Bỏ trần lãi suất: Lãi suất sẽ vận hành theo cơ chế thị trường
Bỏ trần lãi suất: Lãi suất sẽ vận hành theo cơ chế thị trường
Với thông tư mới của NHNN, lãi suất cho vay trên thị trường hầu như đã được nới lỏng hoàn toàn. Điều này giúp Việt Nam phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Hạn chế dùng trần lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố Thông tư 39/2016, theo đó, từ ngày 15.3.2017, các tổ chức tín dụng bắt đầu thực hiện quy chế cho vay mới, bao gồm nhiều quy định cụ thể về đối tượng được hoặc không được cho vay, nguyên tắc cho vay, điều kiện vay vốn, phí liên quan đến khoản vay, bảo đảm tiền vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, thoả thuận cho vay, cho vay tuần hoàn, cho vay quay vòng…
Điểm được chú ý trong thông tư trên là NHNN đã chính thức quy định và hướng dẫn về lãi suất cho vay giữa tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Văn bản này cũng làm rõ vấn đề về lãi suất của các khoản vay.
Cụ thể, tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay và mức độ tín nhiệm của khách. Trần lãi suất tối đa chỉ được Thống đốc quy định trong từng thời kỳ với một số khoản vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn với chính sách của Chính phủ để phát triển tín dụng phục vụ nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi lãi suất tiền gửi vẫn duy trì mức trần (với các kỳ hạn dưới 6 tháng) thì lãi suất cho vay hiện nay vẫn được các ngân hàng áp dụng theo hình thức thỏa thuận với khách hàng, điểm thu hút sự chú ý của công chúng với nhiều bàn luận trong thời gian qua.
Phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính ngân hàng thì những quy định trong việc bỏ trần lãi suất cho vay trong Thông tư 39 đã “đập tan” những tranh cãi trước đây về mức trần lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ đầu năm nay.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định với thông tư mới này của NHNN, lãi suất cho vay trên thị trường hầu như đã được nới lỏng hoàn toàn. Điều này đã giúp Việt Nam phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Lãi suất được đánh giá theo cung - cầu của thị trường, phản ánh sự vận hành của thị trường, được xem như “giá” của việc sử dụng đồng tiền. Trên lý thuyết, bất cứ “giá” nào bị khống chế, áp đặt đều khiến thị trường bị méo mó, đi ra ngoài “đường biểu diễn” cung – cầu thị trường.
Bên cạnh những điểm tích cực trong việc bỏ trần lãi suất cho vay, thì theo ông Hiếu chính sách nào cũng sẽ có hai mặt song hành. Cụ thể, lãi suất không những là điểm cân bằng cung - cầu mà còn là công cụ điều chỉnh hành vi của các thành phần kinh tế tham gia trên thị trường. Nếu lãi suất thấp, người dân và doanh nghiệp có khuynh hướng vay nhiều, nếu lãi suất cao thì ngược lại. “Lãi suất cho vay được thỏa thuận thì các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính mà áp dụng lãi suất cho vay cao, điều này khiến cho các khách hàng có thể khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro cho các doanh nghiệp. Nhưng khi lãi suất hạ xuống quá thấp, người dân và DN lại ào ào đi vay khiến nguy cơ gia tăng lạm phát. Vì thế, phải có biện pháp để duy trì lãi suất ở mức quân bình”, TS. Hiếu nhận định...