Châu Âu khó xử trong cuộc chiến Mỹ-Trung về Huawei

17/02/2019 21:30
17-02-2019 21:30:00+07:00

Châu Âu khó xử trong cuộc chiến Mỹ-Trung về Huawei

Thế “tiến thoái lưỡng nan” của châu Âu trong vấn đề Huawei hiện nay là nếu nghe theo Mỹ thì mất lòng Trung Quốc, mà nghe Trung Quốc thì mất lòng Mỹ...

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei đang khiến Liên minh châu Âu (EU) phải đương đầu với áp lực từ cả hai phía.

Nhiều quốc gia trong khu vực hiện đang loay hoay không biết nên dùng hay cấm thiết bị mạng 5G của hãng này.

Châu Âu lúng túng

"Luật của Trung Quốc yêu cầu họ (Huawei) phải cung cấp cho bộ máy an ninh rộng lớn của Bắc Kinh quyền tiếp cận với bất kỳ dữ liệu nào chạm vào mạng lưới hay thiết bị của họ", Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại một hội nghị thường niên của các quan chức an ninh cấp cao ở Munich hôm 16/2. "Mỹ kêu gọi tất cả các đối tác an ninh của chúng tôi cảnh giác và từ chối bất kỳ một doanh nghiệp nào có thể gây phương hại để sự toàn vẹn của công nghệ viễn thông hay hệ thống an ninh quốc gia của chúng ta".

Phát biểu tại cùng sự kiện ngay sau ông Pence, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì, phản bác. "Pháp luật của Trung Quốc không hề yêu cầu các công ty thiết lập cửa sau hay thu thập các thông tin tình báo", ông Dương nói. "Huawei là một công ty hợp tác rất chặt chẽ với các nước châu Âu".

Theo hãng tin Bloomberg, áp lực đối với các quốc gia châu Âu đang tăng cao trong lúc khu vực này cố gắng tìm ra một chủ trương chung trong vấn đề sử dụng thiết bị mạng viễn thông thế hệ tiếp theo (5G) của Huawei.

Các công ty viễn thông ở châu Âu hiện đang chuẩn bị triển khai các mạng 5G nhằm đẩy nhanh tốc độ và công suất truyền dữ liệu - công nghệ mà Huawei đang là nhà cung cấp đi đầu thế giới.

Tuy nhiên, giới chức của khu vực này, với sự kêu gọi của Mỹ, lại lo ngại thiết bị của Huawei có thể tạo điều kiện cho hoạt động nghe lén của Bắc Kinh. Mặt khác, nhiều nước châu Âu đang có quan hệ kinh tế-thương mại lớn với Trung Quốc nên cũng không muốn mối quan hệ này bị sứt mẻ.

Ở thời điểm hiện tại, 28 quốc gia thành viên EU có những quy định khác nhau về bảo vệ hệ thống viễn thông của mỗi nước. Chính điều này được xem là tạo điều kiện để Huawei dẫn trước tại nhiều thị trường ở châu Âu, đặc biệt tại những nước mà vốn đầu tư của Trung Quốc trong thời gian khủng hoảng nợ đã tạo cầu nối cho Huawei.

Nếu châu Âu đưa ra một chính sách chung về an ninh mạng, thì những nỗ lực mở rộng hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này có thể gặp trở ngại.

Bài kiểm tra cho châu Âu

Các chính phủ ở châu Âu hiện nay đều đang chờ Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, quyết định xem nên hạn chế đến mức độ nào việc sử dụng thiết bị Huawei, thay vì tự mình tìm hướng đi riêng và có thể làm "mếch lòng" Bắc Kinh hoặc Washington.

"5G đã trở thành một cuộc kiểm tra nữa cho sự đoàn kết của châu Âu", ông Janka Oertel, chuyên gia của tổ chức German Marshall Fund tại Mỹ, nhận định trong một báo cáo công bố hôm thứ Sáu. "Các nước khác ở châu Âu đang chờ Đức đứng ra quyết định. Những nước nhỏ hơn trong EU muốn châu Âu đưa ra một lập trường chung trong vấn đề này, để họ có thể tránh được cơn giận của Bắc Kinh".

Về phần mình, chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ khả năng ban lệnh cấm thẳng thừng đối với Huawei, và thay vào đó phát tín hiệu rằng bất kỳ hạn chế nào nếu có cũng sẽ áp dụng với tất cả các nhà cung cấp thiết bị tiềm năng.

"Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận kỹ lưỡng về vấn đề này", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg. "Chúng tôi sẽ phải xác định xem làm thế nào đảm bảo an toàn cho hoạt động thông tin liên lạc, cũng như đảm bảo rằng mọi nhà cung cấp đều đáng tin cậy. Chúng tôi đang mới bắt đầu xem xét, nhưng đây đúng là một vấn đề cấp bách".

Trong khi đó, các đại diện của Mỹ đang liên tục có các chuyến công du để gây sức ép với đồng minh trong vấn đề Huawei, cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả đối với bất kỳ nước nào cho phép dùng thiết bị Trung Quốc trong hạ tầng viễn thông quan trọng.

Có thể thấy rằng, thế "tiến thoái lưỡng nan" của châu Âu trong vấn đề Huawei hiện nay là nếu nghe theo Mỹ thì mất lòng Trung Quốc, mà nghe Trung Quốc thì mất lòng Mỹ, theo trang CNN Business.

Việc lựa chọn càng trở nên khó hơn khi Huawei giờ đây đã chiếm một vị thế đi đầu vững chắc về công nghệ 5G - đến mức mà thiết bị của hãng này gần như đã trở thành không thể thay thế đối với nhiều nhà mạng viễn thông muốn dẫn trước trong cuộc đua triển khai mạng 5G.

"Cấm Huawei có thể tạo ra một khoảng trống quyền lực mà không ai có khả năng lấp đầy một cách đúng lúc, và có thể sẽ ảnh hưởng bất lợi đến sự triển khai 5G trên toàn cầu", bà Stephane Teral, một chuyên gia về hạ tầng viễn thông di động tại công ty nghiên cứu thị trường công nghệ IHS Markit. Điều này được cho là đặc biệt đúng đối với châu Âu, nơi Huawei được dự báo sẽ giữ vai trò chủ chốt trong việc xây dựng các mạng 5G.

Sức mạnh của Huawei

Mỹ hiện nay chưa có một công ty nào được đánh giá là đối thủ ngang tầm với Huawei về thiết bị viễn thông. Đối thủ lớn nhất của Huawei hiện này là Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan, nhưng cả hai công ty này nhiều năm nay chật vật với thua lỗ và cắt giảm việc làm, trong khi Huawei đã cán mốc doanh thu 100 tỷ USD trong 2018.

Một số nhà mạng viễn thông quốc tế đã bày tỏ lo ngại rằng việc cấm thiết bị 5G của Huawei có thể khiến các quốc gia tự làm suy yếu năng lực công nghệ của mình. Tháng trước, Tổng giám đốc Vodafone, ông Nick Read, nói rằng lệnh cấm hoàn toàn đối với thiết bị Huawei sẽ cản trở quá trình triển khai mạng 5G.

Sự cẩn trọng hiện nay của các nước châu Âu đối với Huawei có thể khiến Ericsson và Nokia vui mừng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng hai hãng này chưa đạt tới vị thế để có thể hưởng lợi từ những khó khăn hiện nay của Huawei. "Khó có thể nói rằng các nhà cung cấp khác sẽ hưởng lợi ngay", các nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Dell’Oro nhận xét.

"Qua trò chuyện với các nhà mạng, tôi được cho biết là Huawei có công nghệ hiện đại hơn so với các hãng khác ở thời điểm hiện nay", nhà phân tích Dexter Thillien thuộc Fitch Solutions phát biểu với CNN.

Sức mạnh tài chính dồi dào của Huawei đã giúp hãng này vượt qua đối thủ về đầu tư vào công nghệ mới.

Trong 2017, Huawei đầu tư hơn 13 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D), vượt qua Microsoft và Apple - theo số liệu của PwC. Trong khi đó, Nokia chỉ 5,6 tỷ USD cho R&D, còn Ericsson chi 4,4 tỷ USD.

"Những khó khăn về tài chính và chiến lược của hai công ty này trong mấy năm qua có thể đã khiến họ không thể tập trung đầy đủ vào công nghệ 5G", ông Thillien nhận định.

An Huy

vneconomy







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98