Không để người trồng lúa thua thiệt

01/09/2008 18:41
01-09-2008 18:41:55+07:00

Không để người trồng lúa thua thiệt

Ngày 7-8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc thu mua hết lúa, gạo vụ hè thu năm 2008 ở ĐBSCL và bảo đảm cho người trồng lúa có lãi. Tình hình đã được cải thiện, lượng lúa hàng hóa tồn đọng trong dân giảm đáng kể. Tuy nhiên, sự chuyển động về hoạt động thu mua lúa gạo vẫn chưa nhiều, trong đó có những bất cập về kho chứa, bảo quản, chế biến... và đồng thời, một số cơ quan liên quan chưa thật sự vào cuộc hỗ trợ nông dân.

Thị trường lúa gạo ở Sóc Trăng kể từ đầu vụ thu hoạch lúa hè thu đến nay trầm lắng hơn so với vụ lúa đông xuân ở những tháng đầu năm 2008. Trước đây, mỗi khi trúng mùa, thương lái đổ xô đi tìm nông dân "đặt cọc" để giành quyền mua lúa. Nay thì ngược lại, nông dân đang phải lo lắng, chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm thương lái để bán lúa càng sớm càng tốt. Mặc dù giá lúa giảm hơn 400 - 600 đồng/kg so với đầu vụ, nhưng thương lái vẫn  không mua, khiến nông dân lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Trương Thanh Bình, cho biết: Năm nay toàn tỉnh gieo cấy gần 161 nghìn ha lúa hè thu với các loại giống có năng suất cao như OM576, 504, 732... Hiện nay, nông dân đã thu hoạch hơn 70 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 5,2 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng gần 840 nghìn tấn. Nhiều hộ đã thu hoạch xong lúa hè thu nhưng phần lớn vẫn chưa tiêu thụ được.

Ông Trần Văn Thuận ở xã Vĩnh Quới, huyện Ngã Năm đang "đựng bồ" sáu tấn lúa chưa tiêu thụ được thì lo âu: "Lúa thu hoạch được hơn một tháng nay mà vẫn chưa có thương lái nào hỏi mua. Ðầu năm giá lúa bán được 5.000 đồng/kg, hiện nay nếu giá thấp hơn một chút tôi cũng bán để có tiền trả nợ ngân hàng, phân bón, thuốc trừ sâu, còn lại chi tiêu trong gia đình, mua quần áo, sách vở cho con đi học và trang trải cho vụ mùa sau. Gần đây nghe thông tin Chính phủ chỉ đạo các công ty lương thực, doanh nghiệp thu mua lúa với giá hợp lý để người dân có lãi, ai cũng mừng. Nhưng họ chỉ mua với giá 4.300 - 4.400 đồng/kg, còn lúa khô, đẹp, hạt dài mới bán được 4.600 - 4.700 đồng/kg. Nếu bán với giá này thì từ hòa đến lỗ vốn, chứ không có lãi. Nhưng không phải cứ có lúa là bán được, muốn bán phải "đăng ký" trước với thương lái từ một đến hai tuần để họ chuẩn bị tiền, nếu bán gấp thì chỉ còn 3.900 - 4.000 đồng/kg. Tính kiểu nào thì nhà nông chúng tôi cũng bị thua thiệt. Nhưng không bán không được vì đã đến ngày trả nợ lãi ngân hàng, còn trữ lúa chờ giá thì khó lường, có khi rủi ro trắng tay. Thôi đành phải bán cho an toàn".

Ông Nguyễn Văn An ở xã Thiện Mỹ, huyện Mỹ Tú than vãn: "Vụ lúa hè thu năm nay không chỉ có phân bón tăng giá, mà tất cả các chi phí đầu vào đều tăng từ 10 đến 30%, như vậy chi phí cho mỗi ha lên đến hơn 20 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với vụ đông xuân vừa qua. Nếu giá lúa dao động ở mức 4.200 - 4.400 đồng/kg như hiện nay và năng suất đạt bình quân 5 tấn/ha thì lợi nhuận ít, thậm chí còn bị lỗ vốn bởi chưa đến tính lãi suất của ngân hàng, đại lý vật tư nông nghiệp. Cũng may là năm nay thời tiết khá thuận lợi, lại áp dụng đúng quy trình ba giảm, ba tăng và chăm sóc kỹ lưỡng nên ruộng lúa của gia đình đạt năng suất gần 6 tấn/ha, với 3 ha canh tác thu hoạch được hơn 17 tấn lúa. Mấy ngày gần đây trời nắng, giá lúa tăng khoảng 300 - 400 đồng/kg so với tuần trước, sau khi trừ các chi phí lãi chỉ còn khoảng 2 triệu đồng".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Trương Minh Chánh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ khoảng 190 tỷ đồng cho doanh nghiệp và nông dân vay để khắc phục khó khăn trong việc tiêu thụ hết lúa hàng hóa vụ hè thu và bảo đảm cho người trồng lúa có lãi từ 40% trở lên, cũng như thu mua cá tra, tôm sú và sản suất vụ mùa sắp tới. Những ngày gần đây, giá lúa đã bắt đầu nhích lên. Loại lúa tốt, khô, dài, thương lái đang thu mua vào với giá 4.600 - 4.700 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng một số doanh nghiệp đang gặp khó về nguồn vốn cho nên vẫn còn dè dặt thu mua lúa.

Chúng tôi về An Giang, nơi được coi là vựa lúa của ÐBSCL. Tỉnh này hằng năm sản xuất khoảng 3,3 triệu tấn lúa. Sau khi cân đối tiêu dùng tại chỗ, An Giang còn dư khoảng 1,8 triệu tấn lúa. An Giang trồng hai vụ lúa chính là đông xuân và hè thu, diện tích khoảng 230.000 ha mỗi vụ. Ngoài ra, ở những vùng không chịu ảnh hưởng của lũ, nông dân trồng thêm vụ lúa thứ ba khoảng 80.000 ha. Nông dân An Giang được huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng lúa khá bài bản, giúp họ giảm chi phí sản xuất mà vẫn đạt năng suất cao, năng suất bình quân cả ba vụ hơn 6 tấn /ha.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, giá thành làm ra hạt lúa ở An Giang tương đối thấp. Vụ lúa đông xuân vừa qua nông dân An Giang trúng mùa, trúng giá.

Ông Bình cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ lúa hè thu, trong tổng chỉ tiêu phải mua 660.000 tấn lúa, An Giang được phân bổ 150.000 tấn. UBND tỉnh đã phân bổ cho bốn doanh nghiệp là: Công ty xuất nhập khẩu An Giang mua 40.000 tấn, Công ty nông sản thực phẩm An Giang mua 40.000 tấn, Công ty lương thực và thực phẩm An Giang mua 40.000 tấn và Công ty du lịch An Giang mua 30.000 tấn. Ðến ngày 28-8, bốn công ty này đã mua 40.000 tấn lúa. Ngoài bốn công ty kể trên, trên địa bàn tỉnh, còn có hàng chục đầu mối thu mua lúa trực thuộc Tổng công ty Lương thực miền bắc, Tổng công ty Lương thực miền nam và các công ty lương thực các tỉnh bạn.

Theo tổng hợp của Sở Công thương TP Cần Thơ, 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ lực trên địa bàn thành phố, từ đầu năm đến nay đã mua 800 nghìn tấn lúa; nếu tính từ đầu tháng 7 đến nay thì số lượng mua 114.600 tấn lúa. Giá mua gạo bình quân từ 6.100 đến 6.300 đồng/kg; giá mua lúa thường bình quân từ 4.500 đến 4.700 đồng/kg, lúa đạt chuẩn xuất khẩu mua với giá từ 5.000 đến 5.200 đồng/kg.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa hè thu của thành phố đạt khoảng 434.000 tấn, trong đó lượng lúa hàng hóa của vụ hè thu gần 290.000 tấn.

Theo dự tính của Sở Công thương, ngoài 10 doanh nghiệp thu mua  lúa gạo chủ lực, trên địa bàn thành phố còn có các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp ngoài địa bàn tham gia thu mua lúa gạo ước khoảng 50.000 tấn; từ đó có thể ước tính lượng lúa hàng hóa tồn trong dân trên địa bàn TP Cần Thơ khoảng 120 nghìn tấn lúa.

Chúng tôi đi thăm những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ lực của thành phố. Công ty Lương thực Sông Hậu cho biết, từ ngày 1 đến 25-8, công ty đã mua 14.147 tấn gạo so với chỉ tiêu được giao 40.000 tấn, đạt 35,36%, riêng thời điểm từ ngày 8-8 đến 25-8, công ty thu mua được 11.998 tấn. Giá thu mua gạo xuất khẩu 5% tấm là 8.190 đồng/kg (kể cả bao bì), gạo 15% tấm với giá 7.540 đồng/kg.

Giám đốc Công ty cổ phần GENTRACO tại huyện Thốt Nốt cho biết, từ ngày 8 đến 26-8, công ty đã mua 13.865 tấn gạo, bình quân mỗi ngày mua vào 1.590 tấn, giá thu mua gạo nguyên liệu (gạo lức) từ 5.950 đến 6.000 đồng/kg. Sau gần một tháng thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh tiêu thụ lúa hè thu cho nông dân, giá lúa gạo có phần nhích lên một ít. Nhiều địa phương đã giao chỉ tiêu thu mua cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trên địa bàn TP Cần Thơ đề nghị Trung ương cho doanh nghiệp tự cân đối đầu ra, nhằm quay vòng vốn và giải quyết đầu ra, bởi lẽ hàng tồn kho của vụ đông xuân chưa kịp tiêu thụ hết, lại phải tiếp tục thu mua lúa hè thu.

Trong cuộc họp giao ban với các doanh nghiệp kinh doanh lương thực và các ngân hàng trên địa bàn về tiêu thụ lúa cho nông dân, sau khi nhận định lúa hàng hóa tồn đọng trong dân với số lượng không nhỏ, giá thu mua vẫn chưa được cải thiện, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị Chính phủ tăng lượng mua lúa dự trữ quốc gia; chỉ đạo Sở Công thương hằng tuần chủ trì báo cáo việc tiêu thụ lúa, cá cho Thành ủy, UBND thành phố. Cụ thể là hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo báo cáo tình hình thu mua lúa gạo theo biểu mẫu; yêu cầu ngành điện lực ưu tiên điện cho sản xuất nông nghiệp và chế biến lúa, cá.

Ðề nghị các ngân hàng nghiên cứu và vận dụng các quy định để tháo gỡ cho các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Lãnh đạo Sở Công thương Cần Thơ cho biết, mức giá sàn gạo xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực quy định cao hơn giá thế giới nên các doanh nghiệp thu mua lúa chậm. Ðề nghị Bộ Công thương chỉ đạo giá sàn xuất khẩu gạo cho linh hoạt và phù hợp thị trường thế giới theo thời điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo những tháng cuối năm.       

Tuy nhiên, để giảm đến mức thấp nhất sự thua thiệt của người nông dân trong điệp khúc "trúng mùa - rớt giá" cơ bản hơn, Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhiều hơn và đồng bộ hơn nữa. Ðiều dễ thấy đầu tiên là đối với lúa thơm, lúa chất lượng cao nếu có bị rớt giá thì cũng không nhanh bằng lúa thường và khi tăng giá cũng tăng nhanh hơn và sức tiêu thụ lớn. Do đó, công tác giống cần phải được đầu tư nhiều hơn nữa để bảo đảm đủ giống tốt, giống lúa chất lượng cao cho nông dân sản xuất. Cần kiểm tra mối liên kết "bốn nhà" xem nó yếu kém ở khâu nào để kịp thời rút kinh nghiệm tìm biện pháp khắc phục theo hướng quyền lợi của nhà nông ngày càng được chú trọng nhiều hơn.

nhân dân



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98