Vì sao ngân hàng cổ phần phải tăng vốn điều lệ?

09/10/2006 10:36
09-10-2006 10:36:11+07:00

Vì sao ngân hàng cổ phần phải tăng vốn điều lệ?

Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại cổ phần ở nước ta thường xuyên phát hành thêm cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ. Đến nay hầu hết ngân hàng thương mại đều có vốn điều lệ gấp 2- 3 lần số vốn cuối năm 2004.

Hiện nay Sacombank đang dẫn đầu, đạt hơn 1.899 tỷ đồng và đây là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, thực hiện từ ngày 12/7/2006. Sacombank đang triển khai tăng thêm 10% vốn điều lệ, đưa tổng số vốn điều lệ lên gần 2.100 tỷ đồng.

Tiếp đến là Habubank cũng vừa hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 1.185 tỷ đồng, trở thành ngân hàng thương mại cổ phần có số vốn lớn thứ hai ở Việt Nam sau Sacombank. Thứ ba là ACB, hiện đạt 1.100 tỷ đồng và đang triển khai phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn, trước mắt ngay trong các ngày từ 10/10/2006 đến 15/10/2006 hoàn thành phát hành 1.650 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) dự kiến trong tháng 11/2006 tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng, so với số vốn hiện nay là 830 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đến hết ngày 10/10/2006 hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 815 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam tăng từ 600 tỷ đồng lên 1.430 tỷ đồng trong quý IV/2006. ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn đang triển khai phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn, hoàn thành trong tháng 10/2006...

Các ngân hàng thương mại cổ phần đô thị khác cũng có quy mô vốn điều lệ lên 600 - 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang triển khai kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ trong năm 2007. Dự báo đến hết năm 2006 sẽ có trên 70% số ngân hàng thương mại cổ phần đô thị có số vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Các ngân hàng thương mại cổ phần thường xuyên phải tăng vốn điều lệ bởi các quy định pháp luật về tỷ lệ an toàn sau đây.

Một là, theo Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN, ngày 19/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng thì các tổ chức này phải duy trì tỷ lệ tối thiểu 8% giữa vốn tự có so với tổng tài sản có rủi ro. Trong cơ cấu vốn tự có chủ yếu là vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay và đầu tư thường xuyên tăng cao, làm cho tỷ lệ an toàn vốn giữa vốn tự có so với tài sản có rủi ro quy định và theo thông lệ quốc tế tối thiểu là 8% của các ngân hàng thương mại ngày càng giảm xuống. Do đó quy mô hoạt động ngân hàng này càng tăng, dư nợ cho vay tăng cao, thì vốn điều lệ cũng phải tăng cao.

Theo Quyết định 888/2005/QĐ-NHNN, ngày 16/6/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì một trong số các điều kiện để mở chi nhánh của tổ chức tín dụng là số vốn điều lệ hiện có trừ đi số vốn pháp đinh tối thiểu, thì mỗi chi nhánh bình quân phải có 20 tỷ đồng. Do đó tổ chức tín dụng muốn phát triển kinh doanh, mở rộng địa bàn và chiếm lĩnh thị phần thì thường xuyên phải thành lập thêm chi nhánh mới, tất nhiên phải tăng thêm vốn điều lệ.

Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng không được đầu tư quá 50% số vốn điều lệ vào tài sản cố định. Do đó để hiện đại hoá và mở rộng trụ sở, các chi nhánh, phòng giao dịch; đầu tư hiện đại hoá công nghệ, trang bị máy ATM, máy tính hiện đại, trang thiết bị khác,... ngân hàng thương mại cổ phần phải thường xuyên tăng vốn điều lệ.

Hai là, trong quá trình phát triển kinh doanh, đa dạng hoá dịch vụ theo thông lệ quốc tế và theo yêu cầu hội nhập, các ngân hàng thương mại ngày càng mở ra nhiều công ty trực thuộc. Vì vậy, các ngân hàng thương mại phải tăng thêm vốn điều lệ để có vốn cấp cho thành lập các công ty trực thuộc, như: công ty chứng khoán, công ty cho thuê tài chính, công ty kiều hối, công ty thương mại dịch vụ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản,...

Ba là, quy mô vốn tự có của các ngân hàng thương mại cổ phần ở nước ta hiện nay còn quá nhỏ bé so các nước trong khu vực. Bình quân các ngân hàng thương mại cổ phần mới đạt 9.000 tỷ đồng, tương đương 600 triệu USD. Trong khi đó bình quân các ngân hàng thương mại trong khu vực lên tới 50 tỷ USD.

Bốn là theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, một ngân hàng thương mại không được cho một khách hàng vay vốn vượt quá 15% số vốn chủ sở hữu, trong khi quy mô vốn của mỗi dự án ngày càng lớn. Do đó các ngân hàng thương mại cổ phần buộc phải tăng vốn để đáp ứng nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp, giữ chân khách hàng truyền thống, khách hàng làm ăn có hiệu quả.

Việc thường xuyên tăng thêm vốn điều lệ là yêu cầu khách quan theo quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng và yêu cầu khách quan về phát triển kinh doanh của ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay đang tiếp tục tăng vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu mới bán cho các cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá, hoặc bán theo giá thỏa thuận nhưng cũng có khoảng cách khá xa so với giá đang giao dịch trên thị trường OTC.

Vốn điều lệ thường năm sau tăng gấp 1,5 lần đến 2,0 lần so với năm trước. Do đó số cổ phiếu mới cổ đông được mua thêm cũng tăng lên tương ứng.

TBKTVN



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98