Vụ “bầu Kiên”: Có thể tách hồ sơ ông Phạm Trung Cang ra xử lý sau

22/01/2014 10:35
22-01-2014 10:35:22+07:00

Vụ “bầu Kiên”: Có thể tách hồ sơ ông Phạm Trung Cang ra xử lý sau

Sau khi TAND TP.Hà Nội trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đối với ông Phạm Trung Cang - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB - để làm rõ vai trò đồng phạm tội “Cố ý làm trái...”, Cơ quan CSĐT đã có quyết định phục hồi điều tra đối với ông này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Cang không có mặt tại Việt Nam. Vậy, việc ông Phạm Trung Cang không có mặt tại Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến vụ án “bầu Kiên”?

Không ảnh hưởng...

Theo thông tin chúng tôi có được, ông Phạm Trung Cang đã rời khỏi Việt Nam vào ngày 24.12.2013 qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất để đến một nước thuộc Châu Mỹ. Theo một vị Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, thì việc ông Cang không có mặt tại Việt Nam để phục vụ điều tra sẽ nảy sinh những vấn đề pháp lý hết sức phức tạp.

Vị cán bộ này cho biết, nếu cơ quan điều tra xác định được ông Cang không còn ở trong nước, mà đang ở một quốc gia có ký hiệp định hợp tác tương trợ tư pháp, thì cơ quan tố tụng sẽ đề nghị cơ quan tư pháp nước bạn hỗ trợ, phối hợp dẫn độ ông này về nước để điều tra.

Nhưng trong trường hợp không xác định được nơi ông Phạm Trung Cang đang ở, hoặc xác định được ông này đang ở quốc gia không ký hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta, thì cơ quan điều tra sẽ ra lệnh truy nã, sau đó ra quyết định tạm đình chỉ điều tra và tách hồ sơ của ông Phạm Trung Cang ra khỏi vụ án Nguyễn Đức Kiên để xử lý sau.

Cũng theo vị cán bộ này thì việc tách hồ sơ ông Phạm Trung Cang ra khỏi vụ án Nguyễn Đức Kiên không ảnh hưởng gì đến việc xử lý vụ án.

Cũng liên quan tới vụ án Nguyễn Đức Kiên, cùng với quyết định phục hồi điều tra đối với ông Phạm Trung Cang, Cơ quan CSĐT cũng đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Huỳnh Quang Tuấn (thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB) về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, do ông này có liên quan đến việc ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi 718,9 tỉ đồng vào Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) để hưởng lãi suất 17,8 - 27%/năm và để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Cơ quan điều tra đề nghị truy tố, Viện KSND TC đình chỉ

Cho đến thời điểm này, việc ông Phạm Trung Cang rời khỏi Việt Nam đã đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến những uẩn khúc của vụ án. Bởi lẽ trước đó, Cơ quan CSĐT khi điều tra vụ án Nguyễn Đức Kiên đã khởi tố ông Phạm Trung Cang với vai trò đồng phạm trong hành vi “Cố ý làm trái...”.

Cơ quan CSĐT cũng đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh đối với ông Cang. Sau khi hoàn tất kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT cũng đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Cang với tội danh đã khởi tố.

Cụ thể, bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT khẳng định: Phạm Trung Cang cùng 4 lãnh đạo cao cấp khác của ACB bao gồm Trần Xuân Giá (Chủ tịch HĐQT), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc) đã có hành vi cùng ký vào nghị quyết HĐQT về chủ trương dùng tiền huy động của khách hàng, ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền VND và USD vào các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định là làm trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong đó, có việc gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TPHCM để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng, gây thất thoát cho ACB 718,9 tỉ đồng. Cơ quan CSĐT cũng khẳng định, ông Phạm Trung Cang cũng có vai trò trong việc đầu tư cổ phiếu dẫn đến ACB bị thiệt hại hơn 687 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi hồ sơ chuyển sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can, Viện KSND Tối cao chỉ ra quyết định truy tố 7 bị can với nhiều tội danh khác nhau, đồng thời có quyết định đình chỉ điều tra, không truy tố đối với ông Phạm Trung Cang. Ngay sau khi ông Phạm Trung Cang được đình chỉ điều tra, lệnh cấm xuất cảnh của cơ quan CA được dỡ bỏ. Đúng 1 tuần sau khi lệnh được dỡ bỏ, ông Phạm Trung Cang đã rời khỏi Việt Nam.

Câu hỏi được đặt ra là dù Cơ quan CSĐT đã chứng minh rất rõ hành vi của ông Cang, tại sao ông Phạm Trung Cang được đình chỉ điều tra, không bị truy tố? Tại sao ông Cang lại khẩn trương rời khỏi Việt Nam ngay sau khi lệnh cấm xuất cảnh được dỡ bỏ? Đây là vấn đề mà dư luận xã hội rất quan tâm và cần được các cơ quan tố tụng giải đáp.

Ông Phạm Trung Cang - SN 1954, tại Long An, đăng ký HKTT tại 16/41/65 Nguyễn Thiện Thuật, P.2, Q.3, TPHCM. Theo cáo bạch tại Ngân hàng ACB khi vụ án Nguyễn Đức Kiên chưa bị khởi tố thì ông Phạm Trung Cang mang CMTND số 020034584.

Ông Cang khởi nghiệp bằng việc làm thư ký cho Phó Chủ tịch UBND quận 3 vào đầu thập niên 80. Sau đó bỏ việc nhà nước để mở cơ sở sản xuất lốp xe đạp rồi sản xuất đồ nhựa tái sinh. Năm 1986 ông Cang thành lập Cty Đại Hưng chuyên sản xuất tấm nhựa tái sinh. Năm 1998, Cty đổi tên thành Tân Đại Hưng. Cũng thời điểm này, ông tham gia vào ngân hàng ACB và được giữ vị trí Tổng GĐ sau đó là Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng này để kiêm chức Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank.


Sơn Đà

lao động







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98