Lạm phát có dấu hiệu trỗi dậy ở châu Á

18/03/2024 08:15
18-03-2024 08:15:05+07:00

Lạm phát có dấu hiệu trỗi dậy ở châu Á

Do giá cả thực phẩm tăng mạnh, lạm phát trong tháng 2 ở các nền kinh tế châu Á gồm Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan đều tăng vượt mức dự báo của các nhà kinh tế. Áp lực giá kéo dài có thể gây rủi ro trái phiếu của khu vực châu Á vì điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất.

Mức tăng hàng năm 19,3% của giá gạo là nguyên nhân chính đẩy lạm phát của Indonesia tăng 2,8% trong tháng 2, đánh dấu mức cao nhất trong 3 tháng. Ảnh: Straits Times

Lạm phát ở châu Á đồng loạt tăng hơn dự báo

Theo Cục Thống kê quốc gia Philippines, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hàng năm ở 3,4% trong tháng 2, từ 2,8% trong tháng 1. Lạm phát tăng chủ yếu do chi phí thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 4,6% trong tháng trước. Tại Đài Loan, CPI tháng 2 tăng 3,1%, cao nhất trong 19 tháng do xu hướng giá thực phẩm tăng kể từ Tết Nguyên đán. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,6%.

Lạm phát tháng 2 của Indonesia tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất trong 3 tháng. Lạm phát tăng nhanh hơn dự đoán khi lạm phát thực phẩm tăng 6,4%. Đặc biệt, lạm phát giá giá gạo hàng năm ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn ở mức cao, tăng 19,3%.

Hàn Quốc cũng ghi nhận CPI tăng 3,1% trong tháng trước, cao hơn mức tăng 3% theo dự báo của các nhà kinh tế. Dữ liệu cho thấy, giá nông sản cao hơn, đặc biệt là trái cây tươi là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Tại Ấn Độ, lạm phát tháng 2 tăng 5,09%, giảm nhẹ so với 5,1% trong tháng 1 nhưng cao hơn mức dự báo tăng 5,02% của các nhà kinh tế. Riêng lạm phát thực phẩm chiếm gần một nửa rổ CPI, tăng 8,66% trong tháng 2, cao hơn so với 8,3% trong tháng 1.

“Những bất ngờ này phần lớn là do giá thực phẩm gây ra, phản ánh sự kết hợp giữa tác động của hiện tượng thời tiết khô hạn El Nino và Tết Nguyên đán”, Philip McNicholas, nhà chiến lược về nợ chủ quyền ở châu Á của Robeco Group nói.

Xu hướng giá cả ở châu Á tương tự như ở Mỹ, nơi đang chứng kiến tốc độ lạm phát không giảm theo một đường thẳng tuyến tính, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ biến động thất thường.

Hôm 12-3, giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và lợi suất tăng sau khi thị trường đón nhận dữ liệu lạm phát cốt lõi tăng nhanh hơn dự báo. Lạm phát cao dai dẳng, củng cố quan điểm thận trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đối với việc giảm lãi suất.

Theo dữ liệu của Bloomberg, trái phiếu ở khu vực châu Á mới nổi mang lại cho các nhà đầu tư mức lợi nhuận 0,5% trong quí 1. Tỷ lệ này kém xa so với mức lợi nhuận hơn 5% trong ba tháng cuối năm 2023. Hiệu suất tăng giá trái phiếu thấp là do bối cảnh lạm phát kém thuận lợi hơn ở các nền kinh tế trong khu vực và ở Mỹ.

Những dấu hiệu cụ thể hơn về triển vọng xoay trục chính sách của Fed tại cuộc họp tuần tới sẽ mang lại động lực mạnh mẽ cho trái phiếu châu Á mới nổi. Tuy nhiên, áp lực lạm phát dai dẳng trong khu vực sẽ là lực cản lớn cho sự phục hồi.

Thận trọng về triển vọng giảm lãi suất

Nhìn chung, các ngân hàng trung ương ở châu Á đều tỏ ra thận trọng về kế hoạch nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát không giảm tốc nhanh như dự kiến

Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) gần đây bác bỏ kỳ vọng rằng BI sẽ cắt giảm lãi suất chính sách trong thời gian tới. Perry Warjiyo, Thống đốc Thống đốc BI lưu ý, dù còn dư địa để giảm lãi suất chính sách vào năm 2024, nhưng vẫn phải cảnh giác về khả năng lạm phát tăng mạnh trở lại trong nửa đầu năm nay.

Giá gạo đắt đỏ là mối lo ngại lớn nhất đối với BI. Là mặt hàng thiết yếu đối với hầu hết 270 triệu người dân Indonesia, giá gạo tăng hơn 24% kể từ năm ngoái do hiện tượng thời tiết El Nino đã làm giảm lượng mưa trên phần lớn khu vực vào năm 2023.

Trong tháng này, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) cảnh báo rủi ro giá thực phẩm tăng cao cũng với lý do ảnh hưởng của El Nino.

Philippines và Đài Loan ghi nhận đà tăng dai dẳng của chỉ số lạm phát cốt lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng). Áp lực giá cả sẽ khiến hai nền kinh tế này gặp khó khăn hơn trong quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sắp tới. Philip McNicholas của Robeco Group nhận định, lạm phát cao cũng sẽ có nguy cơ đẩy lợi suất trái phiếu của họ lên mức cao hơn.

Hôm 14-3, Yang Chin-Long, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Đài Loan cho biết, có thể sẽ không giảm lãi suất trước tháng 6 khi cơ quan này đang xem xét nâng dự báo lạm phát trong năm 2024.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã giữ nguyên lãi suất ở mức 6,5% trong sáu tháng liên tiếp. Trong cuộc họp tháng trước, Thống đốc RBI cảnh báo, chặng cuối trong cuộc chiến chống lạm phát là phần khó khăn nhất. Vị này nhấn mạnh, mục tiêu trung hạn của RBI là đưa lạm phát xuống 4%.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cao nhất trong 15 năm là 3,5% tại cuộc họp chính sách mới nhất vào tháng 2. Trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quí phát hành hôm 14-3, BoK cho biết, sẽ thận trọng trước triển vọng thay đổi chính sách trong bối cảnh rủi ro kinh tế dai dẳng. Chẳng hạn tình trạng bất ổn trên thị trường nhà ở cũng như nợ nần của doanh nghiệp trong nước.

Tại cuộc họp báo tháng trước, ông Rhee Chang-yong, Thống đốc BoK đẩy lùi các suy đoán về việc BoK sẽ giảm lãi suất sớm. Ông nói BoK có thể không hạ lãi suất trong nửa đầu năm 2024. Ông nhấn mạnh, chính sách tiền tệ chỉ rõ ràng khi lạm phát giảm tốc như kỳ vọng.

Lê Linh (Theo Bloomberg, Reuters)

TBKTSG





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nhiều nước châu Á đẩy lùi thời điểm giảm lãi suất

Với triển vọng ngày càng mờ mịt về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ trong năm, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á buộc phải đẩy lùi thời điểm...

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao

Tổng Sản phẩm Quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ...

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98