Chứng khoán 2024: Rủi ro vẫn chực chờ trước cửa

26/02/2024 13:02
26-02-2024 13:02:00+07:00

Chứng khoán 2024: Rủi ro vẫn chực chờ trước cửa

Nếu thứ duy nhất bạn nghĩ đến là lợi nhuận và đuổi theo nó với kỳ vọng màu hồng, cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt.

Không lâu trước đây, người tham gia thị trường cổ phiếu đã trải qua khoảng thời gian tồi tệ khi VN-Index giảm đến 32.8% chỉ trong một năm 2022. Căn nguyên của cơn nguy là vì trước đó số đông chạy theo ảo tưởng về lợi nhuận, trong khi giới chuyên gia lúc bấy giờ cũng chẳng làm được gì hơn ngoài hun đúc thêm kỳ vọng lạc quan - họ gần như chỉ luôn thấy mặt tốt đẹp của mọi thứ.

Trong giai đoạn phởn phơ, người tham gia thị trường bỏ mặc những xem xét cơ bản. Nhiều nhóm cổ phiếu tăng giá phi mã với khía cạnh giá trị doanh nghiệp nghèo nàn. Sự xuất hiện của các xúc tác tiêu cực đột biến (sai phạm liên quan Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát - SCB) và sau đó là sự suy yếu của lợi nhuận doanh nghiệp khi nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn hậu dịch, đã dẫn đến hệ quả tất yếu là trạng thái thị trường biến chuyển mau chóng từ lạc quan thái quá sang bi quan. Kỳ vọng đám đông (thể hiện qua mức định giá) lúc đó co lại rất nhanh và kết tủa thành khoản mất giá cổ phiếu.

Với một trí nhớ ngắn hạn, trong những ngày đầu năm 2024, một sự đồng thuận về triển vọng sinh lời cổ phiếu lại lan tỏa khắp thị trường. Luận điểm chủ chốt lần này đặt trên sự phục hồi trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp so với mặt bằng thấp 2023, chính sách điều hành theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế từ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ; cùng với đó là thời điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thế giới. Tuy nhiên, cũng như mọi khi, tất cả luận điểm đó lại tiếp tục gói gọn trong một nửa màu hồng của sự thật.

Thị trường chứng khoán chẳng phải nơi thi tài xem ai là người lạc quan nhất. Thực tế, chúng ta vẫn đang ở giữa một bối cảnh bất định nhất nhiều thập niên: Phi toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế chậm lại, môi trường lãi suất cao hiện hữu, xung đột địa - chính trị. Giới phân tích thế giới đánh giá đây là môi trường rủi ro cao cho các nền kinh tế khu vực mới nổi và cận biên, nghĩa là bao gồm Việt Nam.

Và rõ ràng, đất nước cũng đang vất vả giải quyết những vấn đề riêng mà chính chúng là tác nhân khiến thị trường cổ phiếu xuống giá năm 2022. Hiển hiện trước mũi chúng ta vẫn là rủi ro lớn xuất phát từ ngành địa ốc, liên thông đến cả ngành ngân hàng và toàn nền kinh tế.

Ngoại trừ sự ấm lên đôi chút so với những thời điểm tồi tệ nhất (quý 4/2022 - quý 1/2023), chẳng ai có thể khẳng định ngành bất động sản sẽ bước ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay như thế nào và bao giờ. Quan sát giản đơn cho thấy, chủ đề này làm đau đầu người ta như thế nào. Suốt hơn 1 năm qua, dự báo về thời điểm phục hồi của ngành địa ốc đã được các bên hữu quan thay đổi liên tục qua thời gian, từ "phục hồi cuối 2023" đến "đầu 2024", "nửa cuối 2024" và rồi "sang 2025".

Các chính sách của cơ quan quản lý đang tạo điều kiện cho các bên có thêm thời gian, như Nghị định 08 tạo điều kiện để đàm phán giãn, hoãn nợ trái phiếu doanh nghiệp. Hay như Thông tư 02 tạo điều kiện cho ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Mặt bằng lãi suất giảm cũng đang giúp người đi vay dễ cầm cự hơn, bao gồm cả người đi vay lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, mọi nút thắt vẫn ở đó và dường như các thị trường khó có thể tự điều tiết.

Liệu ngành địa ốc sẽ thực hiện các nghĩa vụ nợ đáo hạn trong tương lai gần ra sao khi dòng tiền kinh doanh suy giảm mạnh? Một làn sóng bán tài sản liệu có diễn ra? Điều này ảnh hưởng thế nào đến sức chi tiêu của nền kinh tế, ảnh hưởng thế nào đến hệ thống ngân hàng?

Trường hợp tình hình lạm phát toàn cầu tồi tệ hơn những gì chúng ta tưởng hoặc xuất hiện rủi ro ngoại sinh, dẫn đến việc các ngân hàng trung ương trên thế giới buộc phải giữ môi trường lãi suất cao hơn và lâu hơn thì điều này gây áp lực ra sao đối với khu vực xuất khẩu và dư địa điều hành chính sách của Việt Nam?

Những câu hỏi đặt ra bên trên dường như không nằm trong suy nghĩ của số đông trên thị trường cổ phiếu.

Tương lai vẫn luôn khó đoán hơn ta mường tượng và vì vậy người tham gia thị trường tốt nhất không nên cư xử như mọi thứ chỉ có thể tốt hơn. Nếu ta chỉ nhìn thấy một kịch bản của những gì sắp xảy ra thì khả năng cao đang tồn tại điểm mù trong tầm mắt của chính mình.

Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2021, số đông thị trường không muốn tin rằng cơn sốt cổ phiếu rồi sẽ đến hồi kết; hay đến giữa năm 2022, người ta vẫn không dành sự quan tâm đúng mức đến viễn cảnh rằng cú phanh gấp ở thị trường trái phiếu sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đối với lĩnh vực bất động sản. Và đến bây giờ, trong những ngày đầu năm 2024 đầy lạc quan, một tương lai không êm ả có thể cũng đang chực chờ trước cửa.

Thừa Vân

FILI







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Mua cổ phiếu nhưng không chào mua công khai, THI bị xử phạt

Ngày 06/05/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Thiết bị Điện (THI) do công bố thông tin không đúng...

Theo dấu dòng tiền cá mập 09/05: Tự doanh cùng khối ngoại bán ròng hơn 1,800 tỷ đồng

Phiên giao dịch ngày 09/05, tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại lần lượt bán ròng gần 89 tỷ đồng và hơn 1,720 tỷ đồng.

TVB khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát như thế nào?

CTCP Chứng khoán Trí Việt (HOSE: TVB) vừa công bố báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.

Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 09/05

Danh sách các mã cổ phiếu tăng và giảm mạnh nhất những phiên gần đây theo số liệu thống kê của Vietstock.

09/05: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán?

Cùng điểm lại những tin tức tài chính kinh tế trong nước và quốc tế đáng chú ý diễn ra trong 24h qua trước giờ giao dịch hôm nay.

Theo dấu dòng tiền cá mập 08/05: VHM bị khối ngoại bán ròng gần 927 tỷ đồng

Phiên giao dịch ngày 08/05, tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại cùng nhau bán ròng, đặc biệt trong đó là việc VHM bị khối ngoại bán ròng mạnh gần 927 tỷ đồng.

Đằng sau diễn biến tăng giá của cổ phiếu Vinatex?

Cổ phiếu Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) có 2 phiên khớp lệnh khủng. Kết phiên 08/05, giá cổ phiếu VGT tăng trần lên mức 14,900 đồng/cp, tăng hơn...

Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 08/05

Danh sách các mã cổ phiếu tăng và giảm mạnh nhất những phiên gần đây theo số liệu thống kê của Vietstock.

08/05: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán?

Cùng điểm lại những tin tức tài chính kinh tế trong nước và quốc tế đáng chú ý diễn ra trong 24h qua trước giờ giao dịch hôm nay.

Xử phạt cổ đông lớn Sông Đà 8 do giao dịch không báo cáo

Ngày 04/05, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Kỹ thuật...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98