Thương hiệu mỹ phẩm The Body Shop kinh doanh ra sao khi đối diện nguy cơ phá sản

19/02/2024 15:29
19-02-2024 15:29:52+07:00

Thương hiệu mỹ phẩm The Body Shop kinh doanh ra sao khi đối diện nguy cơ phá sản

Mới đây, thương hiệu làm đẹp quen thuộc The Body Shop bị đưa vào diện phá sản tại thị trường Anh, vốn là nơi khai sinh, khiến hơn 2 ngàn lao động có nguy cơ rơi vào cảnh mất việc làm.

Một cửa hàng The Body Shop. Nguồn: Reuters

Kẻ tiên phong liên tục bị “sang tay”

Theo Reuters, hãng tư vấn kinh doanh FRP sẽ trở thành công ty chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục phá sản cho The Body Shop tại Anh. FRP thông báo 199 cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường kể cả sau khi thương hiệu mỹ phẩm được đưa vào diện phá sản.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh tại các thị trường quốc tế của The Body Shop cũng đang được tái cấu trúc do khó khăn tài chính.

Khởi đầu tại Brighton, Anh vào năm 1976, thương hiệu The Body Shop được doanh nhân người Anh Anita Roddick cho ra mắt với cách tiếp cận khác biệt với những ông lớn trong ngành mỹ phẩm lúc bấy giờ. Ngoài việc thành phần sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, The Body Shop còn được xem là thương hiệu tiên phong trong việc không thử nghiệm trên động vật.

Đến nay, trên toàn cầu đang có hơn 2,500 cửa hàng The Body Shop, trải dài từ châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, sang đến Trung Đông, Nam Phi và châu Á.

Tuy nhiên, lợi thế tiên phong cũng bắt đầu trở thành mục tiêu mà các đối thủ có thể khai thác triệt để khiến cạnh tranh trong ngành càng trở nên khốc liệt. Thương hiệu hơn 40 năm tuổi đã được Tập đoàn mỹ phẩm và hàng xa xỉ của Pháp L’Oreal mua lại vào năm 2006, đồng thời chính thức rời khỏi danh sách của Sở Giao dịch Chứng khoán Luân Đôn.

Cách đây hơn 6 năm, The Body Shop tiếp tục được “sang tay” cho công ty trang điểm Brazil Natura & Co trong một thỏa thuận trị giá lên đến 1.1 tỷ USD.

Hành trình của thương hiệu mỹ phẩm Anh chưa dừng lại ở đó. Năm 2023, Natura & Co đã đồng ý bán The Body Shop cho Aurelius Group trong một thỏa thuận ràng buộc với giá trị doanh nghiệp chỉ còn 254 triệu USD do những khó khăn về lợi nhuận, theo Reuters.

The Body Shop đã phải đối mặt với những vấn đề về tài chính trong một thời gian dài khi thuộc quyền quản lý của các chủ sở hữu cũ, cũng như những khó khăn từ thị trường bán lẻ trong thời gian qua”, FRP chia sẻ.

Đối tác nhượng quyền được trấn an

InNature Berhad – đối tác nhượng quyền của thương hiệu The Body Shop tại Malaysia, Campuchia và Việt Nam – cho biết công ty sẽ vẫn “hoạt động bình thường” vì họ đã được nhà nhượng quyền The Body Shop International (TBSI) trấn an rằng “các sự kiện tại Anh không liên quan gì đến các đối tác nhượng quyền toàn cầu như InNature”.

Các cửa hàng được quản lý bởi InNature Berhad. Nguồn: InNature Berhad

Phát biểu với The Edge, Tổng Giám đốc Datin Mina Cheah-Foong nói rằng mối quan tâm lớn nhất đối với InNature là chuỗi cung ứng, liệu các sản phẩm có tiếp tục được cung cấp hay không và liệu có bất kỳ sự gián đoạn nào không. Đồng thời bà Datin Mina cũng cho biết nhà nhượng quyền đã lên tiếng trấn an đảm bảo rằng họ “chắc chắn duy trì khả năng cung ứng” cho đến khi hợp đồng kết thúc vào năm 2025.

Trong bản cáo bạch hồi năm 2020, InNature cho biết Công ty liên tục được nhà nhượng quyền TBSI trao cho các hợp đồng nhượng quyền bổ sung, đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2009 và sau đó gia hạn vào năm 2019; tại Sabah và Labuan vào năm 2015 và tại Campuchia vào năm 2019. Các thỏa thuận nhượng quyền thương mại hiện tại được cấp cho Tập đoàn có hiệu lực 10 năm với tùy chọn gia hạn thêm 5 năm.

Tương tự, trang Facebook The Body Shop Việt Nam cũng trấn an những khách hàng của mình về hoạt động sắp tới. Trang này còn cho biết, trong năm 2024, The Body Shop tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng mạng lưới thêm các cửa hàng ở khu vực trung tâm như TPHCM và Hà Nội cũng như tiếp tục đẩy mạnh mảng kinh doanh trực tuyến.

Một thông báo trấn an của The Body Shop Việt Nam. Nguồn: Facebook The Body Shop Việt Nam

Chưa dừng lại ở đó, kết quả kinh doanh của InNature cũng phần nào thể hiện sự chững lại của thương hiệu mỹ phẩm từng rất được ưa chuộng trong những năm trước đây, chủ yếu do COVID-19.

Doanh thu InNature đã tăng liên tục trong giai đoạn 2016-2019, từ gần 160 triệu RM (33 triệu USD) lên quanh 191 triệu RM (40 triệu USD), trước khi liên tục giảm xuống 155 triệu RM (32 triệu USD) năm 2020 và 131 triệu RM (27 triệu USD) năm 2021 do đại dịch. Năm 2022, sự hồi phục sau thời gian khó khăn giúp InNature kiếm được 149 triệu RM (31 triệu USD).

Trong khi đó, lãi ròng sụt giảm rất đáng kể từ năm 2018 từ 45.6 triệu RM (9.5 triệu USD), xuống còn 15 triệu RM năm 2021 (3.1 triệu USD).

Lợi nhuận ròng của InNature từ năm 2016 (Đvt: triệu USD)

“Cú bồi” suy thoái kinh tế năm 2023 tiếp tục khiến đối tác nhượng quyền của The Body Shop tại Đông Nam Á chật vật khi mà chi tiêu cho mỹ phẩm trong giai đoạn này được xem là không thiết yếu.

Lũy kế 9 tháng 2023, InNature thu lãi ròng vỏn vẹn khoảng 5.9 triệu RM (1.2 triệu USD), con số bị thu hẹp đến 60% so với cùng kỳ dù doanh thu chỉ giảm 9.6%, xuống 98 triệu RM (20.5 triệu USD).

Vẫn là Malaysia “gánh” phần lãi của đối tác nhượng quyền này khi mang về 8.3 triệu RM (1.7 triệu USD), thị trường Việt Nam khiến InNature lỗ 1.3 triệu RM (0.27 triệu USD).

Bên cạnh đó, thị trường Malaysia vẫn mang lại nguồn doanh thu chủ lực cho InNature trong nhiều năm qua, tỷ trọng đến 78%, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại chưa đầy 3% đến từ Campuchia.

Tỷ trọng doanh thu của InNature tại Đông Nam Á (Đvt: %)
Năm 2022: vòng tròn nhỏ; 9T2023: vòng tròn lớn. Nguồn: Tổng hợp

Sở hữu bởi gia đình Cheah – Foong

Gia đình Cheah – Foong. Ông Dato’ Simon (bìa trái) và bà Datin Mina (áo trắng) cùng hai con trai là Daryl Foong (áo trắng) và Dexter Foong (bìa phải). Nguồn: Zue Wei Leong

InNature Berhad được nắm giữ phần lớn bởi gia đình ông Dato’ Simon Foong Choong Heng (Chủ tịch không điều hành) và bà Datin Mina Cheah Kim Choo (Thành viên sáng lập kiêm Tổng Giám đốc). Các vị trí mà ông Dato’ Simon và bà Datin Mina đảm nhiệm được khoảng 30 năm, tức từ năm 1994.

Cụ thể, ông Dato’ Simon sở hữu gián tiếp 71.85% vốn InNature Berhad thông qua Etheco Sdn. Bhd., BluPlanet Sdn. Bhd. và Primarium Sdn. Bhd. Tương tự, bà Datin Mina nắm giữ gián tiếp 74.79% thông qua Etheco Sdn. Bhd., BluPlanet Sdn. Bhd., Pelagos Sdn. Bhd. và Primarium.

Cơ cấu sở hữu theo cá nhân tại InNature Berhad tính đến năm 2022. Nguồn: InNature Berhad

Theo bản cáo bạch của InNature, các công ty như Etheco, BluPlanet, Pelagos hay Primarium đều là công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ thuần túy nắm vốn và kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vốn (Investment Holding Company) được thành lập trong hai năm 2018 và 2019.

Sơ đồ mối quan hệ của InNature với các cổ đông gia đình đến cuối năm 2020. Nguồn: InNature

Etheco và BluPlanet do ông Dato’ Simon và bà Datin Mina đồng sở hữu, mỗi người tỷ lệ 50%. Pelagos do bà Datin Mina nắm 70% cùng 30% còn lại thuộc về người con trai Daryl Foong (quyền Giám đốc). Tương tự, 70% Primarium thuộc sở hữu của ông Dato’ Simon và 30% của người con trai Dexter Foong.

Tính đến cuối quý 1/2023, tại InNature Berhad, 30 cổ đông lớn nhất đã nắm gần 90% vốn. Nhóm 5 cổ đông lớn nhất sở hữu lên đến 78% vốn cổ phần mà sự chi phối thuộc về công ty mẹ Etheco nắm giữ 51%; kế đến 17.89% của BluPlanet.

Cơ cấu cổ đông của InNature Berhad năm 2022. Nguồn: InNature Berhad

Năm 1984, The Body Shop bắt đầu nhượng quyền ở Tây Malaysia. Đến năm 2009, thương hiệu mỹ phẩm Anh có mặt lần đầu tiên ở Việt Nam thuộc Công ty TNHH TBS Việt Nam, và chính thức gia nhập thị trường Campuchia từ năm 2019.

Thành lập năm 2009 với vốn điều lệ 5.6 tỷ đồng, TBS Việt Nam ban đầu thuộc 100% sở hữu của TBS Franchise SDN. BHD, có hoạt động chính là cung cấp dịch vụ tư vấn và tiếp thị sản phẩm nhượng quyền The Body Shop. Tháng 10/2018, pháp nhân này đổi chủ mới là InNature Berhad. Vốn điều lệ doanh nghiệp được giữ nguyên cho đến nay cùng với chức Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật do bà Datin Mina Cheah Kim Choo (quốc tịch Malaysia) đảm nhiệm.

Bà Datin Mina Cheah Kim Choo. Nguồn: The Edge

Tử Kính

FILI







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Rót gần 1.2 ngàn tỷ vào Le Méridien Da Nang, Tokin Land liên tục thua lỗ

CTCP Tonkin Land công bố BCTC hợp nhất 2023 cho thấy tiếp tục lỗ gần 30 tỷ đồng, năm trước đó lỗ hơn 19 tỷ đồng và năm 2021 lỗ 12 tỷ đồng.

Bầu Đức: Lỗ lũy kế là nỗi ám ảnh của tôi và tất cả cổ đông, tham vọng IPO công ty chăn nuôi vào cuối 2024

Sáng ngày 10/05, diễn ra ĐHĐCĐ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HOSE: HAG), mục tiêu lãi sau thuế mục tiêu 2024 đi lùi 26% so với thực hiện năm trước, còn 1,320 tỷ...

Sau sự cố bị tấn công mạng, VNDIRECT lại gặp "vận hạn" vì bị mạo danh để lừa đảo

Ngày 09/05, CTCP Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND) đã đưa ra cảnh báo đối với khách hàng về hình thức dụ dỗ, lừa đảo, mạo danh Công ty nhằm chiếm đoạt tài sản của...

IPA rót 850 tỷ đồng vào công ty liên quan Trung Nam, dự phòng 474 tỷ đồng với CRE

Ba tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Đầu tư I.P.A (HNX: IPA) thuộc hệ sinh thái của VNDirect đã chi ra 850 tỷ đồng để sở hữu 9.36% vốn của CTCP Năng lượng Tái tạo Trung...

Lộc Trời lên tiếng về lùm xùm nợ hàng trăm tỷ tiền mua lúa của nông dân

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) lên tiếng về lùm xùm nợ tiền mua lúa của nông dân, nhấn mạnh sẽ chấp nhận bán lúa giá thấp để nhanh chóng trả nợ. LTG cũng chấp...

Hoạt động tài chính giúp CEO thoát cảnh đi lùi

Doanh thu tài chính gấp 4 lần và chi phí lãi vay chỉ bằng 1/3, tạo điều kiện không thể thuận lợi hơn để CEO lãi ròng 36 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 26% so với...

Thời tiết nóng đột biến, doanh nghiệp bán máy lạnh báo lãi tăng 80% trong quý 1

Với doanh nghiệp chuyên bán máy lạnh như CTCP Tập đoàn Nagakawa (HNX: NAG), thời tiết nóng bức chính là chất xúc tác tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi.

Viglacera dự kiến cho thuê 173ha đất KCN năm 2024, lãi ròng quý 1 tăng nhẹ

Năm 2024, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC) đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với chỉ tiêu lãi trước thuế 1,110 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2023; dự kiến...

MWG đồng loạt giải thể 2 công ty con trong mảng nông sản và kho vận nhằm tối ưu vận hành

Ngày 08/05, HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) thông qua quyết định giải thể 2 công ty con là CTCP 4K Farm và CTCP Logistics Toàn Tín, với lý do tái cơ...

HAG đặt kế hoạch lãi sau thuế 2024 đi lùi, nguồn thu chủ lực từ cây ăn trái

Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên 2024, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HOSE: HAG) đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng 20%, chủ lực tới từ cây ăn trái. Song, lãi sau...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98