Được đề nghị tham gia xây đường sắt đô thị Việt Nam, gã khổng lồ Siemens có gì?

Năm 2015, Tập đoàn Siemens chính thức giành được đơn hàng với trị giá kỷ lục hơn 1.7 tỷ EUR từ trung tâm đô thị Rhine-Ruhr, cung cấp 82 chiếc tàu Desiro HC và dịch vụ bảo dưỡng trong vòng 32 năm.

Đây là đơn hàng dịch vụ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành đường sắt ở Đức và cũng là đơn hàng giao thông vận tải cấp khu vực lớn nhất mà “gã khổng lồ” công nghiệp từng giành được tại quê nhà.

Được xem là dự án thế kỷ của khu vực, tuyến đường sắt cao tốc Rhine-Ruhr giúp giảm tình trạng ách tắc giao thông dọc hai bờ sông Rhine và Ruhr. Mỗi tàu có 4 toa, dài 105m và sức chứa 400 người, tốc độ 160km/h, đã hoạt động vào cuối năm 2018 và thay thế khoảng 31,000 chuyến đi bằng ô tô riêng lẻ mỗi ngày làm việc.

Ở Thái Lan, Siemens cũng đã xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Bangkok vào năm 2001 mang tên Blue Line. Sau đó, Siemens được ủy quyền mở rộng mạng lưới thêm 28km vào năm 2020 và bổ sung 19 trạm.

Đầu năm 2023, Siemens Mobility nhận được đơn đặt hàng 1,200 đầu máy công suất 9,000 mã lực (HP) từ Ấn Độ giá trị 3 tỷ EUR, đánh dấu đơn đặt hàng đầu máy lớn nhất trong lịch sử của Siemens Mobility và Siemens Ấn Độ.

Mạng lưới đường sắt tốc độ cao dự kiến tại Ai Cập. Nguồn: Siemens

Giữa năm 2022, Siemens Mobility, công ty thành viên Tập đoàn đạt thỏa thuận cung cấp hệ thống đường sắt cao tốc 2,000km tại Ai Cập, sẽ tạo ra hệ thống đường sắt cao tốc lớn thứ 6 trên thế giới. Mạng lưới đường sắt cao tốc siêu hiện đại sẽ kết nối 60 thành phố trong cả nước, vận tốc lên tới 230km/h.

Siemens Mobility cung cấp dịch vụ gồm thiết kế, lắp đặt, chạy thử và bảo trì toàn bộ hệ thống trong vòng 15 năm. Giá trị phần hợp đồng 8.1 tỷ EUR, gồm hợp đồng ban đầu trị giá 2.7 tỷ EUR cho tuyến đầu tiên ký vào năm 2021.

Siemens Mobility đã hoàn tất việc bàn giao tàu cao tốc Velaro do Đường sắt Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ (TCDD) đặt hàng từ năm 2013 đến năm 2019. Tính đến tháng 6/2021, toàn bộ đội tàu Velaro dự kiến sẽ có sẵn cho các dịch vụ thương mại. Hợp đồng bao gồm bảo trì, sửa chữa và làm sạch các đoàn tàu trong thời gian mỗi ba năm. Các đoàn tàu Velaro được phát triển cho thị trường toàn cầu và hiện đang hoạt động tại Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, Bỉ, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.

Cách đây gần 2 thế kỷ, Siemens bắt đầu hoạt động từ một xưởng nhỏ chỉ với 10 nhân viên sản xuất máy điện tín ở một tòa nhà trên đường Schoeneberger, Berlin. Nhà sáng lập, ông Werner von Siemens đã tạo ra một trong những phát minh quan trọng nhất vào năm 1847 là chiếc máy điện tín. Phát minh của ông giúp sử dụng điện để truyền các thông điệp nhanh hơn, xa hơn.

Những tiến bộ này đã đánh dấu sự khởi đầu của việc kết nối trên toàn cầu. Đột phá hơn nữa của Werner von Siemens là phát minh ra máy phát điện vào năm 1866. Chiếc hộp chỉ bằng cỡ máy đánh chữ là thiết bị đầu tiên có thể chuyển hóa cơ năng thành điện năng, mở đường cho kỷ nguyên điện năng.

Năm 1966, đánh dấu sự thành lập của Siemens AG ngày nay từ việc sáp nhập Siemens &; Halske AG, Siemens Schuckertwerke AG và Siemens-Reiniger-Werke AG.

Cổ phiếu Siemens niêm yết trên thị trường chứng khoán New York từ năm 2001. Năm 2005, Tập đoàn Đức xem năng lượng, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe là ba trụ cột để đứng vững và phát triển. Từ 2014, gã khổng lồ công nghiệp tập trung hoàn toàn cho lĩnh vực điện khí hóa, tự động hóa và số hóa.

Hơn một thập kỷ, Siemens đã đầu tư trên 9 tỷ EUR để củng cố vị trí dẫn đầu bằng việc liên tục thâu tóm các công ty ở những mảng quan trọng như tăng sở hữu công ty hạ tầng nước của Mỹ USFilter, Bonus Energy về trang trại gió ngoài khơi, tiếp quản nhà sản xuất bộ phận bánh răng Flender trong công nghiệp và CTI Molecular Imaging trong công nghệ y tế. Trong khi đó, UGS Corp. được xem là sự bổ sung đáng kể cho khả năng tự động hóa của Siemens.

Một số thương vụ mua lại của Siemens. Nguồn: Tổng hợp

Năm 2012, Tập đoàn tiếp tục sở hữu LMS, nhà cung cấp phần mềm mô phỏng cơ khí; năm 2014 mua lại hoạt động kinh doanh tuabin khí và máy nén khí phát sinh từ khí đốt của Rolls-Royce giá 950 triệu EUR; năm 2015, chi 7.8 tỷ USD hoàn thành tiếp quản Dresser-Rand về cung cấp máy nén, tuabin hơi, khí và động cơ; năm 2016 là CD-adapco, chuyên gia về phần mềm mô phỏng cho cơ học dòng chảy; và năm 2017 là Mentor Graphics, nhà sản xuất phần mềm thiết kế chất bán dẫn.

Hiện tại, Siemens có hơn 320,000 nhân viên trên khắp thế giới. Năm 2022, Siemens tròn 175 tuổi. Tập đoàn Siemens bành trướng hoạt động ở hầu hết quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực tự động hóa, số hóa công nghiệp chế biến và sản xuất, cơ sở hạ tầng thông minh cho các tòa nhà và hệ thống năng lượng phân tán, giải pháp di chuyển thông minh cho vận tải đường sắt và công nghệ trong y tế cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số.

Siemens bao gồm công ty mẹ Siemens Aktiengesellschaft (Siemens AG), một công ty cổ phần theo luật Liên bang Đức được thành lập tại Đức, trụ sở chính đặt tại Munich và các công ty con trên khắp thế giới.

Tập đoàn đang được quản lý bởi Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành ông Roland Busch, thay thế ông Joe Kaeser từ năm 2021, người đã nắm quyền được 8 năm. Ngoài ra, ở mỗi mảng kinh doanh có giám đốc điều hành chịu trách nhiệm riêng.

Đội ngũ Hội đồng quản trị và ban điều hành của Siemens. Nguồn: Siemens

Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Siemens được xây dựng bằng cách kết hợp giữa thế giới thực và thế giới số ở 4 trụ cột chính.

Đóng góp lớn nhất với 30% doanh thu cho Tập đoàn, tương ứng 22 tỷ EUR trong năm 2023 đến từ công nghiệp kỹ thuật số. Ở mảng này, Siemens hướng đến giải quyết thách thức trong các ngành công nghiệp bằng sự kết hợp giữa thực và số.

Nguồn: Siemens

Cũng ý tưởng đó nhưng ứng dụng cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trụ cột thứ hai, nơi đóng góp 21.7 tỷ EUR, chiếm 29%. Ứng dụng công nghệ cho hệ thống năng lượng, tòa nhà và ngành công nghiệp thuộc về trụ cột cơ sở hạ tầng thông minh, đạt doanh thu 19.9 tỷ EUR, đóng góp 27%.

Hướng đến giải quyết thách thức trong ngành đường sắt liên quan đến đầu máy toa xe, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đường sắt và phần mềm, mảng giải pháp di chuyển có đóng góp khiêm tốn nhất, đạt 10.5 tỷ EUR trong năm 2023, chiếm 14% tổng doanh thu.

Cuối năm tài khóa 2023, kết thúc vào ngày 30/09, gần một nửa trong 78 tỷ EUR doanh thu chủ yếu tập trung tại châu Âu, C.I.S., châu Phi và Trung Đông, trong đó Đức đóng góp 12.7 tỷ EUR. Đây cũng là khu vực có mức tăng trưởng 2 chữ số duy nhất của Tập đoàn, 10% so với cùng kỳ.

Khu vực châu Mỹ chiếm 29%, riêng gần 24% thuộc về Mỹ, tương đương 18.5 tỷ EUR, tăng 8%. Siemens kiếm số tiền ngang bằng với Mỹ tại hai thị trường châu Á và châu Úc, trong đó một nửa từ Trung Quốc, 9.3 tỷ EUR, giảm 2%.

Nguồn: Siemens

Mảng kinh doanh công nghiệp, bao gồm 4 trụ cột chính, mang về cho Tập đoàn 11.4 tỷ EUR lãi trước thuế năm 2023, tăng 11%.

Công nghiệp kỹ thuật số tiếp tục đóng góp lớn nhất (43%) trong tổng lợi nhuận của Siemens với 4.9 tỷ EUR, tăng 27%. Mảng cơ sở hạ tầng thông minh xếp thứ hai (26%) với mức tăng ngoạn mục 38%, đạt 3 tỷ EUR và vượt qua chăm sóc sức khỏe (22%) do mảng này giảm mạnh 25%, còn 2.5 tỷ EUR. Mảng giải pháp di chuyển tăng 11%, đạt thấp nhất 882 triệu EUR, chiếm 7.8%.

Các mảng dịch vụ tài chính và danh mục đầu tư có đóng góp không nhiều trong năm 2023, lần lượt 563 và 343 triệu EUR. Siemens lãi ròng 7.9 tỷ EUR, gấp đôi năm 2022.

Nhìn lại 5 năm, tỷ trọng đóng góp từ công nghiệp kỹ thuật số vào lợi nhuận Siemens đã tăng trở lại trong năm 2023, trước đó giảm từ 42% năm 2020 xuống 38% trong 2 năm 2021 và 2022. Mảng cơ sở hạ tầng thông minh cho thấy sự cải thiện đáng kể, từ 18% năm 2019 lên gần 27% năm 2023. Ngược với đó là tỷ trọng dần thu hẹp của giải pháp di chuyển và chăm sóc sức khỏe dù con số tuyệt đối vẫn đi ngang.

Từ năm 2019, doanh thu Tập đoàn tăng từ 57 tỷ EUR lên 78 tỷ EUR, tương ứng tăng 36%. Biên lãi gộp giảm dần nhưng sau đó cải thiện, đạt 38.1% trong năm 2023. Lãi ròng có sự tăng trưởng 51%, từ 5.1 tỷ EUR năm 2019, nhưng biến động tăng giảm không ổn định trong 5 năm qua.

Diễn biến kết quả kinh doanh của Siemens giai đoạn 2019-2023 (Đvt: tỷ EUR). Nguồn: Tổng hợp

Trên bảng cân đối, tổng tài sản có sự sụt giảm từ 150 tỷ EUR năm 2019, xuống 124 tỷ EUR năm 2020 trước khi tăng lên 145 tỷ EUR cuối năm tài khóa 2023. Lúc này, lợi thế thương mại chiếm 22% tổng tài sản của Tập đoàn do thường xuyên thực hiện các thương vụ mua lại. Tài sản tài chính dài hạn cũng ở mức đáng kể, 15.7%. Cuối năm, tổng nợ phải trả ở mức 92 tỷ EUR, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, nợ dài hạn chiếm 42%.

Đến cuối năm 2023, Siemens có tổng cộng 673 công ty con và liên doanh, liên kết trên khắp thế giới. Tại Đức, Siemens có 121 công ty con, khu vực châu Âu, C.I.S., châu Phi và Trung Đông (không bao gồm Đức) là 297, châu Á và châu Úc là 157, hầu hết đều sở hữu 100% vốn.

Tại Việt Nam, Tập đoàn có 4 công ty con gồm Công ty TNHH Innomotics, Công ty TNHH Chăm sóc Sức khỏe Siemens, Công ty TNHH Siemens và Công ty TNHH Varian Medical Systems Việt Nam.

Nhà máy Siemens đặt tại Bình Dương từ năm 2005. Nguồn: Siemens

Siemens có mặt tại Việt Nam từ năm 1979 với việc cung cấp và lắp đặt hai tuốc bin hơi công nghiệp cho nhà máy giấy Bãi Bằng. 4 năm sau, Tập đoàn thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn từ năm 2002.

Giai đoạn sau đó, Siemens tiếp tục xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo và giao thông vận tải. Chẳng hạn, các nhà máy điện sử dụng tuốc bin khí của Siemens như nhà máy điện chu trình kết hợp (CTKH) Phú Mỹ 3 với công suất 740MW, nhà máy CTKH Cà Mau 1&2 với tổng công suất 1,500MW và nhà máy CTKH Nhơn Trạch 2 với công suất 750MW,…

Tập đoàn Đức tham gia vào các dự án điện mặt trời; cung cấp các giải pháp, thiết bị truyền tải điện; giải pháp bảo vệ và tự động hóa cho các trạm biến áp 110 kV – 220kV – 550kV; nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt Ga Vinh; cung cấp 16 đầu máy xe lửa động cơ diesel cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; hệ thống chiếu sáng đường sân bay Nội Bài; hệ thống xử lý hàng hóa tự động sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến đường sắt đô thị (Metro) tại TPHCM.

Các dấu mốc quan trọng của Siemens tại Việt Nam. Nguồn: Siemens

Trong lĩnh vực y tế, hệ thống chẩn đoán hình ảnh của Siemens Healthineers đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh cho người dân Việt Nam, chẳng hạn gói cung cấp giải pháp chẩn đoán hình ảnh cho bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ và gói lắp đặt hệ thống xét nghiệm tự động hóa hoàn toàn Aptio Automation cho bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhiều năm qua, Siemens cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp lớn như Tân Cảng Sài Gòn, VinFast. Gần đây là hợp tác giữa Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) và Liên danh Siemens Energy Global GmbH & Co. KG – Siemens Energy Limited hay Siemens Gamesa Renewable Energy (công ty con Siemens) với BCG Energy.

Lễ ký kết giữa Siemens và EVS. Nguồn: Siemens

Năm 2017, Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) và Siemens đã ký kết biên bản ghi nhớ trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến cho các dự án đối với 3 lĩnh vực gồm sản xuất ô tô, phát triển các tòa nhà và nhà ở, phát triển bệnh viện của hệ thống y tế Vinmec.

Nhà sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam VinFast, đã sản xuất thành công những chiếc xe đầu tiên chỉ trong 21 tháng nhờ vào việc sử dụng danh mục phần mềm và phần cứng tích hợp của Siemens. Các bộ phận tự động hóa từ Siemens đã góp phần giúp Vingroup xây dựng nhà máy VinFast Hải Phòng chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu. 

Mới đây nhất, Công ty TNHH Thiết bị & Giải pháp Sạc điện EVS (EVS), một startup tiên phong trong lĩnh vực xe điện, đã được Siemens lựa chọn làm đối tác giải pháp về mảng cung cấp thiết bị sạc tại thị trường Việt Nam.

Tử Kính

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

07-03-2024 13:02:00+07:00

Tin cùng chuyên mục

Hotline: 0908 16 98 98