Giá giấy sẽ được điều chỉnh theo tháng

11/07/2008 18:55
11-07-2008 18:55:47+07:00

Giá giấy sẽ được điều chỉnh theo tháng

Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết: mặc dù giá bán các chủng loại giấy ở thị trường trong nước đã tăng từ 5 đến 21% kể từ 28/6, nhưng từ nay đến hết năm, giá giấy sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh theo tháng để đảm bảo duy trì hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất giấy.

Theo ông Bảo, giấy là mặt hàng không nằm trong 14 mặt hàng được điều chỉnh theo Pháp lệnh Giá, nhưng đây là mặt hàng nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất công nghiệp, cũng như hoạt động giáo dục (trực tiếp là sách vở học sinh) nên việc tăng giá giấy là việc "cực chẳng đã". Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá sản phẩm do bị phụ thuộc vào nguyên liệu bột giấy nhập khẩu với giá biến động lớn để sản xuất giấy in viết. Ngoài ra, với giá vật tư và nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao, nếu không tăng giá bán thì nguy cơ dẫn tới lỗ, đình đốn sản xuất trong nước khiến đời sống công nhân ngành giấy không được bảo đảm. Khi đó, để đáp ứng nhu cầu giấy đang tăng lên chỉ còn cách duy nhất là nhập khẩu giấy, mà việc này sẽ khiến Nhà nước bị thất thu nhiều bởi thuế suất đối với giấy nhập khẩu từ các nước ASEAN quy định bằng 0%.

Ông Bảo cho rằng, tình hình căng thẳng về cung cầu giấy trong thời gian gần đây là do chênh lệch lớn giữa giá giấy trong nước sản xuất và giá giấy nhập khẩu, khiến các nhà in, nhà xuất bản... đổ xô đi mua giấy Bãi Bằng, loại giấy có giá rẻ nhất hiện nay. Trong khi đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam không thể kiểm soát được giá giấy trên thị trường do năng lực sản xuất chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu giấy trong nước.

Để bình ổn thị trường giấy trong nước, Bộ Công Thương đã đề xuất với Bộ Tài chính áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với giấy và bột giấy để giảm bớt áp lực tăng giá trực tiếp lên người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Nhà nước có những chính sách khuyến khích đầu tư vào ngành sản xuất giấy bởi 4 năm trở lại đây, ngành giấy đã phát huy hết công suất nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, Nhà nước cần sớm ban hành những qui định cụ thể về tiết kiệm trong tiêu dùng giấy như độ trắng của giấy, cỡ chữ in, dùng giấy 2 mặt; sớm có chính sách khuyến khích tái chế giấy hoặc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu là giấy loại thu gom trong nước để vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Hiện Việt Nam mới chỉ thu gom và tái chế được 25% tổng lượng giấy tiêu thụ, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là trên 60%.

Năm 2008, sản xuất giấy trong nước sẽ đạt khoảng 310.000 tấn. Tuy nhiên do nhu cầu giấy tăng cao nên nhập khẩu giấy in viết có thể lên tới 110.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2007.

ttxvn



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98