Nợ khó đòi, ngân hàng bắt nhân viên chịu

22/02/2012 06:33
22-02-2012 06:33:08+07:00

Nợ khó đòi, ngân hàng bắt nhân viên chịu

Khách hàng không trả đủ nợ, ngân hàng quay sang đòi giám đốc chi nhánh đã ký cho vay nhưng tòa bác vì đây là trách nhiệm của khách hàng với ngân hàng.

Ngày 21-2, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại hơn 1 tỉ đồng của Ngân hàng A. với nguyên giám đốc một chi nhánh của ngân hàng là ông D. vì không có căn cứ.

Đòi nhân viên bồi thường

Theo hồ sơ, ngày 4-4-2008, ông D. ký duyệt cho Công ty P. vay 3 tỉ đồng. Khách hàng không trả tiền theo quy định, ngân hàng chấm dứt hợp đồng tín dụng trước thời hạn và kiện đòi thanh toán tiền vay, tiền lãi phát sinh. Ngày 21-7-2009, TAND TP.HCM chấp nhận yêu cầu của ngân hàng, buộc Công ty P. trả hơn 3,4 tỉ đồng.

Đến hạn, công ty không trả được nợ như bản án tuyên nên cơ quan thi hành án (THA) đã bán đấu giá tài sản thế chấp và trả cho ngân hàng hơn 1,8 tỉ đồng. Số nợ còn lại khách hàng không có điều kiện THA. Cho rằng ông D. với tư cách giám đốc chi nhánh đã tham khảo giá sai nên thẩm định giá tài sản thế chấp quá cao dẫn đến việc tài sản thế chấp đem bán không đủ để thu hồi nợ nên ngày 2-6-2011, ngân hàng đã kiện đòi ông D. bồi thường hơn 1 tỉ đồng (là số tiền mà khách hàng còn nợ).

Bị kiện, ông D. trình bày ông đã làm đúng thẩm quyền của mình. Tòa án đã buộc khách hàng trả cho ngân hàng tiền vốn và lãi. Nếu khách hàng không trả được, ngân hàng có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp để đảm bảo thu hồi nợ. Nếu đã phát mại tài sản rồi mà vẫn chưa đủ trả nợ, khách hàng có nghĩa vụ trả tiếp. Bản án của tòa đã xác định rõ trách nhiệm trả tiền cho ngân hàng là của Công ty P. chứ không phải trách nhiệm của ông.

Ông D. khẳng định không có văn bản nào quy định rõ việc giám đốc chi nhánh phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu để xảy ra nợ xấu, không thu hồi được nợ… Ông không gây thiệt hại, ngân hàng cho rằng ông tham khảo giá đất sai là không đúng, bởi giá đất mỗi năm mỗi khác. Mặt khác, ông vừa tìm hiểu thì được biết Công ty P. còn hoạt động và vừa vay được 20 tỉ đồng nên có khả năng trả nợ, ngân hàng không thể bắt ông bồi thường khoản tiền trên.

Phải đòi khách hàng

Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình nhận định số tiền mà ngân hàng yêu cầu ông D. phải bồi thường nằm trong số tiền mà TAND TP.HCM buộc Công ty P. trả cho ngân hàng. Cho đến nay bản án này vẫn còn hiệu lực thi hành, do đó việc ngân hàng cho rằng đây là khoản thiệt hại do ông D. gây ra là không có căn cứ.

Mặt khác, thời hiệu bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực lao động là trong thời hạn ba tháng, trường hợp đặc biệt không được quá sáu tháng. Trong vụ này, thời hiệu được tính từ ngày 4-4-2008 (ngày ký kết hợp đồng tín dụng cho vay 3 tỉ đồng). Nếu ngân hàng cho rằng ông D. vi phạm gây thiệt hại cho ngân hàng đến mức phải bồi thường thì đến ngày ngân hàng khởi kiện (2-6-2011) cũng đã hết thời hiệu.

Cuối cùng, tòa cho rằng số tiền ngân hàng chưa thu hồi được thuộc trách nhiệm trả nợ của Công ty P., không thuộc trách nhiệm của ông D.

Tòa tuyên phù hợp

Việc quy trách nhiệm cho người lao động trong trường hợp này không đúng. Nếu khách hàng không trả đồng nào, chẳng lẽ ông D. phải trả hết số nợ? Hoặc nếu tòa chấp nhận yêu cầu của ngân hàng, buộc ông D. bồi thường thì khi khách hàng trả đủ nợ, số tiền này sẽ tính sao? Trả cho ông D. cũng không được bởi đâu có bản án hay quyết định nào của tòa nói rằng cơ quan THA phải trả cho ông D. số tiền đó. Một nguyên tắc là một vụ việc chỉ giải quyết một lần. TAND TP.HCM đã giải quyết rồi, án đã có hiệu lực, các bên đương sự phải tuân theo quyết định của tòa. Nếu ngân hàng phát hiện khách hàng có tài sản thì báo THA chứ không thể quay qua đòi người lao động.

Luật sư TRỊNH CÔNG MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Phương Loan

PHÁP LUẬT TPHCM





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98