Bầu Kiên bị bắt, rồi sao nữa?

22/08/2012 11:37
22-08-2012 11:37:15+07:00

Tổng kết V-League 2012

Bầu Kiên bị bắt, rồi sao nữa?

Việc ông Nguyễn Đức Kiên, người thường được gọi là bầu Kiên bị bắt thật sự không chỉ gây xôn xao dư luận vào sáng qua 21.8, mà còn khiến giới thể thao choáng váng. Người ta chợt nhận ra, bầu Kiên đã liên quan quá nhiều với nền bóng đá Việt Nam.

>> Xem toàn bộ tin bài về vụ khởi tố bầu Kiên

Khi bầu Kiên “đau đầu”, nhiều người mệt theo.
Khi bầu Kiên “đau đầu”, nhiều người mệt theo.

Dễ đột quỵ như bóng đá

Đây không phải lần đầu người ta bàn đến chuyện nền bóng đá Việt Nam sẽ thế nào khi các ông bầu bỗng dưng “mất tích” vì lý do kinh tế. Chuyện nói nghe cứ như xa vời bởi trên thực tế, hàng loạt đội bóng vẫn tiếp tục tồn tại nhờ túi tiền của các ông bầu mà chẳng ai có thể kiểm chứng rằng nguồn tiền ấy từ đâu ra, bóng đá Việt Nam đang không thể tự nuôi mình. Bằng chứng là ở trận đấu cuối cùng, người ta vẫn nghe chuyện treo thưởng nhiều tỉ đồng khiến vòng đấu có giá trị hàng chục tỉ đồng. Tính bền vững của cả một nền bóng đá bị đặt cược bởi “tình yêu” hay “danh tiếng” của các ông bầu là chính.

Thế nên, ngay khi thông tin bầu Kiên bị bắt được loan báo, cả làng bóng đá không khỏi “náo loạn”. Náo loạn nhất chính là số phận hàng chục cầu thủ ở hai đội bóng mang tên Hà Nội của ông bầu này. Ngay sau trận đấu cuối cùng diễn ra vào ngày 19.8, các cầu thủ của hai đội đã được cho nghỉ và chờ nhận thưởng tiền tỉ. Thế nhưng, giờ thì họ còn chẳng biết số phận của mình sẽ đi về đâu bởi chính các cầu thủ cũng hiểu, đội bóng tồn tại chỉ nhờ vào sở thích của ông bầu này.

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cũng xác nhận VFF sẽ họp khẩn sau thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt tạm giam, đặc biệt là số phận của hai đội bóng mà ông Nguyễn Đức Kiên đang là chủ tịch câu lạc bộ.

Việc VPF đã từng đề cập tới vấn đề này khi cho rằng: “Không biết mùa bóng sau khi khai mạc còn bao nhiêu đội” dường như không chỉ là lời cảnh báo. Bởi ở hai giải V-League, hạng nhất có đến hàng chục đội bóng gắn với ngân hàng đã xuất hiện tình trạng nợ lương, thưởng.

Rúng động cả thượng tầng

Trong cuộc họp với VFF, chính bầu Kiên đã tuyên bố công khai với ông Lê Hùng Dũng – chủ tịch HĐQT Eximbank – mình là cổ đông của Eximbank và đề nghị xem xét lại dòng tiền đã chuyển cho VFF dưới hình thức tài trợ được dùng như thế nào “bằng không tôi sẽ đề nghị ngưng tài trợ”. Sau khi VPF được thành lập, bầu Kiên càng xuất hiện nhiều hơn trên mặt báo như một người có quyền lẫn có tiền trong hệ thống các ngân hàng.

Như vậy, không chỉ gắn với các đội bóng, bầu Kiên còn gắn với nguồn tài chính lớn nhất để nuôi sống cả V-League. Thậm chí, chính ông Nguyễn Trọng Hỷ – chủ tịch VFF đã tuyên bố – giới thiệu ông Nguyễn Đức Kiên ứng cử làm chủ tịch VFF thay thế mình điều hành nền bóng đá Việt Nam. Tất nhiên, về khía cạnh kinh doanh ngân hàng Eximbank có thể tuyên bố là không ảnh hưởng gì. Nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc VFF tiếp tục được đảm bảo nguồn tiền hàng chục tỉ đồng mỗi năm thông qua hoạt động tài trợ khi mà bầu Kiên, người có máu bóng đá nhất nhì trong số các ông bầu và cũng là người có tiếng nói nhất trong số đó không còn cơ hội gắn với bóng đá nữa.

Đó là chưa kể, VPF dù tuyên bố bầu Kiên chỉ là một trong chín thành viên của hội đồng quản trị của công ty, nên việc bầu Kiên bị bắt tạm giam không ảnh hưởng gì đến VPF nhưng ai cũng biết, ông Nguyễn Đức Kiên chính là “linh hồn” của công ty này. Trong cuộc đối đầu giành phần thắng với AVG để tranh chấp bản quyền truyền hình, bầu Kiên là người phát ngôn lẫn vạch đường hướng. Ngay trong các cuộc họp sau khi VPF thành lập và cả ngay sau khi trận đấu cuối cùng kết thúc vào ngày 19.8 trước hai ngày ông Nguyễn Đức Kiên bị tạm giam, vẫn chính bầu Kiên là người nói về chống tiêu cực ở mùa giải này.

Giờ, bóng đá Việt Nam không có bầu Kiên, người hâm mộ đang tự hỏi, mọi chuyện sẽ diễn tiến thế nào khi bóng đá Việt Nam như người khổng lồ có đôi chân bằng cát?

Thảo Du

 

Các phát ngôn gây sốc của bầu Kiên

1. Nói về tình trạng hai đội bóng một ông bầu thao túng V-League và cho rằng sẽ làm nghiêm ở năm 2013: “Anh Hiển (Đỗ Quang Hiển – PV) tham gia ở SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T mà các anh nói không liên quan là sao? Có nằm trong tay quyền của chủ tịch liên đoàn không? Nếu tôi là chủ tịch VFF, chỉ cần hai phút là xong”.

2. Nói về chuyện độc quyền của VFF: “20 năm độc quyền là một thời gian vô cùng dài. Tôi không tin trên thế giới có liên đoàn nào có độc quyền tới 20 năm. Nhiệm kỳ các anh chỉ kéo dài ba, bốn năm mà các anh ký tới 20 năm. Tôi không tranh luận tính hợp pháp, đúng thẩm quyền hay không, nhưng tôi cho rằng về kinh tế, VFF đã tự đưa vào một sự ràng buộc, có ảnh hưởng lâu dài cho bóng đá Việt Nam những năm về sau”.

3. Nói về xử lý tiêu cực: “VFF luôn nói câu quen thuộc: Bằng chứng đâu? Bằng chứng trong tay các anh cả. Các anh biết hết, biết rõ ràng, biết trọng tài nào tốt, trọng tài nào không tốt. Tôi bảo đảm các anh biết. Bóng đá là một sân khấu và diễn viên người ta có thể xem được cả bốn mặt. Chỉ có người trách nhiệm có mở mắt ra để nhìn thấy hay không, hay cố tình cho qua. Bao nhiêu năm rồi, suốt ngày các anh hỏi câu “bằng chứng đâu?” thì nghe sao nổi”.


Sài gòn tiếp thị





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98