Các NHTW toàn cầu tạm biệt quan điểm lạm phát tạm thời, đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ

05/02/2022 09:00
05-02-2022 09:00:00+07:00

Các NHTW toàn cầu tạm biệt quan điểm lạm phát tạm thời, đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ

Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt mới trong chính sách tiền tệ của nhiều NHTW chủ chốt trên toàn cầu, với việc loại bỏ ý tưởng lạm phát tạm thời và dọn đường cho quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2022.

Tạm biệt quan điểm lạm phát tạm thời

Trong hàng loạt cuộc họp của các NHTW trong những ngày gần đây, các nhà hoạch định chính sách dường như quyết định rằng lạm phát bây giờ là rủi ro lớn hơn cả biến chủng Omicron. Đây là một bước quay ngoắt đáng chú ý vì cách đây vài tháng, họ còn cho rằng lạm phát chỉ tăng tạm thời.

Điều này khiến giới đầu tư nghĩ rằng sẽ có thêm nhiều đợt nâng lãi suất trên toàn thế giới trong năm 2022, qua đó tác động tới thị trường tiền tệ, trái phiếu và chứng khoán.

“Trong cả năm 2021, tranh luận chủ yếu xoay quanh quan điểm lạm phát tạm thời. Giờ thì cuộc tranh luận này đã chấm dứt. Từ Anh, Mỹ, Trung Quốc tới châu Âu và hàng loạt nền kinh tế khác, rủi ro lạm phát đang hiển hiện rất rõ ràng, thậm chí là đang gia tăng”, Nigel Green, Tổng Giám đốc của deVere Group, cho hay.

Lạm phát tại Mỹ, EU và Anh trong năm 2021

Nhiều quan chức NHTW thay đổi quan điểm về lạm phát một cách nhanh chóng. Trong tháng 11/2021, quan chức NHTW Anh (BoE) Catherine Mann nói rằng vẫn còn “quá sớm” để nói về thời điểm nâng lãi suất, nhưng sau đó bà lại “hồi tâm chuyển ý” và bỏ phiếu nâng lãi suất tại cuộc họp ngày 17/12. Trong khi đó, các quan chức Fed loại bỏ cụm từ để ám chỉ lạm phát tạm thời trong ngày 16/12.

Chính dữ liệu lạm phát tăng nóng trong tháng 11/2021 đã buộc họ phải thay đổi. Trong đó, lạm phát chạm đỉnh 10 năm tại Mỹ, chạm mức kỷ lục tại khu vực đồng tiền chung châu Âu và vượt 5% tại Anh.

Ngày càng nhiều NHTW đã hoặc đang xem xét nâng lãi suất. Tính trong năm 2021, đã có 37 NHTW nâng lãi suất, trong đó đáng chú ý nhất là Zimbabwe nâng tổng cộng 2,500 điểm cơ bản lên 60%.

Các chính sách không đồng điệu

Tuy nhiên, các cuộc họp của NHTW trong những ngày cuối năm 2021 cũng cho thấy sự khác biệt trong cách thức nhìn nhận về lạm phát và đà hồi phục mong manh của nền kinh tế. Hàng loạt NHTW ở khu vực Đông Âu và Mỹ Latinh đã nâng lãi suất, trong khi các NHTW ở Đông Nam Á lại giữ nguyên.

Tình hình có thể thay đổi trong năm 2022 vì các nền kinh tế đang phát triển thường khó mà làm trái với Fed. Các NHTW giữ nguyên lãi suất khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ có thể gặp nguy cơ đồng nội tệ mất giá và từ đó châm ngòi cho lạm phát khi giá hàng hóa nhập khẩu lên giá.

Bên cạnh đó, Mexico, Chile, Costa Rica, Pakistan, Hungary và Armenia đã đều nâng lãi suất trong tuần trước. Nhiều trong số này phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2022.

NHTW Nga cho biết họ lo ngại áp lực lạm phát chủ yếu xuất phát từ đà tăng của giá thực phẩm và năng lượng, sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Áp lực lạm phát có thể tăng tiếp trong thời gian tới, họ nhận định.

“Tác động từ các yếu tố về phía cung đang thúc đẩy giá của hàng loạt hàng hóa và dịch vụ khi kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn còn cao”, NHTW Nga cho biết.

Mối quan ngại này cũng xuất hiện ở các nước giàu có. Lạm phát tăng mạnh cũng là lý do nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong ngày 16/12. BoE trở thành NHTW đầu tiên trong nhóm G7 nâng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 ập tới. Trước đó một ngày, Fed cho biết sẽ đẩy nhanh nhịp độ giảm chương trình mua tài sản, đồng thời báo hiệu nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Còn NHTW châu Âu (ECB) cũng rút dần các biện pháp khẩn cấp, nhưng lại mở rộng chương trình mua tài sản khác.

Tuy nhiên, không phải ai cũng vội vàng chuyển sang thắt chặt ngay. Ngày 18/12, NHTW Nhật Bản (BoJ) thông báo sẽ rút lại các gói hỗ trợ dần dần. Họ gia hạn hỗ trợ cho vay các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn thêm 6 tháng.

Các NHTW lớn nâng lãi suất chậm hơn các nền kinh tế đang phát triển vì 2 lý do. Đầu tiên, họ nhận thấy các hộ gia đình đặt niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát của NHTW trong quá khứ, trong khi các cơ quan tiền tệ ở nhiều nền kinh tế đang phát triển chưa xuất hiện niềm tin đó. Thứ hai, các hộ gia đình ở các quốc gia nghèo hơn chi nhiều hơn cho các nhu yếu phẩm, như thực phẩm và năng lượng – vốn là những mặt hàng tăng mạnh nhất. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách phải hành động nhanh chóng để “dập” lạm phát.

Thậm chí các nền kinh tế đang phát triển cũng có sự khác biệt. Trong các cuộc họp tuần trước, NHTW ở Indonesia, Philippines, Ai Cập, Mauritius và Đài Loan đều giữ nguyên lãi suất.

Các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước châu Á ít lo ngại về lạm phát hơn, vì họ chứng kiến ít sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hơn các nước lớn và cũng không quá lo ngại về tình trạng tiền lương tăng mạnh vì thiếu nhân công.

Nhiều nước đang vun vén cho đà hồi phục vốn rất mong manh giữa sự bùng phát của dịch bệnh. Đối với họ, biến chủng Omicron có thể là mối đe dọa mới cho đà hồi phục mong manh này.

Một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng phần lớn NHTW châu Á – ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc – nâng lãi suất trong năm 2022 vì lo ngại dòng vốn sẽ chuyển sang Mỹ khi Fed nâng lãi suất. Diễn biến gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ mang lại tín hiệu cảnh báo cho các nước châu Á. Sau nhiều lần giảm lãi suất, đồng Lira lao dốc gần 50% so với USD và lạm phát phát tăng vọt.

“Các NHTW châu Á – trừ Trung Quốc – sẽ nâng lãi suất ở mức độ tương tự với Fed trong năm 2022”, các chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank, cho hay. “Chẳng phải ngẫu nhiên mà sự ổn định tiền tệ trở thành mối quan ngại chính sách lớn trong năm 2022”.

Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược xu hướng

Ngay khi phần lớn NHTW trên thế giới đã và đang xem xét nâng lãi suất thì Thổ Nhĩ Kỳ lại chọn theo hướng ngược lại dưới áp lực chính trị từ phía Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Ngày 16/12, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hạ lãi suất lần thứ 4 liên tiếp.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan

Các động thái giảm lãi suất đã châm ngòi cho lạm phát tăng vọt lên mức 21% trong tháng 11 và đồng Lira mất giá hơn 40%.

Đằng sau đó là suy nghĩ khác thường của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về mối quan hệ giữa lãi suất và lạm phát. Ông Erdogan tranh luận rằng lãi suất tăng sẽ thúc đẩy lạm phát và ngược lại.

Vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải gần như toàn bộ các quan chức kinh tế phản đối với quan điểm của ông và cũng cho thấy ông không dễ gì đổi ý.

Vũ Hạo (Tổng hợp)

FILI







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quỹ đầu tư Mỹ sắp đạt thoả thuận mua lại cổ phần tại chuỗi gà rán KFC Nhật Bản

Nikkei Asia cho biết quản lý quỹ tài sản Carlyle Group của Mỹ sắp mua lại KFC Holdings Japan, nhà điều hành chuỗi cửa hàng gà rán KFC tại nước này.

Nhiều nước châu Á đẩy lùi thời điểm giảm lãi suất

Với triển vọng ngày càng mờ mịt về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ trong năm, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á buộc phải đẩy lùi thời điểm...

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao

Tổng Sản phẩm Quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ...

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98