Sóng chưa lặng tại Sabeco

18/09/2012 08:46
18-09-2012 08:46:20+07:00

Sóng chưa lặng tại Sabeco

Giới quan sát cho rằng, sau động thái đổi tướng hồi giữa năm nay, Sabeco vẫn chưa thể lặng sóng.

Là doanh nghiệp sản xuất bia hàng đầu Việt Nam, đầu tư vào Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được đánh giá là rất hấp dẫn. Hiện có khoảng 5 tổ chức quan tâm đến việc trở thành nhà đầu tư chiến lược của tổng công ty này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, sau động thái đổi tướng hồi giữa năm nay, Sabeco vẫn chưa thể lặng sóng.

Chưa yên chuyện đại diện vốn

Sau IPO hồi năm 2008, Bộ Công Thương nắm quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty với tỷ lệ sở hữu 89,59% cổ phần. Tuy nhiên, vốn nhà nước tại đây có được bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hay không lại là câu chuyện đang tranh cãi. Tại một hội nghị có sự tham dự của các nhà đầu tư nước ngoài được tổ chức mới đây, một nhà đầu tư đã đặt câu hỏi với lãnh đạo SCIC và Bộ Tài chính, “Vốn nhà nước tại Sabeco sẽ do đơn vị nào quản lý?”. Thị trường rối bởi Bộ Công Thương cho rằng, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khi phê duyệt Đề án cổ phần hóa Sabeco, cơ quan này sẽ là đại diện vốn nhà nước. Trong khi đó, theo các quy định hiện hành, sau khi cổ phần hóa, vốn nhà nước sẽ được bàn giao về SCIC. Đã có không ít cuộc họp được tổ chức giữa các bên để phân định quyền hạn này, nhưng vấn đề chưa ngã ngũ.

Một lãnh đạo của Sabeco trao đổi với ĐTCK cho biết, với họ tổ chức nào là “mẹ” cũng như nhau, quan trọng là Nhà nước muốn ai quản lý. Hơn nữa, bản thân Tổng công ty cũng không phân định được quản lý vốn sẽ như thế nào, quản lý cái gì. Nếu về SCIC có những việc liên quan đến ngành nghề thì cơ quan này lại không nắm, còn ở Bộ Công Thương dư luận lại cho rằng, cơ quan chủ quản (vốn đang chịu trách nhiệm quản lý thị trường bia) “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Một nhà đầu tư nước ngoài từng là cổ đông của Sabeco nhận xét, Sabeco kinh doanh rất tốt nhưng quản trị chưa ổn. Mà một trong những nguyên nhân là Bộ Công Thương thọc tay rất sâu vào tình hình hoạt động của Công ty. Ông Nguyễn Bá Thi, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco, người bị bãi miễn chức vụ hồi giữa năm nay, trả lời trên Báo Doanh nhân đã nói: “Bộ Công Thương dùng quyền quản lý nhà nước của mình can thiệp quá sâu vào hoạt động của Sabeco. Chẳng hạn, quy định bộ phận quản lý vốn nhà nước phải thống nhất tuyệt đối mới được thông qua HĐQT, cử nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra vào thanh tra tại Sabeco mà không xử lý dứt điểm, không phân xử kịp thời, minh bạch những vấn đề thiếu thống nhất trong bộ phận quản lý vốn nhà nước…”.

Ban lãnh đạo mới của Sabeco cũng thừa nhận, “các quy định về cổ đông nhà nước chiếm cổ phần chi phối còn nhiều nội dung chưa rõ ràng cũng làm cho hoạt động của Sabeco thiếu tính linh hoạt cần thiết”.

Hoạt động của HĐQT Sabeco, do vậy, nghiêng nhiều về sự vụ điều hành, “quá nhiều lần lấy ý kiến thành viên HĐQT để xử lý vụ việc, các nghị quyết chưa thể hiện chiến lược, thiếu hoạch định kế hoạch mục tiêu dài hạn”, đại diện Ban Kiểm soát Sabeco nhận xét.

Niêm yết: bao giờ?

Khi IPO vào năm 2008, các nhà đầu tư được Sabeco hứa hẹn sẽ niêm yết cổ phiếu sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần. Tuy nhiên, gần 4 năm trôi qua, lời hứa này chưa thành hiện thực. Tại ĐHCĐ 2012 của Sabeco, vấn đề này lại được xới lên khi cổ đông chất vấn, “Bao giờ Sabeco sẽ lên sàn?”. Trong báo cáo của Ban điều hành, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Sabeco cho biết, sẽ lựa chọn đối tác chiến lược và thực hiện giảm phần vốn nhà nước xuống 51% theo Đề án cổ phần hóa Tổng công ty đã được Chính phủ phê duyệt để tiến tới lên sàn giao dịch chứng khoán vào đầu năm 2013.

Trả lời cổ đông, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco nói: “Tổng công ty sẽ triển khai kế hoạch để tiến hành niêm yết cổ phiếu Sabeco ngay sau khi cổ đông nhà nước bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược”.

Tuy nhiên, bao giờ Sabeco sẽ chọn được nhà đầu tư chiến lược? Bản thân lãnh đạo Tổng công ty thừa nhận, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả do những khó khăn của tình hình chung, chỉ đạo của cấp trên cũng như của bản thân các đối tác được lựa chọn để đàm phán. Một nguồn tin của ĐTCK cho hay, hiện có 5 nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco. Như vậy, đặt chân được vào Tổng công ty để đầu tư chiến lược ở thời điểm này cũng không dễ.

Trong khi đó, Ban Kiểm soát Sabeco lại có quan điểm khác. Họ cho rằng, cần xúc tiến ngay kế hoạch niêm yết cổ phiếu Sabeco trên Sở GDCK TP. HCM nhằm minh bạch hóa thông tin, nâng cao chất lượng quản trị điều hành, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và chuyên nghiệp hóa hệ thống quản trị điều hành công ty. Thông qua TTCK, Tổng công ty có thể dễ dàng thực hiện thoái vốn nhà nước, thuận lợi cho việc bán bớt phần vốn nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược theo yêu cầu của Chính phủ.

Không rõ Sabeco sẽ đi theo con đường nào, song nhận xét một cách khách quan, Tổng công ty chưa thực hiện tốt chế độ công bố thông tin, chậm và thiếu thông tin cung cấp cho cổ đông. Truy cập website của Sabeco, đến thời điểm này không hề có BCTC các kỳ, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 cũng không có.

Đầu tư “ngược”

Sabeco hiện là doanh nghiệp bia hàng đầu Việt Nam. Năm 2012, Tổng công ty đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1,250 tỷ lít, doanh thu 24.919 tỷ đồng, tăng 12% so với năm ngoái; lợi nhuận trước thuế 3.106 tỷ đồng, tăng 4% so với năm ngoái. Con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy vậy, thị trường bia đang có dấu hiệu cung vượt cầu, ngoài ra, tới đây Nhà nước sẽ ban hành một số quy định hạn chế tiêu dùng bia…, thì Sabeco lại có kế hoạch đầu tư rất lớn. Năm 2011, Sabeco đã hoàn thành dự án nâng công suất Nhà máy Bia Sài Gòn - Củ chi lên 264 triệu lít/năm và chính thức đưa vào sử dụng. Song Tổng công ty còn một loạt dự án đang dở dang, đơn cử như Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, công suất 50 triệu lít/năm, dự kiến đưa vào hoạt động quý IV/2012; Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận, công suất 50 triệu lít/năm, khởi động năm 2012, dự kiến hoàn thành quý IV/2013; Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn - Vĩnh Long, công suất 200 triệu lít/năm, giai đoạn 1 là 100 triệu lít/năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2012 đến năm 2014. Dự án đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng làm việc, khu trung tâm thương mại tại số 6, Hai Bà Trưng, TP. HCM...

Bản thân Ban điều hành Sabeco đánh giá: “Sự xuất hiện của các hãng bia nước ngoài làm thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Thị phần các sản phẩm bia của Sabeco đang có chiều hướng bị thu hẹp lại. Bên cạnh đó, việc Sabeco sản xuất bia tại 25 nhà máy trên toàn quốc dẫn đến khó khăn trong công tác điều tiết sản phẩm”. Nhận định tình hình thị trường như vậy, song kế hoạch đầu tư đầy tham vọng của Sabeco khiến nhiều cổ đông rất băn khoăn và chất vấn Ban lãnh đạo Tổng công ty “Tại sao cung đang vượt cầu mà Tổng công ty lại đầu tư dàn trải”?

Một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn luôn đạt mức cao 30 - 37% là địa chỉ hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Nhưng từ bản thân Sabeco có nhiều câu hỏi khó trả lời, khiến công chúng đầu tư luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm với doanh nghiệp này.

Thế Phong

đầu tư chứng khoán



MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

IPA rót 850 tỷ đồng vào công ty liên quan Trung Nam, dự phòng 474 tỷ đồng với CRE

Ba tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Đầu tư I.P.A (HNX: IPA) thuộc hệ sinh thái của VNDirect đã chi ra 850 tỷ đồng để sở hữu 9.36% vốn của CTCP Năng lượng Tái tạo Trung...

Lộc Trời lên tiếng về lùm xùm nợ hàng trăm tỷ tiền mua lúa của nông dân

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) lên tiếng về lùm xùm nợ tiền mua lúa của nông dân, nhấn mạnh sẽ chấp nhận bán lúa giá thấp để nhanh chóng trả nợ. LTG cũng chấp...

Hoạt động tài chính giúp CEO thoát cảnh đi lùi

Doanh thu tài chính gấp 4 lần và chi phí lãi vay chỉ bằng 1/3, tạo điều kiện không thể thuận lợi hơn để CEO lãi ròng 36 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 26% so với...

Thời tiết nóng đột biến, doanh nghiệp bán máy lạnh báo lãi tăng 80% trong quý 1

Với doanh nghiệp chuyên bán máy lạnh như CTCP Tập đoàn Nagakawa (HNX: NAG), thời tiết nóng bức chính là chất xúc tác tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi.

Viglacera dự kiến cho thuê 173ha đất KCN năm 2024, lãi ròng quý 1 tăng nhẹ

Năm 2024, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC) đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với chỉ tiêu lãi trước thuế 1,110 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2023; dự kiến...

MWG đồng loạt giải thể 2 công ty con trong mảng nông sản và kho vận nhằm tối ưu vận hành

Ngày 08/05, HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) thông qua quyết định giải thể 2 công ty con là CTCP 4K Farm và CTCP Logistics Toàn Tín, với lý do tái cơ...

HAG đặt kế hoạch lãi sau thuế 2024 đi lùi, nguồn thu chủ lực từ cây ăn trái

Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên 2024, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HOSE: HAG) đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng 20%, chủ lực tới từ cây ăn trái. Song, lãi sau...

Chưa hết khó khăn, Xi măng Bỉm Sơn nối dài chuỗi thua lỗ

CTCP Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) cho biết nhu cầu sử dụng xi măng bao đang dần thấp hơn xi măng rời, tiếp tục làm giảm lợi thế và thương hiệu xi măng của Công ty...

Bầu Đức bán Bệnh viện cho ai?

Cuối năm 2023, bầu Đức cho biết chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ gốc trái phiếu, chính thức loại bỏ...

ACV sẽ vay 1.8 tỷ đô để đầu tư dự án sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) dự kiến vay 1.8 tỷ USD từ ba ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV để tài trợ cho dự án sân bay...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98