Đừng nản lòng với thị trường Ai Cập
Đừng nản lòng với thị trường Ai Cập
Tham tán thương mại Việt Nam tại Ai Cập cho rằng, với nhu cầu và dân số của Ai Cập hiện nay, nếu chúng ta làm tốt công tác thị trường thì kim ngạch xuất khẩu basa vào Ai Cập hoàn toàn có thể tăng tới 300 triệu USD…
Ai Cập với dân số hơn 80 triệu người vẫn luôn được xem là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là hàng thuỷ sản. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này vẫn còn thấp so với tiềm năng của nước ta.
Hàng hải sản Việt Nam xuất sang Ai Cập nằm 2008 đạt 68 triệu USD, năm 2009 đạt 60 triệu USD, và 4 tháng đầu năm 2010 chỉ đạt 12,2 triệu USD. Sự sụt giảm này là do những thông tin sai về cá basa của Việt Nam trên báo chí Ai Cập cuối tháng 3/2009. Dù mọi việc đã kết thúc, cá basa Việt Nam lại được ưa chuộng và tiêu dùng nhưng mức tiêu thụ vẫn còn khiêm tốn trong khi nhu cầu vẫn rất lớn.
Hải sản là món ăn được ưa chuộng lâu đời ở Ai Cập. Tuy nhiên, nguồn cung nội địa từ các hồ nước lớn, sông Nile, các trang trại vẫn không thể đáp đủ nhu cầu và chủng loại. Do đó, Ai Cập vẫn phải nhập một số lượng lớn các loại hải sản từ nước ngoài như mực, tôm, tôm nõn, phi lê basa, thịt cua biển.
Thuỷ, hải sản của Việt Nam xuất sang Ai Cập gồm tôm nõn, phi lê basa trắng và đỏ, trong đó phi lê basa chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hơn một năm qua, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này bắt đầu giảm, bởi những thông tin sai trên báo chí Ai Cập về mặt hàng này. Đây là một điều đang buồn cho cả nhà xuất khẩu Việt Nam lẫn nhà nhập khẩu Ai Cập.
Đầu năm 2009, trước thời điểm có những thông tin trên báo chí Ai Cập, mặt hàng cá basa Việt Nam đã có mặt ở khắp Ai Cập. Không chỉ ở các siêu thị lớn, nhỏ, các chợ đầu mối, cá basa của Việt Nam có mặt tại nhiều cửa hàng bán lẻ ở các chợ nhỏ, tiểu thương.
Thực tế, nhu cầu tiêu thụ cá basa phi lê của Việt Nam là rất lớn bởi Ai Cập có nhu cầu lớn, dân số đông, đặc biệt cá basa của ta giá cả phù hợp, chất lượng tốt.
Hiện nay, mặt hàng này vẫn có mặt tại hệ thống các siêu thị lớn như Carefour, Metro hay các siêu thị nhỏ, chợ đầu mối ở Ai Cập. Nhiều khách sạn 5 sao của Ai Cập sử dụng cá basa trong thực đơn hàng ngày.
Ông Abdal Rahman Abu Shamah Giám đốc Công ty Al Hamd khẳng định: “Cá basa của Việt Nam đứng số 1 trong số các loại cá phi lê ở thị trường Ai Cập. Nhu cầu sản phẩm này rất nhiều. Công ty của tôi vẫn nhập và phân phối cho các siêu thị, cửa hàng và khách sạn lớn ở Ai Cập. Giá bán 10 LE đối với cá phi lê basa đỏ và 15 LE đối với các phi lê basa trắng. Giá này không thay đổi từ hơn một năm nay. Mặt hàng này tiêu thụ tốt. Công ty vẫn nhập từ 30-40 tấn/tháng và thời gian tới có thể tăng thêm 20 tấn/tháng”.
Các nhân viên quản lý quầy hàng hải sản tại siêu thị Carefour hay Metro đều khẳng định cá basa của Việt Nam rất tốt, chất lượng, ngon và dễ chế biến, giá cả phù hợp. Anh Ashrab nhân viên siêu thị Metro trên đường Lebanon cho biết, mỗi ngày siêu thị bán từ 30-40kg cá basa nhập từ Việt Nam. Bản thân anh và gia đình vẫn ăn cá basa Việt Nam. Anh Ashrab cho rằng nhiều người e ngại hay không ăn cá basa là do họ không biết hoặc không có nhiều thông tin về sản phẩm này.
Trong năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đã phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Ai Cập, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản tổ chức hội thảo, diễn đàn và tham dự hội chợ để quảng bá hàng thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, lượng thông tin này vẫn còn hạn chế đối với người tiêu dùng Ai Cập.
Do đó, để phát triển bền vững và tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản nói chung và cá basa nói riêng theo ông Đặng Ngọc Quang, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ai Cập các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo chất lượng, giữ giá và tăng cường thông tin quản bá trên các phương tiện truyền thông Ai Cập.
Với kinh nghiệm làm việc gần 10 năm ở khu vực Trung Đông, ông Quang cho rằng, người tiêu dùng ở khu vực này khó thay đổi thói quen tiêu dùng nhưng khi họ đã tin và ưa chuộng thì sản phẩm đó sẽ tiêu thụ rất chạy và chiếm lĩnh thị trường. Do đó, theo ông Quang các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam đừng nản lòng với thị trường có tiềm năng lớn như Ai Cập.
Ngọc Thạch
VOV