"Đã đến lúc không nói không được, không làm không được"

19/07/2010 08:43
19-07-2010 08:43:44+07:00

"Đã đến lúc không nói không được, không làm không được"

Dòng sông cuộc sống dù đôi chỗ, đôi nơi có khúc khuỷu quanh co, nhưng vẫn luôn tuôn chảy theo quy luật không sức nào ngăn cản được. Chính dòng sông cuộc sống đòi hỏi tư duy lý luận, chủ thuyết phát triển của đất nước phải theo kịp sự phát triển của thời đại, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Trên phương tiện thông tin đại chúng mới đăng tải bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta".

Bài viết này, ra đời trong bối cảnh khá nhạy cảm, nhiều ý tưởng khác hẳn với bản Dự thảo Cương lĩnh của Đảng về quan điểm kinh tế tư nhân, động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, cần minh bạch, bình đẳng của doanh nghiệp nhà nước đối với mỗi thành phần kinh tế. vv...

Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo tôi đó là việc làm cần phải có của người đứng đầu Chính phủ thể hiện sự kiên quyết trong việc chỉ đạo hoạt động kinh tế, nhằm tăng trưởng bền vững.

Thực ra, đã đến lúc không nói không được, không làm không được. Chúng ta không khỏi giật mình khi nghĩ đến thời hạn đất nước về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại chỉ còn 10 năm nữa. Quá trình chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long khởi động cách đây 10 năm vậy mà bây giờ còn chưa đầy 3 tháng, nhiều công trình vẫn còn bề bộn, ngổn ngang.

Người lãnh đạo kể cả vĩ nhân không phải là không có sai lầm mà là  biết nhìn ra các sai lầm của mình để sửa chữa dù phải đụng chạm đến lập trường, quan điểm còn húy kỵ. Trong thế giới phẳng, nền kinh tế trí thức và dư luận xã hội, dù bất cứ chế độ nào cũng không cho phép tư duy lấy quyền uy để áp đặt, xác lập chân lý.

Thực ra, bài viết của Thủ tướng tuy không có gì mới so với các ý kiến của các nhà khoa học đã kiến nghị trước đây nhưng đây là lần đầu tiên, người dân được nghe người đứng đầu Chính phủ phát biểu công khai chính thức quan điểm của mình. Bởi vậy, quan điểm của Thủ tướng rất đáng ghi nhận.

Vấn đề đặt ra là phải làm cái gì, làm như thế nào, khi nào để ý tưởng quan điểm của Thủ tướng  trở thành hiện thực, trong hành động của cả hệ thống chính trị?

Tái cấu trúc kinh tế hướng đến phát triển bền vững

Khái niệm phát triển bền vững đã trở thành một khái niệm gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật, chính trị, lẫn kinh doanh. Thuật ngữ "bền vững" (sustainability) hoặc "phát triển bền vững" (sustainable development) đã xuất hiện mấy thập niên qua trên các tài liệu học thuật, bài giảng của giáo sư, trong các văn bản thỏa thuận quốc tế hoặc trong các văn bản của cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương, và thậm chí cả trong chiến lược của giới kinh doanh. Phát triển là nhu cầu của mọi xã hội dù ở bất cứ giai đoạn nào.

Khái niệm phát triển bền vững được nhiều nhà khoa học diễn giải dựa trên ba trụ cột: kinh tế, xã hội, và môi trường theo không gian và thời gian. Phát triển bền vững sẽ không thể đạt được nếu nó không có điểm tựa vững chắc, nền tảng đó là  bền vững sinh thái, đạo đức xã hội và vai trò lãnh đạo.

Dù rằng phát triển bền vững đã trở thành một khái niệm thời thượng trên lý thuyết, nhưng xem ra là rất khó khăn và tốn kém cho chính quyền cũng như giới kinh doanh thực thi quan điểm này trên thực tế. Khi truy tìm cội nguồn của khái niệm phát triển bền vững đã chỉ ra một số vấn đề chính mà phát triển trong tương lai phải quan tâm là: Sự gia tăng dân số, sự gia tăng tiêu dùng tài nguyên và sản phẩm dẫn đến kết quả là gia tăng chất thải gây ô nhiễm, sự cạn kiệt của nguồn tài nguyên không thể tái tạo, vấn đề quản lý nguồn cung tài nguyên và cầu tiêu dùng, vai trò của khoa học công nghệ, vai trò của con người và văn hóa của họ, xác định mối quan hệ giữa môi trường và phát triển.

Từ khái niệm phát triển bền vững, nhìn vào cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay thấy rõ sự bất cập phải thay đổi. Tỷ lệ đầu tư cho khu vực II  bao gồm công nghiệp, khai thác, chế biến và xây dựng rất cao. Năm 2000,  tỷ lệ đầu tư cho khu vực II là 41%, đến năm 2007 là 47% nhưng tỷ lệ gia tăng thêm lại giảm từ 34% xuống 27% có nghĩa là hoạt động kém hiệu quả. Tỷ lệ nhập siêu khu vực II chiếm đến 90% tổng giá trị nhập khẩu gây tác động lớn đến bất ổn vĩ mô mà còn là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường mà cả xã hội phải gánh chịu.

Chính phủ cần tính toán lại để điều chỉnh tăng tỷ lệ đầu tư cho Khu vực I (nông, lâm, thủy sản) và Khu vục III (dịch vụ). Lịch sử đã chứng minh đất nước ta mỗi khi có khủng hoảng kinh tế xã hội thì chính khu vực I là nông nghiệp lại là cứu cánh cho nhà nước, trong khi thực tế đây chính là khu vực bị đối xử bất công nhất cả về đạo nghĩa, lẫn đạo lý.

Bản Dự thảo Cương lĩnh của Đảng lần này còn coi nhẹ vai trò nông nghiệp hơn trước đây, cho nên bài viết của Thủ tướng về phát triển kinh tế bền vững là rất trúng, rất đúng.

Tờ Bangkok Post ngày thứ bảy 17/7 viết sau khi có tình trạng bất ổn tại Bangkok và ở nhiều tỉnh hổi nửa đầu năm 2010, ngành du lịch Thái Lan dự đoán chỉ có thể đón độ 13 triệu khách du lịch thay vì 16 triệu theo dự kiến ban đầu khi lên kế hoạch. Song ngành du lịch Thái Lan  đã hồi phục nhanh chóng và có khả năng đón 15,1- 15,3 triệu khách du lịch ngay trong năm 2010 nhờ người ta biết thay đổi, điều chỉnh để khôi phục nền kinh tế. IMF đã nâng nền kinh tế Thái Lan có thể đạt GDP 7,5% cho năm 2010 mặc dù nền kinh tế Thái Lan có vể rất yên lặng.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng từ 2005 là công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế trên 63 tỉnh thành phố dựa trên cảm nhận của khu vực và kinh tế tư nhân.  Do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, chỉ số 65% doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam dự định mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong 2 năm tới, đòi hỏi chính sách và quy định rõ ràng, minh bạch và công bằng. Thực tế đã minh chứng, các tỉnh có chất lượng điều hành tốt hơn cũng thành công hơn về phát  triển  doanh nghiệp dân doanh và thịnh vượng hơn về kinh tế.

Khi bàn về tái cơ cấu kinh tế, nhiều người  vẫn chú trọng vào tỷ trọng ngành trong GDP. Điều này đôi khi dẫn đến những định hướng sai lầm. Ngay nội hàm của chỉ tiêu GDP cũng cần phải xem xét lại vì không thể đánh đồng việc tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng GDP bởi vì trong GDP bao gồm cả các khoản đầu tư lãng phí, tham nhũng, những công trình tiêu tốn tài  nguyên, phá hoại môi trường.

Để xây dựng nền tảng bền vững sinh thái và đạo đức xã hội cho phát triển bền vững, vai trò lãnh đạo của Nhà nước có tính quyết định. Nhà nước với hệ thống tổ chức rộng lớn của mình có thể giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi; sử dụng các công cụ kinh tế và thưởng phạt nhằm hạn chế và khuyến khích hành vi con người theo định hướng phát triển bền vững; sử dụng các quy định pháp luật và quy phạm xã hội nhằm cưỡng chế việc tuân thủ; và có chính sách dân số phù hợp để giảm áp lực đối với tài nguyên và môi trường.

Giáo dục đạo đức môi trường để thay đổi hành vi, nhằm có một nền văn hóa sống thân thiện với môi trường, là một chiến lược lâu dài và đòi hỏi phải có các công cụ pháp luật và kinh tế khác hỗ trợ. Công cụ pháp luật có tính cưỡng chế cao nhất; nhưng lại phụ thuộc nhiều vào sự thực thi chúng trên thực tế. Rõ ràng giải pháp hướng đến phát triển bền vững đòi hỏi sự phối hợp rất cao, trong đó vai trò lãnh đạo thường được xem là yếu tố quan trọng nhất cho việc quản trị phát triển bền vững.

Nếu nhà nước thừa nhận xã hội dân sự, trong đó nhiều tổ chức kinh tế xã hội, mà tổ chức quan trọng nhất là dân doanh dựa trên chế độ tư hữu về tiền vốn và năng suất lao động sẽ góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế xã hội bền vững, ngăn ngừa hạn chế sự tham nhũng.

Từ năm 2007,  tốc độ GDP bình quân năm ở nước ta  giảm mạnh so với thời kỳ trước do khó khăn vì phải chống lại suy thoái năm 1997, từ 7,5% xuống 7%, nhưng đầu tư lại nhảy vọt từ dưới 35% GDP lên trên 40% chứng tỏ chất lượng hay năng suất xuống nhanh. Không những thế, lạm phát lại tăng thêm và nhảy vọt nghiêm trọng năm 2008, lên tới 22,8% . Việc lập các Tập đoàn kinh tế bắt đầu từ năm 2006, cấp vốn và cho phép nợ là sự buông lỏng về quản lý và trái với quy luật của nền kinh tế thị trường.

Hệ thống hành chính độc lập với chính trị

Để khắc phục những yếu kém trong quản lý kinh tế ở Việt Nam theo chúng tôi phải phân biệt Khu vực hành chính công quyền (tạm dịch Public Administration) với một hệ thống hành chính (Public Civil Services) hoàn toàn độc lập với chính trị.

Khu vực này được tuyển dụng, cất nhắc nhân viên hoàn toàn dựa trên tuyển dụng chuyên môn, không phụ thuộc vào bất cứ tổ chức nào khác. Tất cả các chức vụ trong bộ máy hành chính công quyền phải dựa trên các tiêu chí khoa học, rõ ràng. Tất cả mọi quyết định đầu tư công, hoặc liên quan đến kinh tế của giới chính trị cũng phải được bộ máy hành chính công quyền xét duyệt theo đúng quy chế và tiêu chuẩn đã định sẵn.

Nhờ cơ chế công khai minh bạch này, thì dù là Thủ tướng hay Bộ trưởng, thứ trưởng khi quyết định muốn làm vấn đề gì đều phải thông qua sự đánh giá của bộ máy hành chính trên bao gồm xem xét đánh gía các mặt kinh tế xã hội, môi trường, pháp luật vv... Chỉ có cách làm như thế thì Quy hoạch mới có giá trị trong thực tiễn. Khi đã có Quy hoạch thì bộ máy hành chính sẽ dựa vào đó mà xem xét, đánh giá có phù hợp hay không. Sự độc lập của bộ máy hành chính công như trên là rất quan trọng, còn nếu không nó sẽ  dễ bị người lãnh đạo lạm dụng quyền hành. Singapore, cũng là một chế độ độc đảng, đã thực hiện thành công mô hình quản trị nói trên, rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Nói tóm lại: Tư duy của cả hệ thống chính trị chỉ thay đổi khi tư duy của những người lãnh đạo thực sự thay đổi.  Bài viết nói trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như quan điểm sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An làm cho người dân hy vọng vào tương lai tiền đồ phát triển của đất nước. Vấn đề là cả hệ thống chính trị phải hành động, chứ không phải chỉ nói.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng những khác Dự thảo Cương lĩnh bổ sung phát triển là một văn kiện chính thức trình Đại hội XI mà cũng khác Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 do Thủ tướng là trưởng tiểu ban xây dựng chiến lược 10 năm của Trung ương Đảng Đảng khóa X.

Mặc dù chiến lược ấy cũng đã được Trung ương Đảng thông qua và cũng là một văn kiện chính thức trình Đại hội Đảng XI, giờ đây rất cần Thủ tướng và những người có tư tưởng quan điểm như ông, dũng cảm sửa sai, viết lại, để chủ trương lớn có tầm đường lối chính trị cơ bản được thảo luận công khai dân chủ trong đại hội thể hiện ý chí, tâm nguyện của toàn dân thành Nghị quyết của Đại hội.  Đó mới chính là sự đồng thuận ý Đảng, lòng dân. Người dân vẫn tỉnh táo, thấu hiểu giữa tư tưởng đúng, đường lối đúng khi vận hành vào thực tế phải có cơ chế cụ thể của cả hệ thống chính trị và vẫn đòi hỏi khảo nghiệm của thời gian.

Tô Văn Trường

TUẦN VIỆT NAM



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Trung ương đồng ý ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội

Trung ương họp bất thường đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi giữ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, theo nguyện vọng...

Thủ tướng: Mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của...

“Nghịch lý” trong chỉ số Par Index của TP.HCM

Bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2023 (Par Index 2023) vừa được công bố. Ở cấp độ chỉ số tổng hợp, TP.HCM tăng 3 bậc, đạt 86.97%, thuộc nhóm B – nhóm gồm...

HSBC: Thiên thời cho nền kinh tế số ASEAN

Nền kinh tế số ASEAN đang bước vào giai đoạn tươi sáng mới. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần áp dụng chiến lược thông minh để có thể gặt hái quả...

Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam xuống còn 6%

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa được công bố, Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống mức 6% năm 2024, so với mức dự báo...

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi

Chuyên gia WB cho biết kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau và dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào...

Chuyên gia IMF: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài

Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn tham vấn, giám sát kinh tế Vĩ mô Việt Nam của IMF, nhận định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho FDI trong khi kinh tế toàn cầu biến...

Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dành 5,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các dự...

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng dù toàn cầu bất ổn

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 được công bố ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98