức rằng ĐHĐCĐ là cơ quan quyền lực nhất nên HĐQT đưa nội dung thảo luận kiến nghị của 2 nhóm cổ đông trên vào chương trình và nội dung họp ĐHĐCĐ.

Nhiều cổ đông mang cả chồng phiếu biểu quyết đến bỏ vào thùng phiếu

Biểu quyết lại, chương trình đại hội được thông qua

10h30: Nghi ngờ có sự nhầm lẫn trong kiểm phiếu, Ban tổ chức đề nghị biểu quyết lại. Theo đó, Ban kiểm phiếu tiến hành "quẹt" mã từng cổ đông, lần lượt từ nhóm "đồng ý", "không đồng ý" đến "không ý kiến".

Theo đó, kết quả biểu quyết như sau: Tỷ lệ đồng ý nâng lên 56.82%, không đồng ý giảm xuống 43.05%, không có ý kiến 0.13%.

Chương trình đại hội được thông qua.

Tỷ lệ biểu quyết thông qua chương trình Đại hội được công bố lại

Chưa đủ quá bán thông qua chương trình đại hội,  2 thành viên trong Ban chủ tọa "bị" mời xuống

10h10: Cổ đông tiến hành biểu quyết thông qua chương trình đại hội

Tỷ lệ đồng ý đạt 48.12%, không đồng ý là 51.88%, không có ý kiến 0%.

Một số cổ đông lâu năm có ý kiến đề nghị cổ đông nào không đồng ý thì nêu lên điểm nào không đồng ý với chủ tọa đoàn để chủ tọa điều chỉnh lại chương trình, không nên để một số nhóm cổ đông “phá” đại hội, dứt khoát đại hội phải xong trong hôm nay.

Đối với vấn đề Ban chủ tọa, cổ đông phản đối việc có 5 người trong khi quy chế chỉ để 3 người. Lãnh đạo EIB giải thích để giúp cho chủ tọa đoàn làm việc thì Chủ tịch EIB Lê Minh Quốc có mời thêm 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên BKS. Tuy nhiên trước sự phản đối của cổ đông thì sẽ mời ông Naoki Nishizawa - Thành viên HĐQT và ông Trần Văn Quyết - Trưởng BKS rời khỏi bàn chủ tọa.

Một cổ đông yêu cầu cần có đại diện của KPMG hoặc ngân hàng nhà nước, cổ đông bất kỳ tự ứng cử vào trong Ban kiểm phiếu, tránh trường hợp kết quả kiểm phiếu không rõ ràng.

10h: Có 5 người ứng cử vào Ban kiểm phiếu, nâng tổng số thành viên lên 8, kết quả này đạt tỷ lệ đồng ý của cổ đông là 91.62%.

Gay gắt ngay từ khâu thông qua quy chế tổ chức

9h25: Ngay khi Đại hội được bắt đầu với phần trình bày và biểu quyết thông qua Ban chủ tọa đoàn và quy chế đại hội đã đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nhóm cổ đông, tương ứng tỷ lệ không đồng ý quy chế đại hội là 28.03%.

Các cổ đông đã thể hiện sự bức xúc cao độ đối với kết quả kiểm phiếu khi có tỷ lệ thông qua đạt 71.97%, các cổ đông yêu cầu đưa ra bằng chứng về tỷ lệ đồng ý này. Trước đó, khi Ban Tổ chức đang đọc nội dung biểu quyết, các cổ đông này cũng liên tục lên tiếng đòi phát biểu, không đồng ý thực hiện biểu quyết...

Không dừng lại ở đó, hàng loạt ý kiến của cổ đông xôn xao khắp đại hội, thậm chí các nhóm cổ đông này còn kéo nhau lên thẳng khu vực trước sân khấu "đôi co trực tiếp với" Ban chủ tọa rất gay gắt, đòi phát biểu nhưng không được Ban chủ tọa cho phép.

Có những ý kiến thắc mắc về việc sao chỉ kiểm phiếu "không đồng ý" và mặc định số còn lại là "đồng ý".

Phát biểu trước đại hội, chủ tọa đoàn mong muốn cổ đông hợp tác ôn hòa, nếu có những hành động gây mất trật tự tại Đại hội thì ban chủ tọa buộc phải có biện pháp để duy trì trật tự. Ông Tùng phát biểu: “Không thể vì một nhóm cổ đông nhỏ mà làm ảnh hưởng hàng trăm người khác đang tham dự, quyền phát biểu của cổ đông vẫn được tôn trọng và khi chủ tọa yêu cầu”. Ngoài ra, ông Tùng cho biết, sự kiện phải kết thúc trước 13h30 hôm nay theo yêu cầu từ khách sạn để phục vụ cho tiếp đón Tổng thống Mỹ - Barack Obama trong chuyến viếng thăm Việt Nam.

Một trong những cổ đông sáng lập thể hiện sự thất vọng khi chưa bao giờ thấy Đại hội EIB mà lộn xộn như vậy, yêu cầu các nhóm cổ đông phản đối trên tôn trọng Đại hội, không nên làm ảnh hưởng thời gian của nhiều cổ đông lớn khác.

 
 
ĐHĐCĐ thường niên lần 2 của EIB diễn ra sáng ngày 24/05. Các cổ đông phản đối chương trình đại hội ngay từ những phút đầu tiên

Đại hội lần 2 có tỷ lệ tham dự của cổ đông rất cao

Tính đến hơn 9h, đã có 618 người tham dự đại diện cho 93.08% tổng số cp có quyền biểu quyết. Đây là tỷ lệ tham dự rất cao so với Đại hội lần 1 trước đó - Đại hội d8ã bất thành khi tỷ lệ tham dự của cổ đông chỉ đạt 50.19%; nguyên nhân chính là do 2 nhóm cổ đông lớn mà đại diện là bà Nguyễn Thị Xuân Loan (nhóm cổ đông nắm 11.82% vốn) và ông Phạm Hữu Phương (nhóm cổ đông nắm 10.42%) có mặt nhưng đã không đăng ký tham dự.

Sự bất đồng giữa nhóm cổ đông lớn xuất phát từ câu chuyện phân tranh quyền lực tại EIB từ năm 2015 đến nay vẫn chưa có được tiếng nói chung về việc có 9 hay 11 người trong HĐQT. Nhiều thành viên HĐQT cũ đã ra đi và những thành viên mới thay thế, từ đó, dấy lên chuyện “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ” khi mà EIB buộc phải đưa ra phương án khắc phục sau kết luận thanh tra ngày 19/10/2015.

* Vì sao ĐHĐCĐ Eximbank bất thành?

Trò chơi tài chính và chuyện kẻ ăn ốc – người đổ vỏ tại Eximbank: Tiếng nói người trong cuộc

Tại Đại hội bất thường tháng 12/2015, phương án do HĐQT nhiệm kỳ trước đề cử đã không được thông qua nên HĐQT mới phải hạch toán hồi tố theo nguyên tắc kế toán và đã được công ty kiểm toán KPMG xác nhận phù hợp. Theo đó, EIB sẽ trình cổ đông tại đại hội lần này thông qua phương án xử lý đối với khoản điều chỉnh hạch toán hồi tố./.







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bán ngoại tệ can thiệp – kế tiếp là gì?

Với lượng dự trữ ngoại hối hiện nay không phải là nhiều, chỉ xấp xỉ ba tháng nhập khẩu, khi trước đó – năm 2022 đã giảm hơn 22,7 tỉ đô la Mỹ cũng vì phải bán ra để...

Đà tăng giá USD chững lại

Tuần qua (22-26/04/2024), giá USD trên thị trường quốc tế giảm nhẹ sau khi dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên...

Ứng dụng ngân hàng số cho doanh nghiệp - SeAMobile Biz của SeABank được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê

Vừa qua, tại Lễ vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, SeAMobile Biz - ứng dụng...

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất...

Quý 1/2024 - Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận tăng hơn 30%

Ngày 26/04, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – Mã NAB) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với nhiều kết quả tăng trưởng tích cực, lợi nhuận trước thuế đạt gần...

Chuyển đổi số ngân hàng: Nhân tài và tư duy số là thách thức

Chuyên gia đến từ các ngân hàng đều đồng ý rằng con người và tư duy số là những yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của bất kỳ tổ chức nào.

Kết thúc quý 1, TPBank báo lãi hơn 1,800 tỷ đồng

Với nền tảng tài chính vững chắc, cùng sự nhạy bén trên thị trường, kết thúc quý 1/2024, TPBank thu về hơn 1,800 tỷ đồng, chốt lời tốt ở mảng đầu tư chứng khoán.

Sau ĐHĐCĐ, VietABank chia cổ tức 39% và đưa cổ phiếu VAB niêm yết trên sàn HOSE hoặc HNX

Ngày 26/4/2024, tại Hà Nội, VietABank đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. ĐHĐCĐ đã thảo luận và thông qua báo cáo kết quả kinh...

Tỉ giá lại có diễn biến mới

Trong khi giá USD ngân hàng lao dốc mạnh thì trên thị trường tự do lại nhảy vọt.

NHNN đề xuất chứng chỉ tiền gửi được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam 

Tại dự thảo Thông tư quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đề...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98