Doanh nghiệp bị làm khó

18/03/2015 06:42
18-03-2015 06:42:34+07:00

Doanh nghiệp bị làm khó

Các doanh nghiệp kiến nghị nhà nước bỏ quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong Thông tư 20 vì nó không cần thiết, gây lãng phí.

Sáng 17-3, tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về hoàn thiện dự thảo Thông tư 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra ở TP HCM, nhiều DN bức xúc cho biết dù dự thảo lần này đã có điều chỉnh, nới điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhưng vẫn còn vướng mắc, khó khả thi. Trước đó, Thông tư 20 đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối nên ngưng hiệu lực thi hành từ tháng 9-2014.

Giết chết ngành cơ khí!

Các DN cho rằng để thông tư đi vào cuộc sống cần bảo đảm tính khoa học, tính khả thi và tránh gây phiền hà, lãng phí cho DN cũng như những tiêu cực phát sinh. Theo dự thảo thông tư, điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng không quá 10 năm. Quy định này không hợp lý bởi một số loại máy móc, thiết bị liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật số thì 10 năm là quá lạc hậu. Trong khi đó, những loại máy móc, thiết bị vận hành chủ yếu về cơ thì thời gian 10 năm là quá ngắn.

Doanh nghiệp lo ngại các quy định trong Thông tư 20 sẽ “ngán” chân họ trong đầu tư thiết bị, công nghệ mới để nâng cao sức cạnh tranh Ảnh: Hoàng Triều

Ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP HCM, bức xúc cho rằng quy định thời gian sử dụng không quá 10 năm là làm khó DN và giết chết ngành cơ khí trong nước. “Tôi đi tham quan nhiều nước, thấy ở Nhật có những nơi vẫn dùng máy móc tuổi đời vài chục năm, thậm chí cả trăm năm. Tại TP HCM, chỉ khoảng 4-5 DN đủ nội lực đầu tư máy móc công nghệ mới, còn lại phải mua máy cũ. Nếu quy định thời gian sử dụng không quá 10 năm thì DN không làm được, tối thiểu phải 30 năm và kèm theo điều kiện cụ thể để giám định” - ông Tống nói.

Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, nêu dẫn chứng: Một dây chuyền đúc schematic mới có giá khoảng 3 triệu USD. Riêng máy làm khuôn trong dây chuyền đã qua sử dụng 20 năm, được chính hãng sửa lại, bán giá 280.000 USD. Có tiền mua được máy này làm khuôn đã là tuyệt vời, nếu quy định chỉ cho mua thiết bị dưới 10 năm thì công ty tư nhân khó có thể đổi mới công nghệ.

Khẳng định dự thảo Thông tư 20 chưa phù hợp với thực tế và không cần thiết, ông Trương Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Máy công cụ và thiết bị T.A.T, cho rằng Việt Nam đã chấp nhận cơ chế thị trường thì cứ để thị trường điều tiết. “Chúng tôi xuất khẩu 40% máy móc đã qua sử dụng, trong đó có thị trường Hàn Quốc, Đức, Nhật... Điều đó cho thấy ngay cả những nước có công nghệ tiên tiến cũng nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng. Ngoài ra, trong 14 năm hoạt động, công ty tôi chỉ bán 1% máy móc sử dụng dưới 10 năm, còn lại 99% đã trên 10 năm” - ông Tuấn nói.

Dễ tạo ra tiêu cực

Ngoài vướng về thời gian sử dụng, dự thảo Thông tư 20 còn đưa ra tiêu chí máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có chất lượng còn lại từ 80% trở lên và chất lượng còn lại (tính theo phần trăm) so với chất lượng ban đầu là mức độ đạt được của các thông số kỹ thuật. Theo ông Tuấn, quy định như vậy xét về mặt chuyên môn sẽ gây khó cho cơ quan quản lý và DN vì DN có thể tùy chọn các thông số khác nhau cho cùng 1 loại máy móc khi giám định. Khi có tranh cãi về kết quả chất lượng thì không có tiêu chuẩn chung để giải quyết. Chưa kể, cùng 1 loại máy móc, thiết bị nhập khẩu, nếu nhập từ Trung Quốc mới 100% chưa chắc bằng máy móc, thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng của Nhật, Đức còn dưới 70%.

Cũng cho rằng tiêu chí chất lượng còn lại từ 80% trở lên là không khả thi, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho biết tiêu chí này mang tính định lượng nhưng dự thảo lại không đưa ra phương pháp đo lường. Trên thực tế, rất khó đưa ra phương pháp xác định thế nào là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng còn lại 80% trở lên. Và một khi tiêu chí mù mờ, không có cơ sở đánh giá được đưa vào áp dụng thì rất dễ tạo ra phiền hà về thủ tục, thời gian, tiền bạc cho DN và rất dễ tạo ra tiêu cực.

Các DN kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nên là đầu mối soạn thảo bộ tiêu chuẩn chung của quốc gia về chất lượng cho từng loại máy móc, thiết bị; có như vậy mới bảo đảm việc đánh giá chất lượng máy móc, thiết bị chính xác, khoa học. Cùng quan điểm, ông Nestor Scherbey - Trưởng Ủy ban Hải quan thuận lợi hóa thương mại, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam - kiến nghị đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng dựa trên tiêu chuẩn chất lượng của ngành đối với từng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cụ thể thay vì đưa ra cách tiếp cận chung chung “phần trăm chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu”. Ông Nestor Scherbey cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam nên có các quy định về ưu đãi thuế và hải quan cho hoạt động đầu tư thiết bị, công nghệ mới để DN nâng cao sức cạnh tranh.

Tác dụng ngược

Ủy ban Hải quan thuận lợi hóa thương mại, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho rằng dự thảo thông tư nhằm khuyến khích nhập khẩu máy móc mới, thiết bị và dây chuyền sản xuất mới được chế tạo bởi công nghệ hiện đại nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những hạn chế trong dự thảo thông tư có thể mang lại tác dụng ngược. Vì vậy, ủy ban này kiến nghị dỡ bỏ các quy định hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong dự thảo Thông tư 20. Các quy trình thủ tục hành chính để bảo đảm tuân thủ về độ an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường cần được đơn giản hóa và bổ sung vào cơ chế một cửa quốc gia.


Thanh Nhân

người lao động



MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thủy điện có còn dư địa để phát triển hay sẽ sớm bị thay thế?

Theo các chuyên gia năng lượng, với nguồn thủy điện dồi dào, Việt Nam có thể tiếp tục khai thác tối đa với tổng công suất đạt từ 30.000-38.000MW và điện năng có thể...

Người Việt Nam đánh giá cao du lịch bền vững

Hầu hết du khách Việt Nam được khảo sát đều đồng ý du lịch bền vững rất quan trọng và mong muốn hành trình của mình thân thiện với môi trường hơn trong năm tới.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt...

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng kháng cáo

Sau khoảng hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Những điểm đáng chú ý trong Dự thảo về Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp

Dự thảo Nghị định DPPA tập trung vào việc mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng; giữa đơn vị phát điện và...

Thị trường tín chỉ carbon TP.HCM và những câu hỏi

Nắng nóng bao vây con người mọi lúc mọi nơi. Chưa bao giờ mà người dân khắp cả nước trải qua một kỳ nghỉ lễ 30/04-01/05… cháy bỏng như năm nay. Điều này đã thật sự...

4 tháng đầu năm 2024, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công hơn 115,000 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 3, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2024.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang...

Alibaba có thể đầu tư 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam?

Theo Nikkei Asia đối tác của Alibaba trong đầu tư xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là Viettel và VNPT.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng đầu năm 2024

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1.55 triệu lượt, cao hơn 58.2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98