Ninh Bình nhộn nhịp thị trường giống lúa vụ mùa
Ninh Bình nhộn nhịp thị trường giống lúa vụ mùa
Còn gần một tháng nữa mới vào vụ gieo cấy lúa hè thu. Thế nhưng thị trường giống lúa ở tỉnh Ninh Bình đã nhộn nhịp người bán, người mua.
Chúng tôi đi một vòng từ huyện miền núi Nho Quan đến huyện vùng biển Kim Sơn thấy những thửa ruộng lúa chiêm xuân đang trổ bông, lác đác có một vài chân ruộng lúa đã ngả sang mầu vàng. "Khoảng nửa tháng nữa thì có thể gặt được trà lúa sớm" - Ông Mai Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan nói. Ðiều đó giúp cho huyện giải quyết vấn đề thiếu lương thực ở các xã vùng cao và xã ven sông Hoàng Long.
Hồi đầu tháng tư âm lịch, mưa lớn ở Nho Quan khiến hơn 200 ha vùng trũng "cấy cưỡng" ngập nặng, huyện đã mở các trạm bơm tiêu úng để cứu kịp thời. Nếu cứ đà thời tiết thuận như bây giờ, năng suất lúa chiêm xuân vụ này ở Nho Quan sẽ đạt chừng 60-65 tạ/ha. Tổng diện tích lúa mùa năm nay dự kiến huyện cấy khoảng 5.700-6.000 ha bởi địa hình của huyện là dốc và trũng. Toàn huyện có khoảng hai phần ba số xã nằm trong nguy cơ lũ về là ngập và mất trắng. Huyện đang cùng các xã chăm lo giống lúa lai để trồng vụ mùa giúp nông dân đưa năng suất lên cao".
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Bách cho biết, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy gần 40 nghìn ha lúa mùa, trong đó: vùng trũng cấy sớm khoảng 41% trong tổng diện tích, số còn lại là mùa chính vụ và mùa muộn. Ðể nâng cao năng suất, cơ cấu giống vụ mùa đã cơ bản thay đổi, đó là: 45-50% giống lai, 35-40% giống thuần và giống lúa đặc sản.
Không chỉ ở các huyện tại các trung tâm thị xã và thành phố Ninh Bình cũng là nơi nhiều nông dân tìm đến các đại lý bán lẻ. Tại Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang những ngày này khá đông người đến mua giống lúa lai, lúa thuần do doanh nghiệp cung ứng. Mặc dù giá lúa giống tăng khoảng một nghìn đồng, thậm chí năm nghìn đồng/kg, nông dân vẫn mua bởi giống ở đây bảo đảm chất lượng.
Qua khảo sát thị trường ở Ninh Bình, các giống lúa lai Bắc ưu 903, Nhị ưu 838, Thục Hưng... đang được nông dân ưa thích hơn cả. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cung ứng hơn 120 tấn lúa giống thuần là KD 18, Hương thơm, Nếp, Q5, LT2 và gần 200 tấn giống lúa lai gồm: Phú ưu số 1 và Phú ưu 978, Nhị ưu 838, Bắc ưu 903, L.ưu 69... Một số xã ở huyện Nho Quan, nông dân lại thích giống lúa lai Phú ưu 1 với lợi thế: năng suất cao, chống bệnh bạc lá, thời gian sinh trưởng ngắn...
Công ty cổ phần Giống cây trồng và vật nuôi Ninh Bình cũng có kế hoạch đưa ra thị trường khoảng 200-250 tấn giống lúa lai các loại. Hiện 70 tấn Thục Hưng số 6, 35 tấn lúa giống Q1, 20 tấn giống Nhị ưu 838, 10 tấn Phú ưu 4, 20 tấn Bắc ưu 903 đang được bán ra thị trường...
Ngoài ra, hàng trăm tấn giống lúa thuần KD 18 cũng tham gia cơ cấu giống lúa mùa năm nay ở Ninh Bình. Cho đến đầu tháng 6, số giống lúa mùa đã chuyển thẳng tới HTX nông nghiệp và người nông dân qua mạng lưới cửa hàng bán lẻ.
Theo ông Trần Văn Bách, thị trường giống lúa mùa càng nhộn nhịp thì việc quản lý của cơ quan chức năng càng cần phải đẩy mạnh bởi không loại trừ một số tư nhân lợi dụng lúc sơ hở của cơ quan và nông dân để đưa giống lúa kém chất lượng bán trên thị trường, hoặc phá giá, ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất. Chính vì vậy, ngoài hai đơn vị cung ứng giống lúa trên địa bàn tỉnh hiện còn gần 20 doanh nghiệp đăng ký mang giống lúa vào thị trường tỉnh cung cấp cho nông dân. Ðến nay, lượng giống lúa cần thiết cho sản xuất vụ mùa ở tỉnh Ninh Bình đã đủ kể cả về chủng loại giống, nhiều nhất là các giống lúa lai cho năng suất ổn định, giúp nông dân hoàn thành kế hoạch gieo cấy đúng thời vụ.
nhân dân