Việt Nam vẫn làm ăn "không giống ai"
Việt Nam vẫn làm ăn "không giống ai"
Đã hội nhập với thế giới, tham gia sân chơi chung toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn có cách làm ăn không giống ai. Nếu cứ tiếp tục, Việt Nam chỉ có thể "chơi" với người Việt Nam mà thôi - bà Virginia Foote nói.
Chưa sẵn sàng
Mười năm đã trôi qua kể từ khi cánh cửa kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ được khai thông, với Hiệp định thương mại song phương (BTA) và sau đó là quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO)... Là người đã can dự suốt quá trình kết nối kinh tế giữa hai quốc gia, bà có hài lòng với kết quả đạt được trong giao thương hai nước?
Câu trả lời là rồi và chưa. Nếu nhìn về con số thì chúng ta đã đạt với mức tăng trưởng ấn tượng. Thế nhưng các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn hơn chúng tôi tưởng.
Mười năm sau BTA, môi trường làm ăn ở Việt Nam vẫn khó, không dễ dàng hơn được bao nhiêu. Cộng đồng DN Mỹ nói riêng và DN nói chung cần một môi trường tốt hơn, thông thoáng hơn.
Về đầu tư, có ý kiến cho rằng, mười năm sau BTA, các doanh nghiệp Mỹ vẫn chỉ mới "xếp gạch giữ chỗ". Nhiều DN Mỹ mới chỉ dừng ở tuyên bố quan tâm tới thị trường Việt Nam nhưng thực tế họ lại chưa đến làm ăn tại Việt Nam. Bà lý giải điều này như thế nào?
Thực ra cũng có những doanh nghiệp lớn của Mỹ như Nike đã rất thành công ở Việt Nam, tuy nhiên nhiều công ty lớn của Mỹ đã đến và nhìn thị trường Việt Nam và nhận ra Việt Nam chưa sẵn sàng.
Doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn chờ đợi thị trường Việt Nam lớn lên, chờ đợi Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, chờ đợi Việt Nam cải thiện hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chờ đợi Việt Nam xử lý tệ quan liêu, tham nhũng và thủ tục hành chính nhiêu khê. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ phần lớn là các tập đoàn lớn, họ làm ăn có bài bản, luật pháp của họ không cho họ làm ăn theo kiểu đánh quả, chộp giật. Chắc ăn thì làm, chưa chắc ăn thì đợi. Có lẽ cũng phải mất rất nhiều thời gian nữa, Việt Nam mới giải quyết được hết các mặt yếu kém nêu trên. Thời gian cứ trôi đi, cơ hội cứ giảm bớt dần. - ông Nguyễn Đình Lương, trưởng đoàn đàm phán HĐTM Việt - Mỹ. |
Cơ sở hạ tầng cả cứng và mềm của Việt Nam vẫn còn phải cải thiện nhiều, vẫn còn chồng chất việc phải làm. Ngay cả các doanh nghiệp Mỹ làm trong lĩnh vực hạ tầng cũng khó chen chân vào các dự án hạ tầng của Việt Nam.
Các cơ sở hạ tầng mềm như quản lý của chính phủ, quản lý luật pháp, IT cải thiện quá chậm và gây bối rối cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ lo lắng về tình trạng tham nhũng và sự minh bạch để có thể giành hợp đồng ở Việt Nam.
Có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vẫn còn quan tâm đến Việt Nam nhưng chưa sẵn sàng đến và ở lại.
Không giống ai
Quá trình đàm phán, kí kết và triển khai BTA, tham gia WTO... thực chất là quá trình Việt Nam học để chơi theo luật chơi của thế giới. Một thập kỉ đã trôi qua, theo đánh giá của bà, người Việt Nam đã học tốt chưa?
Việt Nam đã học được nguyên tắc nhưng áp dụng chưa tốt.
Thực ra đó là thách thức với tất cả các chính phủ vì không ai muốn thay đổi cả. Khi hội nhập, việc diều chỉnh luật lệ khiến ai cũng phàn nàn, làm khó chính phủ bởi họ buộc phải thay đổi cách thức làm ăn.
Việt Nam đã sửa nhiều luật thế nhưng sẽ không có ý nghĩa gì nếu thông qua các luật lệ để rồi người ta bỏ qua nó.
BTA, WTO cung cấp cái khung nhưng để cái khung ấy có hiệu quả thì không thể có chuyện người này tuân thủ mà người kia thì không. Đó là phần việc khó khăn nhất đối với chính phủ.
Ví dụ, thống kê của Việt Nam cho thấy chỉ số doanh nghiệp đóng thuế chiếm tỷ lệ không cao, chỉ khoảng 80%, còn đóng đủ bao nhiêu thì không rõ. Số DN không đóng thuế còn lại nằm ở đâu thì không ai nắm được.
Việt Nam phải xây dựng quy trình, hệ thống để giảm dần tỉ lệ này, đặt mục tiêu và quyết tâm hiện thực nó.
Vậy làm thế nào để Việt Nam thực sự hấp dẫn trong mắt người Mỹ, không để cho các DN đến "ngó" rồi đi, mà phải thực sự ở lại, làm ăn ở Việt Nam?
Chỉ bằng cách duy nhất là cải thiện hạ tầng cứng và mềm của Việt Nam. Làm được điều đó, DN Mỹ sẽ đến Việt Nam không chỉ một lần, mà hai, ba lần rồi ở lại.
Việt Nam đã làm rất tốt việc lôi kéo các doanh nghiệp lớn của Mỹ đến để ngó, nhưng việc khó hơn nhiều là giữ họ ở lại làm việc và đầu tư chứ không phải chỉ đến thăm rồi quay sang nước khác để làm ăn.
Bạn không thể mời khách đến nhà để rồi chứng kiến nhà bạn là một mớ hỗn loạn. Họ sẽ không muốn trở lại dù được bạn mời đi chăng nữa.
Nếu thực sự muốn các doanh nghiệp lớn đến rồi ở lại, Việt Nam phải học để làm tốt hơn, dọn dẹp nhà cửa để đón khách. Đương nhiên việc muốn hay không lại là quyết định của Việt Nam.
Hiện nay Việt Nam có cách làm kinh doanh không giống ai, theo phương cách Việt Nam. Tiếp tục như thế, Việt Nam chỉ có thể làm việc với người Việt Nam mà thôi. Muốn làm ăn toàn cầu Việt Nam cần phải áp dụng cách thức làm ăn quốc tế.
Đơn cử Việt Nam hiện có hệ thống kế toán riêng không giống ai, thế giới nhìn vào không ai tin và không ai hiểu. Các doanh nghiệp làm mọi cách để trốn thế, tránh thuế với nhiều trò bịp. Doanh nghiệp lớn nhất là doanh nghiệp Mỹ không chấp nhận được lối làm ăn này.
Quy trình kế toán của Việt Nam cần được áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tương tự như vậy, hệ thống thu thuế, quy trình hải quan cũng cần cải thiện, áp dụng chuẩn quốc tế.
Thực ra, bước vào hội nhập, nước nào cũng có vấn đề riêng và họ đều phải học để làm tốt hơn. Không ai đòi hỏi Việt Nam thay đổi phong cách hay văn hóa của mình nhưng Việt Nam phải dọn nhà nếu muốn đón khách.
Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình. Một số nước đạt ngưỡng này đã tự hài lòng và ngừng thay đổi. Liệu Việt Nam sẽ như thế nào thực sự là một câu hỏi lớn. Liệu Việt Nam có thực sự muốn là con hổ tiếp theo của châu Á?
Không dễ dàng để trở thành Hàn Quốc, Singapore, nhưng nếu đó là mục tiêu thì Việt Nam cần phải bắt tay ngay từ bây giờ. Việt Nam cần hiểu và xác định rõ vị trí của mình ở đâu trong khu vực.
Nếu Việt Nam quyết định hài lòng với chỗ đứng hiện nay tôi cho không phải là quyết định sáng suốt khi các nước láng giềng vẫn đi nhanh. Mỹ muốn thấy một Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.
Muốn một Việt Nam mạnh
Hiện nay, Việt Nam cùng Mỹ đang đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Theo bà, cơ hội nào cho hợp tác hai nước từ TPP?
Việt Nam đã ngỏ ý muốn tham gia TPP cùng với Mỹ và một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác. Khác với việc tham gia WTO, khi Việt Nam phải chấp nhận luật chơi sẵn có, định chế sẵn có, các bạn sẽ cùng tham gia vào quá trình định hình nên khuôn khổ hợp tác mới này.
Một trong những điều ý nghĩa thiết thực cho Việt Nam và các nước khi tham gia TPP là cam kết hài hòa hóa thủ tục hải quan. Các nước đang thảo luận xây dựng một hệ thống quy trình hải quan chuẩn áp dụng chung cho tất cả các thành viên, tạo dễ dàng và minh bạch cho các nước. Nhờ đó, việc tham gia TPP sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong kinh doanh, tăng lòng tin của cộng đồng DN.
Quay lại quan hệ Việt - Mỹ nói chung, sau 15 năm bình thường hóa quan hệ, theo bà, hiện nay, mối quan hệ này đang ở vị trí nào?
Về chính trị ngoại giao quan hệ hai nước rất tốt. Có những bất đồng như dân chủ, nhân quyền, nhưng hai nước đã có thể vượt qua thông qua đối thoại thẳng thắn. Ngày càng nhiều các cuộc đối thoại ở các lĩnh vực khác nhau ở hai nước.
Để vượt qua những bất đồng sẽ cần thời gian và rất nhiều nỗ lực nhưng triển vọng hợp tác giữa hai nước rất sáng sủa. Tôi không thấy có vấn đề cản trở nào ở đó.
Khó khăn trong quan hệ Việt Mỹ chủ yếu là ở kinh tế, trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày. Người Việt Nam đừng hỏi tại sao doanh nghiệp Mỹ đến rồi đi hoặc không ở lại một khi không chỉ điều chỉnh mình.
Thời gian qua, Việt Nam đã đóng tốt vai trò tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Mỹ muốn đóng vai trò tốt hơn của ASEAN, APEC, là thành viên có trách nhiệm của khu vực và thế giới. Đương nhiên vẫn có một vài người Mỹ không thích Việt Nam nhưng họ chỉ là thiểu số. Phần lớn người dân, chính phủ và doanh nghiệp Mỹ tin tương lai Việt Nam có thể tốt hơn, mạnh hơn. Một Việt Nam thành công sẽ tốt cho tất cả.
Phương Loan
Tuần Việt Nam