Cuộc "đại tu" hệ thống ngân hàng bước đầu thành công

21/11/2013 14:32
21-11-2013 14:32:04+07:00

Cuộc "đại tu" hệ thống ngân hàng bước đầu thành công

Nhìn lại hai năm trước đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam được nhiều chuyên gia ví von như một cỗ máy hoạt động quá công suất trong một thời gian dài và đến lúc cần bắt tay vào cuộc "đại tu."

Sau gần hai năm thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, ngành Ngân hàng Việt Nam dường như đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ tái cơ cấu sở hữu và tư cách pháp nhân của những ngân hàng cổ phần yếu kém, các công ty tài chính và cho thuê tài chính.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến của các đại biểu cũng đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ thời gian gần đây của Ngân hàng Nhà nước và coi kết quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại là điểm sáng trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng

Sáp nhập, hợp nhất, mua lại không còn là những khái niệm mới đối với cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tín dụng Việt Nam. Từ góc độ quản lý Nhà nước, đây là yếu tố giúp hình thành nên những định chế tài chính lớn hơn, mạnh hơn, có khả năng trụ vững trong một môi trường cạnh tranh ngày một khốc liệt, qua đó lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng.

Đi đầu trong công cuộc “hợp hôn” với Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) hơn một năm về trước, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đang khẳng định là một trong những định chế tài chính vững mạnh sau sáp nhập.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB nhìn nhận, SHB đã tăng được quy mô hoạt động kinh doanh; trong đó tăng vốn điều lệ, thị phần, khách hàng cũng như mạng lưới hoạt động. Cũng sau sáp nhập, toàn bộ hệ thống của SHB đã hoạt động minh bạch, an toàn và đang phát triển đúng định hướng, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu.

“Có thể khẳng định, SHB đang trở thành một định chế tài chính lớn, lành mạnh trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc cơ cấu ngành ngân hàng đặc biệt là sáp nhập và hợp nhất là chủ chương đúng đắn và là xu thế tất yếu,” ông Nguyễn Văn Lê đánh giá.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo và tiến hành các biện pháp tái cơ cấu đối với 9 ngân hàng Thương mại cổ phần yếu kém, đồng thời giám sát và chỉ đạo sát sao quá trình tái cơ cấu tại những ngân hàng này.

Đến nay, tiền gửi và tài sản của cá nhân và doanh nghiệp tại những tổ chức tín dụng thuộc diện tái cơ cấu đều được bảo đảm an toàn, lượng tiền gửi đã tăng đáng kể, nợ xấu giảm dần cả về tỉ trọng tương đối và con số tuyệt đối, nhiều sai phạm đã được khắc phục, tình hình hoạt động đã được cải thiện một bước.

Hầu hết các ngân hàng đã có định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng trong dài hạn và xây dựng lộ trình áp dụng quy trình quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh các biện pháp giải thể, sáp nhập để tiết giảm chi phí hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nỗ lực thực hiện các bước cải cách tiếp nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và đặc biệt là tăng cường tính minh bạch và giám sát, xử lý vấn đề sở hữu chéo, góp phần kiểm soát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Kiên quyết áp dụng Thông tư 02/2013/TT-Ngân hàng Nhà nước từ tháng 6/2014 tới đây, buộc các tổ chức tín dụng phải phân loại nợ một cách chính xác, đồng thời xây dựng hệ thống quản trị mới theo hướng phù hợp dần với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Cùng với tái cấu trúc ngân hàng thông qua mua bán, sáp nhập, vấn đề xử lý nợ xấu cũng là nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu vì nó nằm trong cấu phần tăng năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng. Ngành ngân hàng đã chủ động triển khai các biện pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, nâng cao chất lượng tín dụng đồng thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau những nỗ lực liên tục của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan, Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC) đã được hình thành và bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2013. Tính đến ngày 18/11/2013, VAMC đã nhận hồ sơ từ 25 tổ chức tín dụng đề nghị bán nợ xấu. Trong số này, VAMC đã mua được 17.300 tỷ đồng nợ xấu tính trên giá trị sổ sách từ 20 tổ chức tín dụng. Giá trị các khoản nợ VAMC đứng ra mua và phát hành trái phiếu khoảng 13.700 tỷ đồng.

Với việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đang được ví như “bệnh viện” chữa trị căn bệnh nợ xấu góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang khẩn trương hoàn thiện những thủ tục pháp lý cần thiết để hình thành thị trường mua bán nợ tập trung, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào việc mua bán nợ, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Cần quyết liệt hơn nữa

Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam đang được đánh giá tiến triển tích cực theo đúng lộ trình đề ra. Điều này cho phép hy vọng ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ thực hiện thành công những mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, nền tảng để toàn hệ thống phát triển bền vững, an toàn trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quá trình tái cấu trúc mặc dù đúng hướng nhưng mới chỉ là thành công bước đầu bởi những biện pháp vừa qua chưa đủ mạnh, chưa đủ sức để có tác động mạnh hơn tới quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Cụ thể, cốt lõi của vấn đề là giải quyết nợ xấu và tăng cường năng lực quản trị điều hành sau tái cơ cấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, về cơ bản lộ trình tái cấu trúc hệ thống của Ngân hàng Nhà nước là đúng hướng, tuy nhiên có một số vấn đề chưa được như chúng ta mong đợi như tiến độ xử lý ngân hàng yếu kém vẫn chậm khi đáng lẽ phải xử lý dứt điểm.

Vấn đề nợ xấu vẫn còn nhiều rào cản, tăng trưởng tín dụng chưa đạt mục tiêu mong muốn. Vì vậy, vị chuyên gia này khuyến nghị, có một số điều ngành ngân hàng phải làm mạnh mẽ hơn trong thời gian tới như xử lý nợ xấu phải nhanh hơn, sở hữu chéo quyết liệt hơn và truyền thông cũng phải tốt hơn để tạo ra sự đồng thuận, đồng bộ hơn nữa của nhân dân và doanh nghiệp.

Thực tế, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn là một trở lực lớn cho hệ thống ngân hàng trong công cuộc “đại tu” này. Thị trường bất động sản bị đóng băng quá lâu, các thủ tục pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo rườm rà… đã khiến tốc độ xử lý nợ xấu chậm và kéo dài.

Bên cạnh đó, vấn đề sở hữu chéo còn phức tạp, quản trị ngân hàng và quản trị rủi ro còn hạn chế.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, thách thức trong thời gian tới đối với hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng còn khá lớn. Để việc triển khai tái cấu trúc thời gian tới thành công, cần khoanh vùng tiến hành điều tra toàn diện về cơ cấu sở hữu ngân hàng và có lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo.

Trong bài phát biểu của mình trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tự nguyện, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, xử lý nợ xấu và vấn đề sở hữu chéo, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức phi ngân hàng.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số tổ chức tín dụng yếu kém và đưa vào diện tái cơ cấu nhằm xử lý dứt điểm, cơ bản những tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2013 theo đúng mục tiêu và lộ trình đề ra. Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận được 24/25 phương án tái cơ cấu của các ngân hàng thương mại cổ phần và đang khẩn trương phê duyệt các phương án tái cơ cấu; đồng thời chỉ đạo các ngân hàng bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung, đảm bảo những yêu cầu của Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngân hàng Nhà nước còn tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng Việt Nam, nhất là tổ chức tín dụng yếu kém nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu những tổ chức này.

Đỗ Huyền

vietnam+





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ứng dụng ngân hàng số cho doanh nghiệp - SeAMobile Biz của SeABank được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê

Vừa qua, tại Lễ vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, SeAMobile Biz - ứng dụng...

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất...

Quý 1/2024 - Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận tăng hơn 30%

Ngày 26/04, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – Mã NAB) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với nhiều kết quả tăng trưởng tích cực, lợi nhuận trước thuế đạt gần...

Chuyển đổi số ngân hàng: Nhân tài và tư duy số là thách thức

Chuyên gia đến từ các ngân hàng đều đồng ý rằng con người và tư duy số là những yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của bất kỳ tổ chức nào.

Kết thúc quý 1, TPBank báo lãi hơn 1,800 tỷ đồng

Với nền tảng tài chính vững chắc, cùng sự nhạy bén trên thị trường, kết thúc quý 1/2024, TPBank thu về hơn 1,800 tỷ đồng, chốt lời tốt ở mảng đầu tư chứng khoán.

Sau ĐHĐCĐ, VietABank chia cổ tức 39% và đưa cổ phiếu VAB niêm yết trên sàn HOSE hoặc HNX

Ngày 26/4/2024, tại Hà Nội, VietABank đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. ĐHĐCĐ đã thảo luận và thông qua báo cáo kết quả kinh...

Tỉ giá lại có diễn biến mới

Trong khi giá USD ngân hàng lao dốc mạnh thì trên thị trường tự do lại nhảy vọt.

NHNN đề xuất chứng chỉ tiền gửi được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam 

Tại dự thảo Thông tư quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đề...

Hơn 77% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng

Ngày 25/04/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024. 

Xếp hạng tín nhiệm của VPBank duy trì ở mức Ba3, triển vọng ổn định

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Ratings (Moody’s) mới đây đã công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng ổn định, cho Ngân hàng TMCP Việt Nam...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98