Công ty quản lý tài sản mua bao nhiêu nợ xấu của Ngân hàng SCB?

02/03/2024 10:09
02-03-2024 10:09:41+07:00

Công ty quản lý tài sản mua bao nhiêu nợ xấu của Ngân hàng SCB?

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bán nợ xấu cho VAMC 69 khoản vay/39 khách hàng, số tiền gốc giải ngân hơn 51.397 tỷ đồng, tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 hơn 84.231 tỷ đồng.

Bán nợ xấu

Từ ngày 5/3 - 29/4, TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB. Theo cáo trạng, khi các khoản vay khống quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - không trả nợ mà còn chỉ đạo đồng phạm thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho Công ty quản lý Tài sản (VAMC) và bán nợ trả chậm cho các chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập để che giấu một phần số nợ xấu, không phải hạch toán lãi, giảm dư nợ tín dụng nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.

Bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - chỉ đạo cấp dưới che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.

Kết quả điều tra xác định, giai đoạn từ 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chỉ đạo các đối tượng tại SCB bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ các khoản cấp tín dụng trả chậm, cấn trừ nợ 269 khoản vay/216 khách hàng, số tiền gốc giải ngân gần 133.336 tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022, còn tổng dư nợ hơn 200.452 tỷ đồng, gồm gần 130.810 tỷ đồng nợ gốc (chiếm 27% tổng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan) và hơn 69.642 nợ lãi.

Trong đó, SCB bán nợ xấu cho VAMC 69 khoản vay/39 khách hàng, số tiền gốc giải ngân hơn 51.397 tỷ đồng, tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 hơn 84.231 tỷ đồng.

SCB bán nợ trả chậm 148 khoản vay/132 khách hàng, số tiền gốc giải ngân hơn 58.803 tỷ đồng, tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 gần 87.503. Cấn trừ nợ 52 khoản vay/45 khách hàng, số tiền gốc giải ngân hơn 23.135tỷ đồng, đến ngày 17/10/2022 tổng dư nợ hơn 28.718 tỷ đồng.

Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại SCB để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.

Ngoài ra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB phân bổ các khoản vay của bà Lan ở chi nhánh chính Sài Gòn, Cống Quỳnh, Phạm Ngọc Thạch, Bến Thành sang chi nhánh khác như Đông Sài Gòn, Củ Chi, Tân Định... để làm giảm mức độ chú ý của lực lượng chức năng.

Giai đoạn 2017 - 2018, đoàn thanh tra liên ngành tập trung thanh tra tại chi nhánh Phạm Ngọc Thạch do đã phát hiện dấu hiệu sai phạm. Để đối phó, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo tất toán khoản vay của mình tại chi nhánh này bằng việc tạo lập các khoản vay mới ở các chi nhánh khác, sử dụng tiền giải ngân để tất toán các khoản vay tại chi nhánh Phạm Ngọc Thạch.

Đáng chú ý, sau khi rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng SCB đã ký hợp đồng thuê Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân thực hiện định giá tài sản ngân hàng, tại thời điểm 30/9/2022.

Bà Lan rút tiền từ SCB thông qua thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống.

Kết quả, Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân xác định giá trị các tài sản của SCB tại thời điểm 30/9/2022 là 295.940 tỷ đồng. Trong đó 5.946 tỷ đồng là tài sản cố định, 289.994 tỷ đồng là tài sản bảo đảm bảo của các khoản vay còn dư nợ gồm các khoản vay đã bán nợ cho VAMC, bán nợ trả chậm, cấn trừ nợ, bán tài sản trả chậm).

Nâng khống tài sản thế chấp

Liên quan đến các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay, tổng giá trị tài sản đảm bảo đã bị nâng khống ghi nhận trên sổ sách là 1.265.504 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân định giá 726 mã tài sản có giá trị định giá lại được phân bổ là 253.561 tỷ đồng. Số còn lại không định giá với giá trị sổ sách phân bổ là 622.476 tỷ đồng. Lý do là các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại.

Trong số 726 tài sản nói trên, có 517 mã tài sản có đủ pháp lý thế chấp, cầm cố để được tính giá trị tài sản khi thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình hoặc hợp đồng thế chấp, cầm cố là 179.196 tỷ đồng.

Hơn 200 mã tài sản còn lại không có đủ điều kiện pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp, cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo quy định...) nên SCB không thể tiến hành xử lý tài sản, không đủ điều kiện để được tính giá trị tài sản khi trích lập dự phòng rủi ro.

Theo cáo trạng, để rút tiền từ SCB thông qua thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cán bộ SCB thông đồng câu kết với các đối tượng tại các công ty thẩm định giá, phát hành các chứng thư thẩm định giá hợp thức các hồ sơ vay vốn của Trương Mỹ Lan.

Kết quả điều tra xác định, SCB thuê 19 công ty thẩm định giá/46 đối tượng là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, nhân viên thực hiện phát hành tham gia phát hành 378 chứng thư có liên quan đến các khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan.

Đến nay, đã xác định có 5 công ty thẩm định giá (Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty E xim, Công ty DATC), 7 cá nhân là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, cá nhân môi giới phát hành 23 chứng thư thẩm định giá hợp thức cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan.

Các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị nâng khống ghi nhận trên sổ sách là 1.265.504 tỷ đồng.

Để hợp thức hồ sơ, rút được tiền tại SCB, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.

Đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách SCB ghi nhận, phân bổ là 1.265.504 tỷ đồng nhưng Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 726/1.166 mã tài sản. Còn lại 440/1.166 mã tài sản, Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân không định giá vì lý do các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản...

Khi cần rút các tài sản có pháp lý, có giá trị để bán hoặc sử dụng cho các mục đích khác, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm thực hiện việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi SCB, thay thế bằng các tài sản khác, hầu hết có giá trị thấp hơn tài sản đã rút ra.

Để dễ dàng hoán đổi tài sản bảo đảm, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại SCB không thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định hoặc biến tướng thành “quyền tài sản” để tránh việc đăng ký giao dịch bảo đảm.

Trong số 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan có 240 tài sản bảo đảm giá có tổng trị giá trên sổ sách là 487.451 tỷ đồng, bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm, giá trị trên sổ sách là 351.948 tỷ đồng. Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 260/278 tài sản với tổng trị giá hơn108.109 tỷ đồng.

Duy Quang

Tiền phong







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Hạ tầng chung Ngân hàng mở giúp kết nối và phát triển hệ sinh thái số

Việc triển khai ngân hàng mở/ open banking sẽ mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.

Vay tiền, trả nợ trước hạn bị làm khó

Những trường hợp khách vay bị trì hoãn thanh lý khoản vay trước hạn có thể là cá biệt, không phải đa số.

Giải pháp nào kiềm chế tỷ giá?

NHNN cũng có thể tiếp tục duy trì giải pháp bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nhưng rõ ràng điều này sẽ khó có thể duy trì lâu, dựa trên lượng dự trữ ngoại hối...

OCB tham gia sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) đã mang đến sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 những trải nghiệm số ưu việt nhất từ phiên bản OCB OMNI 4.0 và...

Đề xuất điều kiện cấp phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị định quy định điều kiện cấp phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trong đó, dự thảo dành 1 chương...

TP HCM yêu cầu ngân hàng kiểm tra các đại lý thu đổi ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tổ chức thực hiện kiểm tra các đại lý đổi ngoại tệ được ủy quyền; kiểm tra, kiểm soát hoạt động...

Lãi suất hạ nhiệt, người dân bắt cơ hội vay mua nhà, đầu tư kinh doanh

Lãi suất hạ nhiệt, dòng tín dụng được khơi thông cùng chính sách cho vay hấp dẫn từ các ngân hàng đang giúp người dân có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn...

Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật. Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt...

Tăng lãi suất sẽ là xu hướng trong dài hạn?

Đầu tháng 5, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng bắt đầu tăng trên diện rộng và ở tất cả các kỳ hạn.

Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số

Nhiều nghiệp vụ ngân hàng cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98