Quý I/2014, cho phép doanh nghiệp Nhà nước bán vốn lỗ

15/01/2014 16:19
15-01-2014 16:19:57+07:00

Quý I/2014, cho phép doanh nghiệp Nhà nước bán vốn lỗ

Đại diện Bộ Tài chính cho hay, dự kiến quý I/2014, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết cho phép DNNN được bán vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá, nhằm thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Nhiều khoản đầu tư “tồn kho”

Cập nhật kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đến nay cho thấy, các khoản đầu tư bán được bằng mệnh giá, có nghĩa là bảo toàn được vốn, đã được bán. Các khoản “tồn kho” còn lại, họ đang bế tắc khi thoái vốn, do không bảo toàn được vốn.

Sau khi hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại nhiều DN như: Tổng CTCP Bảo hiểm SHB -Vinacomin, CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV, CTCP Bảo hiểm Hàng không…, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (ThanVinacomin - TKV) cho biết, TKV đang gặp khó khi thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHBS), CTCP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà… Nguyên nhân do khó tìm kiếm đối tác chấp nhận mua ít nhất là bằng mệnh giá, có nghĩa là đáp ứng được đòi hỏi của TKV là bảo toàn được vốn.

Một “ông lớn” khác cũng đang bế tắc trong nỗ lực hoàn tất thoái các khoản vốn đầu tư ngoài ngành là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Trong năm qua, sau khi thất bại trong bán toàn bộ 2,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,13% vốn tại CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, do thị giá cổ phiếu giảm dưới mệnh giá quá sâu, trong khi giá chuyển nhượng mà Vinachem đưa ra là tối thiểu 10.600 đồng/CP, đến nay Vinachem chưa có cách nào thoái được khoản vốn đầu tư này.

Thực tế trên cho thấy, nếu không có cơ chế cho phép DNNN được bán vốn dưới mệnh giá khi CPH hoặc thoái vốn ngoài ngành, thì mục tiêu buộc các DN này phải hoàn tất CPH, thoái vốn đầu tư trước năm 2015 như yêu cầu của Chính phủ sẽ khó đạt được.

Sắp có hướng gỡ tắc

Quan điểm DNNN bán vốn dưới mệnh giá là không bảo toàn được vốn, theo các chuyên gia, cần được nhìn nhận lại cho phù hợp hơn với bối cảnh thị trường hiện tại. Trên thực tế, các khoản đầu tư ngoài ngành của DNNN thực hiện ở những thời điểm thị giá cổ phiếu cao hơn mệnh giá nhiều lần. Nay do diễn biến thị trường, giá trị các khoản vốn đầu tư này sụt giảm mạnh. Đặt trong bối cảnh cụ thể này, nếu không cho phép DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá, thì vừa không giải tỏa được bế tắc cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành, vừa khiến các khoản vốn đầu tư của DNNN có nguy cơ lỗ nhiều hơn, thậm chí mất vốn. Do đó, để khắc phục tình trạng này, việc cho phép DNNN được bán vốn theo giá thị trường ở từng thời điểm cụ thể là cần thiết.

Không dưới một lần lãnh đạo Chính phủ đã nhắc tới chủ trương cho phép DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá. Tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương bàn giải pháp phát triển kinh tế năm 2014 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung cơ chế: đối với các khoản đầu tư ngoài ngành đang lỗ và càng kéo dài quá trình thoái vốn càng lỗ, làm mất vốn lớn, thì cho phép bán dưới giá trị đầu tư ban đầu để thu hồi vốn...

Để cụ thể hóa chủ trương bán vốn theo giá thị trường, chứ không thể duy trì cách bán như lâu nay là bán theo giá chủ quan của DN, dẫn đến thất bại khi thoái vốn, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai tái cơ cấu DNNN, trong quý I/2014. Ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, trong đó quy định cụ thể cơ chế cho phép DNNN được bán vốn dưới mệnh giá…

“Khi cơ chế mới này được triển khai, cùng với diễn biến TTCK đang khởi sắc trở lại, sẽ tạo đột phá trong thúc đẩy CPH và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, qua đó đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN”, ông Tiến dự báo.

“Không có sự lựa chọn nào khácngoài cho phép DNNN thoái vốn lỗ”

TS. Cao Sỹ Kiêm - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Kinh tế vĩ mô khó khăn khiến nhiều DN không những khó đứng vững, mà còn phải giải thể, phá sản trong năm 2013. Thực tế này khiến cho giá trị các khoản vốn đầu tư ngoài ngành của nhiều DNNN sụt giảm, thậm chí giảm mạnh, trong đó không loại trừ có những khoản có nguy cơ mất vốn. Trong bối cảnh này mà tiếp tục kéo dài quá trình thoái vốn với hy vọng bảo toàn được vốn, thậm chí có lãi là không thực tế. Nói cách khác, nếu vẫn kéo dài tình trạng này, thì không những tiếp tục đẩy quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành rơi vào bế tắc, mà còn khiến cho các khoản đầu tư này đối mặt với nguy cơ lỗ, thậm chí mất vốn cao hơn. Đừng quên chi phí cơ hội không nhỏ khi tiếp tục kéo dài quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Thực tế, một lượng vốn không nhỏ đang nằm “chết” ở các khoản đầu tư ngoài ngành. Nếu các DNNN thoái vốn sớm, thì trước mắt tuy là lỗ, nhưng khoản vốn thu hồi được sớm để đưa vào đầu tư các dự án, triển khai các hoạt động kinh doanh khác hiệu quả hơn, thì rất có thể không chỉ dần bù đắp được số lỗ do thoái vốn, mà còn tạo thêm công ăn việc làm, kích thích sản xuất phát triển…

Thực tế đang cho thấy, không có sự lựa chọn nào khác ngoài sớm cho phép DNNN được thoái vốn lỗ, theo mức giá do thị trường định đoạt. Chỉ có cơ chế này mới sớm chấm dứt được tình trạng các DNNN đầu tư ngoài ngành, qua đó giảm thiểu rủi ro cho đồng vốn nhà nước đầu tư vào khu vực DN này.


“Cần sớm cho phép DNNN thoái vốn theo giá thị trường”

TS. Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Thực ra, cách nói cho phép DNNN bán vốn dưới mệnh giá là không chuẩn, mà bản chất ở đây là bán vốn theo giá thị trường. Vì hiện chưa có cơ chế cho phép DNNN được bán vốn theo giá thị trường, nên khiến quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cũng như CPH rơi vào bế tắc. Thực tế này đang đòi hỏi cần sớm ban hành và triển khai cơ chế cho phép DNNN được bán vốn theo giá thị trường, trong đó đương nhiên có các khoản phải chấp nhận thua lỗ. Với việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, chủ sở hữu, lãnh đạo DNNN dù muốn hay không, cũng phải tuân theo luật chơi của thị trường, chứ không thể áp đặt ý chí chủ quan muốn lãi là có lãi, lỗ là sẽ lỗ. Với nhiều khoản đầu tư ngoài ngành tại không ít DNNN hiện nay, thực tế đang đặt ra cho chủ sở hữu và lãnh đạo DNNN phải lựa chọn giữa một bên là chấp nhận lỗ ít, nhưng sớm hoàn thành mục tiêu chấm dứt đầu tư ngoài ngành, với bên còn lại là đối mặt với nguy cơ lỗ nhiều, thậm chí mất vốn, chứ không thể duy ý chí chờ hòa vốn, thậm chí có lãi mới bán vốn.

Tuy cơ chế này trước mắt khiến DNNN lỗ khi thoái vốn, nhưng cái mất sẽ nhỏ hơn cái được là sớm buộc DNNN chấm dứt đầu tư ngoài ngành, qua đó tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, gia tăng tính minh bạch trong hoạt động, đồng thời mở rộng dư địa phát triển cho thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy xuất hiện các cơ hội kinh doanh mới. Đây sẽ là một trong những điểm cốt yếu để chứng tỏ quá trình tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty được khởi động với những bước đi thực chất bằng những giải pháp mạnh chưa từng có tiền lệ.

Hữu Hòe

đtck





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của tập đoàn EVN là 479 ngàn tỷ đồng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 26/4/2024 phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025...

Giá vé máy bay Hà Nội - TPHCM giảm mạnh

Sau khi các hãng hàng không tăng chuyến, giá vé chặng bay vàng Hà Nội - TPHCM bắt đầu hạ nhiệt, giảm một nửa so với đợt sau Tết Âm lịch.

Bắt cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương 

Ngày 26/04, nguồn tin từ Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Tiến...

Quý 1/2024, doanh thu của Viettel Global tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 22%, lợi nhuận sau thuế tăng 175%

Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VGI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm 2024. Theo đó, doanh thu của Viettel Global tiếp tục...

Đốn hơn 400 cây xanh để xây metro số 2: TPHCM trồng số lượng lớn cây thay thế

Thông tin về việc đốn hạ hơn 400 cây xanh làm Metro Bến Thành - Tham Lương, đại diện Sở Xây dựng khẳng định TPHCM sẽ trồng mới cây xanh sau khi hoàn tất việc thi...

Bộ trưởng Công Thương: Mua giá 0 đồng điện mặt trời mái nhà dư thừa để ngăn trục lợi chính sách

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giải thích về giải pháp giá 0 đồng đối với điện mặt trời mái nhà trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia. Bộ trưởng Công Thương...

Doanh nghiệp giảm được gần 15% tiền điện từ việc điều chỉnh phụ tải

Một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

Việt Nam chỉ có 18 tháng để tham gia cuộc đua bán dẫn

Đây là phát biểu của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn”, tổ chức vào chiều ngày...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Kết luận tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” tổ chức vào chiều ngày 24/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phải coi...

Đề xuất 'gói' giải pháp gỡ khó cho dự án BOT giao thông triển khai trước khi có Luật PPP

Đây là kiến nghị của một số bộ, ngành tại cuộc làm việc về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98