Giá bất động sản Hà Nội tăng: Không chỉ là đầu cơ, làm giá...
Giá bất động sản Hà Nội tăng: Không chỉ là đầu cơ, làm giá...
2 tháng trở lại đây, Hà Nội lại đang chứng kiến sự ấm lên trở lại của thị trường bất động sản, đặc biệt là đất căn hộ liền kề, đất biệt thự tại các dự án lớn. Đi tìm nguyên nhân, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng: Thị trường đang bị giới đầu cơ làm giá, tâm lý đầu tư "bầy đàn" thao túng thị trường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại một vài dự án, nguyên nhân không hẳn như vậy.
Đội giá vì chậm tiến độ
Sắp đưa vào sử dụng, nhưng vẫn chưa bàn giao xong hạ tầng - đó là thực trạng tại làng Việt kiều Châu Âu tại khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông do Cty TSQ Việt Nam làm nhà đầu tư thứ cấp.
Theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó TGĐ Cty, dự án khu đô thị Mỗ Lao trực thuộc UBND tỉnh Hà Tây cũ làm chủ đầu tư. Tháng 11.2006, Cty TSQ Việt Nam ký hợp đồng làm Cty thứ cấp cho dự án này để đầu tư xây dựng làng Việt kiều Châu Âu, với diện tích gần 19ha. Việc giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng là do Ban quản lý dự án khu đô thị Mỗ Lao đảm nhiệm.
Về nguyên tắc, chủ đầu tư phải bàn giao đầy đủ diện tích, đã bao gồm cả cơ sở hạ tầng để nhà đầu tư thứ cấp triển khai xây dựng. “Tuy nhiên, cho đến ngày 14.12.2009, dự án của chúng tôi vẫn chưa được bàn giao hết mặt bằng, diện tích bị ảnh hưởng mặt bằng chưa thi công được lên tới hơn 21.000m2, trong đó diện tích chưa GPMB hơn 3.000m2, diện tích bị ảnh hưởng do chưa thi công hạ tầng kỹ thuật gần 18.000m2. Hiện nay, trên diện tích hơn 3.000m2 chưa GPMB, dân vẫn đang ở, sinh hoạt, kinh doanh” - ông Yên cho biết.
Năm 2008, việc sáp nhập địa giới hành chính cũng làm cho toàn bộ dự án khu đô thị Mỗ Lao bị ngưng trệ. Thêm vào đó, việc khớp nối hạ tầng vào thủ đô khiến nhiều phần của làng Việt kiều Châu Âu phải tạm dừng thi công. Việc chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến việc triển khai dự án chậm, tác động đến giá thành các sản phẩm của Cty, gây ra những tranh chấp đáng tiếc giữa nhà đầu tư thứ cấp với khách hàng.
Nhà đầu tư thứ cấp đưa ra mức tăng bao gồm cả giá xây thô và hoàn thiện mặt ngoài tăng so với hợp đồng ký với khách hàng từ năm 2007 lên hơn 30% (từ 2,9 triệu đồng/m2 lên 3,9 triệu đồng/m2). Với sự trượt giá của giá nhân công, đơn giá xây dựng và sự tăng giá của nhiều loại vật liệu xây dựng, cộng với sự bàn giao “nhỏ giọt” của Ban quản lý dự án Mỗ Lao kéo dài từ năm 2007 đến nay đã khiến cả TSQ và khách hàng lâm vào cảnh dở khóc, dở cười, “sư bảo sư phải, vãi bảo vãi hay”!
Giá đền bù tăng cao
Ở một dự án lớn khác cũng trên địa bàn Hà Tây cũ, GĐ một doanh nghiệp xây dựng lớn đề nghị giấu tên, cho biết: Nghị định 69/2009 NĐ-CP, ngày 1.10.2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá thu hồi đất, hỗ trợ và tái định cư chính thức có hiệu lực với mức bồi thường cho nông dân mất đất sản xuất được nhận tiền hỗ trợ bằng 1,5 đến 5 lần số tiền bồi thường đất bị thu hồi, trong đó TP.Hà Nội áp dụng mức giá bồi thường cao nhất, gấp 5 lần, đã thực sự khiến doanh nghiệp khó khăn.
Cùng một dự án, nhưng mức bồi thường được chia thành 2 giai đoạn, trước và sau khi về Hà Nội. Không ít doanh nghiệp không trù liệu được trước về mức bồi thường, đã “lách luật”, ký hợp đồng mượn vốn, vay vốn của nhà đầu tư thứ cấp để triển khai dự án. Giá đất nền vì vậy cũng bị đẩy lên là khó tránh khỏi, doanh nghiệp này cho biết.
Song Minh
lao động