“Bầu” Kiên chê thẩm phán “hỏi sai kiến thức kinh tế”

03/12/2014 16:07
03-12-2014 16:07:49+07:00

“Bầu” Kiên chê thẩm phán “hỏi sai kiến thức kinh tế”

Phiên xử vụ án Nguyễn Đức Kiên ngày 3.12 thực sự nóng với phần xét hỏi các bị cáo và người có quyền lợi liên quan đến hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Có rất nhiều kiến thức về kinh tế được đưa ra nên đã có những lúc Nguyễn Đức Kiên “bật” lại HĐXX rằng: “Tôi không trả lời câu hỏi của ông thẩm phán bởi hỏi sai kiến thức kinh tế".

Nguyễn Đức Kiên trong phiên xử ngày 3.12

Tin bạn mất bò!

Bước vào phiên xử, HĐXX đã dành khá nhiều thời gian để cho Nguyễn Đức Kiên trình bày ý kiến về việc bản án sơ thẩm buộc tội bị cáo phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Thép Hòa Phát. Kiên nói: “Tôi và các anh Trần Đình Long, Trần Tuấn Dương chơi rất thân với nhau và đủ khôn để không ai lừa ai. Tôi cũng tin rằng anh Long, anh Dương cũng không tố cáo tôi nhưng tôi bị như thế này là một câu chuyện khác”. 

Trình bày về hợp đồng mua bán cổ phần, Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng Thép Hòa Phát đã sở hữu thành công số cổ phần do ACBI bán cho Thép Hòa Phát. “Việc sở hữu cổ phần, cổ phiếu là bút toán ghi sổ chứ không phải là sở hữu vật chất. Vấn đề này thuộc thực quyền của anh Dương (Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát). Với thẩm quyền của mình, anh Dương, anh Hà đã thực hiện việc sang tên cổ phần này cho Thép Hòa Phát. Bằng chứng là Cty đã thông báo cho Sở KHĐT Hải Dương về chuyển nhượng số cổ phần này. Thậm chí trong báo cáo tài chính của Hòa Phát cũng đã thông báo về việc tăng vốn sở hữu từ số cổ phiếu này vì vậy có nghĩa là Hòa Phát đã sở hữu thành công số cổ phiếu này không như đơn gửi cơ quan điều tra” – Kiên nói.

Khi HĐXX vặn hỏi vậy hợp đồng này có gì sai? Kiên cho rằng: “Đây là hợp đồng kinh tế, dân sự có thể giải quyết được bằng các thỏa thuận dân sự khi tôi bị bắt, các anh công an hỏi đến vấn đề này và tôi đã đề nghị được gặp anh Long 5 phút để giải quyết vụ việc nhưng công an không cho. Trong bản cung tôi có thừa nhận có sai sót, sai phạm vì tôi nhận thức rằng chuyển nhượng khi chưa đủ thủ tục là có sai, nhưng việc sai này đều có thể xử lý được. Việc sai này có xuất phát từ phía Hòa Phát, khi tôi bị bắt, luật sư của tôi có đề nghị lấy vấn đề này để làm vũ khí sắc bén bảo vệ tôi nhưng tôi đã có yêu cầu các luật sư tuyệt đối không nói điều này tại phiên tòa sơ thẩm bởi như vậy sẽ gây nguy hiểm cho anh Long, anh Dương và tổn hại đến mối quan hệ bạn bè hàng trăm tỉ cũng không mua được giữa tôi và các anh ấy”.

Kiên cũng cho rằng cho đến thời điểm này Thép Hòa Phát không có bất cứ thiệt hại gì. Điều này khi được thẩm vấn tại phiên tòa cả ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương cũng đều thừa nhận. Tuy nhiên Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng: “Việc Cơ quan điều tra thu hồi 262 tỉ đồng cho Thép Hòa Phát là giúp cho Hòa Phát chiếm đoạt lần 2 số tiền của chúng tôi. Chúng tôi khẳng định chúng tôi không gây ra hậu quả nên không khắc phục hậu quả. Người bị thiệt hại chính là Cty ACBI, nếu tòa cho phép tôi sẽ chứng minh điều này”.

Bán tài sản đã thế chấp?

Để làm rõ việc bán tài sản không được phép và chính là căn cứ để buộc tội Nguyễn Đức Kiên, HĐXX đã đề nghị bị án Nguyễn Thị Hải Yến đọc lại hợp đồng mua bán. Hợp đồng ghi rõ: Kể từ thời điểm bên B hoàn thành việc thanh toán cho bên A thì bên A phải chuyển giao đầy đủ cổ phần cho bên B; Bên A cam kết số cổ phần không bị thế chấp hay đảm bảo cho bất kỳ giao dịch nào khác. 

Dẫn chứng điều khoản hợp đồng và bằng chứng về việc số cổ phần này đang được thế chấp tại ACBS, HĐXX vặn hỏi Nguyễn Đức Kiên trả lời thế nào về vấn đề này. Nguyễn Đức Kiên vẫn khăng khăng rằng ACBI không thế chấp cổ phiếu, không có hợp đồng thế chấp; không thực hiện nghĩa vụ đảm bảo vì ACBI chỉ ký hợp đồng quản lý tài sản với ACBS để ACBS thực hiện bảo đảm có điều kiện khi ACBI không trả được gốc và lãi với các khoản vay của ACB và lúc đó ACBS chưa yêu cầu ACBI phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.

Khi HĐXX cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi về tài sản đảm bảo liên quan đến 22,5 triệu cổ phiếu. Bầu Kiên đã bật lại thẩm phán: “Tôi không trả lời vì câu hỏi của thẩm phán sai về kiến thức kinh tế” khiến vị thẩm phán buộc phải yêu cầu: “Bị cáo không được quyền nói như vậy”. Khi được hỏi: “Nếu không phải là tài sản đảm bảo nằm ở ACBS thì số cổ phiếu này lúc đó nó nằm ở đâu?”. Kiên trả lời: “Cổ phiếu nó nằm trong sổ đăng ký cổ đông của Cty Thép Hòa Phát chứ không phải ở đâu và mất đi đâu cả”.

Chí Tùng

lao động

 







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98