TPP “không Mỹ” - vẫn có giải pháp khả dĩ

21/07/2017 10:28
21-07-2017 10:28:43+07:00

TPP “không Mỹ” - vẫn có giải pháp khả dĩ

Ngày 4-2-2016, khi 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt bút ký hiệp định này, tất cả đều tự tin vào một tương lai TPP rộng mở, với những kỳ vọng lợi ích to lớn cho các nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương. Hầu như khi đó không ai tưởng tượng được rằng, chỉ một năm sau, bức tranh tương lai ấy lại đổi màu, với sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP của Tổng thống Donald Trump ngày 23-1-2017.

Các nước TPP còn lại, trong đó có Việt Nam, bị đặt trước tình thế phải đưa ra các lựa chọn về việc tiếp tục hay không tiếp tục TPP, nếu có thì phải tiếp tục TPP như thế nào.

Giữa tuần rồi, các trưởng đoàn đàm phán TPP của 11 nước thành viên đã gặp nhau tại Hakone, một thị trấn nghỉ dưỡng phía Tây Nam Tokyo, Nhật Bản, để thảo luận về “tương lai không Mỹ” của hiệp định này.

Giới quan sát đưa ra một so sánh đầy hình ảnh giữa không khí bảng lảng khói hơi của thị trấn suối khoáng nóng nổi tiếng bên ngoài phòng họp, với cái mơ hồ trong định hình nội dung một TPP “không Mỹ” trên bàn nghị sự. Sửa đổi điều khoản hơn nửa trang về hiệu lực của TPP để hiệp định này có thể bắt đầu mà không có nền kinh tế chiếm tới 60% GDP toàn khối là điều không ai bàn cãi. Nhưng cũng chưa ai thống nhất được phải làm gì với nội dung của gần 1.200 trang còn lại của hiệp định này, chưa kể nhiều ngàn trang phụ lục các cam kết mở cửa thị trường cụ thể của từng nước. “Tấm bản đồ” chằng chịt những lợi ích đan xen, những đánh đổi và trả giá dựa trên cán cân được - mất của cả 12 nước không dễ gì được vẽ lại khi một nước, cũng là thành viên cầm trịch, chiếm tới hơn nửa tính toán của tất cả, đã rút khỏi.

Sau sự ra đi của Mỹ, Nhật - nền kinh tế lớn thứ nhất trong TPP - mong muốn giữ lại nguyên vẹn tất cả các cam kết về nội dung trong TPP. Một số nước khác thì muốn đàm phán lại các nội dung quan trọng, kể cả về các nhượng bộ thuế quan. Cũng có những nước chưa biết phải lựa chọn thế nào.

Trước mắt, các nước TPP 11 có thể thực hiện ngay các cam kết về thuế quan hay mở cửa thị trường dịch vụ, vốn là cam kết song phương, có đi có lại, Mỹ không tham gia thì Mỹ không hưởng. Những cam kết đầy dấu ấn Mỹ và nếu đã thực hiện là mọi nước đều được hưởng như sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động... có thể để lại.

Kỳ thực, ai cũng có cái lý của mình. Giữ nguyên TPP là cách tốt nhất để bảo toàn những lợi ích từ những tiêu chuẩn cao của hiệp định này, nếu không TPP chẳng khác nào những hiệp định song phương ngang dọc đã có giữa các nước. Trong khi đó, đàm phán lại cũng chính là phương thức để trám những khoảng trống trong cục diện lợi ích trong TPP mà Mỹ để lại.

Trên thực tế, không phải không có giải pháp để hòa hoãn, thỏa mãn cả hai mong muốn này. Đó là giữ nguyên vẹn TPP cho tương lai, khi Mỹ quay trở lại, đồng thời giới hạn TPP cho hiện tại, để các nước có thể tận dụng những lợi ích nhất định từ bây giờ.

Giữ nguyên TPP cho tương lai

Ở vế đầu tiên của giải pháp này, các nội dung TPP sẽ được duy trì nguyên vẹn như khi nó được các nước đặt bút ký vào đầu năm 2016. Tức là sẽ không có bất kỳ sửa đổi nào đối với nội dung chi tiết của các cam kết đã đạt được sau sáu năm đàm phán “có Mỹ” của TPP (tất nhiên trừ cam kết về điều kiện có hiệu lực TPP).

Việc giữ nguyên vẹn TPP cho phép các nước TPP bảo đảm được “các tiêu chuẩn cao” vốn là tinh thần cốt lõi của TPP, cũng là cơ sở cho biết bao nhiêu kỳ vọng lợi ích của các nước đặt vào hiệp định này.

Quan trọng hơn, việc giữ nguyên các nội dung đàm phán của TPP sẽ cho phép hiệp định này có thể ngay lập tức tiếp tục khi Mỹ quay trở lại với TPP một ngày nào đó. Mỹ khi đó sẽ không “bị ép” trước các cam kết mới, cũng ít có lý do để yêu cầu thay đổi những gì chính mình đã đồng ý vào năm 2016.

Nói tới đây, có lẽ không ít người đang nghi ngờ: Mỹ sẽ quay trở lại TPP ư, có đùa không?

Quả thật giả thuyết này nghe ra quá hão huyền trong bối cảnh hiện tại, khi Tổng thống Donald Trump tỏ rõ quyết tâm theo đuổi chiến lược “nước Mỹ trên hết”, bảo hộ tối đa sản xuất nội địa bằng cách chĩa mũi nhọn vào các hiệp định thương mại mà theo lời ông là “không công bằng cho nước Mỹ”.

Nhưng đó là Tổng thống Donald Trump của năm 2017. Khi mà những lời hứa lấy lại việc làm cho dân Mỹ từ các đối tác, bảo hộ sản xuất và đầu tư nội địa trong chiến dịch tranh cử của ông vẫn còn tươi rói. Khi mà những động thái bảo hộ và xét lại của ông mới chỉ bắt đầu và chưa chính thức tạo ra hệ quả gì đáng kể, ngoại trừ thái độ bất bình của các đồng minh kinh tế.

Không ai có thể dám chắc chiến lược cứng rắn, đơn độc này của ông sẽ vẫn tiếp tục trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Đặc biệt khi các đối thủ cạnh tranh của Mỹ đang vực lại tinh thần, tranh thủ giai đoạn ngưng nghỉ của Mỹ để tận dụng các cơ hội từ tự do hóa thương mại mà nước này tạm thời từ bỏ. Tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Nhật Bản ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức tuần trước là một ví dụ. Các FTA khác giữa khối này với Mercosur (Khối thị trường chung Nam Mỹ), Úc, ASEAN đang sôi động trở lại cũng là dấu hiệu không thể rõ ràng hơn...

Cứ như thế, rất có khả năng một thời điểm nào đó, ở nửa sau nhiệm kỳ chẳng hạn, ông Trump biết đâu lại có quan điểm mới về vấn đề này. Không có gì là không thể với một người kiên quyết và thực dụng như ông Trump, một khi nhận thấy cán cân lợi ích của Mỹ có thể bị suy yếu vì chủ nghĩa bảo hộ.

Lại nữa, tương lai TPP không phải là một hai năm, càng không phải chỉ giới hạn ở một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Ông Trump có thể sẽ đối địch với TPP đến tận cùng nhiệm kỳ. Nhưng không có gì chắc chắn là một tổng thống tiếp theo sẽ giữ thái độ tương tự. Ở Mỹ, chuyện một hiệp định thương mại được ký dưới thời tổng thống này, phê chuẩn ở nhiệm kỳ tổng thống sau hoặc sau nữa cũng là chuyện bình thường. Ba hiệp định thương mại có hiệu lực gần đây nhất của Mỹ (với Colombia, Panama và Hàn Quốc) đều chỉ được phê chuẩn sau hơn 5 năm kể từ khi các hiệp định này được ký, với thời điểm ký (2007) và thời điểm có hiệu lực (2012) thuộc hai nhiệm kỳ tổng thống khác nhau của Mỹ. Với một hiệp định lớn như TPP, việc Mỹ phê chuẩn hiệp định sau một vài năm, thậm chí lâu hơn nữa, là hoàn toàn có khả năng.

Khoanh vùng TPP cho hiện tại

Vế thứ hai của giải pháp này là giới hạn lại các cam kết TPP có thể được thực thi ngay giữa 11 nước thành viên TPP. Tức là 11 nước TPP sẽ ngồi lại cùng nhau, không phải để đàm phán lại nội dung cam kết mà là để thống nhất phân các cam kết TPP thành hai nhóm, một bên là các cam kết có thể thực hiện ngay giữa các nước thành viên, bên kia là các cam kết mà họ sẽ chỉ thực hiện khi Mỹ quay trở lại với TPP.

Có lẽ chúng ta chưa thể quên rằng TPP bao gồm nhiều cam kết được hoàn tất dưới sức ép của Mỹ, đặc biệt là các cam kết về thể chế hay quy tắc như đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... Khi ấy, nhiều nước đã phải ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận không ít các cam kết trong số đó, với hy vọng đánh đổi được những lợi ích thị trường mà Mỹ đem lại. Với tình huống Mỹ rút khỏi TPP, không ngạc nhiên khi nhiều nước chẳng thoải mái nếu vẫn phải thực hiện đủ các cam kết này.

Sâu xa hơn, nếu thực hiện luôn những cam kết “nguồn gốc Mỹ” này ngay từ bây giờ, các nước này sẽ chẳng còn mấy vốn liếng để mà mặc cả với Mỹ trong tương lai, kể cả là khi Mỹ quay lại TPP, hay khi Mỹ đàm phán một hiệp định thương mại song phương mới với từng nước. Chẳng ai lạ gì, cũng không ai quên nguyên tắc đàm phán “cao hơn hiện trạng” trong các cuộc “ngã giá” thương mại nói chung và với Mỹ nói riêng.

Tất nhiên, lúc này, với TPP 11, việc đàm phán để thực hiện cam kết nào ngay, để lại cam kết nào chờ Mỹ, cũng không dễ dàng gì. Nhưng ít ra điều này sẽ đơn giản hơn nhiều so với đàm phán lại các cam kết. Ví dụ, trước mắt, các nước TPP 11 có thể thực hiện ngay các cam kết về thuế quan hay mở cửa thị trường dịch vụ, vốn là cam kết song phương, có đi có lại, Mỹ không tham gia thì Mỹ không hưởng. Những cam kết đầy dấu ấn Mỹ và nếu đã thực hiện là mọi nước đều được hưởng như sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động... có thể để lại.

Dù thế nào, giới quan sát tin tưởng rằng với đa số các các cam kết trong TPP, càng sớm có hiệu lực chừng nào, lợi ích mà chúng mang lại cho các nước liên quan sẽ càng tốt chừng ấy. Hy vọng rằng các nước TPP 11 sẽ vì mục tiêu này mà sớm tìm ra con đường thích hợp, lợi ích nhất cho cả hiện tại và tương lai.

http://www.thesaigontimes.vn/162677/TPP-khong-My---van-co-giai-phap-kha-di.html







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Alibaba có thể đầu tư 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam?

Theo Nikkei Asia đối tác của Alibaba trong đầu tư xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là Viettel và VNPT.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng đầu năm 2024

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1.55 triệu lượt, cao hơn 58.2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế...

Số lượng nhà cung ứng cho Apple tại Việt Nam cao thứ 4 toàn cầu

Báo cáo của Apple về danh sách nhà cung ứng toàn cầu cho thấy Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 4 thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt trên 522 ngàn tỷ đồng

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2024 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước nhờ...

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 4/2024 ước tính tăng 0.8% so với tháng trước và tăng 6.3% so với cùng kỳ năm trước.

TP.HCM xin tự quyết định vị trí việc làm đặc thù

TP.HCM phát sinh nhiều vị trí việc làm đối với công chức, viên chức thực sự cần thiết và phù hợp nhưng lại chưa có trong quy định tại thông tư của các bộ, ngành...

Bộ Công Thương nêu loạt lý do không cho mua bán điện mặt trời mái nhà

Ngày 29/4, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát đi thông tin về việc điện mặt trời mái nhà dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia thì đơn...

Bất ngờ lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29-4

Lượng hành khách dự kiến qua sân bay Tân Sơn Nhất thấp bất ngờ trong ngày 29-4, dù vẫn trong kỳ nghỉ lễ dài.

Thu nhập bình quân một người/tháng của Bình Dương vượt TP.HCM

Năm 2023, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân một người/tháng cao nhất cả nước, trong đó, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân cao nhất vùng.

4 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 6.28 tỷ USD, tăng hơn 7%

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 6.28 tỷ USD tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98