Biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” lan rộng ra thế giới

11/10/2011 22:44
11-10-2011 22:44:56+07:00

Biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” lan rộng ra thế giới

Lượng người tham gia ban đầu chỉ vài ngàn nhưng về sau lên đến hàng chục ngàn, khởi đầu tự phát, thiếu sự tổ chức nhưng bùng phát và lan tỏa mạnh mẽ... Đó là một trong số những đặc điểm của phong trào “Chiếm lấy phố Wall” tại Mỹ, được đánh giá tương đồng với "Cuộc nổi dậy mùa xuân Ả rập", khiến các nước lo ngại.

Người dân Hongkong đeo mặt nạ, đổ ra đường kêu gọi tham gia cuộc biểu tình sẽ diễn ra vào ngày 15.10. Cuộc biểu tình tại Hong Kong được ảnh hưởng từ tinh thần của phong trào "Chiếm lấy phố Wall".

Sức sống mãnh liệt như "Mùa xuân Ả rập"

Giám đốc phòng Chính sách đối ngoại thuộc Trung tâm nghiên cứu của Quốc hội Iran, ông Mohammad Jamshidi viết trên báo Tehran Times rằng chính phủ phương Tây hi vọng làn gió của phong trào nổi dậy tại khối Bắc Phi - Trung Đông sẽ thổi sang hướng đông, nhưng rốt cuộc lại thổi ngược chiều, đến hướng tây. Điều này thể hiện rõ qua việc người dân biểu tình tại phố Wall đã ví nơi đây là một quảng trường Tahir (Ai Cập) của Mỹ.

Động cơ nổ ra phong trào “Chiếm lấy phố Wall” tại Mỹ thể hiện sự phản kháng với hiện thực bất công trong xã hội. Trang web "Chúng tôi là 99%" đăng tải cảm xúc của hàng ngàn người dân tầng lớp trung lưu phải huy động hết tất cả các khoản vay và thế chấp để được đi học, để có tiền mua nhà, họ làm việc hết mình với bất kỳ công việc nào có thể tìm thấy, và thường xuyên đối mặt với nạn thất nghiệp...

Một người biểu tình được phỏng vấn tại thành phố San Francisco (bang California, Mỹ) đã nói: "Chúng tôi không có một chính phủ vì nhân dân nữa". Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, không ứng viên đảng Cộng hòa hay Dân chủ nào có thể chiến thắng nếu không được sự ủng hộ của nhóm 1% dân số là các ông chủ ngân hàng và giới tài phiệt.

Người dân Mỹ trong cuộc biểu tình tại phố Wall chưa căm phẫn đến mức phải tự thiêu như anh thanh niên Mohamed Bouazizis ở Tunisia. Nhưng họ cảm thấy bị thất vọng, bị phản bội sau khi bầu lên một vị tổng thống đề cao sự thay đổi và hi vọng, mà rốt cuộc một điều thay đổi rõ ràng nhất là người giàu thì càng giàu hơn và số đông dân chúng thì nghèo đi.

Cũng như "Mùa xuân Ả rập", phong trào "Chiếm lấy phố Wall" bắt đầu từ một nhóm khoảng vài trăm người và liên tục tăng nhanh. Đến nay, biểu tình tại phố Wall đã có hơn 10.000 người tham dự, được đông đảo sinh viên và nhiều liên đoàn lao động lớn ủng hộ. Biểu tình không chỉ dừng lại ở phố Wall của thành phố New York mà nhanh chóng lan sang 10 thành phố lớn khác của Mỹ như Washington, Los Angeles, San Francisco... với tốc độ lan tỏa tựa như cháy rừng. Một số nhà phân tích cho rằng sự kiện này như một cái túi khổng lồ để công chúng Mỹ xả vào đó những oán thán chất chứa bấy lâu.

Một điểm tương đồng nổi bật khác là biểu tình tại phố Wall có sức trụ rất mạnh mẽ. Hơn bốn tuần đã trôi qua nhưng người biểu tình không có dấu hiệu giảm lửa. Truyền thông Mỹ lo ngại xảy ra các buộc bạo loạn tương tự trong "Mùa xuân Ả rập" sẽ xảy ra tại Mỹ. Thị trưởng thành phố New York, ông Michael Bloomberg đã lên tiếng cảnh báo về khả năng xảy ra những bất ổn trên đường phố. Đến nay đã có 700 người bị bắt trong cuộc biểu tình tại phố Wall. Nếu quan sát từ phong trào "Mùa xuân Ả rập" trong suốt 9 tháng qua sẽ nhận thấy mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn, đàn áp, hạ thấp tầm các cuộc biểu tình chỉ càng làm người dân có động lực và muốn bùng nổ hơn nữa.

Bài viết của học giả Vương Phi, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược thuộc Chương trình nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, trên Nhân dân Nhật báo, cho rằng biểu tình ở phố Wall là một sự mỉa mai dành cho chính quyền Mỹ. Nước Mỹ với tư tưởng bá quyền của mình đã cố gắng xây dựng lực lượng thân Mỹ và tăng cường thực hiện sáng kiến Đại Trung Đông, nêu cao tinh thần dân chủ tại khu vực này. Mà giờ đây, "Mùa xuân A rập" lại chính là nguồn cảm hứng cho sự nhiệt huyết những thanh niên Mỹ trong phong trào "Chiếm lấy phố Wall".

Phong trào chiếm lấy nhiều thành phố lớn

Mặc dù ở cách Phố Wall hơn 16.000km, nhưng anh chàng Alex Gard, 24 tuổi sống tại thành phố Melbourne của Úc, vẫn cảm nhận được cơn phẫn nộ của người dân trên đường phố khu Manhattan (New York, Mỹ). Gard là một trong những nhà tổ chức của sự kiện "Chiếm lấy Melbourne", một nhóm tự phát trên Facebok có kế hoạch biểu tình tại quảng trường thành phố vào ngày 15.10 tới. Hiện nhóm đã thu hút được 2.000 thành viên. Ngoài Melbourne, trên Facebook còn có những lời kêu gọi tương tự như "Chiếm lấy Brisbane", "Chiếm lấy Perth", "Chiếm lấy Sydney".

Áp-phích kêu gọi người Úc tham gia phong trào "Chiếm lấy Melbourne".

"Chúng tôi được truyền cảm hứng từ những gì xảy ra tại Phố Wall. Những người tổ chức các sự kiện tại Úc có liên lạc với nhau, nhưng không tổ chức một cách chính quy như ở Mỹ", Gard nói. Tại Melbourne, người biểu tình sẽ cắm trại qua đêm ngoài trời trong vài ngày. Mặc dù nền kinh tế Úc đã thoát khỏi gánh nặng của khủng hoảng tài chính 2008 - do doanh thu từ kinh doanh than đá và quặng sắt nhưng nhiều người dân trong nước cảm thấy không được cùng hưởng phần lợi nhuận đó. “Trong khi ngân hàng đạt mức lợi nhuận kỷ lục nhưng giá nhà đất thì liên tục tăng, dân địa phương bị di dời vì lợi ích của các công ty khai thác mỏ. Mọi thứ như sắp đạt đến điểm sôi", Gard nói.

Úc không phải là nước duy nhất được truyền cảm hứng từ phố Wall. Theo CNN, trên Facebook còn có những lời kêu gọi biểu tình toàn cầu đồng loạt vào ngày 15.10 tại 25 quốc gia, từ Hong Kong cho đến Buenos Aires (Argentina), từ Dublin (Ireland) cho đến Madrid (Tây Ban Nha). Một số trang chỉ có khoảng vài chục người xác nhận tham gia, trong khi nhều trang thì lên đến hàng chục ngàn. Đặc biệt là tại hai nước Ý và Tây Ban Nha, vốn đang ngâp tràn trong nợ nần và khủng hoảng tài chính, đã có số người đăng ký 20.569 và 42.410 người.

Trang Facebook có tựa "Chiếm lấy Sàn chứng khoán London", sàn giao dịch lớn thứ 4 thế giới", dự định sẽ tổ chức biểu tình tại quảng trường Paternoster (thủ đô London, Anh) từ ngày 15.10 đến 12.12. Hiện sự kiện này đã được 2.300 người xác nhận tham dự, 6.000 người theo dõi thông tin. "Chúng tôi đồng cảm với số 99% dân số của nước Mỹ. Tại sao giới ngân hàng thì cứ hưởng lợi, còn người dân thì phải gánh chịu hậu quả khủng hoảng mà họ không gây ra", nhà tổ chức James Alexander trả lời báo Telegraph (Anh).

Nam Liên (NYT, People Daily, Tehran Times, CNN)

Sài gòn tiếp thị



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98