Việt Nam có thực tâm muốn cải cách?

26/12/2013 13:53
26-12-2013 13:53:05+07:00

Việt Nam có thực tâm muốn cải cách?

"Không ai có thể bắt một đất nước có chủ quyền mạnh như Việt Nam phải cải cách được. Vấn đề cuối cùng là thực tâm có muốn cải cách hay không thôi", ông Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm.

* Kinh tế Việt Nam đang ở ngã ba đường

Liệu có thể yên tâm rằng, hội nhập là con đường vòng để tháo gỡ những nút thắt khó khăn hiện nay? So với láng giềng, Việt Nam đang ở đâu? Tuần Việt Nam giới thiệu phần tiếp theo cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhà nghiên của Viện Rajawali về châu Á thuộc trường Harvard Kennedy.

Ông Nguyễn Xuân Thành.

Nợ xấu là vấn đề lớn nhất

Trong bối cảnh hiện nay, ông có cho rằng hội nhập sẽ góp phần cải cách nền kinh tế Việt Nam? Khi gia nhập WTO ta cũng có nhiều hy vọng như vậy song thực tế nhiều cam kết WTO vẫn chưa được thực hiện?

- Thực ra quan điểm và kỳ vọng đó cũng không hoàn toàn đúng vì chưa có cơ sở. Không ai có thể bắt một đất nước có chủ quyền mạnh như Việt Nam phải cải cách được.

Vấn đề cuối cùng là thực tâm có muốn cải cách hay không thôi.

Đương nhiên, cái gì cũng cần có điều kiện và cái giá của nó.

Có nhiều đặc điểm tương đồng với Việt Nam, nhưng công cuộc cải cách của Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ hơn. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Bản chất của vấn đề này là lợi ích và chi phí từ chính những người làm chính sách. Đó là cán cân để họ lựa chọn.

Nếu lợi ích của việc thay đổi chính sách thấp hơn chi phí thì người làm chính sách sẽ nghiêng về lợi ích. Trung Quốc đã cải cách mạnh mẽ bởi họ thấy rõ tầm quan trọng mà cải cách sẽ mang lại. Việt Nam thì nhìn nhận khác, thấy rõ lợi ích của cải cách nhưng chi phí quá lớn nên e dè!

Ông có thể giải thích rõ hơn?

- Tôi nói thẳng nhé: vấn đề lớn nhất hiện nay là nợ xấu của các ngân hàng. Trước mắt phải xử lý nợ xấu, sau đó về lâu dài phải xử lý vấn đề sở hữu chéo, xây dựng hệ thống giám sát bảo đảm sự hoạt động an toàn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Làm rốt ráo thì nợ xấu giảm đi, ngân hàng mạnh lên, sẽ tiếp tục cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng Chính phủ đã tuyên bố không bỏ tiền nhà nước ra xử lý thì lấy đâu để giải quyết vấn đề vướng mắc của ngân hàng hiện nay?

Chúng ta hãy xem nhiều nước xử lý vấn đề này, ví dụ Hoa Kỳ.

Là đất nước có nền kinh tế thị trường mạnh, sở hữu nhà nước rất thấp nhưng khi hệ thống ngân hàng đổ vỡ, Chính phủ Hoa Kỳ bỏ tiền ra xử lý dù nợ xấu do các ngân hàng tư nhân gây ra. Đấy là bỏ ra chi phí để đạt được lợi ích lâu dài.

Trong khi đó, ở Việt Nam, Chính phủ không chấp nhận trả mức chi phí đó nên ngân hàng phải tự cứu lấy mình. Ngân hàng giữ lại nợ xấu đó để xử lý dần dần. Làm như vậy thì mất thời gian chứ không thể nhanh được?

Thứ hai là cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Ai cũng biết DNNN hoạt động không hiệu quả. Ở đây có sự mâu thuẫn rất lớn: trong thời kỳ kế hoạch tập trung thì quản lý rất chặt chẽ. Ông giám đốc không có quyền gì cả, chỉ biết nhận vật tư và sản xuất theo số lượng được giao. Sản phẩm làm ra có người đến lấy. Chuyển qua cơ chế thị trường, trao cho ông giám đốc quyền tự chủ thì lẽ ra phải được tự chủ đầu tư, kinh doanh chứ. Nhưng đến khi kinh doanh sai, đầu tư ra ngoài không hiệu quả, rồi để tham những dẫn đến đổ bể thì bảo là "buông lỏng quản lý"?

Làm sao ông Bộ trưởng có thể giám sát được tất cả hoạt động của một tập đoàn? Ngay cả ông Chủ tịch tập đoàn và ông Tổng giám đốc cũng không thể biết hết các công ty con của mình làm ăn ra sao. Không thể lúc nào cũng giám sát hết được và không thể mọi cái đều duyệt, đều phải đi xin phép được. Lẽ ra DN phải hoạt động theo tín hiệu của thị trường và chịu sự giám sát của thị trường.

Tôi không chỉ định anh làm dự án này hay dự án kia; không buộc ngân hàng phải cho anh vay. Anh cứ làm như một DN bình thường. Các ngân hàng sẽ thẩm định để cho vay.

Nhưng ta không làm đựoc điều đó. Về bản chất, nhà nước vẫn muốn dùng DNNN là công cụ của chính sách.

Tư duy này đến nay vẫn chưa thay đổi được, đúng hơn là chưa muốn thay đổi.

Ở các nước vẫn có DNNN nhưng họ không dùng DNNN là công cụ điều chỉnh chính sách vĩ mô. Nên khi cần cải cách họ làm rất dễ dàng.

Đầu tư công cũng như vậy. Ai cũng biết hai tỉnh nằm cạnh nhau thì không việc gì phải cần hai cái sân bay hoặc hai cảng biển. Đây là lợi ích. Nếu phối hợp lại chúng ta sẽ loại bỏ được nhiều dự án lãng phí, như thế sẽ mang lại lợi ích lớn cho quốc gia vì tiết kiệm được nhiều tiền. Nhưng chi phí mất đi là không có tiền cho các đơn vị thực hiện dự án! Vậy là người ta cứ thế làm.

Chuyện cải cách thể chế cũng như vậy. Luật đất đai có nhiều bất cập, nói rất nhiều nhưng đưa lên bàn cân thì chi phí vẫn lớn hơn lợi ích cho nên khó thay đổi.

Nhưng, tôi vẫn muốn nhắc lại, là nền kinh tế Việt Nam vẫn có tính năng động đặc biệt, không những không đổ vỡ mà còn tiếp tục tăng trưởng dù là chậm! Chính điều đó khiến áp lực thay đổi, áp lực cải cách chưa đủ mạnh.

Myanmar còn phải học Việt Nam nhiều

Nhìn qua láng giềng gần trong ASEAN, hiện có Myanmar đang được xem là "ngôi sao" cải cách được chú ý. Theo ông họ đã có bước đi như thế nào?

- Phải thận trọng khi nói về Myanmar. Họ khác với Việt Nam là cải cách chính trị trước. Nhìn vào thấy như vậy nhưng bên trong còn rất nhiều vấn đề.

Hiện tôi đang làm việc bên Myanmar và tôi đã nghiên cứu quan sát nhiều ở đây. Myanmar đang phải đối phó với thách thức còn nhiều hơn ở Việt Nam. Sự trì trệ còn nhiều hơn. Myanmar đang như Việt Nam vào thời kỳ bắt đầu đổi mới những năm cuối thập niện 80 và đầu 90.

Điều khác nhau là khi Việt Nam bắt đầu đổi mới thì chưa có tầng lớp đại gia và nhóm lợi ích. Còn Myanmar chưa đổi mới đã có tầng lớp này khá mạnh.

Những chính sách phát triển kinh tế của họ có rất nhiều trục trặc và đang ở tầm khác xa Việt Nam mà họ đang phải học tập Việt Nam rất nhiều. Việt Nam đang có quá nhiều khu công nghiệp còn Myanmar đang xoay xở làm thế nào để có được khu chế xuất như Tân Thuận của Việt Nam.

Việt Nam đã có điện lưới quốc gia còn Myanmar chưa, nông dân còn thắp đèn. Xay lúa còn chạy máy phát điện chạy bằng dầu diesel. Trong sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa của nông dân Myanmar chỉ bằng ½ năng suất lúa của nông dân Việt Nam.

Nếu so sánh thì nên so sánh Việt Nam với Thái Lan và Trung Quốc.

Trở lại những vấn đề của Việt Nam, ông có dự cảm gì hoặc dự báo tình hình gì ở Việt Nam trong năm 2014?

- Nếu nhìn về trung hạn thì trong năm 2014 tăng trưởng kinh tế vẫn thấp. Kỳ vọng xuất hiện sự tăng trưởng nhanh chưa có.

Nhưng về điều tiết vĩ mô sẽ kỳ vọng có một số thay đổi như sự nới lỏng có giới hạn. Chính phủ đã đề nghị Quốc hội nới lỏng trần bội chi, phát hành trái phiếu. Chính sách tiền tệ có sự hỗ trợ một phần việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng...

Tức cũng là "tinh chỉnh" chính sách vĩ mô trong bối cảnh cần tái cấu trúc một cách mạnh mẽ.

Xin cảm ơn ông!

Duy Chiến(thực hiện)

Tuanvietnam







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Áp lực lạm phát lên chính sách chưa cao và sẽ giảm dần

Mức tăng CPI tuy gần chạm mốc 4,5% mục tiêu, nhưng không quá tiêu cực và áp lực đối với chính sách, bao gồm chính sách tiền tệ, sẽ giảm dần từ quý III/2024.

"Nhiệm vụ của vùng Đông Nam Bộ cao hơn nhiệm vụ của 5 vùng khác của cả nước"

Thủ tướng chỉ đạo, Hội nghị tập trung rà soát các công việc, nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện quy hoạch, để triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai là hết sức quan trọng

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, các bộ, ngành có liên quan đang khẩn trương, gấp rút chuẩn bị và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất để Luật Đất đai...

Họp báo Chính phủ: Kết quả 4 tháng đầu năm tốt hơn cùng kỳ

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định tình hình KTXH tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực. Nhìn chung 4 tháng đầu năm 2024...

Thủ tướng yêu cầu không tăng giá vào thời điểm tăng lương

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương mới từ 1-7-2024, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng tích cực

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô 4 tháng cơ bản ổn định, nền kinh tế...

Chính phủ yêu cầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong mọi tình huống

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa thế giới và trong nước, chủ động thực hiện theo...

Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động

Sau khi miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ, Quốc hội phân công Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động.

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ

Chiều ngày 2/5, kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV đã diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội để xem xét nội dung công tác nhân sự.

PMI tháng 4/2024: Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản suất tăng mạnh trở lại

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index (PMI) - ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98